THƯ GỞI NGƯỜI MỸ RÀNH TIẾNG VIỆT

 

Ðại Dương  

Thưa ông,  

Tôi thật là đoảng khi quên khuấy tên họ của ông. Mặc dù đã vò đầu bứt tai suốt mấy ngày trời làm cho mái tóc vốn lưa thưa lại càng mỏng dính. Mong ông thông cảm và bỏ quá cho cách gọi trống không.  

Mấy năm trước, tại cuộc hội thảo trong vùng, tôi chợt bắt gặp một khuôn mặt rặt Mỹ đang chăm chú nghe các diễn giả Việt trình bày đề tài chính trị liên quan đến tình hình Việt Nam.  

Càng ngạc nhiên và thích thú hơn khi thấy "ông Mỹ trắng" tự xưng tên họ Việt Nam với đầy đủ chữ lót rồi đặt câu hỏi. Nội dung chất vấn chứng tỏ "ông Việt Nam rặt Mỹ" rất am tường tình hình Việt Nam. Chỉ nghe tiếng nói không thôi, nào ai dám nghi ngờ ông chẳng phải là một người Việt Nam từng ăn cà pháo mắm tôm đến mòn răng. 

Chuyện trò mấy phút ngắn ngũi, chúng ta đã trao đổi vài ý kiến liên quan đến công cuộc đấu tranh cho nước Việt Nam tự do dân chủ phú cường.  

Ông cũng cho biết đang đảm trách việc huấn luyện, hướng dẫn du học sinh, nghiên cứu sinh đến từ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Ông phàn nàn vì những người được Hà Nội phái đi theo chương trình này có trình độ quá thấp, thiếu khả năng hấp thụ kiến thức theo yêu cầu. Và hình như nhu cầu học hỏi chỉ là phụ đối với họ. 

Ông nêu lên câu hỏi làm sao chặn đứng tình trạng đó và cải thiện chương trình huấn luyện cho du học sinh Việt Nam trở thành hữu hiệu hơn.  

Chúng ta đã đồng ý là phía Hoa Kỳ phải tạo điều kiện tuyển du học sinh công bằng theo tiêu chuẫn học vấn. Như thế, sẽ chặn đứng phần nào việc Hà Nội lồng cán bộ thiếu khả năng hấp thụ học vấn để tưởng thưởng sự trung thành.  

Từ bấy những nay chưa được gặp lại nên chẳng biết tình hình du học của người Việt theo chương trình huấn luyện mà ông là một trong những người phụ trách có được cải thiện và tiến triễn khả quan hay không.  

Trên phương diện lý luận, sát suất thành công của ông rất thấp. Chúng ta sẽ đi sâu hơn vào phần dưới. Bây giờ, xin ông tiếp nhận kinh nghiệm của một người Mỹ đầy thiện chí và cũng làm một việc tương tự như ông nhưng trên đất Nga.  

Kể từ khi Liên Xô tan rã, Hoa Thịnh Ðốn chú tâm đến việc xây dựng một nền báo chí độc lập theo tiêu chuẫn quốc tế trên đất Nga. Vợ chồng ông Herman J. Obermayer trực tiếp tham gia chương trình này.  

Suốt thập niên qua, đôi uyên ương này đã tư vấn cho ngành báo chí cho các quốc gia Ðông Âu và Liên Xô. Họ trình bày kinh nghiệm và đúc kết nhận xét trên tờ Washington Post ngày 1-6-01 "Nhiều tờ báo trong Minh ước Warsaw và Nam Tư đã trở nên độc lập trên phương diện biên tập và tài chánh.. Trong số 2,700 tờ báo địa phương và thành thị ở Nga có đến 95% là tiếng nói của chính quyền trực thuộc cơ quan địa phương. Báo chí là một bộ phận của cơ cấu quyền lực để cho quí thị trưởng, thống đốc duy trì độc quyền".  

Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ cho Học viện Báo chí Quốc gia đã huấn luyện 130,000 nhà báo và biên tập kể từ năm 1992. Nhưng, kết quả trước sao sau vậy: vẫn là các nhà thư lại và cán bộ tuyên huấn.  

Ông Obermayer nêu lên những nguyên nhân dẫn đến thất bại ở Nga. Một là, hầu hết dân Nga không biết rằng họ đang mất quyền tự do báo chí. Bao nhiêu đời nay, người Nga chưa bao giờ đọc một tờ báo nào mà không phải là tài liệu tuyên truyền của đảng. Hai là, hầu hết các tờ báo chẳng thèm để ý đến tiêu chuẫn căn bản về báo chí, về đạo đức. Nhà báo coi chuyện nhận thêm tiền từ bên ngoài nhờ một bản tin là chuyện thường tình. Thứ ba, báo chí chỉ làm theo lệnh của chính quyền địa phương để loan tin và ca tụng thành quả của lãnh đạo.  

Trên Washington Post ngày 6-6, ông Boris Berezovsky, một tài phiệt sau khi Liên Xô sụp đổ, cũng làm chủ nhiều cơ sở truyền thông ở Nga, đã nêu thêm nguyên nhân khiến cho báo chí không giữ được tư thế độc lập. Ðó là, quảng cáo thương mại quá yếu khiến cho báo chí phải lệ thuộc vào chính quyền làm công cụï tuyên truyền hoặc làm tay sai cho tư nhân.  

Ông Obermayer thú nhận "Trong vòng 9 năm kể từ khi Liên Xô bị giải thể, tất cả những cố gắng nhằm tạo ra nền báo chí tự do ở Nga đã thất bại".  

Thưa ông,  

Lĩnh vực đảm trách của ông rộng lớn hơn nên sát suất thất bại cũng bao quát hơn.  

Thứ nhất, niềm tin của dân tộc siêu cường, kể cả những người Mỹ gốc Việt, thường mang tính chất cao ngạo. Chúng ta cứ tưởng rằng bất cứ ai được học và hiểu biết về tổ chức xã hội, về lối sống Mỹ chắc phải theo. Vì thế, chúng ta thiếu tìm hiểu mục tiêu chủ yếu của du học sinh, nghiên cứu sinh xuất thân từ chế độ cộng sản.  

Hồ Chí Minh, Phạm Văn Ðồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khắc Viện..đều biết rất rõ về tổ chức xã hội ở Phương Tây. Họ học hỏi, tìm hiểu hòng phá chứ không phải để theo.  

Do đó, chúng chẳng ngạc nhiên khi đa số du học sinh, nghiên cứu sinh với quá trình mácxít đậm đặc. Họ thích rong chơi, mua sắm bằng tiền tài trợ hơn là thu thập kiến thức cần thiết. Họ biết rõ những điều học hỏi nơi xứ người sẽ không được áp dụng khi trở về mà còn phải lo gột rữa những chất tự do dân chủ lỡ bám vào óc. Nguy hiễm chết người đó!  

Thứ hai, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc tuyển sinh viên trẻ vì sự chống đối của Hà Nội. Lớp trẻ dù sao cũng sẵn sàng thu nhận những điều mới lạ hơn là đám thư lại và tuyên huấn. Tốn tiền mà chẳng đạt được mục tiêu thì cần phải xem xét lại. Dù sao lớp trẻ cũng chưa bị ràng buộc chặt chẽ vào guồng máy cai trị nên hy vọng bức phá sẽ lớn hơn.  

Dân chúng Ðông Âu sở dĩ nhanh chóng chấp nhận nền báo chí tự do bởi vì chủ nghĩa Marx-Lenin chỉ là một loại chùm gởi bám vào sinh hoạt của dân tộc. Khi dọn đám chùm gởi thì cây cổ thụ dân tộc vươn mạnh lên tức khắc.  

Việt Nam rất tương đồng với hoàn cảnh của các quốc gia Ðông Âu. Cây cổ thụ Việt Nam sẽ hiện rõ khi đám chùm gởi bị dọn sạch.  

"Ông Việt Nam rặt Mỹ" có điều kiện giúp một đất nước mà ông yêu quí đến độ thạo chữ quốc ngữ và mang tên Việt. Ðó là tiếp tay với người Việt Nam dọn sạch đám chùm gởi đang bám vào cây cổ thụ dân tộc Lạc Hồng.  

Mong lắm thay!  

Ðại Dương