Tội Cho Làng Báo Nước Nhà

   

 

Trong mưu đồ giành độc quyền thống trị, Ðảng CS phi chánh trị hóa ( depolitiser ) mọi tầng lớp xã hội và nhu cầu thiết yếu của con người. Sai phạm cái gì còn có thể châm chước được, chớ dính vào chánh trị thì trị vô phương. Nhu cầu thì điều kiện hóa tùy phạm vi. Làm ăn,  kinh tế phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Giải trí, nhân dân  cứ tha hồ hưởng lạc để quên thân phận trên đe dưới búa của mình. Riêng nhu cầu hiểu biết, thông tin, nghị luận liên quan đến chánh trị nên CS nắm chặc tổ chức và tha hóa con người.  Chỉ có sách báo, đài của Ðảng. Thế vẫn chưa đủ.  Ðảng còn có cả một mưu đồ tinh vi mà rộng lớn  trong thời kỳ gọi là Ðổi Mới để triệt hạ, tha hóa làng báo, làng văn, vốn thuộc đệ tứ quyền, trong chế độ dân chủ tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp, tư pháp).

 

Dù người Việt đã biết mưu đồ ấy một cách chung chung, bản tường trình có hệ thống của ký giả Adrian Edwards thuộc Tạp chí Far Eastern Economic Review, từ Sài gòn gởi về,  soi sáng thêm phương cách CS hạ cấp báo chí và làm biến chất làng báo, làng văn, khiến người đọc cảm thấy vô cùng tội nghiệp cho những người cầm bút trong nước. Từ khi gọi là Ðổi mới, CS đã khéo léo tạo cho người viết và người đọc có cảm giác và ão tưởng rằng sắp có một cuộc cách mạng truyền thông và sắp được hưởng tự do báo chí. Báo và đài được phép lấy thu bù chi. Ðảng và Nhà Nước không bao cấp nữa. Bên ngoài cơ quan ngôn luận có vẻ thoát khỏi dây thong lọng bao cấp, sự lệ thuộc kinh tế buộc ăn cơm chúa phải múa tối ngày. Nhưng chính việc cởi trói kinh tế đó là một âm mưu nhằm hạ cấp, hủ hóa, cơ quan và nhân sự truyền thông trong trường kỳ. Ai cũng biết báo chí  VNCS không thể sống bằng quảng cáo, mà sống bằng tiền bán báo. Quảng cáo có bao nhiêu khi các quốc doanh độc quyền không cần tranh thương, khuyến mãi. Hơn nữa, khác với các nước tự do, VNCS buộc truyềân thông phải chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo, khiến phải hết sức thận trọng khi nhận quảng cáo nếu có. Và quảng cáo vì thế đã ít lại càng ít hơn.

 

Cảm giác tự do báo chí còn được chính Cố Tổng Bí thư Nguyễn văn Linh tạo nên. Với bút hiệu XYZ, vị này thường viết " Những việc cần làm ngay" trên nhiều tờ báo khi thì phê bình chỉ trích, lúc vận động, cỗ võ những điều sai và việc đúng. Nhưng đó chỉ là một cái bẫy để nhận dạng những người cầm bút chống chế độ. Vì chẳng bao lâu sau, chính vị này là người trị mạnh và thẳng tay báo chí.

 

Vòng kim cô bóp cổ truyên thông nhân danh bí mật quốc gia, quân sự, đảng vụ, công vụ trong thời chiến được xiết chặt thêm nhân danh chống diễn biến hoà bình. Xiết thêm theo mức độ  mở cửa cho đầu tư nước ngoài trong thời kỳ kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tức là đổi mới kinh tế mà không đổi mới chánh trị. Ðiều kiện được cấp thẻ báo chí khó hơn lên. Còn việc rút thẻ báo chí lại dễ dàng hơn trước. Bản liệt kê những điều cấm kỵ mà chế tài vi phạm là rút phép hành nghề, đình bản báo, kéo dài lê thê theo tháng năm của Cuộc Ðổi Mới. Ðại kỵ  nhứt là loan những tin tranh chấp nội bộ đảng, tình hình ngoại tệ, tình trạng sức khỏe của những chóp bu đảng. Ô. Tổng bí thư Lê khả Phiêu bị cảm cúm; viết lên báo, theo các qui định, là phạm trọng tội tiết lộ bí mật quốc gia! Hàng tuần Chủ nhiệm và trưởng ban biện tập phải dự phiên họp bắt buộc do Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng đảng chủ tọa, chỉ thị những đề tài phải khai thác và những cấm kỵ có tính thời sự. Và sau cùng là chỉ có cơ quan và bộ phận ngoại vi của Ðảng mới được ra báo. Tư nhân triệt để không.

 

Vì chính sách nghiệt ngã ấy, các báo phải thích nghi để sống còn. CS gián tiếp mở đường cho việc thích nghi sống còn theo hướng tiêu cực để người  viết lẫn người đọc có cảm giác có tự do viết và đọc. Thứ nhứt báo được khui những vụ tham nhũng trong chừng mực, trong hướng đó là sai phạm do cá nhân, chớ không phải do sai lầm của Ðảng. Thứ hai muốn sống còn báo phải bán chạy và không phạm các húy kỵ. Nhiều báo phải chấp nhận con đường đánh mất mình, tha hóa, chạy theo thị hiếu thấp của độc giả, và tự biến mình thành những tờ báo lá cải. Khai thác tối đa các vụ án tình dục, hình sự. Báo của Công an trung ương lẫn địa phương là những tờ báo giật giải quán quân trên con đường tệ hại này.

 

Chưa đủ, Ðảng còn hạ cấp làng báo bằng đòn bá đạo "phong bì", trà nước, lo lót, hối lộ cho ký giả để tô lục chuốc hồng, hay để ngậm tăm trước  bê bối của quốc doanh lời giả lổ thiệt, bộ máy rửa tiền cho cán bộ gộc. Ðảng buộc báo phải lấy thu bù chi, nhưng lại kềm lương nhà báo ở mức ngấp ngỏm. Dân có ghét thì ghét quốc doanh ăn hại, ký giả mất chất, chớ có thấy người xúi giục đâu mà ghét.

 

Tuy nhiên không phải ai cũng sa vào âm mưu của Ðảng. Báo chui, báo lậu bằng giấy, bằng tin học, tức nước vỡ bờ, đầy ra đó. Ngay trong làng báo của Ðảng cũng có xé rào. Ký giả Adrian Edwards lấy Tờ Tuổi Trẻ của thành phố Sài gòn cũ làm thí dụ điển hình. Từ một tuần báo, Tuổi trẻ uốn mình qua ngõ hẹp để trở thành gần như một nhựt báo, phát hành năm số một tuần, kể cả tờ Tuổi Trẻ Cười. Nhiều người nhận xét sỡ dĩ Tuổi Trẻ làm được như thế, không để bị tha hóa biến thành tờ lá cải, là nhờ đa số những người viết và âm thầm lèo lái tờ báo hiểu biết và có kinh nghiệm về báo chí của thời VNCH, như Lâm võ Hoàng, Lý quí Chung. Những người này khéo léo đổi màu để giúp cho tờ báo sống còn mà không mất chất. Thí dụ như Lý quí Chung bị cấm viết về chánh trị thì viết về thể thao. Cái thế thứ hai của Tuổi Trẻ là sự ủng hộ ngầm và binh vực của CS Nam, dựa vào nguyên tắc cấp ủy địa phương lãnh đạo. Nói khác Thành ủy, biểu tượng của CS Nam, làm lạc hướng những qui định ngặt nghèo của CS Hà nội. Nhưng cái giá phải Tuổi trẻ phải trả không nhỏ. Báo bị tịch thu, Tổng biên tập bay chức và bị kiểm điểm kỷ luật đảng khi cho đăng Ô. Hồ chí Minh có hai vợ và  uy tín xuống rất rất thấp trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây, trái với chủ trương thần thánh hoá lãnh tụ của CS Hà nội.

 

Mưu đồ kiểm soát và hạ cấp báo chí của CS Hà nội hầu phi chánh trị hóa báo chí và xã hội để độc quyền thống trị rất thâm. Làng báo làng văn bị CS đặt vào một hoàn cảnh rất đáng thương tâm. Nhưng vẫn có người, có báo can đảm không bán rẻ lương tâm chức nghiệp, không khuất phục trước cường quyền, làm cho CS điên lên. Bông sen trong vũng bùn CS ngày càng nhân lên. Sau cùng chân thiện mỹ sẽ thắng.

Vi Anh