Thử Thách Quan Trọng Nhất

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh

 

Những gì được nói ra bên ngoài không quan trọng bằng những gì không đuợc nói ra. Đây là tập tục thông thường của những hội kín như đảng Cộng sản Việt Nam. Trung ương đảng CSVN đã họp trong 10 ngày, theo thông cáo đuợc công bố, họ đã xác định lại con đuờng kinh tế định hướng xã hội chủ nghia, lấy quốc doanh chỉ đạo kinh tế quốc dân. Theo bản tin của thông tấn xã nhà nước, Trung ương còn thông qua một điều lệ mới về công tác của các cơ quan đảng, buộc các đảng viên cấp trung ương phải xây dựng gia đình gương mẫu, không để người thân lạm dụng quyền thế. Đây cung chỉ là những chuyện quá thường, không lẽ một tuần lễ đóng cửa thảo luận chỉ có mấy chuyện ai cũng đã biết.

Nhưng sự phân tích tin báo chí trong nước và cả những nguồn tin đảng đã cho thấy cuộc họp lần này khá quan trọng vì một chuyển hướng mới có vẻ đã bắt đầu trong cơ cấu đảng. Hướng mới này đã manh nha từ khi có đại hội đảng kỳ 9 hồi tháng 4, trong đó có việc bãi bỏ ba chức cố vấn trung ương, số ủy viên trung ương cũ hơn 170 người đã bị loại trừ đến 86 người, tức quá 1/2 thay vì 1/3 như thông lệ trước đây. Đặc biệt Trung ương hiện nay chỉ có 150 người. Số ủy viên thu hẹp lại là có ý nghĩa gì? Trong khi đó, ban Thuờng vụ bộ Chính trị đã bị bãi bỏ và cả cái gọi là "tam đầu chế" cũng không đuợc nhắc đến. Ngay từ lúc đó, chúng tôi đã nghĩ đây là một sự sửa đổi cơ cấu đầu não đáng chú ý.

Cách tổ chức của các đảng Cộng sản trên thế giới đều theo cùng một khuôn mẫu, để đi đến kết quả không thể tránh là tạo ra một lãnh tụ tối cao duy nhất, Chủ tịch đảng hay Tổng bí thư đảng. Từ đó đưa đến nạn tôn sùng lãnh tụ như thần thánh, một người nắm quyền sinh sát đối với mọi người, bởi vì đảng cần phải có một sự chỉ huy độc đoán mới có sức mạnh. Nó chỉ đưa đến những lạm dụng bạo ngược đẫm máu vì kẻ độc tài dùng quyền lực đó để tiêu diệt cả những địch thủ ở trong đảng. Người ta đã thấy những hiện tượng như Stalin ở Liên Xô, Mao Trạch Đông ở Trung Quốc và Kim Nhật Thành ở Bắc Hàn. Trong những trường hợp đó, đảng trở thành một con quái vật, nhiều khi chính người cuỡi nó để điều khiển cũng phải sợ nó. Bởi thế việc chuyển tiếp khi lãnh tụ chết đã không bình thường chút nào, có khi đưa đến những vụ thanh toán đẫm máu và công khai như ở Liên Xô sau khi Stalin chết.

Ở Việt Nam, ông Hồ Chí Minh đã qua đời trong lúc có chiến tranh nên những tranh chấp ngấm ngầm rút cuộc đã lắng dịu. Đến Khi Lê Duẩn chết, tình hình đã khác vì nhu cầu mở cửa và đổi mới kinh tế. Nguyễn Văn Linh thiếu hẳn uy thế chỉ giữ một vai trò tạm bợ, đến thời Đỗ Mười tình thế lại khác hơn nữa, giữa lúc có những khuynh hướng đối nghịch trong đảng. Vai trò Tổng bí thư tuy vẫn là lãnh tụ tối cao nhưng trên thực tế chỉ còn làm thế quân bình giữa hai phe đổi mới và bảo thủ để tạo sự đoàn kết trong đảng. Vậy tại sao ngày nay Trung ương đảng hủy bỏ cả "tam đầu chế" lẫn ban Thương vụ bộ Chính trị? Bởi vì họ đã nhìn thấy nguy hiểm trong kinh nghiệm từ 10 năm qua. Ba anh cầm quyền chóp bu hay năm anh thuờng vụ có quyền mạnh nhất trong bộ Chính trị, cũng đều dưới quyền một người là Tổng bí thư, nếu có một thế lực nào nắm đuợc Tổng bí thư là coi như tam đầu chế và ban Thường vụ trở thành trò hề vô nghĩa.

Trung ương đảng họp lần này nhằm vào hai chiều hướng rõ rệt. Một mặt tăng cường quyền lực của ban Bí thư đảng, một mặt tăng cuờng quyền lực của Quốc hội. Ban bí thư chỉ làm việc riêng cho đảng về tổ chức cũng như về tư tưởng, kiểm soát tư cách và nếp sống của đảng viên, không có ai trong ban Bí thư giữ những chức vụ chính quyền. Còn Quốc hội có quyền lực chất vấn và đặt vấn đề tín nhiệm với các cấp nhà nước và chính quyền, trong đó có hai nhân vật cấp cao nhất là Chủ tịch Nhà nước và Thủ tướng chính phủ. Hai nhân vật này đứng hàng thứ hai và thứ ba trong bộ Chính trị. Hai chiều hướng đó làm nổi bật mục tiêu chính của Trung ương đảng là làm giảm quyền lực của bộ Chính trị về chính quyền. Người bị mất quyền hành nhiều nhất là Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, ông này không giữ chức vụ nào trong chính quyền, và chỉ cầm đầu ban Bí thư đảng trên danh nghĩa.

Khi những người có thế đủ mạnh trong Đại hội 9 loại trừ đuợc bộ ba Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Lê Khả Phiêu, thu hẹp đuợc số ủy viên Trung ương còn 150 người, đưa Nông Đức Mạnh lên làm Tổng bí thư, tôi nghĩ chính Mạnh cũng chủ trương hay đã đồng ý từ trước với kế hoạch tước bớt quyền lực của bộ Chính trị. Họ đã thấy cơ cấu này quá nguy hiểm. Nhưng nếu quyền lực không nằm trong Tổng bí thư, không nằm trong 3 đầu "tạm" hay 5 tay "giả", nó nằm ở đâu? Nó nằm ở 150 cái đầu "mới". Ban Bí thư hay Quốc hội dù được tăng cuờng cũng chỉ là dụng cụ của 150 cái đầu này. Nhưng quyền lực không tập trung mà tản rộng ra đến 150 người, làm sao có sức mạnh để tạo đoàn kết trong đảng?

Tôi muốn nói đảng Cộng sản từ xưa đến nay vẫn đề cao đoàn kết, nhưng nó chỉ có "đoàn kết trong sợ hãi". Đảng viên Cộng sản liên kết keo sơn với nhau vì ý thức hệ là chuyện không có thật. Chỉ có những sự gắn bó chặt chẽ trong tình bạn, bởi vậy người ta có thể phản đảng chớ không bao giờ phản bạn. Ở Việt Nam còn có một sự đoàn kết mạnh hơn nữa là sự gắn bó trong gia đình, giữa những người cùng giòng họ hay những người đồng hương. Sự đoàn kết chỉ có trong sự đồng thuận. Nếu 150 người trong Trung ương đảng tóm thâu đuợc quyền lực mà không biết tìm sự đồng thuận, một khía cạnh nhỏ của tinh thần dân chủ, họ sẽ thất bại và mang họa vào thân. Đó là thử thách quan trọng nhất họ phải đuong đầu.