TỪ HÀ NỘI ÐẾN SÀI GÒN

 

 Hà Nhân

 

Tin các báo tuần qua cho biết chính quyền CSVN đang nghiên cứu và chắc là sẽ chấp thuận quy chế quản lý và kinh doanh riêng biệt cho thành phố Sài Gòn. Tuy là một việc làm không bình thường trong một chế độ Cộng Sản, nhưng đó là điều các lãnh tụ đảng CSVN không thể né tránh.  

Các bản tin của các cơ quan truyền thông do đảng CSVN kiểm soát không nói rõ chi tiết về những qui định riêng biệt cho Sài Gòn. Nhưng có thể phỏng đoán rằng chính quyền CSVN tại Sài Gòn sẽ được dành cho quyền hạn rộng rãi hơn trong việc quản lý kinh tế, doanh thương trong đó có quyền phê chuẩn các dự án đầu tư của người nước ngoài và các dự án kinh doanh của tư nhân trong nước có mức vốn cao hơn rất nhiều so với các nơi khác trong nước. Ðồng thời chính quyền CSVN ở Sài Gòn cũng có thể được dành cho thẩm quyền rộng rãi hơn về xuất nhập cảng và một số hoạt động lặt vặt khác.  

Trên thực tế từ sau ngày 30/4/75 chính quyền CSVN ở Sài Gòn đã tự ý hành sử quyền hạn cai trị rộng lớn hơn hẳn hai thành phố khác có cùng quy chế “thành phố thuộc trung ương” là Hà Nội và Hải Phòng. Ngoài ra không riêng gì Sài Gòn, các tỉnh và thị xã khác ở Miền Nam cũng có khuynh hướng tự dành cho mình quyền hạn nhiều hơn ý muốn của cấp trung ương.  

Sở dĩ có tình trạng quân hồi vô phèng này là vì vai trò quan trọng của cấp ủy địa phương trong hệ thống đảng và chính quyền CSVN thời kỳ hoạt động bí mật cũng như trong chiến tranh. Vào những thời kỳ ấy cấp tỉnh và nhất là huyện có quyền sinh sát gần như tuyệt đối. Sau khi chiếm xong Miền Nam, bọn cán bộ tỉnh huyện lên cầm quyền công khai vẫn tiếp tục quyền hạn cũ, trung ương không dám bức bách. Từ đó nảy sinh thói quen lạm quyền của cấp địa phương kéo dài đến nay.  

Chính quyền CSVN ở Sài Gòn nhiều lần không thi hành đầy đủ các huấn lệnh từ Hà Nội nhất là các chỉ thị không thích hợp với thực trạng địa phương. Một thí dụ điển hình là lệnh cấm bác sĩ mở phòng khám bệnh tư. Ðảng Ủy và Ủy Ban Nhân Dân Sài Gòn vẫn cho bác sĩ khám bệnh lấy tiền ở phòng mạch, lấy cớ chính quyền không có đủ khả năng khám và trị liệu cho toàn thể bệnh nhân thì phải cho bác sĩ hành nghề thêm ngoài giờ làm việc tại các cơ sở y tế công.  

Việc cấp quy chế quản lý đặc biệt cho thành phố Sài Gòn vì thế phần nào có tính chất một văn kiện hợp thức hóa một định chế có sẵn trên thực tế từ lâu đời đã thành cố tật không dễ gì thay đổi.  

Ngoài lý do nói trên, Sài Gòn còn có một tư thế khá vững chắc để củng cố quyền hạn của mình trước trung ương đảng và chính phủ CSVN. Ðó là tiềm năng khoa học kỹ thuật, văn hóa và quản trị kinh doanh của thành phố này cũng như trên toàn thể Miền Nam. Cho đến ngày nay sau 26 năm thống nhất, khả năng mọi mặt để phát triển của Sài Gòn vẫn hơn hẳn Hà Nội.  

Khi mới chiếm Miền Nam, dân chúng và cán bộ từ Miền Bắc vẫn được nhồi sọ rằng kỹ sư, bác sĩ ở Miền Nam đều nhờ hối lộ mà được phong chức, nên những bác sĩ kỹ sư này kém xa các chuyên gia của “ta.” Nhưng chẳng bao lâu, sự thực được phơi bầy quá rõ rệt. Những năm đầu thập niên 1980 khi ngoài Bắc bắt đầu xây nhiều nhà cửa mới của chính quyền và tư nhân, người Miền Bắc cẩn thận mướn cai thầu người Miền Nam khi dựng nhà cửa bê tông hai ba tầng trở lên. Dân chúng không dám tin tưởng kỹ sư tốt nghiệp ở Miền Bắc hay Liên Xô vì sau năm 1954, nhiều công trình kiến thiết đã sụp đổ khơi khơi gây thiệt hại đôi khi rất nặng.  

Từ sau năm 1975, người Miền Nam được nghe kể hàng ngàn giai thoại về những việc làm dốt nát ngây ngô của nhiều chuyên viên, bác sĩ, kỹ sư xuất thân từ các trường Miền Bắc. Dĩ nhiên vẫn có những bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ thụ huấn ở Liên Xô và Ðông Âu có khả năng và trình độ khá cao, nhưng số này không nhiều và hầu hết không được trọng dụng.  

Trong khi ấy, tỷ lệ thợ chuyên môn trong Nam rất cao về số lượng cũng như về khả năng chuyên môn. Báo chí của CSVN từng công nhận điều đó khi thống kê cho thấy khoảng dưới 20 người dân Miền Nam có một người biết sửa máy nổ. Tỷ lệ này ở Miền Bắc chưa tới 1/50. Không những thế, thợ Miền Nam làm việc lương thiện, cẩn thận và tay nghề cao hơn.  

Về phương diện quản trị kinh tế và doanh thương, dân Sài Gòn đã học hỏi và có kinh nghiệm nhiều  về quản trị kinh doanh và thủ tục hành chánh. Những kinh nghiệm quý báu ấy được hấp thụ từ các trường lớp ở ngoại quốc và trong nước là những cơ sở giáo dục và huấn luyện có thực chất. Ngoài ra trong những năm chiến tranh người Mỹ quân sự cũng như dân sự đến Việt Nam đông đảo cũng góp phần tốt về mặt này.  

Nhà thầu Mỹ đã huấn luyện nhiều thợ chuyên môn về cơ khí, kiến trúc có tay nghề tinh xảo. Ngoài ra, nhân viên người Việt làm cho các cơ quan dân sự Mỹ, các đơn vị yểm trợ quân đội Mỹ cũng học hỏi được nhiều điều hữu dụng về kỹ thuật hành chánh. Sau nữa là những nhà thầu và các cơ sở tư nhân giao dịch với nước ngoài hay cung cấp các dịch vụ cho quân đội Mỹ ở Việt Nam đều quen thuộc và rành rẽ những lề lối quản trị kinh doanh và nhân sự có khoa học, năng suất cao.  

Khi mới chiếm xong Miền Nam, chế độ CSVN vội vã cải cách làm tan nát hệ thống kinh tế tự do vốn đã tạm vững chắc và có liên kết phối hợp chặt chẽ vì ngu dốt không hiểu nổi những tương quan chủ yếu trong kinh tế thị trường. Ông Nguyễn Văn Linh lúc làm bí thư thành ủy năm 1985 đã công nhận việc làm mù quáng nói trên trong cuốn sách “Mười Năm Thành Phố HCM.”  

Từ năm 1986, CSVN dần dần quay sang cải tổ kinh tế. Doanh gia ngoại quốc theo nhau bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhưng đa số doanh gia ngoại quốc ưa bỏ vốn vào Sài Gòn và Miền Nam hơn (60%?). Lý do dễ hiểu là công nhân và chuyên viên ở đây đáng tin tưởng hơn. Ngay như trong các cuộc giao dịch, thương lượng với doanh gia ngoại quốc nhất là ở Lào và Cam Bốt, các đối tác từ Miền Nam Vĩ Tuyến 17 vẫn được ưu đãi hơn.  

Nền kinh tế ở Sài Gòn trong hơn 10 năm qua luôn luôn có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất nước, rõ ràng là do trình độ kỹ thuật và khả năng quản trị kinh doanh thích nghi với nền kinh tế thị trường ở mức độ cao. Tuy nhiên có một yếu tố đáng lưu ý là vai trò của doanh gia người Việt gốc Hoa trong nền kinh tế và doanh nghiệp ở Miền Nam hay đúng hơn là ở Chợ Lớn.  

Sau chiến dịch đánh tư sản năm 1978, người Hoa bị loại khỏi thương trường trên nguyên tắc. Nhưng từ ngày Hà Nội bắt đầu cải tổ kinh tế thị trường, người Hoa dần dần tái chiếm thương trường ít nhất là trong vùng Sài Gòn. Nhờ lối làm ăn theo giao ước miệng, họ thành lập các thương hội đủ cỡ hạng. Chỉ với những hợp đồng bất thành văn và phân công từng giai đoạn kinh doanh hay trong thủ công nghiệp, doanh nhân người gốc Hoa đã tái tạo được ưu thế trong nền kinh tế ở Việt Nam. Ưu thế đó tất nhiên có phần nào do tệ nạn tham nhũng ở mức cao nhất thế giới.  

Sau bao nhiêu năm tuyên truyền vu cáo, phỉ báng Mỹ và Miền Nam, nay đảng CSVN Hà Nội đành chịu thua “tàn dư của đế quốc Mỹ và Ngụy Sài Gòn” sau khi thắng về quân sự. Phần nào thực tế đã trả lời câu hỏi do phe Cộng Sản nêu lên từ hơn 70 năm qua: “Ai Thắng Ai?” và câu hỏi của người dân Việt Nam “Ai Là Tay Sai Hèn Hạ Nhất Của Mỹ?”  

Chắc chắn Mỹ đang thắng lớn. Và nếu dựa vào liên hệ giữa VNCH để cho rằng Miền Nam là tay sai của Mỹ từ 1955 đến 1975 thì Hà Nội cũng đang là tay sai bán nước của Mỹ và các nước có làm ăn ở Việt Nam, sau hơn 40 năm làm tay sai bán nước cho Trung Cộng và Liên Xô.  

Riêng về mức độ hèn hạ thì Hà Nội vượt xa Sài Gòn dù lâu lâu đảng và chính quyền CSVN gồng mình chơi trò lì lợm khó dễ với các cường quốc để giữ sỉ diện hão, ra điều ta đây có chủ quyền. Nhưng chỉ cần xem những gì mà Hà Nội nhắm mắt bắt chước mau lẹ và bừa bãi lề lối của Mỹ và các nước tư bản, trong đó nhiều cái xấu mà ít cái tốt, là đủ để đi tới những kết luận trên.  

 Hà Nhân