THƯỢNG BẤT CHÍNH HẠ TẮC LOẠN

 

            Hà Nhân

 

Ðọc các báo chí của nhà cầm quyền CSVN tuần qua có mấy sự việc đáng chú ý diễn tiến tại cơ quan “Quốc Hội”. Ngoài các bản tin về việc quốc hội này ra nghị quyết phê chuẩn Hiệp Ðịnh Thương Mại Song Phương, còn có tin nhiều đại biểu quốc hội than phiền hiện tượng đáng lo ngại “trên nói dưới không nghe” và tình trạng khó ngăn chận tham nhũng, một tệ nạn ngày càng lan rộng và ăn sâu.  

Theo tin trên báo Nhân Dân và Lao Ðộng, trong phiên họp ngày 26/11/2001 của quốc hội Hà Nội, các đại biểu tỏ ra “gay gắt” đòi “Phải sớm lập lại kỷ cương chấm dứt tình trạng trên nói dưới không nghe.” Câu nói này là do ông Phan Văn Khải nói ra, được các đại biểu nhắc lại.  

Ðại biểu Quảng Ngãi Huỳnh Thị Hường cho rằng chính phủ CSVN chưa nêu đầy đủ vấn đề này trong báo cáo và chưa giải quyết được sự yếu kém kéo dài trong quản lý và điều hành tổ chức từ trung ương đến địa phương, một tình trạng không thể chấp nhận.  

Theo nhiều đại biểu quốc hội Hà Nội, lời ông Khải nói trong điều hành có tình trạng “trên nói dưới không nghe” được thấy rõ trong việc nhập cảng xe hơi. Dù có nghị quyết của quốc hội giảm dần việc nhập cảng những mặt hàng trong nước có khả năng sản xuất, nhưng tỷ lệ nhập cảng vẫn lên cao. Xe hơi nguyên chiếc vẫn được mua vào vượt quy định 82,7%, phụ tùng để lắp ráp xe hơi vượt 64%... bộ phận rời xe gắn máy vượt 133,3%.  

Ðại biểu Tô Từ Thanh nêu lên một số nghị định gần như bị vô hiệu hóa, như nghi định về việc đội mũ bảo hiểm. Nghị định này được cổ võ ầm ĩ một thời gian nay đã chìm xuồng mau lẹ.  

Nhiều đại biểu đòi tìm ra người có trách nhiệm, xác định trách nhiệm cá nhân trong chỉ đạo điều hành thay vì chỉ “nhận thiếu sót chung chung và những tồn tại cứ tồn tại mãi.” Nhất là theo các đại biểu, chính phủ cần làm rõ việc có nhiều pháp lệnh, nghị quyết và chính sách đã ban hành nhưng không được thực hiện. Mô tả cụ thể hơn, các đại biểu nói “công chức, đảng viên vẫn còn hiện tượng lãng phí tám giờ làm việc, đến cơ quan 'ngồi chơi xơi nước,' tiêu tiền 'chùa,' không chịu làm việc chỉ lo 'chạy chức, chạy quyền.'”  

Về ngân sách xây dựng, các đại biểu cho biết thời gian thực hiện thường kéo dài, trong khi “thất thoát đến 30%. Năm 2000, kinh phí đầu tư hơn 30 ngàn tỷ đồng, thất thoát 10 ngàn tỷ đồng VN. Phải chăng vì chạy chọt, lại quả mà số vốn chỉ còn 50%?”  

Ngoài ra các đại biểu nói năm nào chính phủ và các bộ, các ngành cũng bàn bạc việc phòng chống lũ lụt. Nhưng càng bàn “lũ có vẻ lại càng nặng hơn.” Một nghịch lý trong việc làm của chính phủ, theo các đại biểu là “Làng văn hóa tăng và tệ nạn ma túy cũng đều tăng.”  

Các đại biểu cũng thắc mắc về thất thu ngân sách, và chi phí bừa bãi, cần chấn chỉnh lại. Chỉ đầu tư vào các doanh nghiệp có hiệu quả. Riêng về thói ưa trình diễn rình rang của chế độ CSVN luôn luôn diễn ra trong 55 năm qua, các đại biểu nói rằng “vấn đề chi cho lễ lạt, hội hè không chỉ ở các cơ quan bộ, ngành trung ương mà nhiều địa phương hết sức lãng phí. Ðã có những nơi, sau khi khởi công, khánh thành, tiền mua lẵng hoa có thể xây dựng được một công trình thủy lợi loại nhỏ. Và có những chiếc xe ô-tô loại đắt tiền của một bộ, ngành địa phương đáng tiền tỷ có thể xây dựng được hai trường học...”  

Ngoài ra, phiên họp ngày 28/11/2001 cũng có nhiều đại biểu nêu vấn đề khu vực kinh doanh tư nhân chưa được chú trọng, tình trạng vấn đề xã hội không được quan tâm. Một đại biểu nêu lên sự kiện “Khoa học kỹ thuật cứ 4 năm lại phát triển gấp đôi; vậy sau 4 năm đạo đức xã hội có tăng gấp đôi không?” Do đó tội phạm trong thanh thiếu niên gia tăng mạnh.  

Những phát biểu của các đại biểu quốc hội CSVN nêu trên đây thật ra không có gì mới lạ lắm. Có đáng để ý chăng là mấy năm gần đây, các đại biểu quốc hội của họ được cho phép lên tiếng chỉ trích, phê bình các cơ quan chính quyền những vấn đề xét ra không nói thì người dân cũng biết, kể cả một số vấn đề hệ trọng. Tuy nhiên họ không hề được đả động đến Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng và bộ Chính Trị.  

Nhưng tiếc rằng như một đại biểu đã nói, chính quyền sẵn sàng nhận trách nhiệm chung chung nhưng những sai trái vẫn tiếp tục sai trái. Vì lẽ dù được quyền ăn nói rộng rãi hơn mức giới hạn trước kia một ít, các đại biểu quốc hội CSVN cũng vẫn chỉ là những con rối chỉ biết gật. Có quyền ăn nói nhưng không có quyền hành động thì có cũng như không.  

Toàn thể quốc hội sẽ được thêm tý quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm những viên chức mà họ bầu ra theo một đề nghị tu chính hiến pháp. Trước đây ban Thường Vụ Quốc Hội có quyền biểu quyết bãi miễn nhân viên nội các. Theo tu chính mới, ban Thường Vụ không còn quyền này. Nhưng quyền đưa ra một đề nghị biểu quyết bất tín nhiệm chắc chắn vẫn nằm trong tay ban Thường Vụ Quốc Hội gồm toàn lãnh tụ đảng được tín nhiệm của Bộ Chính Trị. Một hay nhiều dân biểu không thể có quyền đưa ra đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng hay bộ trưởng.  

Trong những vấn đề được nêu ra trước quốc hội CSVN nói trên, tình trạng cấp dưới bất chấp lệnh cấp trên là đầu mối của hầu hết các tệ nạn hành chánh, quản trị kinh tế tài chánh hiện nay dưới chế độ này.  

Sau ngày 30./4/75, nhân dân Miền Nam rất ngạc nhiên và một số người trước đó tin lời tuyên truyền của Hà Nội, đã thất vọng trước lề lối “quân hồi vô phèng” trong các tổ chức quân đội, công an và hành chánh của chế độ Cộng Sản.  

Lệnh trên cấm nhập cảng xe gắn máy và xe hơi ra từ khoảng năm 1978, chẳng có ma nào làm theo. Từ giữa thập niên 1980, lệnh mới cho nhập cảng xe hơi và xe gắn máy ở mức hạn chế cũng bị các tỉnh và huyện - nhất là quận huyện có nhu cầu ngân sách cao - cũng bị coi như không có. Lệnh cấm công an ăn nhậu thì họ rút vào ăn nhậu ở đàng sau nhà. Nghị định cấm lập trạm kiểm soát đường sông và đường bộ nếu không có lệnh trung ương chỉ được thi hành một phần nhỏ.  

Nhiều quyết định, luật lệ ban hành bởi cấp trung ương bị cấp trung gian tự tiện giải thích theo lợi ích riêng, và có nhiều khi không ra văn bản thi hành kịp thời. Hệ thống lập quy (quyền hành pháp ra chỉ thị thực hiện một đạo luật theo quy cách dân chủ tây phương) hàm hồ, thay đổi xoành xoạch là một trong những nguyên nhân.  

Nhiều viên chức và cán bộ CSVN có học vấn đều công nhận rằng hệ thống thực hiện, chấp hành luật lệ của CSVN chịu ảnh hưởng nặng nề của tập quán làm việc trong chiến tranh du kích. Hồi chiến tranh ở Miền Nam, các huyện ủy và các ban an ninh, ban kinh tài trực thuộc, có quyền hạn tiền trảm hậu tấu, được tự do quyết định nhiều vấn đề rộng rãi hơn cả cấp tỉnh. Nhờ đó guồng máy đảng tại địa phương rất hữu hiệu và phản ứng mau chóng. Sau khi chiếm cả nước, bọn cán bộ địa phương vẫn giữ nguyên tập quán cai trị kiểu du kích khủng bố. Cấp trên không dám thẳng tay vì sợ gây bất mãn nguy hiểm trong nội bộ. Dần dần, việc “bất tuân thượng lệnh” - ngoại trừ những huấn lệnh về an ninh chính trị - của các “sứ quân” trở thành thông lệ.  

Thân nhân của một người cán bộ già, bạn với ông Phạm Văn Ðồng cho biết, năm 1982 khi viên thủ tướng này còn tại chức có nói với người bạn già này đại để rằng “Anh em mình hiện rất bế tắc, tôi nói thì chúng nó nghe nhưng chẳng đứa nào làm theo...”  

Từ ông Ðồng cho đến những thủ tướng kế nhiệm, một việc đã giao cho một hay nhiều bộ thì các bộ này có toàn quyền ra thông tư thi hành, nhiều khi không thèm phối hợp với các cơ quan tương nhiệm như trường hợp xây cất công trình thủy điện Sông Ðà và Trị An. Hoặc khi có tình hình thay đổi, thủ tướng thường không dám can thiệp vào việc uốn nắn lại quyết định của cấp dưới. Một đơn vị thuộc cấp có quyền thay đổi giờ làm việc không tuân theo quy định của bộ chỉ huy đơn vị cao hơn. Những chuyện tréo giò này xảy ra rất bình thường.  

Thói quen bất chấp lệnh trên còn do hậu quả nặng nề hơn cả của tình trạng tham nhũng lan tràn. Cũng gần giống như nền hành chánh của nước VNCH trước năm 1975, cấp trên nào mó tay vào các hành vi tham nhũng cũng khó che mắt được cấp dưới, thậm chí có khi phải nhờ cấp dưới cộng tác, nhiều lúc cả cấp nhỏ nhất. Từ đó mà cấp dưới mới “loạn” vì thấy cấp trên “bất chính.”  

Còn nhớ khoảng năm 1972 khi nạn tham nhũng lên cao và Phó Tổng Thống Trần Văn Hương xắn tay áo “diệt tham nhũng,” đài truyền hình Sài Gòn hàng ngày chiếu khẩu hiệu “Thượng Bất Chính Hạ Tắc Loạn” trên màn ảnh nhỏ để ủng hộ. Khán giả rất khoái trá. Ðược vài ba ngày có lệnh của “cấp trên” (có lẽ của phủ tổng thống) dẹp khẩu hiệu này, hẳn là vì nhiều vị cao cấp trong chính phủ bị chạm nọc. Dân chúng lại được dịp cười khoái trá hơn.

Tuy nhiên tình trạng tham nhũng hiện nay ở Việt Nam sâu và rộng gấp nhiều lần - có người nói hơn 100 lần - so với chế độ Nguyễn Văn Thiệu xưa kia. Nhận định này có thể không có gì là quá đáng vì mức độ “Bất Chính” ngày nay ghê gớm, tàn nhẫn và vô liêm sỉ hơn hẳn cái “Bất Chính” của thời kỳ Miền Nam sống dưới chế độ của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và nhất là dưới chế độ của cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.  

Tình trạng này sẽ còn trầm trọng hơn khi mà Hiệp Ðịnh Thương Mại Song Phương bước vào giai đoạn thực hiện. Lề thói làm ăn kiểu du kích và hiện tượng “thượng bất chính hạ tắc loạn” sẽ khiến chính quyền CSVN không thể khai thác tối đa những lợi điểm do HÐTM có thể đem lại. Trái lại, nó còn có thể di hại trầm trọng cho quyền lợi của nhân dân trong nước.