Samoa:

Thợ Việt Tố Nhà Nước CSVN Tội Buôn Người

 

Trong thời gian qua trên báo chí Việt ngữ và Anh ngữ có nhiều bài tường thuật tình trạng của công nhân Việt lao động hợp đồng tại American Samoa. Các bài này phơi bày chuyện công ty Daewoosa Samoa bóc lột và bạc đãi công nhân Việt. Tuy nhiên các bài này đa õthiếu sót về hai điểm. Ðiểm thứ nhất là đã không nêu lên được tính cách buôn người có hệ thống của sự vụ. Ðiểm thứ hai là đã không đặt thành vấn đề sự liên can của Việt Nam trong đường dây buôn người này.

 

Trong loạt bài này, chúng tôi lần lượt công bố những dữ kiện có thể công bố được để làm sáng tỏ hai điểm này.

 

Khởi Thuỷ Vấn Ðề

 

Ngày 27 tháng 3,Tổng Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ John Ashcroft họp báo công bố thể thức áp dụng Ðạo Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Của Sự Buôn Người (Trafficking Victims Protection Act of 2000) được ban hành ngày 28 tháng10 năm ngoái. Ông Ashcroft đã dùng trường hợp công ty Daewoosa để dẫn chứng cho sự buôn người theo định nghĩa của đạo luật, và thông báo cho biết là cơ quan FBI đã bắt ông Kil SooLee, chủ công ty Daewoosa, dẫn độ về Hawaii để truy tố. Ðiều này cho thấy sự việc không đơn thuần là một trường hợp ngược đãi công nhân mà thực chất là một vụ buôn người. Trong đường dây buôn người này, chính quyền Việt Nam là nguồn cung cấp công dân của họ cho ông Lee.

 

Vụ buôn người có hệ thống đã kéo dài trong suốt 2 năm. Ðầu năm 1999 Việt Nam hoàn tất bản hợp đồng với hãng Daewoosa. Ngày 8 tháng 2, 1999 Việt Nam gởi đợt công nhân đầu tiên đến American Samoa, gồm 28 phụ nữ. Ngay từ những ngày đầu, các phụ nữ này đã lập tức trở thành nạn nhân của sự ngược đãi và bóc lột của ông Lee và thuộc hạ của ông. Họ bị giam lỏng và cô lập với thế giới bên ngoài và phải lao động không lương trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt.

 

Ðến ngày 8 tháng 3 Việt Nam lại gởi tiếp đợt 22 phụ nữ và số nữ công nhân này cũng chịu cùng số phận với những người đi trước. Sau nhiều tháng không được trả lương, số 50 phụ nữ này cử người đại diện gặp ông Lee để xin lãnh lương thì bị hăm doạ, mạt sát, và bỏ đói. Họ phải cho người ra ngoài xin ăn. Khi bị bắt gặp, những phụ nữ bị tình nghi là chủ động trong nhóm đã bị ông Lee gọi cảnh sát tống giam chờ ngày trục xuất về Việt Nam. Khi hay tin, một hội đoàn từ thiện tại địa phương đã đứng ra tìm luật sư tình nguyện để can thiệp và tiến hành kiện hãng Daewoosa về tội quịt tiền lương và không tôn trọng bản hợp đồng đã ký kết với các công nhân Việt. Vì b ịthưa, Ông Lee đồng ý trả lương cho một số nữ công nhân nhưng cũng chỉ được một lần rồi thôi.

 

Các nữ công nhân này không có lối thoát khỏi tình cảnh bị bóc lột sức lao động này. Theo luật của American Samoa thì mỗi khách lao động đều phải đóng tiền cho chính phủ Samoa để mua vé máy bay khi cần hồi hương. Tuy nhiên trong trường hợp của các công nhân Việt thì tiền máy bay của họ lại bị ông Lee giữ. Mặt khác, theo bản hợp đồng mà các công nhân này đã ký kết với cơ quan xuất khẩu lao động IMS thuộc Bộ Lao Ðộng Việt Nam thì họ sẽ bị phạt năm ngàn Mỹ kim nếu vì bất cứ lý do nào không hoàn tất bản hợp đồng. Ðó là chưa kể khoản tiền rất lớn mà mỗi công nhân đã phải vay mượn để nộp cho cơ quan IMS để được tuyển chọn đi lao động. Trong tình trạng bị bức bí, các công nhân Việt đã liên tục gởi fax về cho cơ quan IMS, cho các cơ quan truyền thông ở Việt Nam, và cả Ông LêVăn Bàng ở toà đại sứ Việt Nam ở Hoa Kỳ để cầu cứu.

 

Thay vì bênh vực cho các công nhân Việt, đại diện tại chỗ của chính quyền Việt Nam và phái đoàn cán bộ đến từ Việt Nam đã phối hợp với ông Lee đổ lỗi cho các phụ nữ này và áp lực họ rút tên ra khỏi vụ kiện. Mặt khác Việt Nam vẫn tiếp tục tuyển hàng trăm công nhân, lấy tiền của họ, và đưa họ sang American Samoa; các công nhân này lần lượt theo nhau trở thành nạn nhân của ông Lee. Khi sự phản kháng của các công nhân Việt trở thành gay cấn thì ông Lee dàn xếp cho một số người bản xứ hành hung gây trọng thương cho một số công nhân Việt để dằn mặt mọi người. Ông Lee không dè là vụ hành hung này đã tạo điều kiện để chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ can thiệp vào và đã đánh động sự chú ý của giới truyền thông Hoa Kỳ.

 

Thái độ kể trên của Việt Nam rất dễ hiểu. Một đằng, họ muốn bảo vệ nguồn lợi tài chánh rất to lớn trong vụ đưa công nhân sang American Samoa. Mỗi công nhân muốn tham gia chương trình phải đóng từ 4 đến 8 ngàn Mỹ kim cho công ty IMS để được tuyển chọn và ký hợp đồng lao động, với hứa hẹn một đồng lương đáng kể. Về mặt chính sách thì chính quyền Việt Nam xem American Samoa như là một thí điểm quan trọng trong kế hoạch xuất khẩu nhân công sang Hoa Kỳ. Do đó khi luật sư bênh vực cho các công nhân Việt vừa tiến hành vụ kiện thì chính thủ tướng Phan Văn Khải đã trực tiếp chỉ thị cho Ông Phạm Ðỗ Nhật Tân, Giám Ðốc công ty xuất cảng lao đông IMS, phải giải quyết êm thắm vụ này nhằm bảo vệ cho chương trình xuất khẩu nhân công của Việt Nam. Ngay sau đó Ông Tân và nhiều cán bộ của công ty IMS đã liên tục áp lực các công nhân này phải phủ nhận những việc đã xẩy ra và ký vào bản hợp đồng mới do công ty Daewoosa soạn rất bất lợi cho người lao động. Những ai không hợp tác thì thân nhân ở Việt Nam bị làm khó dễ.

 

Như thế Việt Nam không thể chối cãi là họ không biết gì. Họ đã biết và đã can dự vào sự vụ ngay từ buổi đầu. Họ đã hợp tác chặt chẽ với công ty Daewoosa trong một vụ buôn người rất trắng trợn.

 

Sau đây là thư cầu cứu và bản tường trình của nhóm phụ nữ đầu tiên đến lao động hợp đồng tại American Samoa. Lá thư cầu cứu tóm tắt những sự kiện xẩy ra cho họ còn bản tường trình kể lại chi tiết nội vụ mà ít người biết đến.

 

Hai trong số người được nhắc đến trong bản tường trình là các chị Nga và Dung đã chết đuối tại American Samoa ngày 27 tháng 8 năm ngoái. Họ đã không sống để được hưởng không khí tự do tại Hoa Kỳ và sự đùm bọc của cả khối cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Họ đã không sống để thấy được công lý khi cơ quan FBI tống giam ông chủ Kil Soo Lee.

 

*

THƯ CẦU CỨU  SAMOA 19/6/1999

 

Kính gửi: Ông thống đốc SAMOA

Ông Rose - Joneson (Văn phòng luật sư) 

Ông Kenvin and Job (Hội từ thiện)

 

Chúng tôi là những nữ công nhân Việt Nam đang ở đảo Samoa muốn viết đơn này xin các quý ông giúp đỡ chúng tôi một việc như sau:

 

Chúng tôi sang đây làm việc mục đích là để kiếm tiền nhưng trong thời gian chúng tôi sống và làm việc ở đây Ông Chủ đã đối xữ rất tồi tệ. Các quý ông là những người đã tìm hiểu và chứng kiến tất cả những sự việc sảy ra vừa qua đối với chúng tôi. Chúng tôi rất mong muốn các ông xác nhận cho chúng tôi những việc đó:

 

1/- Chúng tôi đã làm việc được gần hai tháng nhưng phía chủ không trả lương.

2/- Chúng tôi đã bị bỏ đói từ chiều ngày 27/3 đến hết ngày 28/3 đã có một số người đến hội từ thiện để ăn cơm.

3/- Ngày 29/3 cảnh sát đã đến ký túc xá bắt người vô cớ vì vậy đã có 4 người bị ngất phải đưa đi viện cấp cứu.

4/- Chúng tôi bị nhốt và không được thông tin liên lạc ra bên ngoài do đó đã có một người phải bỏ ra ngoài để tìm cách liên lạc về các cơ quan chức năng.

5/- Trong thời gian này hội từ thiện tại đảo Samoa đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều để đưa được thông tin của chúng tôi về nước.

6/- Theo như luật Samoa thì người lao động đến làm việc tại đây không phải nộp cho cục xuất nhập cảnh một khoản tiền nào để bảo lãnh thực hiện hợp đồng vì vậy số tiền 1500 USD chúng tôi đã nộp khi đến Samoa gồm 1000 USD làm thẻ định cư và 500 USA đặt cọc bảo lãnh hợp đồng là hoàn toàn sai luật pháp của Samoa.

 

Chúng tôi những nữ nhân công nhân Việt Nam xin được trân trọng gửi tới các quý ông lời biết ơn sâu sắc nhất.

 

*

BẢN TƯỜNG TRÌNH

Chúng tôi gồm 17 người trong số 28 người công nhân nữ sang đảo Samoa vào đợt một vào ngày 8/2/1999. Qua công ty IMS tuyển dụng đưa sang làm may tại công ty Daewoosa - Samoa.

 

Trước khi sang đây chúng tôi đã được ký hợp đồng với phía công ty IMS vào ngày 5/2/1999. Mỗi tuần làm việc 40 giờ được hưởng lương cơ bản từ 390 USD (Mỹ kim)/tháng làm thêm ngày thường hưởng 150%, ngày lễ hưởng 200% theo mức lượng cơ bản - được hưởng lương từ khi đặt chân tới công ty. (Mọi chi phí sinh hoạt ăn ở phía chủ đài thọ).

 

Ngày 10/2/1999 chúng tôi bắt đầu làm việc tại Daewoosa, sau quá trình làm việc thời gian 1 tháng, chúng tôi phải làm việc 9 tiếng trong 1 ngày và cả thứ Bảy trong tuần trong điều kiện sinh hoạt ăn ở hết sức thiếu thốn, đến cảnhững tiện nghi tối thiểu nhất cho cá nhân cũng không có như chậu, cốc chén, xà phòng, giấy vệ sinh... Vì vậy chúng tôi có đề nghị phía chủ thực hiện theo hợp đồng chúng tôi đã ký với công ty IMS, nhưng đã rất nhiều lần ông chủ trì hoãn, và khất lần chúng tôi đợi đợt tới đoàn hai sang ông sẽ mời luật sưđến làm hợp đồng luôn thể.

 

Khi đoàn hai đến vào ngày 8/3/1999 đã ổn định, chúng tôi có yêu cầu ông Minh đại diện của công ty IMS đàm phán với phía chủ để yêu cầu ông chủ trả lương và sớm làm bản hợp đồng cho chúng tôi yên tâm làm việc. Nhưng qua cuộc họp giữa phía chủ và chúng tôi có đề nghị với ông chủ xin nghỉ làm chờ ký hợp đồng theo như lời ông chủ nói. Sau 2 ngày nghỉ làm việc không thấy luật sư đến và cũng không được trả lương, chúng tôi lại tiếp tục đi làm và chờ đợi đến ngày 25/3/1999 thì nhận được FAX của công ty IMS với nội dung có thay đổi thời gian làm việc 44giờ trong một tuần. Bởi vậy chiều ngày 27/3/1999 (tức thứ Bảy) chúng tôi đã nghỉ theo như nội dung bức FAX đó.

 

Khi hết thời gian làm việc buổi sáng, chị em trở về nhà ăn dùng bữa cơm trưa, có một vài chị em do nhớ nhà và vấn đề lương cũng như hợp đồng phía chủ không làm rõ ràng nên trong bữa ăn đó có khóc. Lẽ ra ông chủ là người đến động viên cho họ bớt đi nỗi buồn đó, nhưng lúc đó ông chủ lại lên nhà ăn đã hất toàn bộ đồ ăn còn trên bàn của ban lãnh đạo công ty sau khi họđã dùng xong, trước sự chứng kiến của nhiều chị em đang ăn ở đó. Một số chị em đang ăn do sợ hãi đã đứng lên và trở về ký túc xá. Lúc sau ông Hwang thừa lệnh ông chủ gọi cho ai khóc lên gặp ông chủ ngay, chúng tôi có hỏi lý do, ông ta tỏ thái độ bất nhã.

 

Chúng tôi thấy sự việc xảy ra thật bất bình gây sợ hãi cho mọi người nên chị em cùng nhau lên hết nhà ăn gặp ông chủ để rõ lý do, thì hai ông phó giám đốc công ty Daewoosa là ông Hwang và ông Ya đã chửi mắng và sỉ vả thậm tệ chị em chúng tôi, và đuổi chúng tôi ra khỏi nhà ăn. Có một vài người đứng lên đại diện thay mặt 50 chị em hỏi tại sao ông lại sử sự như vậy thì lập tức ông Ya đá bể cả chồng khay ăn cơm, định hành hung chúng tôi. Sau khi sự việc xảy ra như vậy, ông chủ đi từ văn phòng lên, ông không sử sự khác hai ông kia như chúng tôi nghĩ, mà còn tuyên bố rằng: "Ngay chiều nay sẽ mua vé máy bay cho chúng tôi (50 người) trở về Việt Nam, cũng bắt đầu từ chiều nay(27/3/1999) không cho nhà bếp nấu cơm cho người Việt Nam ăn nữa".

 

Ðiều đó được thực hiện đúng như lời ông chủ. Ðến 2 giờ chiều ngày 28/3/1999 vì quá đói và mệt mỏi, một số người trong đoàn phải ra ngoài đi xin đồ ăn vì đã hơn một tháng mà chúng tôi vẫn không được nhận lương nên không ai có tiền để mua đồ ăn cả, đến cả phương tiện thông tin phía chủ cũng cắt luôn. Lo sợ cho hiện thực bị kéo dài chị em chúng tôi đã viết FAX nhờ hội từ thiện tại Samoa giúp đỡ FAX về công ty IMS bức điện khẩn kêu cứu nói rõ thực trạng đang diễn ra tại công ty Daewoosa để công ty IMS can thiệp.

 

Tối hôm đó 28/3/1999 ông chủ đã thông báo họp toàn bộ chị em trong đoàn. Trong cuộc họp hôm đó, ông chủ đãkhông nói gì đến vấn đề trả lương mà chủ yếu là những lời sỉ mắng chúng tôi thậm tệ, xúc phạm đến nhân phẩm người phụ nữ Việt Nam, cụ thể là ông đã vu khống cho một số chị em đi lên khách sạn, lên tàu đánh cá để kiếm tiền.

 

Sáng ngày thứ hai (ngày 29/3/1999) mọi người do quá mệt mỏi vì bị bỏ đói hơn một ngày nên không thể đi làm được, khoảng 2 giờ chiều cùng ngày ông Hwang xuống ký túc xá bắt tất cả mọi người nộp lại thẻ ID cho ông ta. Chúng tôi thiết nghĩ thẻ này là quyền sở hữu riêng của mỗi người vì khi đi làm thẻ thì người của cục xuất nhập cảnh cũng như ông chủ có dặn là phải giữ thẻ cẩn thận không được đánh mất. Làm thẻ ID khi xong đến đây chúng tôi mỗi người đã phải nộp cho ông chủ số tiền là 1500USD (trong đó 1000USD để làm thẻ còn 500USD để đặt cọc đảm bảo hợp đồng). Chị em chúng tôi đang thảo luận với nhau thì ông Hwang lại tới và gọi 3 chị: Thư - Nga - Thúy lên văn phòng có việc. Sau đó các chị quay về ký túc xá được một lúc thì ở ngoài sân của công ty Daewoosa có 2 xe cảnh sát tớị Ông Hwang cầm 3 quyển hộ chiếu gọi 3 chị ra. Chị Thư là người ra trước, và ngay lập tức bị cảnh sát sốc nách lôi ra xe, mọi người ở trong phòng do quá bất ngờ đã cùng xô ra; có người hỏi lý do tại sao lại bắt người một cách vô lý, thì không có ai nói gì. Còn lại tất cả chị em quá bất bình và phẫn nộ đã kêu khóc lôi chị Thư lại. Vì quá uất ức và sợ hãi khi lôi được chị Thư lại khỏi tay cảnh sát, chúng tôi chỉ nghe thấy chị nói rất nhỏ "Tại sao lại bắt người vô lý" rồi chị ngất đi. Chị em chúng tôi đã khiêng chị Thư vào phòng để hô hấp. Tiếp đó phía chủ vẫn tiếp tục cho cảnh sát tìm bắt chị Nga -- Thúy. Lúc đó chị Nga đang ở trong Toilet thì bị anh bảo vệ công ty và chị thư ký Lusia đã xông thẳng vào trong lôi chị Nga ra. Do quá hoảng loạn và khiếp sợ chị cũng bị ngất. Nhất là trong lúc này chính ông chủ đã xông thẳng vào ký túc xá, có hành động và thái độ không tốt đòi bắt luôn cả chị Thu. Nghe bị bắt, chị Thu quá sợ hãi cũng đã ngất trong trạng thái không bình thường -- cả chân tay đều co giật. Lúc đó tất cả mọi người chứng kiến cảnh đó, đều trong tình trạng hoảng loạn và quá khiếp sợ vì những hành động của phía chủ nên có thêm một số người nữa ngất như chị Hường, chị Liên, người phiên dịch khi chị vừa dịch xong câu nói của ông chủ: "Ông ấy sẽ dùng vu õlực" do quá sợ chị cũng ngất luôn.

 

Vì quá nhiều người ngất và có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng nên phía chủ không còn cách nào khác phải gọi xe cứu thương tới, và họ đã đưa 4 chị vào bịnh viện để cấp cứu, đó là chị Thư - Nga- Liên - Thu. Còn chị Thúy thấy bị bao vây bắt người vô cớ nên chị sợ quá đã chạy ra khỏi ký túc xá sau đó chị bị cảnh sát bắt luôn. Ðến chiều tối hôm đó thì phía chủ đã đưa 2 chị Liên và Thu trở về ký túc xá, còn 3 chị kia chúng tôi không biết là họ mang đi đâu. Hai người được đưa về có chị Thu vẫn trong tình trạng bị co giật nặng. Hôm sau chị em tôi có yêu cầu phía chủ đưa chị đi bịnh viện, nhưng phía chủ chỉ hứa, chứ không đưa đi. Bị ảnh hưởng lớn của hôm đó mà bệnh của chị kéo dài tới gần 2 tháng sau.

 

Ðến sáng hôm sau 30/3/1999 chúng tôi mới được biết một tin khủng khiếp là 3 chị đã bị nhốt trong tù. Những ngày các chị ở trong tù chúng tôi rất lo lắng cho tình trạng sức khoẻ cũng như tính mạng của các chị. Bằng mọi cách (mặc dù tất cả chị em còn lại bị phía chủ nhốt trong công ty, và phong toả mọi thông tin) chúng tôi đãliên lạc và được sự giúp đỡ nhiệt tình của các anh Việt Nam làm ở dưới tàu đánh cá chuyển giúp số FAX kêu cứu của chúng tôi về công ty IMS qua hội từ thiện giúp đỡ, yêu cầu phía công ty IMS can thiệp với phía chủ thả 3 chị ra khỏi nhà tù, nhưng phía chủ vẫn không thay đổi quyết định. Do đó chị Dung đã tìm cách trốn ra ngoài lên hội từ thiện để dễ nhờ chuyển thông tin qua các bức FAX kêu cứu về Việt Nam, đại sứ quán Việt Nam tại Mỹcũng như các cơ quan có chức năng ở Việt Nam.

 

Trong suốt một tuần phía chủ đã nhốt chúng tôi không cho ra ngoài, sau đó vào buổi chiều cho mỗi người ra ngoài chỉ trong vòng 10-15 phút vàmỗi lần ra là 5 người. Ðiều này hết sức vô lý vì chúng tôi thực tế không vi phạm pháp luật, vậy chúng tôi phải làngười tự do -- tại vì lý do gì phía chủ lại nhốt chúng tôi như thế? Và chúng tôi xin nói thêm rằng trước lúc xảy ra sự việc bắt người vô cớ, thì ông chủ ở đây có những hành động không tốt như, không bao giờ ông vào ký túc xá gõ cửa, bất kể là tối hay ban ngày. Ông chủ luôn vào ký túc xá nữ chúng tôi như vậy, nhiều lần chị em đang nằm ngủ ông chủ vào nằm bên cạnh một số người.

 

Và sau ngày 29/3/1999 qua tất cả sự việc trên xảy ra khiến chúng tôi quá khiếp sợ, và mất hết lòng tin ở phía chủ, nên chúng tôi không còn tinh thần để tiếp tục làm việc được nữa.

 

Ngày 30/2/1999 phía chủ nói là trả lương nhưng chỉ trả cho 22 người đợt một (đến vào ngày 8/2/1999) còn 6 người không trả đó là 3 chị bị bắt Thư - Nga - Thúy và 3 chị tiếp là Hường - Thủy - Huyền không nêu lý do gì và chúng tôi nhận lương người cao nhất mới được 150USD còn trung bình mỗi người được 100 USD.

 

Sau đó đến ngày 13/4/1999 vụ này đã được nhờ tới luật sư can thiệp chúng tôi mới được nhận đủ số tiền mà chúng tôi đã làm việc trong thời gian qua.

 

Ở đây chúng tôi cũng có thể nói tới ông Phạm Thế Minh là đại diện của công ty IMS đã sang Samoa để giải quyết những vấn đề của chúng tôi vào ngày 9/4/1999. Ông Minh đã đưa ra một bản hợp đồng mới và khuyên chúng tôi ký vào và đi làm bình thường. Nhưng khi xem bản hợp đồng đó, chúng tôi thấy hoàn toàn khác với bản hợp đồng mà chúng tôi đã ký với công ty IMS trước lúc sang đây, và hơn nữa bản hợp đồng mới này rất bất lợi cho người lao động, nên chúng tôi không thể chấp nhận ký vào bản hợp đồng mới, bởi vậy chúng tôi vẫn tiếp tục nghỉ làm chờ giải quyết. Ðồng thời chính trong thời gian này, chúng tôi thấy hai ông người Hàn Quốc là ông Hwang và ông quản đốc xưởng may đãrời bỏ công ty Daewoosa trở về nước, không biết vì lý do gì?

 

Cho đến ngày 23/4/1999 có ông Phạm Ðỗ Nhật Tân sang nói là thay mặt chính phủ Việt Nam và cùng đi có ông Lê Trung Nghĩa, phó giám đốc công ty IMS. Ông Kim là người Hàn Quốc đã sống và lấy vợ Việt Nam sang để thay người quản lý ở đây. Ðoàn sang lần này vẫn để giải quyết về hợp đồng giữa chúng tôi với phía chủ. Ông Tân có nói là chúng tôi cứ đi làm để 2 bên đàm phán để giải quyết hợp đồng và chúng tôi đã đồng ý tạm thời đi làm. Nhưng vào ngày 29/4/1999 đoàncông tác: ông Tân, ông Nghĩa đã có cuộc họp với chúng tôi, đưa ra bản hợp đồng bằng tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt chép tay với nội dung cũng gây bất lợi cho người lao động không kém bản hợp đồng trước ông Minh đã đưa ra. Nên chúng tôi một lần nữa không thể chấp nhận ký hợp đồng được. Trong thời gian này biết là bản hợp đồng không thể thay đổi được, các ông Tân, Nghĩa luôn tìm mọi cách, mọi hành động cũng như lời nói tác động vào tâm lý chị em để sau đó cũng có 16 người chấp nhận ký vào bản hợp đồng mới.

 

Còn lại số người không chấp nhận ký vào bản hợp đồng, các ông luôn thông tin sai lệch về chúng tôi ở bên này cho các gia đình chúng tôi ở Việt Nam, với mục đích là để các gia đình hiểu lầm về con em mình. Ðã có nhiều gia đình liên tục gọi điện và FAX từ Việt Nam sang để thúc dục con em mình ký vào bản hợp đồng mới để đi làm, nên đã có một số người phải ký vào hợp đồng vì sức ép quá lớn từ phía gia đình, mặc dù nhữngngười này cũng được biết ông chủ ở đây rất nghèo và không tốt, nhưng không còn cách nào khác.

 

Vào ngày 10/5/1999 có đoàn thanh tra của bộ lao động Mỹ sang điều tra công ty Daewoosa và có cuộc trao đổi với chúng tôi, có hỏi chúng tôi về mấy vấn đề như: ăn, ở, thời gian làm việc, đặc biệt là vấn đề chúng tôi phải nộp cho ông chủ Lee Kil Soo số tiền 1500USD mỗi người khi sang đây làm việc. Chúng tôi được đoàn thanh tra cho biết theo luật Mỹ thì sang Samoa làm việc chúng tôi không phải nộp một khoản tiền nào cả và ông chủ thu mỗi người 1500USD là không đúng.

 

Mọi vấn đề khúc mắc của chúng tôi vẫn chưa được giải quyết xong thì vào ngày 14/5/1999 công ty IMS lại đưa một đoàn lao động gồm 16 người sang. Tối ngày 19/5/1999 tại Daewoosa có cuộc họp mặt giữa chúng tôi (những người không chấp nhận bản hợp đồng mới) với ban lãnh đạo của công ty Daewoosa và cả đại diện của công ty IMS. Trong cuộc họp có đưa ra một số giấy tờ nói là đơn kiện của 4 người Việt Nam đại diện cho 50 người chúng tôi vàông chủ nói rằng "Các bạn hãy nhượng bộ ký vào đơn này phủ nhận toàn bộ sự việc trước đây thì các bạn sẽ nhanh chóng trở về Việt Nam, nếu không thì sẽ ở lại đây ít nhất là từ 3 đến 4 tháng và nhiều nhất là từ 1 đến 2 năm. Vàtrong thời gian ăn ở tại đây các bạn phải chịu chi phí tiền ăn ở là mỗi người 50USD/ngàỵ" Ðiều này họ đã lập lại nhiều lần, nhưng chúng tôi không chấp nhận ký vào bất cứ văn bản nào phía Daewoosa đưa ra -- ông chủ tỏ ra tức giận và nói chúng tôi không tốt.

 

Chúng tôi lại phải đợi sự giải quyết từ hai phía công ty IMS và công ty Daewoosa. Họ vẫn im lặng để chúng tôi trong tình trạng tinh thần hoàn toàn suy sụp. Ðến ngày 12/6/1999 họ tiếp tục đưa một đoàn công nhân gồm 17 người đến Samoa. Những người đến sau này sống cách biệt và được nhắc là tránh tiếp xúc với chúng tôi. Chúng tôi không hiểu tại sao đã có một số người trong đoàn mới đã lên xưởng làm việc khi họ chưa có thẻ ID. Trong thời gian chúng tôi chờ đợi sự giải quyết từ hai phía quá lâu nên cho đến ngày 18/6/1999 chúng tôi đã viết đơn đề nghị ông Lee Kil Soo thanh toán lương và hoàn trả lại cho chúng tôi 1500USD mà chúng tôi đã nộp cho ông chủ. Ngay ngày hôm sau lá đơn của chúng tôi được trả lại từ ông Kim phó giám đốc, nhưng ông lại không đưa trả lại ai mà vo viên lá đơn của chúng tôi nhét vào phòng, và chúng tôi được nghe giải thích là hiện giờ chúng tôi không phải là người của công ty Daewoosa cho nên tất cả mọi việc của chúng tôi, ông ta điều phải thông qua luật sư của chúng tôi kể cả thanh toán tiền lương và số tiền 1500USD.

 

Ðây là bản tường trình toàn bộ sự việc xảy ra đối với chúng tôi từ ngày tới công ty Daewoosa Samoa (8/2/1999) đến ngày 21/6/1999. Chúng tôi ghi lại những sự việc trên là hoàn toàn đúng sự thật.

 

 Chữ ký xác nhận của 17 người sang đợt một (8/2/1999)  Ðoàn Thị Hương, Lê Thị Chuyên, Trần Thị Thu Huyền, Bùi Thị Mơ, Nguyễn Thị Hường, Hồ Kim Chi, Vũ Thị Minh Thủy, Ngô Thị Hường, Nguyễn Thị Hồng Loan, Ðào Thị Thảo Nguyên, Nguyễn Thị Huyền, Chu Thị Kim Hoa, Vũ Thị Hồng Loan, Nguyễn Thị Bích Lan, Lê Bích Thủy, Nguyễn Thị Hường, Lê Thị Thu.