VÕ LỰC CHỈ ÐẺ RA BẠO LỰC

 

Hà Nhân

 

Tin các báo và truyền thông quốc tế cho biết Thủ Tướng CSVN Phan Văn Khải vừa ký một nghị định chỉ thị cho bộ Công An của ngụy quyền Hà Nội áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để tránh những xáo trộn trong thời gian Ðại Hội Ðảng CSVN lần thứ 9 dự trù họp vào tháng 4 tới đây. 

Nghị định này mang số 998, được đăng tải trên báo Pháp Luật của bộ Tư Pháp mà đến ngày Thứ Sáu 23/3/01 chưa thấy đăng trên tờ Nhân Dân, có lẽ để tránh bớt phản ứng của dư luận. Mục đích chính của nghị định là thúc đẩy các biện pháp cứng rắn để ngăn ngừa và đối phó với làn sóng phản kháng vì bất mãn của nông dân có thể sẽ xảy ra tại hai thành phố lớn là Sài Gòn và Hà Nội, đặc biệt trong dịp đại hội đảng CSVN, từ nay đến hết tháng 4.

 

Văn bản này chỉ định bộ Nội Vụ thiết lập kế hoạch chi tiết để chận đứng những cuộc biểu tình gây mất ổn định xã hội và trật tự công cộng trong các tuần lễ có đại hội đảng. Ðồng thời văn kiện do ông Khải ký còn hối thúc bộ Công An phải giải quyết tất cả các thỉnh nguyện và khiếu tố quan trọng mà trung ương chưa duyệt xét của nhân dân trước khi đại hội khai mạc.

 

Lời đe dọa của nghị định 998 nói rằng mọi lạm dụng quyền thỉnh nguyện và khiếu tố gây ra nhiễu loạn công cộng sẽ bị trừng trị và sự không hài lòng với cách đáp ứng của chính quyền đối với thỉnh nguyện của mình không phải là lý do hợp pháp để phản kháng.

 

Trong hơn 10 năm gần đây, nhân dân các vùng xa xôi thường hay kéo về Hà Nội đến tận tư gia các lãnh tụ hàng đầu trong đảng và chính quyền để trao tận tay đơn từ thỉnh nguyện hay khiếu tố về những vụ việc mà địa phương không phân xử hoặc phân xử không công bình. Trong xã hội nào cũng vậy, các quan lớn thường không muốn bị quấy rầy trong giờ bận rộn công vụ hay đang nghỉ ngơi cạnh vợ con. Chỉ có điều khác nhau là quan lớn trong chế độ Cộng Sản thường ra vẻ thân dân, vì dân, do dân và từ dân mà ra nhưng rất hách dịch trên thực tế. Còn quan lớn trong các chế độ khác không nói hoặc nói ít hơn nhưng mềm mỏng với dân vì họ sợ báo chí và dư luận.

 

Ðể tránh những vụ quấy rầy này, nghị định mới quy định rằng những ai đến tận tư gia của viên chức hoặc văn phòng của các cơ quan đảng và chính quyền để xin giải quyết nguyện vọng hoặc khiếu tố đã được giải quyết hợp lý, sẽ bị truy tố ra tòa.

 

Nghi định 998 nói rõ sẽ truy tố cả những kẻ xúi giục, cưỡng bách hoặc đánh lừa người khác khiếu tố. Và dường như ông Khải quên phứt đi mất rằng miệng ông ta và những ông lớn khác luôn luôn khoe khoang rằng "CHXHCNVN" là một chế độ dân chủ khi nghị định 998 mà ông ta ký có đoạn nói rằng những sự chỉ trích các lãnh tụ đảng và chính quyền sẽ không được dung thứ trong thời gian đại hội nhóm họp. Và kẻ nào nói xấu cán bộ viên chức đảng và nhà nước mà gây ra nhiễu loạn xã hội và trật tự công cộng cũng sẽ bị truy tố ra tòa.

 

Trái với vẻ bên ngoài cố tỏ ra bình thản trước các biến động, các lãnh tụ đảng CSVN đã thực sự lo ngại về tình hình bất ổn do nông dân và tín đồ các tôn giáo gây ra. Trong thời kỳ đại hội đảng những lần trước, ngụy quyền CSVN vẫn có những chiến dịch dọn dẹp các phần tử xấu, làm sạch xã hội, tạo không khí ổn định cho đại hội theo đúng bài vở có sẵn. Nhưng kỳ đại hội lần này có nhiều vấn đề gây khó khăn rộng lớn hơn.

 

Trước hết là tình hình nội bộ lủng củng trong việc sắp xếp nhân sự. Tuy không công bố nhưng tình trạng chưa "nhất trí" về ngôi vị trên bàn cỗ cao nhất của ngôi đình XHCN đã được chính các nguồn tin có thẩm quyền trong trung ương đảng bật mí. Cùng lúc, rõ ràng có sự chia rẽ quan điểm gìữa các phe phái trong trung ương đảng về những chủ trương, đường lối khác nhau đối với cuộc cải cách kinh tế, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, hoặc theo Mỹ và Trung Cộng mỗi bên bao nhiêu...

 

Bên cạnh những khó khăn trong nội bộ đảng là tình hình quần chúng chống đối. Những vụ phản kháng đang xẩy ra ở vùng Phật Giáo Hòa Hảo; những cuộc biểu tình của đồng bào Thượng ở ba tỉnh cao nguyên Trung Việt; cuộc biểu tình ở Hà Nội của khoảng 500 đồng bào thiểu số các tỉnh Lai Châu, Lào Kay, Sơn La; cuộc phản kháng của Linh Mục Nguyễn Văn Lý và những tập thể Phật Giáo cũng như Thiên Chúa Giáo ủng hộ Cha Lý; tất cả đã tạo ra một không khí căng thẳng trong đảng.

 

Trong điều kiện bình thường, CSVN thẳng tay đàn áp mau chóng đối với những vụ lẻ tẻ nhưng có hậu quả không tốt. Nếu gặp những vụ biến động rộng lớn, họ thường áp dụng chiến thuật "tiên lễ hậu binh" nghĩa là nhượng bộ ở mức đủ để làm dịu cường độ của biến cố, để sau đó mới thẳng tay trừng trị. Trong lịch sử đảng CSVN, những bài học này đã được áp dụng nhiều lần.

 

Tại Quỳnh Lưu trong cuộc nổi loạn năm 1956 là một thí dụ. Lực lượng quân sự chờ đợi dịp thuận tiện nhiều tuần lễ mới tổng tấn công tước khí giới của dân quân nổi dậy. Trong nhiều tháng kế tiếp, cán bộ tuyên vận được điều động đến sinh hoạt với từng gia đình để giải thích và tuyên truyền chính sách của đảng, vừa để trấn an dân chúng mà cũng là để dò xét từng phần tử có vai trò tích cực trong cuộc phản kháng võ trang. Sau đó chừng ba đến sáu tháng, những phần tử chủ động nổi dậy mới bị bắt giam và ách kềm kẹp mới được siết chặt hơn.

 

Khi vụ nông dân năm huyện ở Thái Bình biểu tình và trừng trị bọn cán bộ địa phương lạm quyền và tham nhũng năm 1997, trung ương đảng lúc đầu cũng phủ dụ an ủi dân chúng, truy tố hơn 40 cán bộ đảng và chính quyền cơ sở mà tội lỗi quá rõ ràng không thể che giấu nhằm nhượng bộ dân. Khi tình hình đã dịu bớt, mới đến lượt những phần tử quần chúng có vai trò chủ động trong cuộc phản kháng bị trừng trị.

 

Trong những biến cố hiện nay từ vụ Cha Lý đến vụ đồng bào Thượng nổi dậy và những cuộc phản kháng của đồng bào Phật Giáo Hòa Hảo ở miền Tây, tình hình có nhiều khác biệt so với nhiều năm trước đây.

 

Dân trí cao hơn và biết rõ những ngón nghề mà CSVN thường áp dụng. Dư luận quốc tế khắt khe, chế độ CSVN không thể mặc sức tác oai tác quái, bưng bít như xưa mà không bị chế tài bởi các cường quốc và cộng đồng thế giới.

 

Nghị định 998 không có gì hoàn toàn mới lạ. Hà Nội xưa nay cũng vẫn áp dụng những biện pháp khắt khe như vậy để chống nhiễu loạn. Duy có điều đặc biệt là những chỉ thị trong văn kiện này nhấn mạnh đến những biện pháp rất phản dân chủ mà xưa nay đảng và chính quyền CSVN không hề nói rõ có lẽ vì dẫu sao giới lãnh tụ CSVN cũng còn chút liêm sỉ.

 

Nay tình hình nghiêm trọng từ nội bộ đảng đến ngoài quần chúng, hai chữ liêm sỉ có thể bị tạm gạt qua một bên vì an ninh chính trị và sự sống còn của đảng có ưu tiên cao nhất. Do đó, có thể Hà Nội sẽ thẳng tay dùng võ lực để trấn áp như BắcKinh đã làm ở Thiên An Môn vì họ tin tưởng rằng dùng chiến thuật lì lợm như Bắc Kinh sẽ là cách đối phó thành công với Mỹ và Tây Phương.

 

Chưa biết giữa nhân dân Việt Nam yêu tự do dân chủ và nhóm lãnh đạo đảng CSVN ai sẽ thắng trong keo vật lộn này. Nhưng có điều chắc chắn là võ lực, khi được dùng để củng cố và duy trì một chế độ bạo ngược, sẽ chỉ làm phát sinh bạo lực từ phía nhân dân để chống lại. Bạo lực sẽ gây đổ máu, điều mà các tín đồ tôn giáo - Phật Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Cao Ðài - đều coi là trái với giáo lý, nhưng sẵn sàng chấp nhận để bảo vệ tín ngưỡng của mình.  Ðó là điều đáng lo cho dân tộc Việt Nam.

 

 Hà Nhân