TRƯỜNG HỢP TRỊNH CÔNG SƠN

 

Hà Nhân

 

Tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời ở Sài Gòn vào tuổi 62 quả có làm xôn xao dư luận ở trong và ngoài nước chút ít. Riêng ở hải ngoại, tin này đã khơi dậy hai quan điểm trái ngược về con người nghệ sĩ này trong cộng đồng người Việt tị nạn. Một bên cho rằng Trịnh Công Sơn là tay sai CSVN nằm vùng phá hoại chế độ VNCH bằng văn nghệ, đâm sau lưng các chiến sĩ VNCH. Bên kia thì cho rằng họ Trịnh là một nhạc sĩ có tài, đã đóng góp đáng kể cho nền âm nhạc Việt Nam và cái chết của Sơn ở tuổi 62 là điều đáng tiếc.

 

Xét vấn đề này với cố gắng khách quan nhất, có thể tìm ra một quan điểm gần thực tế hơn.

 

Ðối với những quan điểm lên án Trịnh Công Sơn, không hẳn là quá đáng đối với những ai đã từng là nạn nhân của CSVN từ năm 1945 đến nay. Tù đầy, giết chóc, hành hạ tra tấn, tước đoạt của cải... trong các cuộc Cải Cách Ruộng Ðất, thanh trừng, là những hành vi mà nhiều người phải chịu dưới chế độ CSVN. Bản thân họ và thân nhân có căm thù CSVN cũng là thường tình và dĩ nhiên.

 

Khi lòng căm thù chế độ CSVN đến mức không thể nguôi ngoai thì những nạn nhân của nó có trút giận lên những ai đầu hàng, làm tay sai hay ca tụng, nịnh bợ chế độ ấy cũng không hẳn là vô lý hay cực đoan. Ðối với người yêu nước không-cộng-sản, có khổ mới có thù. Vì thế chừng nào CSVN hô hào hòa hợp hòa giải mà không tự nó thành thật hành động trước thì những mối thù ấy khó lòng mà xóa mờ.

 

Ðối với những người thương tiếc Trịnh Công Sơn, tình cảm đối với thành tích âm nhạc được đặt nặng và hành vi chính trị, phản chiến của anh bị coi là nhẹ hơn. Tình cảm này cũng có thể hiểu được vì những người này có những xúc động tâm lý trước các ca khúc của Trịnh Công Sơn, trong khi bản thân họ chưa bị đày ải đủ "dose" để sinh lòng căm thù CSVN tới mức "bùng nổ."

 

Phân tích các bài hát của Trịnh Công Sơn với cảm quan của một người nghe nhạc thông thường, ai cũng thấy nhạc và lời trong nhiều ca khúc của anh có sức gây xúc cảm và thu hút thính giả khá cao, có giá trị nghệ thuật tuy rằng nhiều bản phảng phất như theo cùng một giai điệu khuôn mẫu.

 

Ngoài ra, tính chất phản chiến cũng nổi bật ở nhiều ca khúc. Phản chiến là tình cảm tự nhiên của con người trước cảnh máu chẩy thịt rơi. Hơn ai hết, những người lính VNCH hiểu rõ những xấu xa, man rợ của chiến tranh, và ai cũng có ý nghĩ chống chiến tranh. Nhưng họ phải cầm súng để chống lại những mũi súng của khối Cộng nhắm vào họ, và chiến tranh tự vệ của miền Nam là điều bất đắc dĩ.

 

Vì thế, những luận điệu phản chiến một chiều nhắm vào phía bên này của chiến tuyến với bom B-52, đại bác 175 ly, mà không hài tội phía bên kia gây chiến với dao găm, mã tấu là điều không thể chấp nhận.

 

Tuy nhiên, nếu kết tội Trịnh Công Sơn quá cái khả năng và thực tế phục vụ cho CSVN là điều không nên. Nhạc Trịnh Công Sơn có lời lẽ phản chiến nhưng lúc đầu (trước 1975) CSVN tại Hà Nội chưa hoan nghênh coi đó là việc làm có lợi cho họ. Ý nhạc phản chiến có thể có tác dụng ru ngủ đâu đó nhưng dường như tác động của loại nhạc này khó làm cho người lính VNCH mất tinh thần nhiều hơn so với những sự kiện tác hại khác. Những chiến sĩ thuộc các đơn vị dũng cảm nhất của VNCH vẫn nghe nhạc Trịnh Công Sơn nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy những bài ca "than đạn khóc bom" của họ Trịnh khiến họ phải bỏ chạy về phía sau hàng loạt.

 

Trịnh Công Sơn không thể là cán bộ tuyên vận cấp trung hay cao, vì không bao giờ CSVN dùng người rất trung thành với họ vào những nhiệm vụ nổi, công khai. Những con bài đưa ra múa may trước ánh sáng thường là loại xoàng về mặt tín nhiệm. Chỉ có loại cán bộ "đặc trách" còn gọi là "phái khiển" tuyệt đối bí mật đứng sau những con bài này mới là phần tử quan trọng.

 

Nhạc sĩ họ Trịnh bị chê nhiều nhất là hành động lên đài Sài Gòn nửa trưa ngày 30/4/75 hô hào chào mừng bộ đội CSVN vào chiếm thủ đô. Những kẻ theo VC nhưng còn chút tư cách không làm như vậy.

 

Tiếc thay, họ Trịnh bị thất sủng sau một thời gian được dùng tạm trong công tác tuyên truyền. (Tin báo Mỹ nói TCS bị tù cải tạo dường như không đúng. Anh ta chỉ bị đi kinh tế mới). TCS từng nói với phái viên AFP rằng công an CSVN đã ngưng "giám sát" anh sau nhiều năm và năm ngoái anh thổ lộ là trong hàng chục năm sau 1975 anh không sáng tác được bài hát nào hay và không xuất bản một ca khúc nào.

 

Ba ngày sau khi TCS mất và những người hâm mộ anh đến phúng viếng trước nơi anh cư ngụ đông đảo đến hàng ngàn, hai tờ báo chủ chốt của CSVN (Nhân Dân và Quân Ðội Nhân Dân) mới loan tin về anh và tiếp theo là những bài tán tụng công đức mà anh đóng góp cho phe Cộng Sản của họ. Lúc ấy các cơ quan đoàn thể CSVN mới đua nhau đến viếng.

 

Ðiểm đáng lưu ý là hai viên chức cao cấp nhất đến viếng xác anh là Bí Thư thành ủy Sài Gòn Nguyễn Minh Triết và Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Lê Thanh Hải. Cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt và đương kim Thủ Tướng Phan Văn Khải gửi vòng hoa chia buồn với tính cách gia đình. Phải chăng hai ông Kiệt và Khải muốn công khai ủng hộ nhóm lãnh tụ đảng ở Miền Nam và có thể là cả Miền Nam?

 

Theo tin ghi nhận, có hàng chục ngàn người đứng hai bên đường phố Sài Gòn tiễn linh cữu Trịnh Công Sơn được đưa về nghĩa trang Gò Dưa. Số người đông đảo bất thường này phải chăng là một hiện tượng tâm lý của những người dân Sài Gòn mượn dịp tang lễ này để nói lên nỗi bất mãn nung nấu trong tâm trí người dân xưa kia không theo bên nào, nay đã tỉnh ngộ trước thực tế 26 năm cuộc sống dưới lá cờ đỏ sao vàng.

 

Sau 1975, tại Miền Nam phát sinh tâm lý tự tôn đối với Miền Bắc sau một thời gian nhận thấy rõ những kém cỏi về mọi mặt khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, đạo đức xã hội của Hà Nội so với Sài Gòn. Ðến khi mở cửa cải cách kinh tế, Miền Nam thu hút đầu tư nhiều hơn và mức tăng trưởng kinh tế của Sài Gòn và các tỉnh khác ở nam Vĩ Tuyến 17 cũng cao hơn rất nhiều. Từ đó mối thiện cảm ít ỏi của ngay cả các cán bộ VC Miền Nam đối với bộ phận CSVN ở Miền Bắc cũng giảm sút trầm trọng.

 

Một cuộc tụ tập đông đảo tưởng niệm một nhạc sĩ tiêu biểu cho lớp người không phục vụ VNCH, phản chiến, đã hết lòng phục tùng chế độ CSVN nhưng bị bỏ rơi, có vẻ tiêu biểu cho Miền Nam rất thích hợp với mục tiêu giả thiết nói trên. CSVN không thể lấy lý do gì theo luật pháp của chính họ để cấm đoán.

 

Quyết định cho làm đám táng rình rang có thể là vì Hà Nội thấy số người đến viếng TCS quá đông đảo khó cấm đoán nên nhân đó cho làm tang lễ trịnh trọng luôn để chận trước mọi phản ứng và vuốt ve dân chúng và cán bộ Miền Nam. Vả lại trong lúc ở ngoại quốc, Trịnh Công Sơn bị đả kích nặng nề thì đảng và chính quyền CSVN càng thấy an toàn để cho bí thư thành ủy đến viếng linh cữu Trịnh Công Sơn.

 

Tóm lại, có thể đưa ra một nhận định thô thiển về Trịnh Công Sơn và đám tang của anh như sau:

 

- TCS không phải là phần tử có chức sắc, địa vị hay nhiệm vụ gì quan trọng trong đảng và chính quyền CSVN, mà chỉ là một văn nghệ sĩ bị lợi dụng vì muốn nổi danh với đường lối sáng tác nhạc phản chiến. Nếu anh là cán bộ Cộng Sản thứ thiệt thì anh đã được trao cho những chức vụ không quá thấp, và khi chết sẽ được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ của CSVN ở Sài Gòn như những ca nhạc sĩ có công với đảng.

 

- Anh không đủ can đảm làm chiến sĩ cho bên nào. Nhiều dấu hiệu cho thấy anh bất bình ít nhiều với chế độ trong thập niên 1980 nhưng cũng không có can đảm để từ bỏ. Ðến chỗ này cũng nên thông cảm cho anh. Ðã lỡ chạy theo CSVN một cách hăng hái, dễ gì có can đảm bỏ đi tị nạn ở Gia Nã Ðại và Hoa Kỳ là nơi có thân nhân đang định cư. Lý do dễ hiểu là anh sợ không đủ sức để chịu nổi những lời trách cứ và lên án của cộng đồng người Việt ở hải ngoại nếu anh xuất hiện ở những nơi này. Anh không biết rằng có những nhạc sĩ bợ đỡ VC còn tệ hơn anh nhưng sang đây cũng được anh em tha thứ.

 

- TCS có để lại một số ca khúc có giá trị nghệ thuật, mà đa số người nghe đã công nhận. Nếu nói anh không có công lao gì đối với nền âm nhạc Việt Nam thì cũng hơi khe khắt. Nhưng nếu coi anh là một nhạc sĩ vĩ đại, một thiên tài sáng tác thì cũng hơi quá đáng.

 

Nay anh đã nằm xuống, sự khen chê đối với một nghệ sĩ "có nhiều vấn đề" như anh là điều không thể tránh khỏi. Sau vài chục năm nữa trở đi nếu oán thù khó hóa giải do CSVN gây ra mà có tiêu tan, khi những ân oán hôm nay đã chỉ còn là những dòng chữ trong lịch sử, con cháu chúng ta sẽ đánh giá lại chính xác hơn về công và tội của mọi người đáng được đánh giá, trong đó có Trịnh Công Sơn.

 

- Sau hết, những quan điểm chê trách anh không nên biểu lộ bằng những lời lẽ quá mạnh và quá gay gắt, vì Trịnh công Sơn không có vị trí quan trọng và tội lỗi quá lớn trong cuộc tranh đấu chống kẻ thù CSVN của chúng ta đến độ phải phung phí ngôn từ như vậy.

 

 Hà Nhân