THƯ VỀ QUỐC NỘI

 

Ðại Dương

 

Anh Dân,  

Dễ thường đến mấy tháng mới nhận được thư của anh. Phải chăng anh chờ Hiệp ước Thương mại Việt-Mỹ được Quốc hội Cộng sản phê chuẩn rồi trút bầu tâm sự?  

Tôi hoàn toàn thông cảm mối ưu tư của anh. Một vấn đề dù giản dị cách mấy cũng trở nên phức tạp, lẫn lộn trong môi trường thông tin bưng bít hoặc bị điều-kiện-hóa như quê hương ta hiện nay.  

Hy vọng thư này sẽ cung cấp thêm dữ kiện để anh tiện việc xét đoán chính xác hơn về Hiệp ước nói trên.  

Mấy người bạn Mỹ trố mắt nhìn khi nghe tôi kể về chiến dịch dai dẳng của Hà Nội nhằm chống lại Ðạo luật Nhân quyền do Hạ viện Hoa Kỳ thông qua với đa số tuyệt đối. Cả Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan cũng nói “Chúng tôi đòi hỏi Ðạo luật này phải được chôn vùi cùng với quá khứ đen tối để chúng ta cùng nhau nhìn về tương lai tốt đẹp hơn”. Trích AP 28-11-01.  

Họ cho biết rất ngạc nhiên vì hai lẽ. Một là, Ðạo luật đó, nếu được ban hành, chỉ bảo vệ quyền con người, quyền công dân của người Việt Nam. Hà Nội vẫn rêu rao là chính quyền của dân, do dân, vì dân thì tại sao họ chống lại việc bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam? Hoặc giả, chính quyền nhân dân chỉ là khẩu hiệu, chiêu bài của Hà Nội dùng để mị dân? Hai là, Quốc hội Hoa Kỳ đại diện cho cử tri, tức là người thọ thuế, có quyền đòi hỏi, đặt điều kiện cho các tổ chức phi-chính-phủ thi hành nhiệm vụ khi nhận tiền của Mỹ. Bởi vì công dân Mỹ không muốn chính quyền dùng tiền thuế của họ để tiếp tay cho chính phủ ngoại quốc đàn áp đồng loại.  

Anh Dân à, hà cớ gì Cộng sản Việt Nam phải lo ngại nếu không có hành động vi phạm nhân quyền.  

Hiệp ước đã được hai nước phê chuẩn và sẽ thi hành kể từ 1-1-02. Thực tế, hai quốc gia Việt-Mỹ đều cần nhưng theo từng mức độ khác nhau.  

Năm vừa qua, thương mại giữa 2 nước lên đến 1.2 tỉ mỹ kim, ít hơn 0.5% tổng số thương vụ của Hoa Kỳ. Theo Washington Post 4-10-01. Tức là Hiệp ước không mấy ảnh hưởng đến nền ngoại thương của Mỹ.  

Ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam năm 2001 khoảng 15 tỉ mỹ kim trong khi thương vụ Việt-Mỹ chiếm 1.2 tỉ là con số ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam.  

Hai quốc gia khi đặt bút ký Hiệp ước song phương đều nhắm vào quyền lợi riêng tư có tính toán. Ai tính giỏi đem lợi cho quốc gia dân tộc. Kẻ vụng tính sẽ di lụy đến tổ quốc.  

Thiết tưởng, anh nên xem xét Hiệp ước Thương mại song phương bằng đầu óc con buôn.  

Hoa Kỳ đã ký Hiệp ước Thương mại với hầu hết các quốc gia trên thế giới chỉ trừ có 6 nước như Việt Nam, Cuba, Serbia, A Phú Hãn, Bắc Triều Tiên, Iraq.  

Buồn thay, chỉ có những nước chưa ký Hiệp ước Thương mại với Hoa Kỳ mới rơi vào tình cảnh đói nghèo, kiệt quệ, lạc hậu, không tìm ra lối thoát. Các quốc gia khác đều phát triển hài hòa hoặc thành rồng thành hổ và làm thầy cho Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Họ không hề mất chủ quyền và nền độc lập dân tộc vẫn nguyên vẹn trong khi giao thương với Hoa Kỳ.  

Thế mà, báo Nhân Dân cứ cong đuôi mà gào trong bài xã luận ngày 29-11-01 “Hiệp định Thương mại đem lại cho đất nước chúng ta nhiều khó khăn và thách thức. Một thách thức chủ yếu là nhiều thế lực ở Mỹ không từ bỏ thái độ thù địch đối với Việt Nam. Chúng muốn lợi dụng Hiệp ước để lôi đất nước chúng ta ra khỏi con đường xã hội chủ nghĩa và mất chủ quyền dân tộc”.  

Hoa Kỳ dùng thương ước để phát triển kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận. Người Mỹ không đến để giúp hoặc phá hoại nước Việt Nam. Ðiều kiện đầu tư có triển vọng mang lại lợi nhuận, họ bỏ vốn vào. Ngược lại, họ tìm đến các nước khác. Chuyện ấy đã xảy ra cho Việt Nam cuối thập niên 1990.  

Tất nhiên, kinh doanh trong xã hội hiện đại cần những điều kiện mà loài người văn minh có thể chấp nhận được như là tiêu chuẩn phổ quát. Quyền bình đẳng trong xã hội phải được tôn trọng. Tài sản trí tuệ phải được bảo vệ. Tự do tư tưởng, kinh tế phải được khuyến khích nhằm tạo ra sáng kiến. Cạnh tranh công bằng giữa các thành phần trong xã hội.  

Người Mỹ lúc nào cũng sẵn sàng và có rất nhiều kinh nghiệm cạnh tranh nhờ giao thương với hầu hết các quốc gia trên thế giới.  

Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã làm gì để chuẩn bị các màn cạnh tranh thương mại trong tương lai?  

Các cơ quan tài chính quốc tế, các quốc gia cấp viện liên tục khuyến cáo, thúc giục Hà Nội thu hẹp khu vực quốc doanh và nới rộng khu vực tư doanh. Lý do, quốc doanh là một guồng máy cồng kềnh, quan liêu chẳng những ăn hết lợi nhuận mà còn thâm thủng ngân sách, phí phạm tài nguyên.  

Thủ tướng Phan Văn Khải báo cáo trước Quốc hội vào tháng 11-01 đã thú nhận “chương trình sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước tiến hành chậm, tỉ lệ nợ khó đòi vượt quá giới hạn cho phép...năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của nhiều doanh nghiệp còn thấp, đặc biệt là hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước”.  

Mặc dầu vậy, Khải vẫn trung thành với Nghị quyết Ðại hội IX khi bàn về doanh nghiệp nhà nước “số lượng doanh nghiệp nhà nước sẽ giảm, nhưng vẫn giữ những vị trí then chốt trong nền kinh tế...góp phần phát huy vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước trong nền kinh tế quốc dân”.  

Trung ương đảng liên tục đưa ra các Nghị quyết chi tiết. Chính phủ chẳng chịu kém bèn ban hành nhiều Quyết định, kế hoạch chi tiết hơn để mọi cấp thi hành. Cán bộ quản lý lo học Nghị quyết, đọc Quyết định cũng đủ hết giờ. Sáng kiến, nếu có, cũng chẳng có giờ để mà chui ra.  

Bộ ba Nông Ðức Mạnh, Trần Ðức Lương, Phan Văn Khải và hầu hết trí thức xã hội chủ nghĩa đều xuất thân từ hệ thống giáo dục, đào tạo của Liên Xô nên không thể từ bỏ được đầu óc kế-hoạch-hóa.  

Tình trạng kế-hoạch-hóa càng cao thì guồng máy điều hành xã hội càng cồng kềnh. Mặc dù Khải thề sống thề chết nhưng vẫn không thể cải tổ được guồng máy hành chính.  

Kiểm điểm cuối năm 1999 của Khải đã mô tả khả năng các cấp lãnh đạo Nhà nước “Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành chưa làm tốt chức năng nghiên cứu chiến lược, quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế và thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, thể chế...nhiều chủ trương, chính sách bị biến dạng qua các tầng nấc hành chính, cơ quan Nhà nước vẫn hành dân là chính, sự tha hóa trong bộ máy và đội ngũ cán bộ không giảm”.  

Báo cáo của Khải trước Quốc hội vào tháng 11-01 “công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ và các cấp chính quyền địa phương còn nhiều bất cập, thiếu phối hợp đồng bộ, thiếu kiểm tra, đôn đốc, kỷ luật chấp hành lỏng lẻo, nên còn kém hiệu lực và hiệu quả. Công cuộc cải cách hành chính, xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí được đề cập nhiều, nhưng việc làm và kết quả còn hạn chế...Nhiều vấn đề bức xúc đã có chủ trương, biện pháp giải quyết nhưng vẫn kéo dài sự tồn tại, thậm chí còn gay gắt thêm”.  

Sau 2 năm cải tổ hành chính, tình trạng vẫn như cũ. Nhà nước phình to ra thì thu hút nhiều cán bộ. Ðảng vỗ béo thêm nhiều cán bộ. Lợi nhuận do dân chúng làm ra lại chui vào túi cán bộ.  

Ngày 29-11-01, Tổng giám đốc Tổ chức Mậu dịch Thế giới Mike Moore đã đến Việt Nam để bàn điều kiện gia nhập. Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan đã cho các phóng viên biết sau khi gặp gỡ ông Moore “Việt Nam và Tổ chức Mậu dịch Thế giới đã có 4 vòng đàm phán nhưng vẫn còn bị hạn chế về các vấn đề minh bạch-transparency”. Trích New York Times 29-11.  

Hà Nội thích dán nhãn hiệu “bí mật quốc gia” lên bất cứ thứ gì cần giấu giếm với dư luận.  

Thái độ này không thích hợp với thương trường thế giới văn minh. Mọi dữ kiện đều phải công khai để doanh gia xây dựng kế hoạch chính xác hầu tránh thất bại trên thương trường.  

Anh Dân,  

Cộng sản Việt Nam thường tự hào là đỉnh cao trí tuệ loài người. Tại sao họ sợ thi đua trí tuệ với kẻ khác? Phải chăng trí tuệ cộng sản lỗi thời, cùn mằn? Hoặc lời lẽ tự cao tự đại hoàn toàn không đúng sự thật?  

Cán bộ cộng sản từ Hành pháp cho chí Lập pháp đều chưa từ bỏ thói quen xã hội chủ nghĩa. Bộ máy kế-hoạch-hóa quá cồng kềnh không thể phản ứng linh hoạt trong môi trường công nghiệp hiện đại.  

Ðảng Cộng sản Việt Nam áp dụng mọi thủ thuật để bảo vệ quyền lợi của đảng viên bằng cách huy động vốn liếng dành dụm của dân chúng để bù lỗ cho các công ty do cán bộ quản lý.  

Hiệp ước Thương mại Việt-Mỹ là cơ hội thuận tiện để cho Việt Nam hội nhập vào xã hội văn minh, tiến bộ. Do đó, người Việt Nam không thể để cho đảng Cộng sản vì quyền lợi riêng tư, vì địa vị tiếp tục dìm đất nước trong nền kinh tế man dại.  

Ðại Dương