Tướng Trần Độ: 

"Bản thảo tôi viết là máu, 

nước mắt, tịch thu sẽ bị dư luận lên án"

 

HÀ NỘI 8-15 (NV).- Cay đắng, phiền muộn nhưng vẫn còn kiên nhẫn, cựu tướng Trần Độ gửi bức thư thứ hai tới ba tay nhiều quyền hành chính trị nhất chế độ CSVN để đòi lại bản thảo tập nhật ký đã bị công an quận Tân Bình, Sài Gòn, tịch thu hôm 12-6-01 vừa qua.

Bức thư thứ nhất cung như bức thư thứ hai này ông đều viết trên giường bệnh viện "Hữu Nghị" ở Hà Nội.

Bức thư thứ nhất đề ngày 10-7-01 gửi Nông đức Mạnh (tổng bí thư), Nguyễn văn An (chủ tịch quốc hội), và Phan văn Khải (thủ tướng) kể lại sự tình ngày bị công an chận giữa đuờng rồi bắt ép về trụ sở công an quận Tân Bình thẩm vấn và tịch thu tập hồi ký, cả bản thảo viết tay cũng như bản vi tính.

Trong bức thư vừa kể, ông Độ nói đã dành suốt 6 tháng trời "làm việc cật lực", thế mà "cơ quan an ninh đã vô cớ tịch thu toàn bộ bản thảo của tôi một cách phi pháp, xúc phạm thô bạo đến một nhà văn lão thành".

Ba tuần sau, trong bức thư thứ hai đề ngày 31-7-01, cựu tướng Trần Độ không dấu nổi những cay đắng, vì nằm trên giường bệnh có thể chết đi lúc nào không biết, mà các ông Mạnh, An, Khải tảng lờ như không biết gì đến lá thư. 

Ông viết: "Thư đi rồi, nằm trên giường bệnh, tôi khắc khoải chờ đợi sự hồi âm. Nhưng chờ mãi, cho đến ngày hôm nay, vẫn chỉ là một sự im lặng. Sự im lặng đối với một công dân bình thường đã là đáng sợ, nhưng đây là sự im lặng đối với một lão thành cách mạng, một đảng viên vào đảng từ những năm 40, đang có những bức xúc cần giải tỏa...thì sự im lặng của các anh càng đáng sợ biết chừng nào!."

Ông viết trong nỗi uất ức: "Trang giấy, cây bút, tập bản thảo tôi viết ra là máu và nước mắt của tôi, các anh ra lệnh tịch thu tài liệu của tôi cũng tức là các anh tịch thu bản thảo của một nhà văn, một việc làm mà chắc chắn sẽ bị dư luận rộng rãi trong nước và thế giới lên án."

Cựu tướng Trần Độ đã viết các bài đòi hỏi CSVN phải bỏ điều 4 hiến pháp (dành độc quyền thống trị cho đảng CSVN) và bỏ nghị định 31/CP bắt người, quản chế bất cứ ai bất cứ lúc nào không cần đến án tòa. Ông đã bị Hà Nội đuổi ra khỏi đảng từ đầu năm 1999. 

Ông Độ yêu cầu những kẻ quyền thế chóp bu trong đảng hãy đọc tập hồi ký của ông để thấy đó là những "điều tâm huyết cuối cùng trong cuộc đời viết văn" của ông. Nếu cần, giao cho "Viện kiểm sát nhân dân tối cao" để họ "cùng xem xét" để thấy đó có phải là tài liệu "pháp luật cho phép tịch thu không?".

Ông nêu lại chuyện các vụ tịch thu tài liệu rồi bắt những người như Nguyễn thanh Giang, Hoàng minh Chính, Hà sĩ Phu, Lê hồng Hà v.v... bắt rồi phải thả, không đưa ra tòa với các chứng cớ vững chắc, hoặc khiên cưỡng buộc tội bằng cách "bịa ra các chứng cứ, mặc dầu chứng cứ cực kỳ vô lý, biến thành trò cười cho thiên hạ, làm mất thể diện quốc gia."

Cuối cùng ông viết rằng "các anh đối xử với tôi như thế nào thì tùy các anh, nhưng bản thảo của tôi thì đề nghị các anh chỉ thị cấp dưới trả lại ngay cho tôi, còn sử dụng nó như thế nào là quyền của tôi, như bản tuyên ngôn nhân quyền mà nhà nước ta đã cam kết trước thế giới."

Đối phó với các lời chỉ trích về thành tích nhân quyền tồi tệ ở trong nước, các viên chức CSVN đều nói đến hiến pháp, luật lệ của họ tôn trọng và bảo vệ nhân quyền, nhân phẩm con người. Cựu tướng Trần Độ, một công thần đã góp phần tạo dựng nên chế độ CSVN đang bị cư xử thô bạo đã chứng minh ngược lại.