Tướng Nguyễn Khoa Nam

 

Một phần tư thế kỷ đã trôi qua ngày 30/4/75. Cái nhìn của lịch sử và của con người,  Mỹ lẫn Việt, về Chiến tranh Việt Nam cũng thay đổi theo thời gian, trở nên vô tư, công bình, và tích cực hơn. Mỹ không thua trận ở chiến trường VN, mà thua ngay trên đất Mỹ vì truyền thông và phong trào phản chiến. Việt Nam Cộng hòa ở Miền Nam chưa phải là một chế độ hoàn hảo nhưng ít nhứt tự do, dân chủ, và đời sống cao hơn nhiều lần so với  Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở Miền Bắc. Quân đội VNCH chắc chắn không thua Bộ đội CS Bắc Việt nhưng không thể tiếp tục chiến đấu được do khủng hoảng lãnh đạo chánh trị từ chánh quyền trung ương. Trên thế giới ít có một quân đội nào có một số lớn tướng tá tự sát chết theo đơn vị để tròn tiết tháo như Quân đội VNCH. Sách báo viết về những vị anh hùng tuẩn tiết ấy rất nhiều. Nhưng cho đến bây giờ, cuốn "NGUYỄN KHOA NAM"  được ra mắt tại Little Sàigòn vào ngày 29/4/2001 do Anh Nguyễn Minh Trí tổng hợp và Hội Phát huy Văn hoá VN phát hành là cuốn mới nhứt, từ hình thức đến nội dung.

 

Hình thức, sách dày 600 trang do trên 60  tác giả từng là đồng đội, và quân dân cán chính thân hữu hay thân nhân đã từng biết, sống, hay làm việc với Tướng Nguyễn khoa Nam qua các đơn vị tác chiến, Nhảy Dù và Bộ Binh, hầu như khắp bốn Vùng Chiến thuật trong các trận đánh thời danh. Ðây là những sử liệu sống khó tìm và cần thiết cho những nhà khảo cứu . Các sự kiện và tâm tư của những người trong cuộc được thể hiện bằng loại văn trần thuật, nghị luận đầy màu sắc và đượm chân tình.

 

Sách còn được minh họa thêm bằng tài liệu tham khảo, phụ bản giúp đọc giả thâm cứu.

 

Nội dung phóng chiếu rõ chân dung và sự nghiệp của Tướng Nguyễn Khoa Nam mà sự tuẩn tiết là một biện minh, một bằng cớ hùng hồn  về Quân đội VNCH anh hùng, xóa tan bụi mờ còn lại của phong trào phản chiến Mỹ được truyền thông của thập niên 70 cố ý thổi phòng, tung hỏa mù dư luận, chuẩn bị cho việc rút quân và Việt nam hóa chiến tranh, thay màu da xác chết.

 

Tướng Nguyễn Khoa Nam như nhiều người biết là một vi tướng trẻ, thuộc một gia đình gia giáo, được học hành và đào luyện trong thời đầu độc lập của nước nhà. Cuộc đời ngắn ngủi nhưng hào hùng của Ông là cuộc đời của một chàng trai thời loạn trong hoàn cảnh nhiều ngang trái. Là một Phật tử thuần thành - có lúc ăn chay mười lăm ngày một tháng - vốn rất hiếu sinh, nhưng vì binh nghiệp, nhiều khi một nét bút chì mỡ của Ông trên phóng đồ hành quân, một cái gật đầu của Ông làm hàng chục, hàng trăm sanh linh phải ngã gục. Người Ông thường tâm sự là người em gốc nhà giáo, "Chiến tranh đem lại chết chóc và đau thương." Có lẽ vì hình ảnh chết chóc và đau thương của chiến tranh, Tướng Nam không thành lập gia đình, không muốn "đi hành quân để vợ ở nhà tội lắm, biết đâu lại trở thành góa phụ" dù tư tưởng Ông do ảnh hưởng giáo dục gia đình, thấm nhuần giáo lý Khổng Mạnh xem gia đình là nền tảng của cá nhân và xã hội.

 

Là quân nhân đánh trận, Ông  lại thành khẩn tâm tình với em mình, lúc bấy giờ là Thượng nghị sĩ VNCH, " không thể dùng chiến tranh để giải quyết mâu thuẫn ý thức hệ."

 

Trong cơn dầu sôi lửa bỏng của những ngày 30/4 tại Cần thơ, chính Ông là người quyết định không tử chiến do thỉnh nguyện của thân hào nhân sĩ địa phương để tránh cho nhân dân thành phố Cần thơ một cuộc tắm máu do trận pháo kích đã chuẩn bị sẵn sàng của CS.

 

Những nét chánh trên cho thấy tư tưởng và hành động của vị tướng rất người, rất nhân bản  như bất cứ một người Việt có tín ngưỡng, yêu nước, yêu dân nào. Nhưng trên những trái ngang của cuộc đời ấy, nét nổi bật của Ông là trách nhiệm và danh dự của người quân nhân VNCH. Ông làm trách nhiêm của mình đến giờ chót. Chiều 29/4 đi thăm thương binh tại quân y viện. Một thương binh kêu cứu, "đừng bỏ tụi em." Ai đã từng đánh trận đều biết, quân nhân trong giờ súng nổ, lúc bị thương, người chỉ huy, đồng đội là tất cả, quí hơn vợ con, cha me, tất sẽ hiểu tại sao Tướng Nam từng nhiều lần cậõn kề cái chết, lại dấu ngấn lệ, quay mặt, buông tay người lính bước đi, đi không bao giờ trở lại.

 

Sáng ngày 1/5/75 lúc Sàigòn, Ban Quân quản CS chuẩn bị một cuộc biểu tình chiến thắng. Trầm tĩnh như  Ông Phan thanh Giản "sửa mũ áo lạy về Bắc khuyết / Ngọn quang minh soi mát tấm trung can", Tướng Nam quân phục tác chiến gọn gàng, lên hiên lầu nhìn lần chót bầu trời, mãnh đất mà Tổ quốc, Nhân dân, và Quân đội đã giao cho Ông gìn giữ an ninh. Ðoạn Ông rút khẩu Colt ra tự sát chết theo Quân đoàn 4 và Vùng 4 Chiến thuật.

 

Nếu chọn lựa là một biểu hiện của tự do, thì sự chọn lựa cái chết là một chọn lựa khó khăn, can đảm, và tự do nhứt của Con Người. Thực vậy trong cơn mất nước có nhiều chọn lựa. Có người rút vào bưng, du kích chiến, rồi cũng tàn dần trong lao tù CS hay trong tan hàng vì thiếu tiếp tế, thiếu yễm trơ. Có người may mắn hơn được lên trực thăng, xuống tàu, thuyền ra Hạm đội 7 của Mỹ, sống đời tỵ nạn CS, hoài vọng khôi phục nước nhà. Có người mừng giã từ vũ khí, hy vọng được sống những ngày hoà bình với vợ con. Nhưng không đầy một tháng sau, lại bị CS đưa đi tù cải tạo, "ngậm mối căm hờn" trong các trại tù hàng năm, hàng mười năm trời hoặc bỏ xác dưới nấm mồ không tên, giữa rừng thiêng nước độc. Tất cả là nạn nhân của một cuộc khủng hoảng lãnh đạo thượng tầng chánh trị. Hiến pháp do máu, nước mắt, mồ hôi của của chiến sĩ, đồng bào viết nên bị xé một cách vô tội vạ. Một người không do nhân dân bầu được đưa lên, không dựa vào nội lực của quân đội và nhân dân, lại nghe lời hứa của những tay phù thủy ngoại bang, yêu cầu "buông súng chờ bàn giao chánh quyền." Yêu cầu đó là lời khai tử Quân đội. Tướng Nguyễn khoa Nam chọn cái chết vinh hơn sống nhục như tiết tháo một người quân tử, một sĩ phu, một tướng lãnh chết theo thành, một thuyền trưởng chết theo tàu. Cái chết ấy làm sống lại Quân đội, làm điểm hội tụ tinh thần cho quân nhân ở trong như ngoài nước, làm bằng cớ chống lại luận điệu tuyên truyền phản chiến Mỹ, làm sáng tỏ chánh nghĩa, lý tưởng chiến đấu của VNCH và Ðồng minh. Công luận, sử quan, nhân dân Việt Mỹ dần dần tỏ ra công bình, vô tư và có thái độ tích cực với Quân đội VNCH hơn. Bức tường tri ân tử sĩ Mỹ được dựng.  Chương trình HO được Quốc Hội Mỹ thông qua. Và cộng đồng người Việt quốc gia trong cũng như ngoài nước, ngày càng ngưỡng mộ các tướng tá tuẩn tiết. Lễ vinh danh tướng tá VNCH nhơn ngày kỷ niệm 30/4 hầu như đi vào truyền thống sinh hoạt của các cộng đồng người việt khắp Tây Aâu, Bắc Mỹ. Sanh vi tướng, tử vi thần, dầu sao sống chết cũng chỉ có một lần. Tướng Nguyền Khoa Nam đã chết thân xác. Nhưng tinh thần Nguyễn khoa Nam làm điểm hội tụ cho Quân đội VNCH sống mãi trong cũng như ngoài nước.