Tuổi Trẻ Hải Ngoại

Vi Anh

Tinh thần ủng hộ thế hệ trẻ biểu lộ khá rõ trong bữa tiệc văn nghệ do anh Trần nhật Phong, Trưởng Đài Phát thanh VCN tổ chức. Anh Phong là một thanh niên tự tin và suy nghĩ độc lập. Anh vẫn giữ tên đài là VCN (Vietnamese Coverage News, tạm dịch, Tin VN tổng hợp) và mỉm cười khi một hai người khôi hài đem chọc anh, nói "VC/vi/ /xi/ News đọc sao giống VC là tiếng chỉ Việt Cộng xưa kia và dễ gây dị ứng ở xứ này." Sự ủng hộ mạnh thật. Giá vé 35 đồng khá cao so với các bữa ăn gây quỹ khác. Khai mạc 4 giờ chiều Chủ Nhựt sớm hơn thông lệ ăn uống ở đây. Ca nhạc chỉ có bảy mục cũng không bình thường so với nhiều chương trình dai, dài khán thính giả bị tra tấn bởi nhiều diễn từ, phát biểu cảm tưởng lê thê thường lệ. Tuy nhiên, hơn 4 giờ một chút, 30 bàn không còn mấy ghế trống. Có trống thì cũng đã có chữ "Dành Riêng"; nói cách khác, đã trả tiền rồi. Nhưng nét độc đáo về tổ chức không làm người viết bài này suy nghĩ nhiều. Điều làm cho người chưa già lắm nhưng cũng không còn trẻ trung, nhưng hễ có hoa có lá lại cũng thích làm thơ này, suy tư không ít. Đó là chuyện một người trẻ đặc biệt trong bữa tiệc văn nghệ hôm ấy: Cô Leyna Nguyễn, xướng ngôn viên trụ cột (news anchors) của Đài TV KCAL 9. Cô nói tiếng Anh không một accent Việt và nói tiếng Việt không một accent Mỹ. Và có thể nói đúng giọng cả 3 miền non nước Việt. Còn tiếng Mỹ thì miển bàn vì Cô là xướng ngôn viên trụ cột trong giờ cao điểm của một vùng phát sóng (local) lớn hàng thứ hai của 3 vùng bao trùm cả nước Mỹ: New York, Los Angeles, và Chicago.

Từ đó Cô có thể đi vào mạng (network) truyền hình Quốc gia và Thế giới. Tài năng của Cô là điều kiện đủ, nhưng sự tiếp sức của Cộng Đồng sắc tộc Người Mỹ gốc Việt mới là điều kiện cần giúp cho Cô làm Vẻ vang Dân Việt. Cô là một news anchor thuộc nhóm sắc tộc của Đài. Tín lực (credits) của Cô lớn hay nhỏ một phần lớn nhờ vào số khán thính giả trong giờ của Cô. Tín lực đồng hương giúp cho Cô không tốn kém gì đáng kể. Gọi một cú điện thoại, gởi một điện thư, hay trân trọng hơn, viết một lá thư cho Giám đốc Đài TV KCAL 9, hoặc một đôi hàng cho chủ bút, qua mục ý kiến độc giả của một vài tờ báo Mỹ, là chuyện ai cũng có thể làm đuợc. Làm thường, làm nhiều những việc nhỏ đó là tạo niềm vui cho mình và cho người. Làm một điều đúng cho cộng đồng, dân tộc là một nghĩa vụ đối với lương tâm. Ủng hộ một nhân tài để người ấy có cơ hội phục vụ nhân quần xã hội đúng mức là một việc làm có chánh nghĩa. Nhiều tay sẽ vổ nên kêu. Và kết quả những chuyện nhỏ ấy sẽ rất lớn, lớn hơn chúng ta dự tưởng ở Mỹ này, nơi dư luận quần chúng được quan tâm đúng mức. Cộng đồng người Mễ rất thành công trong những cuộc vận động cho gà nhà như thế. Điều làm không ít người suy nghĩ là Cô Leyna nhiều lần nhắc đến Ba Má và tuổi thơ của Cô. Cô là con của một si quan Không Quân VNCH. Đến Mỹ lúc mới lên năm, coi như thuộc thế hệ thứ hai của lớp người Việt tỵ nạn CS. Con đuờng Cô đi khó khăn có khi còn hơn con đường của anh Đinh Việt khi bước vào toà nhà Pháp Luật, nơi người Mỹ trắng gốc Anlo- Saxon đã làm chủ từ lâu. Lãnh vực truyền thông Mỹ lại là lãnh vực các nhóm sắc tộc  chen vào gay go hơn. Nó có nhiều yêu cầu rất cao. Giỏi lời văn, tiếng nói, điệu bộ, dáng vẽ ưa nhìn chưa đủ, còn tài truyền cảm và nhạy cảm đuợc dư luận phản hồi (feedback) nữa. Thế cho nên thấy rất ít người Mỹ gốc Á châu xuất hiện trên màn hình Mỹ trong giờ cao điểm, chớ đừng nói người gốc Việt bề dày lịch sử định cư và hoà nhập vào dòng chính còn quá mỏng, mới tròn một phần tư thế kỷ thôi. Cô Leyna Nguyễn đã vượt qua bước đầu khó khăn đó trên sân nhà của dân Mỹ. Nhưng điều làm người Việt hôm ấy cảm kích nhứt là tình gắn bó của Cô với gia đình VN và văn hoá VN. Cô nhắc Ba Má Cô với lòng trìu mến của một người con chí hiếu. Cô yêu văn hoá VN với tình của người Việt mất quê hương, mất tuổi trẻ ở quê nhà. Và hình như chính những mất mát đó là động lực giúp Cô vượt khó khổ của kiếp ngươi tỵ nạn, biến đau thương thành hành động để vươn lên trên quê hương thứ hai mới và nhiềucơ hội tiến thân này. Cây mai vàng VN bên kia nửa vòng trái đất, nơi bên này là ngày ấm, bên ấy là đêm thâu, vẫn đâm cành, nẩy lộc, và trổ bông trên đất Mỹ. Cô tạo cho mình và gia đình một mùa xuân, cho người Việt một màu Tết, và cho người Mỹ một vẻ xuân Á đông. Kỳ tích đó thực hiện đuợc một phần nhờ vào môi trường sống, xã hội Mỹ, chấp nhận tính đa nguyên, đa chủng và đa văn hoá , "Kết tụ tinh anh của bốn phương/ Muôn màu, muôn vẻ lại muôn hương." (thơ Bùi khánh Đản). Còn Cộng Đồng Người Mỹ gốc Việt và lớp người lớn tuổi thuộc thế hệ thứ nhứt thì sao? Có sẵn sáng chuẩn bị đầu tư và bàn giao cho lớp người kế thừa chưa? Đó là trầm tư mặc tưởng của người đã có tuổi viết bài nầy trên đuờng về trong đêm hè tranh tối tranh sáng. Và trong thâm tâm nghe như thiếu sót một điều gì đối với lớp trẻ VN.