Việt Nam: 

Quá Ðộ Mãi, Vẫn Ì Ạch Một Chỗ

 

Trung ương loay hoay giải thích tư tưởng HCM, địa phương đòi đánh tham nhũng

 

Hoa Thịnh Ðốn.-    Cuộc chuẩn bị  đại hội IX của đảng Cộng sản Việt Nam (CSDVN) dự  trù vào mùa Xuân này đã đẻ ra ba vấn đề buộc Ðảng phải giải thích và đối phó : Tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lênin  khác nhau ở chỗ nào ; vấn đề chệch hướng của đội ngũ cán bộ, đảng viên  nghiêm trọng đến đâu; và mức độ đe dọa của tham nhũng , quan liêu và lãng phí đối với sống còn của chế độ.

 

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

 

Vấn đề này, từ hơn một năm nay,  đã được Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo  chỉ đạo bằng mọi cách chống quan điểm muốn tách tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi chủ nghĩa Mác - Lênin.

 

Lập trường bỏ  Mác - Lênin chỉ giữ  lại Hồ Chí Minh đã  được nhiều cán bộ lão thành cách mạng và có chức đưa ra trong các cuộc thảo luận về nội dung Bản dự thảo Báo cáo Chính trị.  Họ  yêu cầu Ðảng sửa lại câu :"Khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Ðảng..."

 

Những người này cho rằng ngay cả Nga sô, nơi chủ nghĩa Mác - Lênin sinh ra và tồn tại đến 70 năm, mà người ta còn bỏ đi vì  nó không đem lại cơm no áo ấm thì không có lý do gì mà Việt Nam, một nước đàn em làm theo, lại cứ  giữ  nó làm kinh chỉ nam.  Họ khuyên Ðảng chỉ nên giữ lại tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ.

 

Phe bảo thủ, giáo điều tuy thiểu số nhưng nắm guồng máy cai trị hiện nay đã đồng loạt vùng lên dùng mọi phượng tiện tuyên truyền bài bác ý kiến này. Họ nói rằng làm như vậy là muốn dẹp bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và muốn lật đổ đảng Cộng sản.

 

Phe cứng đầu lý luận: tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành từ truyền thống văn hóa của dân tộc và chủ nghĩa Mác - Lênin, và như thế, nếu bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin tức  phủ nhận luôn cả tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ hù họa : đây là âm mưu "diễn biến hòa bình" của "các thế lực thù địch".

 

Nhưng lối giải thích này nghe  chừng không lọt lỗ tai  nhiều người trong nước nên càng gần ngày đại hội Ðảng, khối tư tưởng - tuyên truyền đã tung ra nhiều bài viết bảo vệ quan điểm của Trung ương.

 

Hoàng Tùng, cựu Tổng Biên tập báo Nhân Dân viết trong Tạp chí Cộng sản số 3, tháng 2-2001:' Tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành từ tư tưởng, văn hóa truyền thống Việt Nam và chủ nghĩa Mác - Lênin, tinh hoa tư tưởng của nhân loại. Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là kim chỉ nam đối với tư tưởng, hành động của các thế hệ người Việt Nam chúng ta về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, về Ðảng, Nhà nước, về xây dựng quan niệm về thế giới, phương pháp cách mạng, phong cách công tác, đạo đức, lối sống, đạo làm gnười, làm chiền sĩ cộng sản..."

 

Song Thành, Phó Giáo sư của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng viết trong số  báo này :"Hồ Chí Minh trước khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và CNXH (Chủ nghĩa xã hội) khoa học đã từng biết đến tư tưởng dân chủ và XHCN (Xã hội chủ nghĩa) ở những mức độ khác nhau trong tư tưởng - văn hóa dân tộc và tư tưởng - văn hóa phương Ðông."

 

Và rằng :" Công lao của Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã từ chủ nghĩa yêu nước, từ truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và CNXH khoa học, hình thành quan niệm của mình về CNXH, thiết kế ra con đường với bước đi, cách làm của Việt Nam để biến lý tưởng đó, từ thuần túy là ước mơ, khát vọng, từng bước trở thành hiện thực trên đất nước ta. Có thể nói, con đường hình thành tư duy Hồ Chí Minh về CNXH ở Việt Nam là con đường từ dân tộc đến nhân loại, rồi tư nhân loại trở về dân tộc ở tầm cao hơn, dân tộc kết hợp với thời đại."

 

Song Thành đã dẫn người đọc đi lòng dòng, quanh co vào con đường sương mù mà không dám nhìn nhận Hồ Chí Minh là đệ tử của chủ nghĩa Cộng sản Mác - Lênin. Thật ra là ông Hồ đã mượn dân tộc để làm đẹp cho Mác-Lênin và tỏa hào quang cho mình. Bây giờ đến lượt đám hậu duệ như Song Thành lại muốn mở rộng thứ hào quang đã lu mờ trong nhân dân.

 

Song Thành viết tiếp :"Ngày nay, Ðảng ta nói mục tiêu của CNXH ở Việt Nam là "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", là xuất phát từ tư tưởng Hồ Chí Minh... Tuy nhiên không phải vì vậy mà cho rằng ngày nay chỉ cần nói 12 chữ đó là đủ; rằng để thực hiện chiến lược đại đoàn kết, để tranh thủ sự ủng hộ của đông đảo kiều bào ở nước ngoài, về chiến lược "hãy tạm thời gác lại khẩu hiệu chủ nghĩa xã hội".

 

Sở dĩ  Song Thành chống lại yêu cầu gác "chủ nghĩa xã hội" sang một bên vì sợ bỏ đi là mất hết chính nghĩa, không còn lý do cho đảng CSVN tồn tại. Song Thành  hỏi lại những người bảo đảng bỏ mấy chữ "chủ nghĩa xã hội" :"Ai cũng biết không có Ðảng Cộng sản nào thực sự được vũ trang bởi chủ nghĩa Mác - Lê-nin lại không công khai tuyên bố trong cương lĩnh và điều lệ của mình là lãnh đạo quần chúng nhân dân tiến hành đấu tranh nhằm lật đổ chế độ tư bản, thiết lập chế độ XHCN và cộng sản chủ nghĩa. Xây dựng CNXH là một ước mơ cao đẹp, là khát vọng ngàn đời của nhân loại, có gì mà phải che dấu ?"

 

"Vấn đề quan trọng phải làm rõ : đó là CNXH nào ? CNXH mà nhân dân ta đang phấn đấu xây dựng là CNXH theo tư tưởng Hồ Chí Minh, một CNXH kết hợp nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin với truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, cộng đồng ...của dân tộc Việt Nam; một XHCN đang thông qua đổi mới để khắc phục những khuyết tật do hiểu sai, làm sai, để CNXH ngày càng phát triển và hoàn thiện đúng với bản chất của nó."

 

Lập luận cố đấm ăn xôi của Song Thành có nhiều vấn đề, nhưng quan trọng nhất vẫn là: thế nào là XHCN theo tư tưởng Hồ Chí Minh ? Có phải nó là thứ XHCN đã được áp dụng ở miền Bắc từ năm 1954 và sau đó lan ra cả nước từ 1975 ?  Vậy tại sao những chủ trương của ông Hồ như là : " làm sao cho dân giàu, nước mạnh", "làm cho nhân dân lao động thoát khỏi nạn bần cùng", "mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do", "xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt", vẫn còn ở đâu đâu ?

 

Tất cả những thứ bánh vẽ này, sau 45 năm dưới quyền cai trị độc tôn của đảng CSVN, có bao nhiêu trong số  78 triệu người dân đã thấy chúng biến thành lúa gạo ?

 

Ngoài ra dù Cộng sản Việt Nam đã thắng "Pháp thực dân, Mỹ đế quốc", nhưng chủ nghĩa tư bản, chẳng những không bị những con người xã hội chủ nghĩa lật đổ mà nó còn sừng sững tồn tại và  phồn thịnh hơn bao giờ hết. Nhân loại vào cuối thế kỷ 20 chỉ thấy chủ nghĩa Cộng sản đã vỡ ra từng mảnh ở khắp toàn cầu cùng sự đổi màu của những nước xã hội chủ nghĩa, kể cả Nga !

 

Vậy  những "ước mơ cao đẹp" " khát vọng ngàn đời của nhân loại" vào chủ nghĩa xã hội có còn không, hay chỉ có những người cộng sản giáo điều, hủ lậu ở Việt Nam mới tin như thế ?

 

CHỆCH HƯỚNG

 

Từ mâu thuẫn tư tưởng, nhiều đảng viên  CSVN nghi vấn về đường lối lãnh đạo của Ðảng. Những người này, không phải là ít, đã bị Ðảng lên án chệch hướng tư tưởng,mất niềm tin,  suy thoái đạo đức cách mạng, tham nhũng, quan liêu, cá nhân chủ nghĩa, gây bè kết phái gây chia rẽ trong Ðảng và làm mất niềm tin của nhân dân vào Ðảng.

 

Nhưng đảng viên không cho là họ đã "chệch hướng tư tưởng" mà họ không còn tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cộng sản của Hồ Chí Minh nữa. Nhiều cuộc thảo luận từ Trung ương về miền quê, vùng xa cho thấy cán bộ không còn tha thiết thi hành mệnh lệnh của Trung ương hay Nghị quyết của Ðảng. Họ đã đồng loạt tùy tiện, liệu cơm gắp mắm cho phù hợp với nhu cầu tình thế hay làm cho xong chuyện.  Ðến nỗi bà Hòang Thị Ðịnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam đã than phiền các chỉ thị và nghị quyết từ trên đưa xuống đã biến thành "trên mưa, dưới hạn", chẳng ra làm sao cả. !

 

Cuộc thảo luận ở tỉnh Hà Nam còn bộc lộ vô số vấn đề vi phạm dân chủ, coi dân như bề tôi của cán bộ làm cho dân bất mãn, khiếu kiện như đã xẩy ra ở tỉnh Thái Bình trước đây. Ông Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch Hội nông dân huyện Bình Lục cho biết vi phạm dân chủ đang là vấn đề "nổi cộm" ở nhiều nơi, và nhiều nơi đã trở thành "điểm nóng".

 

Ðại biểu Hoàng Văn Hợp, Giám đốc Trường Chính trị tỉnh nói :" Chúng ta quan tâm nhiều vấn đề dân chủ mà đôi khi chưa thấy rằng yêu cầu "tập trung" trong nguyên tắc "tập trung dân chủ" cũng bị vi phạm. Tình trạng "trên bảo dưới không nghe", cán bộ cấp dưới chê cấp trên và không thực hiện mệnh lệnh, không chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết không phải là hiếm." (Nhân Dân, 2-3)

 

Hoàng Tùng, như đã trích dẫn ở trên, viết :"Sức mạnh của Ðảng bao giờ cũng thể hiện ở chất lượng đội ngũ đảng viên chứ không phải là số lượng. Một đảng to với nhiều triệu đảng viên chưa chắc đã là một đảng mạnh. Vì vậy, việc chọn lựa người vào Ðảng, nhất là vào các cơ quan lãnh đạo ở tất cả các cấp, các ngành, phải được hết sức coi trọng, chớ nên đơn thuần chạy theo số lượng, nặng về cơ cấu để đạt chỉ tiêu cho sự phát triển tính theo đầu người."

 

Lời khuyến cáo của "lão thành" Hoàng Tùng về việc tổ chức Ðảng, không chỉ có giá như một góp ý mà còn phản ảnh một tâm trạng lo âu về con số một triệu rưỡi đảng viên trẻ trong Ðảng. Liệu có bao nhiêu người trong số này đã vào Ðảng vì lý tưởng hay chỉ vì miếng cơm manh áo ? Liệu họ có bị nền kinh tế toàn cầu của tư bản chủ nghĩa làm sa ngã, chệch hướng tư tưởng để không còn trung thành với Ðảng như đang xẩy ra ở khắp nơi, khắp chốn ?

 

Văn Tiến Dũng, Ðại tướng về hưu, không phê bình trực tiếp vấn đề xuống cấp của cán bộ nhưng đã hô hào  phát triển đất nước ngày nay phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

 

Viết trong Tạp chí Cộng sản số 3 (2-2001), viên tướng chỉ huy cuộc tấn chiếm Sài Gòn năm 1975 cho rằng lạc hậu, nghèo nàn, tụt hậu kinh tế, chệch hướng sang con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch và tình trạng tha hóa, biến chất của bộ máy đảng và nhà nước đều quấn quyện lấy nhau gây nguy hại cho chế độ.

 

Dũng viết :" Những mâu thuẫn nêu trên tính chất không giống nhau, đồng thời lại có quan hệ mật thiết với nhau. Khó mà nói nguy cơ tụt hậu xa hơn là nguy cơ lớn nhất. Bởi nếu giải quyết mâu thuẫn trong sự phát triển đất nước tách rời giải quyết mâu thuẫn trong sự mất còn của chế độ, một chiều chạy theo sự phát triển cao của chỉ số GDP (Gross Domestic Product:Tổng sản lượng hàng hóa ở trong nước) chẳng hạn, thì đất nước có thể phát triển nhưng chế độ xã hội chủ nghĩa không còn."

 

Dũng viết tiếp :"Xử lý những vấn đề này là giải quyết mâu thuẫn trong sự mất còn của chế độ xã hội chủ nghĩa - giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, thuộc phạm trù qun hệ sản xuất (theo nghĩa rộng, bao gồm chế độ chính trị - xã hội)."

 

Theo Dũng thì phải gắn liền sản xuất với chủ nghĩa xã hội vào việc " phát huy tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, tạo điều kiện ngăn ngừa và khắc phục những nguy cơ khác : những quan điểm chính tri sai lầm, những sự mơ hồ, giao động, chệch choạng và chệch hướng sang chủ nghĩa tư bản, âm mưu "diễn biến hòa bình" của địch, những biểu hiện thoái hóa, biến chất của bộ máy."

 

Sau khi vạch ra những nguy cơ mà Ðảng phải đương đầu, Dũng khuyên  Ðảng :"Ðể giành thắng lợi cho sự phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, đầy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chủ nghĩa xã hội, chính là phải nhận thức và xử lý đúng đắn các nguy cơ, kết hợp chặt chẽ giải quyết mâu thuẫn trong sự phát triển đất nước với giải quyết mâu thuẫn trong sự mất còn của chế độ xã hội chủ nghĩa."

 

Nhưng thứ xã hội chủ nghĩa bây giờ ở Việt Nam, theo lập luận của CSVN, vẫn chưa là phải là thứ ông Hồ Chí Minh và đảng này lý tưởng đạt được. Thứ xã hội chủ nghĩa mà đảng CSVN nuôi hy vọng phải là thứ chủ nghĩa đáp ứng được "khát vọng ngàn đời của nhân loại" cơ !

 

Nhưng đến bao giờ dân tộc Việt Nam mới được hưởng một chế độ tốt đẹp như thế ? Dũng trả lời  :"Do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ở nước ta còn rất thấp, nên nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ tương đối dài để đi lên chủ nghĩa xã hội." (!)

 

Nhưng "tương đối dài" là bao nhiêu năm thì cả Dũng lẫn Ðảng đều ngập ngọng lơ tơ mơ trong đám sương mù! Vì vậy mà đã có ý kiến yêu cầu : "cần nói rõ thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội có bao nhiêu chặng đường và mỗi chặng đường ước tính là mấy chục năm, chứ không phải lâu dài vô hạn định." (trích báo cáo của Ban Xây dựng Ðảng, Nhân Dân 5-3)

 

Ông Trần Ðình Quảng, Ðảng viên 54 tuổi đảng, nói thẳng :" Về thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường, cần nói rõ thời kỳ quá độ đó có bao nhiêu chặng đường và mỗi chặng đường ước tính là mấy mươi năm chứ không phải lâu dài "vô hạn độ" ? (Nhân Dân, 6-3)

 

THAM NHŨNG

 

Vấn đề này chiếm đa số trong các cuộc thảo luận từ Trung ương xuống địa phương. Ðâu đâu cũng có tham nhũng, cũng có các cán bộ có chức có quyền quan liêu, biển thủ công quỹ, lãng phí, và chỗ nào cũng chỉ có cấp dưới bị truy nã, xử tội còn cấp chỉ huy, cấp ra lệnh vẫn thêng thang mũ áo lên chức, lên xe!

 

Ban Xây dựng Ðảng của Trung ương báo cáo rằng, đa số ý kiến đòi đặt tham nhũng, quan liêu, thoái hóa biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong Ðảng và bộ máy Nhà nước lên hàng nguy cơ số một đang đe dọa sự sống còn của chế độ và Ðảng.

 

Báo cáo viết :" Về tham nhũng : cho rằng vấn đề này đã trở thành một quốc nạn, một nguy cơ tác động đến các nguy cơ khác, nhưng trong Văn kiện nêu còn nhẹ. Nhiều ý kiến cho rằng nên đưa nguy cơ tham nhũng thành nguy cơ số một trong Báo cáo chính trị."

 

Vẫn theo báo cáo này, các đảng viên còn phê bình Ðảng chưa mạnh, chưa cương quyết đánh tham nhũng, ngược lại "còn có tình trạng tự phê bình và phê bình qua loa "dĩ hòa vi quý". Một số địa phương và cả Trung ương trong Cuộc vận động này đã phát hiện những cán bộ, đảng viên vi phạm, nhưng xử lý chưa nghiêm; địa phương và cơ sở xử nặng, nhưng tỉnh và Trung ương xử nhẹ. Bởi vậy tham ô, tham nhũng không những không lùi, mà còn có nhiều hướng gia tăng."

 

Ðảng viên cũng đã nói thẳng với Ðảng :" Ðối tượng tham nhũng hiện nay tập trung ở những người có chức, có quyền, nắm các bộ, ngành kinh tế. Nông dân và công nhân lao động không có điều kiện để tham nhũng. Khi xác định rõ đối tượng, không nói chống chung chung thì mục tiêu chống tham nhũng mới đúng và đối tượng cần chống mới trúng."

 

Họ nói :" Hai năm qua, khi thực hiện Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, nhiều vụ án lớn được xét xử, mà đối tượng phần đông là cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Nhà nước, như Hải quan, Thuế vụ, Công an, cán bộ quản lý chính quyền... Nhưng số bị vào tù chỉ mới ở cấp thấp, còn cấp tỉnh, bộ và các ngành Trung ương là nơi cấp giấy, cấp lệnh, ra cơ chế tạo điều kiện (dù vô tình hay hữu ý) không một ai chịu trách nhiệm,thậm chí có cán bộ còn được thuyên chuyển, đề bạt. Nếu công tác tổ chức cán bộ cứ làm theo lối cũ thì khó có thể hỗ trợ và nhất định sẽ hạn chế kết quả của Cuộc vận động, chỉnh đốn Ðảng."

 

Trong cuộc thảo luận về Dự thảo Báo cáo Chính trị  của Ðảng bộ Tổng cục Cảnh sát Nhân dân ngày 22-2 tại Hà Nội, nhiều ý kiến chống tham nhũng đã nêu lên. Nguyễn Hòa Bình, Trung tá, Phó Cục trưởng Cảnh sát kinh tế nói :"Tham nhũng hiện nay phổ biến, tinh vi,nghiêm trọng hơn so với mười năm trước đậy, khi chúng ta coi đó là một nguy cơ. Về  chủ thể và phạm vi hoạt động cũng rất đa dạng, và vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia...Không nên để kéo dài tình trạng quyết tâm chống tham nhũng thì rất cao, nhưng trong từng vụ việc lại lừng chừng, không nhất quán." (Nhân Dân, 23-2-2001)

 

Ông Ngô Duy Cảo, cán bộ lão thành cách mạng nhận xét: "Thực tế của những năm qua đã chứng tỏ : tệ tham nhũng và suy thoái phẩm chất, ngày một trầm trọng có nguyên nhân cội rễ ở sự suy giảm lòng tin vào thắng lợi tất yếu của đường lối, chính sách và vào sự chỉ đạo, thực hiện đường lối chính sách, dẫn đến dao động, suy thoái, biến chất, tham nhũng, phản bội..." (Nhân Dân, 3-3-2001)

 

Ngoài những ý kiến có kèm theo danh tính người viết, nhiều ý kiến  khác chỉ trích Ðảng lại không thấy có tên tác giả. Chẳng hạn như ý kiến "Cần khắc phục tệ lãng phí" đăng trong Nhân Dân ngày 2-3, có đoạn viết :"Hiện nay tệ lãng phí đang xẩy ra ở mọi ngành, mọi cấp khắp các địa phương từ bộ máy hệ thống chính trị đến các tầng lớp nhân dân. Lãng phí thời gian là phổ biến nhất chẳng ai phê phán, Nhà nước cũng không có chính sách xử lý tệ lãng phí quy định thành tội danh và hình phạt cụ thể. Tệ lãng phí trong xây dựng, tiêu dùng không hợp lý, lãng phí sức lao động, thời gian, tiền của trong các hủ tục cúng tế, chè chén, mê tín quá mức."

 

"Chỉ riêng lãng phí trong xây dựng cơ bản hàng năm mất từ 20 đến 30 % tổng vốn đầu tư các công trình, tính ra Nhà nước và nhân dân thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Lãng phí còn xẩy ra ở một số cán bộ có chức, có quyền do quan liêu, vô tình hoặc cố ý ký quyết định đầu tư xây dựng sai phải phá đi, làm lại các công trình gây lãng phí hàng tỷ đồng."

 

Với ba vấn đề dao động chủ nghĩa, chệch hướng tư tưởng và tham nhũng được chính những người trong Ðảng nói ra, có ai trong hàng ngũ lãnh đạo  còn đủ can đảm để cam kết với  nhân dân rằng đảng của ông Hồ, sau 45 năm "quá độ lên xã hội chủ nghĩa" mà  nhân dân vẫn lầm than, chưa đủ cơm ăn áo mặc , sẽ "việc gì cũng làm tròn, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng", hay Ðảng này đã bất lực mà không dám thú nhận trước nhân dân ?

 

 Phạm Trần (3-01)