VN trước áp lực của các cuộc biểu tình

đòi công bằng

Phạm Trần

Hoa Thịnh Đốn.- Tình hình Xã hội Việt Nam bây giờ, dưới mắt Hà Sĩ Phu, là một đống "bùn nhão" lùng bùng không ra thể thống gì cả. Ông viết :" Đám bùn nhão là một thể vô định hình nên đương nhiên không thể tự đứng lên thành một hình dạng nào cả. Ý định muốn cho nó có hình dáng đàng hoàng nay có khi chỉ là ảo tương." (Trích thư gửi Ộ Nguyễn Gia Kiểng, nhóm Thông Luận).

Nhận xét của nhà tranh đấu dân chủ Hà Sĩ Phu, đang bị giam lỏng ở Đà Lạt đưa ra cách nay hai năm vẫn có giá trị hôm nay khi đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục lăn lộn trong vũng bùn nhầy nhụa của hàng lậu, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cán bộ sa sút đạo đức, mất định hướng tư tương và càng ngày càng có nhiều dân kéo về Hà Nội đòi công bằng xã hội.

Tình trạng này đã phản ảnh trong Nghị quyết 8-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị công bố hôm 2-1 vừa qua ấn định "một số nghiệp vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới."

Lý do có thêm Nghị quyết này vì, theo lời Bộ Chính trị: "Trong những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm và các tranh chấp xẩy ra nghiêm trọng, diễn biến phức tạp", nhưng "chất lượng công tác tư pháp nói chung chưa ngang tầm yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân; còn có những trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan sai người vô tội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân."

Nhìn nhận của Bộ Chính trị không có gì mới mẻ vì từ lâu đội ngũ cán bộ tư pháp của Việt Nam đã chứng minh thiếu khả năng, không hiểu biết nhiều về luật và nhân dân không tin vào tòa án. Nhiều phiên tòa đã chứng minh lẽ phải luôn luôn nằm trong tay kẻ có tiền và có quyền. Rất nhiều nạn nhân đã bị biến thành thủ phạm và không thiếu người oan ngồi tù.

Tuy biết thế nhưng nhân dân vẫn đi biểu tình đòi công bằng, truy tố cán bộ hà hiếp, biển thủ công quỹ, tham nhũng, lạm dụng quyền hành bóc lột tài sản của nhân dân. Trước đây chỉ xẩy ra ở vài địa phương nay diễn ra gần như hàng ngày tại khắp xóm làng Việt Nam. Nhiều người của nhiều địa phương, kể cả trong nam đã phải lặn lội ra tận Hà Nội đòi công lý, ngay trước lăng Hồ Chí Minh, Quốc hội CSVN và trước cổng nhà Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Đảng.

Hà Nội gọi đây là những vụ "khiếu kiện đông người" nhưng không giải quyết mà lại đàn áp, bắt giam người biểu tình rồi đùn đẩy về địa phương. Cứ như thế hết năm này qua năm khác quả bóng pháp lý được đá đi đá lại giữa ông Trung ương và ông Địa phương làm người dân chết kẹt ở giữa.

Bằng chứng của tình trạngh pháp luật nhiễu nhương này đã xẩy ra ở Tỉnh Thái Bình cách nay ít năm khiến đảng CSVN phải coi đó là một vụ "gây ra nhiều nhức nhối". Nhưng vết thương Thái Bình tới nay tạm lành thì lại có nhiều vết thương khác rỉ máu. Nguyên nhân là do có nhiều phần tử trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo vẫn coi luật nước không bằng luật miệng của mình, tiếp tục coi dân là đám nô bộc bị trị.

Do đó mà 3 trong số 8 điểm được gọi là "nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới" của Nghị quyết vừa ban hành đã gây chú ý đến tình trạng cán bộ tư pháp của Việt Nam ngày nay, vì chúng chỉ lập lại những việc đã được Ban Chấp hành Trung ương nhắc đi nhắc lại bắt đầu từ năm 1977 dưới thời Đỗ Mười còn là Tổng Bí thư Đảng.

Nguyên văn 3 điểm của Nghị quyết mới là :

1) Nâng cao chất lượng hoạt động và đề cao trách nhiệm của các cơ quan và cán bộ tư pháp. 2) Tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện những chủ trương về cải cách, tổ chức và đổi mới hoạt động các cơ quan tư pháp đã được để ra trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa VII), Nghị quyuết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII) và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX. 3) Xây dựng đội ngũ cán bộ tu pháp trong sạch, vững mạnh.

Nội dung ba điểm, tuy vừa được lập lại, nhưng đã thể hiện một chùm "bất cập" không lối thoát của đội ngũ cán bộ, đảng viên chứ không riêng gì trong ngành tư pháp.

Quá khứ

Trong Nghị quyết lần thứ ba, khóa VIII, ngày 18-6-1997 đảng CSVN đã nêu ra đủ mặt yếu kém của đội ngũ này:

- Dao động, giảm sút niềm tin, nhận thức mơ hồ về chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội, hoài nghi đường lối của Đảng; có người do bất mãn cá nhân đi đến phản bội Đảng và lợi ích của nhân dân.

- Thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, buôn lậu, làm giàu bất chính, lãng phí của công; quan liêu, nhức hiếp dân, gia trương độc đoán; có tham vọng cá nhân, cục bộ, kèn cựa địa vị, cơ hội, kém ý thức tổ chức kỷ luật, phát ngôn và làm việc tùy tiện, gây mất đoàn kết nội bội nghiêm trọng.

- Nhiều cán bộ lãnh đạo không nghiêm túc tự phê bình và tiếp thu phê bình, tính chiến đấu kém. Có tình trạng nể nang, né tránh, không nói thẳng, nói thật với nhau, bằng mặt mà không bằng lòng.

- Trình độ kiến thức, năng lực lãnh đạo và quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới, nhất là về quản lý kinh tế thị trường, quản lý xã hội, luật pháp. Nhiều cán bộ lười học, lười nghiên cứu, một số học lướt chỉ cốt lấy được bằng cấp.

Đi sâu vào từng loại cán bộ, Nghị quyết này viết :

- Cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đoán thể : (....) Trình độ kiến thức, năng lực lãnh đạo và quản lý cón hạn chế. Một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt có biểu hiện chủ quan, thiếu dân chủ.

-Cán bộ lãnh đạo lực lượng võ trang : (....) Chủ yếu là lực lượng làm kinh tế, gìn giữ trật tự xã hội, bảo vệ pháp luật lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để buôn lậu, sách nhiễu, gây hậu quả nghiêm trọng.

- Cán bộ khoa học: (....) Một số cán bộ chưa say mê nghiên cứu khoa học, thiếu hoài bão lớn, chưa đem hết tài trí phục vụ đất nước, ít gắn bó với sản xuất và cơ sở, thiếu tinh thần hợp tác.

- Cán bộ quản lý kinh doanh: (....) Kinh nghiệm còn ít, năng lực còn hạn chế, tổ chức kinh doanh còn kém hiệu quả, quan hệ với nước ngoài còn nhiều sơ hở, mất cảnh giác. Không ít cán bộ chưa quán triệt đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng, nặng nề về kinh doanh đơn thuần, một số tham nhũng, thoái hóa, biến chất, xa hoa, lãng phí của công, làm giàu phi pháp.

Sau đó hai năm, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII), ngày 16-8-1999, dưới thời Lê Khả Phiêu, tuy không viết nhiều vào chi tiết nhưng nêu ra những tồn đọng chưa làm được của bộ máy hệ thống chính trị, nhất là bộ máy hành chính nhà nước còn "cồng kềnh, nhiều đầu mối, tầng nấc trung gian. Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và chế độ trách nhiệm của nhiều cơ quan và người đứng đầu chưa thật rõ, còn chồng chéo, cơ chế vân hành và nhiều mối quan hệ còn bất hợp lý; đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế cả về năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm."

Nghị quyết này viết :" Tình hình đó đã làm giảm hiệu quả công tác lãnh đạo của Đảng, làm yếu hiệu lực quản lý của Nhà nước; tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng...tăng lên, có mặt rất nghiêm trọng; trật tự kỷ cương bị vi phạm; sự tin cậy và gắn bó của nhân dân đối với hệ thống chính trị bị giảm sút."

Riêng trong lĩnh vực tư pháp thì Nghị quyết này chỉ thị :"Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ, tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiếm sát nhân dân tối cáo chỉ đạo việc sắp xếp hợp lý tổ chức của hai ngành kiếm sát và tòa án; sắp xếp các cơ quan điều tra, kiện toàn cơ quan thi hành án; tổ chức nghiên cứu, xây dựng đề án cụ thể về tổ chức, chức năng, thẩm quyến của các cơ quan kiếm sát, tòa án theo các định hướng đã đề ra ở Nghị quyết Trung ương 8 khóa VII, Nghị quyết trung ương 3 khóa VIII và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần này"

Viết như thế thì không còn gì rõ ràng hơn nữa. Thế mà ba năm sau, đầu năm 2002, Bộ Chính trị lại phải ra Nghị quyết lần nữa chỉ để nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải làm những việc chưa làm được thì còn gì để giải thích tại sao nhân dân vẫn còn phải "khiếu kiện đông người", vẫn còn phải lết thân ra tận hủ đô Hà Nội đến tận cổng nhà Nông Đức Mạnh và trước lăng Hồ Chí Minh để đòi công bằng?

Như vậy Đảng bất lực hay cứ để cho cán bộ dưới quyền rảnh tay bóc lột nhân dân rồi lại ra Nghị quyết nhắc nhở?

Tỷ dụ trước mắt

Báo Lao Động, trong số ngày 1-1-02 đã viết về một số vụ án của 4 loại tội phạm được gọi là "lừa đảo chiếm tài sản xã hội chủ nghĩa", "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản Xã hội chủ nghĩa", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân""lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân."

Dựa vào số thống kê của 55 tỉnh, thành phố từ tháng 1-2000 đến quý I/2001 của Viện kiếm sát nhân dân Tối cao thì có nhiều vụ bị công an bắt giam bừa bãị Riêng trong năm 2000, có 45 vụ án đã bị hình sự hóa phải thay đổi vì "không đủ hồ sơ khỏi tố hình sự".

Và trong số 3,321 vụ án thụ lý về 4 loại tội phạm kể trên, có 30 vụ với 33 bị can bị "hình sự hóa" được đình chỉ điều tra.

Bài báo của Thành Nam viết :" Nếu xét về số lượng, vi phạm trên của các cơ quan tiến hành tố tụng tuy không lớn, song xét về tính chất, trong số này có những vụ vi phạm nghiêm trọng không chỉ làm oan sai người vô tội, mà còn gây thiệt hại lớn về vật chất và làm ảnh hương đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật."

Hành động sai trái của cơ quan thi hành pháp luật nhà nước cho thấy cuộc điều tra trước khi bắt người đã không căn cứ vào luật pháp mà tùy nghi, tự tiện của người có quyền bắt người.

Việc làm phi luật pháp này cũng giống như quyền bắt người của các Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố ghi trong Nghị định 31/CP do Võ Văn Kiệt khi còn làm Thủ tướng ký. Việc làm của Kiệt đã bị nhiều người trong và ngoài nước lên án vì nó vi phạm quyền công dân đã ghi trong Hiến pháp năm 1992 của CSVN.

Ông Trần Khuê, nhà nghiên cứu chống Đảng và không tuân lệnh quản chế của Công an thành phố Hồ Chí Minh đã vạch ra những sai trái và vi phạm quyền công dân của Võ Văn Kiệt trong cuộc phỏng vấn của báo Công Lý ở trong nước.

Ông Khuê nói :" Tôi phản đối lệnh quản chế này vì nó căn cứ vào nghị định 31/CP do ông Võ Văn Kiệt ký hồi còn làm thủ tướng. Nghị định này đã bị nhiều người phê phán, trong đó có những người đấu tranh cho sự nghiệp dân chủ hóa đất nước phản đối vì nó vi phạm Hiến pháp. Nó giao cho các Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố quyền tùy tiện khép tội công dân rồi hạ lệnh quản chế, không cần thông qua thủ tục xét xử là thủ tục pháp lý thông thường mà bộ máy tư pháp bắt buộc phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt bộ luật Tố tụng Hình sự. Nghị định 31/CP đã biến Ủy ban nhân dân -một cơ quan hành pháp-thành một cơ quan tư pháp..." (Trích bài phỏng vấn của L. Mai Thanh báo Công Lý do Thông Luận đăng lại)

Ông Trần Khuê còn vạch ra trường hợp vi phạm quyền công dân của Phạm Thế Duyệt, hồi còn làm Ủy viên Thường vụ bộ Chính trị đã ký Quy định 19 điểm cấm đảng viên không được làm, trong đó nghiêm trọng hơn hết là điểm 7, nguyên văn :"Tự ý ứng cử hoặc tự nhận đề cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân,... khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền giới thiệu hoặc cho phép."

Như thế rõ ràng là Duyệt đã ngồi lên Hiến pháp. Điều 54, Hiến pháp 1992 viết:" Công dân không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trổ lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật."

Như vậy thì chuyện muốn ra ứng cử phải được "tổ chức đảng có thẩm quyền giới thiệu hoặc cho phép." như Quy Định 55-QĐ/TW, công bố ngày 12-5-1999, căn cứ vào luật nào?

Những bằng chứng này cho thấy tuy cái Nhà nước được gọi là "pháp quyền" của CSVN có nhiều bộ luật để nói là "bảo vệ quyền lãm chủ của nhân dân", nhưng việc diễn đạt và thi hành luật lại nằm trong tay kẻ có quyền.

Nhân dân có oan ức thì cứ việc biểu tình, khiếu kiện. Rát cổ, mỏi chân thì về nhà nằm nghỉ. Có đi thêm nữa cũng chỉ như đàn kiến đi kiện củ khoai mà thôi.