Tội Phạm Có Tổ Chức

 

Thế nào là tội phạm có tổ chức? Tội phạm riêng lẻ của một cá nhân, chỉ có cá nhân đó chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tội phạm có tổ chức là một nhóm người cùng phạm một loại tội, tất cả đều phải liên đới chịu trách nhiệm, kể cả những người cầm đầu dù những kẻ này không trực tiếp nhúng tay vào tội phạm. Những băng đảng tội ác là hình ảnh điển hình của loại tội phạm này, chẳng hạn những băng đảng buôn bán ma túy. Ðường dây buôn lậu ma túy là một tổ chức thuộc đủ mọi cấp, từ những tên cầm đầu cho đến các nhóm chuyển vận và ở cấp đáy tận cùng là những kẻ bán lẻ ngoài đường phố. Tội kẻ cầm đầu vẫn nặng hơn tội kẻ tay sai.

 

Ở Việt Nam, đường dây ma túy vẫn không nghiêm trọng bằng nạn "tham nhũng có tổ chức". Báo nhà nước Saigon Giải Phóng đã vạch ra tính trầm trọng này khi loan báo những dữ kiện về nạn tham nhũng trong đảng. Con số các đảng viên tham nhũng riêng lẻ có bớt, nhưng các vụ "tham nhũng có tổ chức", nghĩa là các tập đoàn tham nhũng trong đảng, lại bành trướng rất mạnh, liên can đến đủ mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương, mọi đơn vị và những kẻ có "ô dù, móc ngoặc" tạo cho chúng những cái khiên che đỡ khiến rất khó bài trừ. Chuyện "tham nhũng có tổ chức" không phải mới lạ, nhưng đây là lần đầu tiên một báo nhà nước công khai đưa ra nhận xét tội phạm cá nhân có giảm, nhưng tội phạm tập đoàn lại tăng mức trầm trọng. Sự so sánh này có ý nghĩa là những con tép riu làm ăn lẻ đều bị triệt hạ, nhưng những con cá mập bự lại không chết mà còn mọc thêm vây cánh để mạnh và lộng hành thêm.

 

Saigon Giải Phóng chỉ là một báo địa phương, không giống như tờ Nhân Dân là báo đảng của cả nước, nhưng duới chế độ kiểm soát báo ngặt nghèo như hiện nay, dù tất cả đều là báo nhà nước, chắc chắn nếu không có sự đồng ý của một phe phái nào đủ mạnh ở trung ương, không khi nào Saigon Giải Phóng dám đăng một bài như vậy. Hơn nữa, bài báo được loan ra trong lúc đảng gấp rút chuẩn bị Ðại hội vào trung tuần tháng 4, tính nghiêm trọng của nạn "tham nhũng có tổ chức" chắc hẳn phải có liên quan mật thiết đến đại hội này. Chúng ta hãy nhìn xem sự liên quan đó như thế nào.

 

Tham nhũng ngày nay đã được "hiện đại hóa". Nó không có hình ảnh ấu trĩ của một anh quan liêu thò tay cầm tiền hối lộ. Tham nhũng ngày nay là những tập đoàn có môn bài, có bằng sắc, có cờ quạt, có lọng vàng của chủ trương đường lối và cả bảng hiệu định hướng. Chúng có thể đứng ngoài đảng, chúng có những tên gọi rất hợp pháp như các công ty quốc doanh đủ loại, kể cả quân doanh hay các ngân hàng thương mại, do đảng chỉ huy và chính phủ trực tiếp quản lý. Hàng ngàn công ty quốc doanh lớn nhỏ, đủ mọi cấp từ trung ương đến địa phương làm ăn lỗ lã là những ổ tham nhũng, thâm lạm công hữu do tiền của dân đóng góp, nhưng chúng vẫn tồn tại, bởi vì chúng đã có sắc phong. Khi đảng quyết định chính sách kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa và quốc doanh lãnh đạo kinh tế quốc dân, quốc doanh hiển nhiên nằm trong chính sách và chủ trương của đảng.

 

Các con cá mập tham ô dù ở ngoại vi hay nằm trong các cơ quan đảng đều bắt buộc phải có tổ chức tinh vi để che mắt thiên hạ. Về mặt tổ chức, trước hết phải nói ngay đảng Cộng sản là một đảng có tổ chức hoàn hảo nhất so với mọi thứ đảng phái khác, vì có gần một thế kỷ kinh nghiệm kể từ thời lập đảng ở Nga. Về thủ đoạn che mắt bên ngoài, đảng Cộng sản xuất thân là "hội kín" trong thời gian làm cách mạng, nên càng thiện nghệ hơn nữa. Chính vì thế khi đã nắm được chuyên chính độc tài toàn trị, đảng vẫn giữ bản sắc nguyên thủy của nó là hội kín. Bây giờ chính các đảng viên Cộng sản đứng ra tổ chức các tập đoàn tham nhũng, thử hỏi làm sao chúng không tinh vi hơn hết thảy mọi thứ "tội phạm có tổ chức" nào khác trên cõi đời này. Saigon Giải phóng nói tham nhũng có "ô dù che chở" nên tính chất rất nghiêm trọng. Ðúng vậy, các tập đoàn tham nhũng đã phát triển, nhưng phát triển theo chiều cao chớ không ở mặt bằng. Ô dù hiển nhiên là ở cấp cao nhất, nhưng không rõ tờ báo này muốn ám chỉ nhân vật nào trong lớp lãnh đạo. Lúc này có quá nhiều hỏa mù tung ra nên rất khó đoán. Nhưng sự thật "ô dù" không phải là người mà là vật. Chính cấu trúc đảng và chế độ là ô dù che chở cho các tập đoàn tham nhũng.

 

Nhân sự chỉ là thứ yếu. Cách tổ chức đảng, cơ chế của nó và chế độ do nó lập ra để thi hành chính sách của nó mới quan trọng. Có cơ cấu đó nên tham nhũng mới phát sinh và do đó những kẻ ô dù mới có lý do tồn tại. Những con cá mập "tham nhũng có tổ chức" đều vì "chính nghĩa" định hướng xã hội, vì sự sống còn của đảng mà hành động. Chúng lấy danh nghĩa làm tiền cho đảng có kinh phí sinh hoạt và cũng cố sức mạnh, nhưng thật ra chúng nộp cho đảng thì ít mà bỏ túi riêng thì nhiều. Bài học "lạm dụng" này chính đảng đã dạy cho chúng khi nhắm mắt cho chúng lạm dụng công hữu. Kết quả là kinh tế chao đảo, xã hội lũng loạn và đạo đức suy đồi. Hình ảnh đảng bị hoen ố và niềm tin của dân đối với đảng bị sói mòn. Trước ngày họp Ðại hội đảng kỳ 9, có nhiều tin nói đến những thay đổi quan trọng về nhân sự lãnh đạo, nhưng không thấy nêu lên vấn đề nghiêm trọng nhất: làm thế nào bài trừ tham nhũng?

 

 Không có tư pháp độc lập và điều tra độc lập, không chấp nhận đối lập và không có tự do ngôn luận, không có cách nào bài trừ được tham nhũng. Khi chính kẻ tội phạm ngồi ghế công lý, không thể nào hết tội phạm. Phương pháp duy nhất là đảng phải tự tháo gỡ. Còn đảng, còn tham nhũng; đảng hết, tham nhũng chết. 

 

Sơn Ðiền Nguyển Viết Khánh