ƯỚC VỌNG VÀ THỰC TẾ

  

Hà Nội và các nước, tổ chức cấp viện trên thế giới tiếp tục giằng co về quốc doanh và tư doanh để quyết định số tiền viện trợ cho Việt Nam trong tài khóa 2002. Hàng năm, các cuộc thảo luận về cấp viện thường diễn ra vào tháng 6 và 11. Ngày 15-11 tại Ðông Kinh, 36 quốc gia và cơ quan quốc tế sẽ chung quyết tổng số cấp viện cho Việt Nam đã được bàn thảo giữa tháng 6 tại Hội An, Ðà Nẳng.  

Nhật Bản là nước cấp viện nhiều nhất, tiếp theo là Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á Châu.  

Năm ngoái, Việt Nam đã tháo khoán được 1.5 tỉ mỹ kim trong số 2.8 của nhóm cấp viện. Dự trù năm nay tháo khoán chỉ được 1.2 tỉ mỹ kim.  

Tại Hội nghị giữa tháng 6 ở Hội An đã đánh giá tình hình kinh tế thế giới sẽ tác động đến Việt Nam, tán đồng chủ trương đổi mới của Hà Nội nhưng ngờ vực vẫn tràn đầy.  

Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Andrew Steer phát biểu 2 ngày sau hội nghị “Chỉ số phát triển của thế giới ít hơn 1/2 so với năm ngoái sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam trong năm nay”. Theo Reuters ngày 14-6.  

Hội nghị đã đồng ý chủ trương đổi mới từ từ của Hà Nội qua lời phát biểu của ông Steer “Sau 3 năm thúc dục nhà cầm quyền cộng sản hành động mau lẹ hơn, bây giờ, các thành viên cấp viện đã chấp thuận phương pháp tiệm tiến của Hà Nội trong việc tự do thương mại, cải tổ hành chánh, ngân hàng và xí nghiệp quốc doanh”. Theo AFP ngày 20-6.  

Ðây là điểm gây ra tranh cãi gay gắt giữa Hà Nội và phe cấp viện tại Hội nghị Ðà Lạt năm ngoái. Ông Steer giải thích sự nhượng bộ “Một trong những lý do mà chúng tôi lượng giá tích cực là vì họ đã có những chương trình cụ thể”.  

Mục tiêu làm tăng gấp đôi nền kinh tế trong thập niên này của Việt Nam đòi hỏi tỉ lệ đầu tư ở mức 30% so với tổng sản lượng nội địa (GDP) cao hơn 25% trong 10 năm qua.  

Tuy nhiên sự ngờ vực tiếp liền “Vấn đề bây giờ là các chương trình đó phải được thực thi nghiêm chỉnh. Việt Nam phải thực sự cải tổ từ tháng này qua tháng khác.. Nếu không, có thể mất tín nhiệm và nguồn đầu tư”.  

Sự ngờ vực lan rộng trong giới kinh doanh.  

Cao Minh Trúc, Chủ tịch Hiệp hội doanh gia trẻ ở Hà Nội nhận xét “Cơ quan nhà nước luôn luôn nghĩ rằng công ty tư nhân không chịu tuân hành luật lệ một cách thích đáng. Tuy nhiên, có nhiều điều lệ không xứng hợp”.  

Tim Rienold của Phòng Thương mại Hoa Kỳ phát biểu “Chúng tôi đang tìm kiếm những dấu hiệu rõ ràng từ chính phủ Hà Nội để tiếp tục đóng góp”. Theo Washington Post ngày 14-6.  

Hà Nội rất cần được cấp viện nhưng đã sử dụng 2 yếu tố chính nhằm làm cho các thành viên cấp viện phải nhượng bộ. Một là, Hà Nội dựa vào số tiền 2 tỉ mỹ kim hàng năm của người Việt hải ngoại cứu trợ thân nhân quốc nội và 1.2 tỉ do người đi lao động ở nước ngoài gởi về. Trên 3 tỉ mỹ kim tiền chùa đủ cho Cộng sản Việt Nam tô son điểm phấn. Hai là, Hà Nội đang nối lại các mối làm ăn buôn bán với các quốc gia từng nằm trong khối Cộng lại tránh được sự cạnh tranh quá dưới cơ khi trực diện với các công ty tư bản.  

Các quốc gia và tổ chức cấp viện đã đưa ra những điều kiện rõ ràng.  

Ông Steer nhấn mạnh khi trả lời báo Quân đội nhân dân “Việt Nam đã có chính sách hấp dẫn đầu tư ngoại quốc hơn so với 10 năm trước. Tuy nhiên, ..phải bảo đảm có sự minh bạch, được tiếp cận với thông tin.. quan chức địa phương chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư .. phải quản lý bằng pháp luật.. qui chế, luật pháp cần hài hòa thống nhất với nhau”.  

Ông Reinold nhận xét “Khu vực tư nhân ngoại quốc cũng như nội địa là yếu tố tốt nhất để tăng chỉ số phát triển kinh tế Việt Nam”.  

Hà Nội làm gì để vừa nhận được tiền cấp viện mà vẫn giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa?  

Với sự tư vấn của cơ quan tài chánh quốc tế, Hà Nội soạn thảo các chương trình hấp dẫn nhưng thực sự chỉ để tuyên truyền với dân chúng về uy tín của đảng cộng sản trên trường quốc tế.  

Hà Nội vẫn lấy Nghị quyết Ðại hội IX làm kim chỉ nam trong đó khu vực quốc doanh chiếm 60% và đóng vai trò chủ đạo nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Hà Nội sẽ tìm cách bẻ cong và diễn dịch danh từ đổi mới dưới nhãn quang macxít.  

Cuộc kiểm tra ngày 1-1-01 do Bộ Tài chánh chủ động cho biết hiện tại có 5,991 doanh nghiệp nhà nước. Nó chứng tỏ, chẳng có gì thay đổi so với những năm trước trong khu vực quốc doanh.  

Nhằm tung hỏa mù, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký công văn ngày 25-6 ra lệnh ngưng thành lập các công ty mới kể từ 1-7 để khu vực quốc doanh không phình to ra trước cặp mắt quốc tế. Và đang chờ cải tổ để quốc doanh vẫn giữ phần chủ đạo. 

Doanh nghiệp thương mại nhà nước từng đóng vai trò quyết định trên thị trường xã hội chủ nghĩa. Hàng hóa thiếu thốn trầm trọng, phẩm chất tồi tệ.  

“Ngày nay thương mại nhà nước chỉ chiếm 11.17% tổng số doanh nghiệp thương mại nhưng chi phối 70% thị trường. Tình trạng kinh doanh yếu kém, sức cạnh tranh thấp so với điều kiện và lợi thế, trình độ công nghệ lạc hậu, nợ khó đòi lớn”. Theo báo Nhân Dân ngày 24-6.   

Chủ trương của Hà Nội vẫn sử dụng công ty tư nhân làm vệ tinh để thu mua và phân phối hàng hóa cho thương nghiệp nhà nước.  

Tiềm năng của người Việt hải ngoại là mục tiêu cần ve vãn nên Hà Nội đang tung nỗ lực vận động người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân kiều bào. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã họp tại Hải Phòng vào ngày 21-6 để triển khai Ðề án.  

Hà Nội mong mõi kinh tế phát triển bằng cách điều chỉnh khu vực quốc doanh phù hợp với vai trò chủ đạo nền kinh tế mặc dù đó là lĩnh vực mà ai cũng phải thừa nhận là thiếu hiệu quả.  

Các quốc gia, tổ chức cấp viện muốn phát triển khu vực tư nhân để gia tăng hiệu quả kinh tế.  

Hai quan điểm đối chọi đó chỉ dung hòa bằng ngôn ngữ nên không thể giúp nền kinh tế Việt Nam trở lại trạng thái phát triển tự nhiên.  

Ðại Dương