VẬN KHỨ ÐÀNH ẨM HẬN

 

Hà Nhân

 

Tin từ báo chí và thông tấn xã quốc doanh từ Hà Nội cho biết Hội Nghị kỳ 11 Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN lần thứ hai để chuẩn bị cho Ðại Hội Ðảng toàn quốc lần thứ 9 đã bế mạc và sẽ họp hội nghị này kỳ thứ 12 để duyệt lại lần chót các nghị quyết sẽ đưa ra trước Ðại Hội 9 khai mạc ngày 19/4/2001.

 

Hội nghị chính thức loan báo quyết định áp dụng kỷ luật đối với một số cán bộ cao cấp. Biện pháp cảnh cáo: Ðoàn Văn Kiển, ủy viên trung ương, tổng giám đốc Công Ty Than; Hoàng Ðức Nghi, ủy viên trung ương, bộ trưởng, chủ nhiệm ủy ban Dân Tộc và Miền Núi; Hà Quang Dự, ủy viên trung ương, bộ trưởng chủ nhiệm ủy ban Thể Dục, Thể Thao. Nặng nề hơn là kỷ luật khiển trách về trách nhiệm quản lý đối với Phạm Văn Trà, ủy viên Bộ Chính Trị, bộ trưởng Quốc Phòng; và Lê Văn Dũng, ủy viên trung ương, tổng tham mưu trưởng quân đội.

 

Ðây là biến cố đáng lưu ý vì khi đảng công khai loan báo áp dụng kỷ luật đới với hai nhân vật quan trọng trong lực lượng võ trang là Phạm Văn Trà và Lê Văn Dũng, hẳn phải có nguyên do không bình thường. Cả hai đều là cấp tướng, riêng ông Trà còn là ủy viên Bộ Chính Trị. Chức vụ tổng tham mưu trưởng là một trong 3 chỗ quan trọng ngang nhau trong tổ chức quân đội CSVN (Tổng Cục Trưởng Chính Trị, Tổng Cục Trưởng Hậu Cần và Tổng Tham Mưu Trưởng). Bộ trưởng Quốc Phòng có quyền hạn đáng kể chỉ thua ban thường vụ đảng ủy quân đội.

 

Cung cách loan báo vụ các vụ kỷ luật không nói rõ lý do và lỗi lầm cụ thể mà các nhân vật được làm dê tế thần này mắc phải, nên ngay lúc này chưa thể phỏng đoán đây có phải là một cuộc thanh trừng hay không. Có thể đúng như thế, vì theo truyền thống của đảng CSVN, một khi đã lọt được vào cơ cấu trung ương nhất là bộ Chính Trị, thì các thành viên thường vì quyền lợi và uy tín chung mà bảo vệ nhau tích cực trừ phi đối với kẻ vi phạm luật pháp hoặc đảng quy một cách nặng nề và trắng trợn không thể bưng bít.

 

Giữa lúc này, những vụ xáo trộn ở Cao Nguyên Trung Việt, tại Huế và tại vùng Phật Giáo Hòa Hảo cùng những vụ biểu tình lẻ tẻ ở nhiều nơi làm cho các lãnh tụ cao cấp và ủy viên trung ương khá lo ngại. Những biến cố ngày càng gay go này thế nào cũng ảnh hưởng đến đại hội đảng.

 

Rất có thể sẽ còn nhiều thay đổi quan trọng sau hội nghị trung ương 12 và nhất là sau đại hội 9. Ðảng CSVN phải chấp nhận những thay đổi này để cứu nguy cho bản thân giới lãnh tụ và đảng của họ. Cái thời kỳ vàng son nhờ phét lác của đảng CSVN đã đi qua và không bao giờ còn trở lại.

 

Ðại hội đảng CSVN kỳ này có thể là một nỗ lực to lớn để cứu vãn tình thế bế tắc về đường lối cai trị và ngoại giao. Nhưng có thành công hay không còn tùy thuộc vào một yếu tố mà giới chính trị thế giới nhiều người tin rằng có căn bản khoa học. Ðó là vận hội của một chế độ. Vận hội đó cũng như vận hội kinh tế, có nhiều khi không thể giải thích cũng như không thể quyết đoán vì những yếu tố tiềm ẩn và bất ngờ khó thấy trước.

 

Một trong những khía cạnh nhân sinh quan của người Việt Nam coi sự việc trên đời phải diễn biến tuân theo qui luật tuần hoàn mà mỗi giai đoạn hay thời kỳ của cuộc sống là "thời vận." Thời vận, hay vận may, vận rủi xoay vần liên tiếp. Kinh Dịch, một tác phẩm quan trọng và là tinh hoa của văn hóa Ðông Phương là tiêu biểu một phần của quan niệm "thời vận."

 

Người Việt thường có câu tục ngữ theo Kinh Dịch "Qua cơn bĩ cực tới tuần thái lai." Qua khỏi thời kỳ xấu, bế tắc, sẽ đến thời kỳ may mắn, tốt lành. Ðại khái theo hiểu biết thô thiển của bình dân là như vậy.

 

Vận hạn và chu kỳ vận hạn không những được dùng để chiêm nghiệm lúc hưng thịnh, khi suy vong của một đời người, mà còn được dùng cho cả trường hợp tồn vong và thăng trầm của một chế độ, một triều đại. Theo quan niệm này, khi thời vận tốt đã hết thì không thể nào cứu vãn, níu kéo lại những may mắn, thành công đã có của nó.

 

Triết thuyết này biểu lộ rõ nhất trong Tam Quốc Chí. Tác giả hay các tác giả của bộ dã sử tiểu thuyết nổi tiếng này của Trung Hoa đã đặt một phần tác phẩm trên căn bản "mệnh trời""thời vận." Khổng Minh, người được coi là có tài tiên tri, biết trước vận mệnh nhà Hán đã hết, không thể khôi phục được. Nhưng nhà quân sư này còn được gọi là Gia Cát Lượng, tiếp tục tích cực phò Lưu Bị, dòng dõi chính thống của nhà Hán vì tình nghĩa với nhà Hán cho đến khi ông qua đời.

 

Khi người ta thất bại mà tự thấy không phải vì mình bất tài mà vì rủi ro, không may mắn, thì có thể than thở rằng "Thời lai đồ điếu thành công dị, Vận khứ anh hùng ẩm hận đa." (Gặp thời kẻ hèn mọn - đồ điếu: dân đi câu kiếm ăn - dễ thành công. Lỡ vận thì kẻ anh hùng phải nuốt hận nhiều.) Thơ của Trần Ðế Quý Khoách (?) khi bôn ba khôi phục nhà Trần.

 

Vì quan niệm như vậy nên nhiều người có thể tự an ủi mình để không nản khi gặp ngăn trở trên đường đời và không kiêu căng tự thị khi thành công, thắng lợi. Nhiều cấp chỉ huy quân sự bản chất khiêm nhường khi thắng một trận lớn không coi đó là do tài năng của mình và thường cho rằng đó là do vận may, hoặc vì kẻ địch lỡ vận và gặp phải vận rủi. Nhưng khi thua trận thì những con người này lại tự nhận là mình bất tài mà không đổ lỗi cho thời vận.

 

Ðó là sự khác biệt của người thức giả với kẻ thất phu. Nói rộng hơn, người thức thời, biết điều, biết lúc tiến thoái thường hành động hợp thời vận nhưng sẵn sàng chấp nhận lẽ thịnh suy. Khi lên voi không kiêu, khi xuống chó không nản. Vì thế mà họ không manh động.

 

Nền dân chủ Hoa Kỳ sở dĩ bền vững, ít trục trặc nhất trong các nước dân chủ Tây Phương có thể một phần là nhờ ý thức của giới lãnh đạo xã hội Mỹ biết tự chế. Mỗi vị tổng thống từ Washington đến tổng thống thứ 31 là ông Hebert C. Hoover (1929-1933) tuy không bị Hiến Pháp hạn chế nhưng tất cả đều chỉ ứng cử 2 nhiệm kỳ mà không mưu tìm làm tổng thống trên 8 năm. Lệ này được các vị tự ý chấp nhận vì cho rằng một nhân vật lãnh đạo chỉ phát tiết tài năng và lòng nhiệt thành trong 8 năm là vừa phải. Cầm quyền lâu quá tất "hết nhựa," chỉ tổ làm hại dân.

 

Tổng Thống thứ 32, Franklin D. Roosevelt trúng cử nhiệm kỳ 3 và có thể sẽ đắc cử nhiệm kỳ 4 nếu ông không mất sớm gần 1 năm trước khi dứt nhiệm kỳ 3 năm 1945. Ngay sau đó vào năm 1951, Tu Chính Án thứ 22 chỉ cho phép một công dân được làm tổng thống 2 nhiệm kỳ mà thôi.

 

Tuy nhiên ở các nước chậm tiến thì phần nhiều các vị lãnh đạo hễ lên nắm một chức vụ lớn thường không muốn rời bỏ dù đã cai trị hàng chục năm, hoặc được bè phái tôn làm tổng thống suốt đời cho tiện... Riêng trong chế độ Cộng Sản, thì các nhà lãnh đạo thường nhân danh lợi ích của quốc gia mà ngồi lì. Vào thời ấy, một ông Phạm Văn Ðồng làm thủ tướng liền tù tì gần 40 năm là điều mà không đảng viên nào thắc mắc nhờ hệ thống tuyên truyền nhồi sọ. Tuy nhiên chính miệng ông ta từng nói rằng "làm thủ tướng nhưng chẳng có quyền hạn gì." Có lẽ vì thế mà ông giữ được kỷ lục thế giới về làm nghề thủ tướng lâu nhất.

 

Từ khi các ông Lê Duẫn, Trường Chinh kéo nhau ra đi, còn ông Ðồng nghỉ hưu thì bọn đàn em chẳng ai được đề cao ở mức tương tự. Nên vì vậy mà lâu lâu lại có sự thay đổi giữa những lãnh tụ đàn em không có danh tiếng gì.

 

Nếu có thể tin vào thuyết "thời vận," thì một nhà báo Anh đoán đúng. Khoảng năm 1984, đài BBC có truyền đi một phóng sự của một ký giả Anh sang thăm Việt Nam trở về. Ông ta nói đại khái rằng "Vào giờ phút chiếc chiến xa T-54 của quân Bắc Việt tiến vào Dinh Ðộc Lập hôm 30/4/1974 thì đó là điểm cực cao sức mạnh của Cộng Sản và từ đó Cộng Sản bắt đầu đi xuống (không thể quay lại được nữa).

 

Phải chi các lãnh tụ đảng CSVN hiểu rõ điều đó để họ tự tìm đường từ bỏ quyền hành mà họ không đủ sức sử dụng đúng đắn cho một chế độ dân chủ tự do thực sự thì may mắn cho nhân dân và đất nước biết bao. Ðừng quậy nữa, đừng níu kéo địa vị nữa khi đã hết vận hội thuận lợi. Và nên xuống ngựa sớm để tránh tai họa cho họ và các đồng chí của họ. Cả chủ nghĩa Cộng Sản lẫn các lãnh tụ CSVN đã "hết nhựa" từ lâu rồi.

 

 Hà Nhân