THỜ ÔNG BÌNH VÔI

 

Hà Nhân

 

Người Việt Nam hơn 50 năm trở về trước có tục thờ ông bình vôi. Nhiều nhất là ở Miền Bắc và Miền Trung, dân chúng đem những bình vôi cũ không dùng nữa ra đặt dưới một gốc cây cổ thụ trong làng và thờ cúng. Dường như không có sự tích nào rõ rệt để giải thích tục thờ cúng bình vôi nói trên.

 

Bình vôi có hình cái hũ bình thường làm bằng đất nung dùng để chứa vôi đã tôi, sền sệt mầu trắng dùng để ăn trầu. Ở Miền Nam, loại vôi này mầu đỏ. Khi nào dùng cạn thì lại đổ thêm vôi đã tôi vào. Cứ thế lâu ngày lớp vôi cũ bám chặt vào thành bình phía trong và cứng dần như đá, không thể nạo ra khiến lòng bình và miệng bình hẹp dần. Ðến khi quá nhỏ không dùng được nữa thì thay vì liệng đi, nhiều người đem ra bỏ ở gốc đa. Có những gốc đa chung quanh xếp hàng trăm bình vôi. Những ngày lễ cổ truyền, người ta thắp hương cúng các "ông bình vôi."

 

Trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm năm 1956-57 ở Miền Bắc, có bài thơ "Ông Bình Vôi," bị nhà cầm quyền Cộng Sản ở Hà Nội buộc tội là bôi bác nhằm ám chỉ ông Hồ Chí Minh.

 

*

 

Cũng như mọi năm từ 1946 trở đi, đảng và chính quyền CSVN long trọng kỷ niệm ngày sinh của ông Hồ vào 19 tháng 5. Năm nay, lễ kỷ niệm sinh nhật của ông Hồ cũng chỉ ở mức trống kèn vừa phải như mọi năm. Cũng thi viết, cũng ra sách về tư tưởng và sự nghiệp của ông ta. Cũng mít tinh tưởng niệm, cũng đặt vòng hoa, cũng viếng lăng mộ, cũng thi đua đạt thành tích. Chỉ có một điểm đặc biệt là từ nay trở đi, sẽ có lễ chào cờ ở công trường Ba Ðình trước lăng ông Hồ mỗi buổi sáng.

 

Có thể dễ dàng suy luận ra mục tiêu của chế độ CSVN trong lúc này là cố gắng bấu víu lấy một số chỗ tựa ý thức hệ. Tuy chủ nghĩa Marx-Lenin đã bị quê hương Nga và căn cứ địa Ðông Âu của nó chối bỏ, nhưng đảng CSVN vẫn phải níu lấy nó làm bảng hiệu để nhân danh Cách Mạng Vô Sản thế giới hầu biện minh cho độc quyền thống trị đất nước Việt Nam.

 

Trước nền móng của chủ nghĩa Cộng Sản bị lở, lún, suy sụp, đảng CSVN muốn đem nó lại gần với Việt Nam hơn. Gần đây nhất là từ ngày các chế độ Cộng Sản ở Liên Xô cũ và Ðông Âu theo nhau sụp đổ với tốc độ quá nhanh, các lãnh tụ CSVN đã thêm vào tấm bảng quảng cáo của họ dòng chữ "Tư Tưởng Hồ Chí Minh" để làm thêm một cái cọc chống cho căn lều XHCN đã xiêu vẹo của họ. Môn đồ của ông bắt buộc phải chọn 5 chữ "tư tưởng Hồ Chí Minh" làm tiêu ngữ cho hành động của họ, mặc dù theo nhà ly khai Nguyễn Văn Trấn, ông Hồ đã từng nói ông không có tư tưởng nào cả, mà chỉ làm theo những tư tưởng của các lãnh tụ Liên Xô và Trung Cộng.

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh và những thứ râu ria quanh cuộc đời của ông Hồ ngày nay cũng chẳng còn ma lực hấp dẫn những người Việt dễ tin như ngày xưa trước đây 56 năm. Nhưng dầu sao, cá nhân Hồ Chí Minh và chế độ của ông sẽ còn là đề tài tranh luận dài dài trong tương lai.

 

Trước đây đã có nhiều sách báo bên ngoài Việt Nam điều tra, khảo cứu, tường thuật, bình luận về những sự kiện liên hệ đến cuộc đời riêng tư cũng như đảng vụ và công vụ của ông Hồ. Hầu hết những sách báo này dựa theo tài liệu tuyên truyền viết bằng ngoại ngữ của chế độ CSVN.

 

Nhiều sách báo tiếng Việt xuất bản ở Miền Nam trước năm 1975 và ở nước ngoài sau đó với những tài liệu có giá trị trung thực về cuộc đời công tư của ông Hồ. Nhưng không mấy tài liệu được dịch sang tiếng ngoại quốc để phổ biến bên ngoài Việt Nam. Riêng tài liệu tương tự viết bằng ngoại ngữ lại rất hiếm hoi.

 

Những cuốn sách mà tác giả là những người đáng tin cậy nhất trong tường thuật về cuộc đời ông Hồ với những chứng cớ không thể bác bỏ đều lâm vào tình trạng thiếu độc giả người nước ngoài. Ðiển hình là các ông Nguyễn Chí Thiện, Nguyễn Minh Cần, Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, Nguyễn Văn Trấn từng viết các tác phẩm thơ, sách, hồi ký với những sự kiện và lý luận vững chắc mà nếu người ngoại quốc đọc được, hẳn sẽ có cái nhìn rõ ràng chính xác hơn về con người ông Hồ.

 

Lý do chính yếu là phe quốc gia không có nhiều tiền để xuất bản sang nước ngoài những loại ấn phẩm như vậy trong lúc công quỹ thiếu hụt. Các nhà xuất bản tư nhân ít chú trọng đến việc bán hoặc tặng cho các thư viện những ấn phẩm của họ.

 

Trong khi ấy chế độ CSVN, được coi là một chế độ "nhịn ăn để nói dóc" không tiếc tiền trong việc tuyên truyền xuyên tạc sự thật. Nào là in sách, truyện người lớn và trẻ em, thực hiện tranh ảnh, phim hình nhằm ca tụng ông Hồ tột bực. Số sách báo láo lếu này bằng ngoại ngữ và Việt Ngữ, bất hạnh thay, lại xuất hiện đầy rẫy trong các thư viện khắp nước Mỹ và Tây Phương.

 

Khi nói về ông Hồ cũng như về các nhân vật khác có tiếng tăm, có nhiều người cho rằng nên để đời sau và lịch sử phê bình, định công luận tội họ. Ðiều đó đúng về nguyên tắc và đạo đức, nhưng có điều bất ổn.

 

Ðành rằng lịch sử và người đời sau, những thế hệ con cháu ta sẽ không bị thiên kiến riêng tư làm sai lạc nhận định, nên sẽ có những phán xét công bình và vô tư hơn. Tuy nhiên trong thời đại kỹ thuật cao hiện nay, phương tiện thông tin, ấn loát, phổ biến rất tiện lợi và mau lẹ. Một đề tài nghiên cứu có thể được đề cập trong hàng ngàn sách báo khác nhau trong đó nhiều dữ kiện dị biệt có khi trái ngược. Nếu mọi sự kiện về một chế độ hay một con người không được ghi lại trong sách vở, thì người đời sau chắc chắn sẽ nhận định và phán xét rất sai lạc về những gì họ đọc trong những tài liệu thiên lệch họ tìm được.

 

Riêng trường hợp ông Hồ, thiết tưởng người đời nay mà một số không ít đã biết nhiều ít về ông ta và chế độ của ông nên nêu ra những sự kiện và quan điểm riêng càng nhiều càng tốt trong mọi lãnh vực. Con cháu chúng ta sẽ có phương tiện và nguồn tài liệu thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau để nghiên cứu và nhận xét.

 

Cuộc đời ông Hồ là một chuỗi huyền thoại, mà người CSVN nắm lấy làm công cụ bầy tỏ lòng trung thành với đảng của họ. Chưa có vị vua nào trong lịch sử Việt Nam có một hệ thống thần thánh hóa tinh vi và khéo léo để đưa mình lên tận mây xanh như của ông Hồ. Cũng chưa có vị vua Việt Nam nào ngoài ông Hồ trong việc thực hiện được những đòn chính trị, dối trá, mánh khóe ngang ngửa với Tào A Man của Trung Hoa, hoặc theo sát sách vở của Machiavelli nước Ý.

 

Phải kể ông Hồ trong số những lãnh tụ có tài (hữu tài vô hạnh) trên thế giới, thừa tâm địa để tiến hành những cuộc thanh trừng đẫm máu nhất lịch sử nước ta như tàn sát tín đồ Cao Ðài, Hòa Hảo, các đảng phái quốc gia và cuộc Cải Cách Ruộng Ðất liên kết với chiến dịch Sửa Sai tiếp theo sau đó. Số người bị tàn sát dưới thời ông Hồ cầm quyền - không kể số người chết trong chiến tranh - có thể nhiều hơn tổng số nạn nhân những vụ tàn sát và tru di tam tộc của toàn thể các triều vua Việt Nam từ khi Việt Nam lập quốc và có sử viết đến tận thời Thực Dân Pháp cai trị và ở Miền Nam trước 30/4/1975.

 

Về cá nhân và bản chất, ông Hồ là người thông minh, lắm mưu mẹo, kiên trì và can đảm. Khi cần thanh toán nội bộ, ông thẳng tay đối với cả những người thân tín như bí thư Vũ Ðình Huỳnh, thân phụ của Vũ Thư Hiên, hay để tay sai thủ tiêu như Nông Thị Xuân, hoặc không cần đạo lý như vụ bán cụ Phan Bội Châu. Những khám phá từ kho lưu trữ văn khố Pháp và Nga trong mấy năm gần đây đã phơi bầy nhiều chứng cớ mới về cuộc sống dâm đãng của ông Hồ. Tuy nhiên, dâm là bản năng con người, dù là một lãnh tụ, miễn đừng dâm đãng như Mao Trạch Ðông, và không kết thúc cuộc đời của bạn đồng sàng bằng cách thủ tiêu sau khi đã chơi đến no chán.

 

Một điểm nổi bật khác của ông Hồ mà chưa có vị vua nào từ đời Hùng Vương làm được, mà cả Tào Tháo, Lenin, Stalin, Mao Trạch Ðông cũng không ươn hèn đến như thế, là viết sách tự ca tụng mình một cách quá đáng. Viết hồi ký hay kể lại cho đàn em viết dùm là chuyện bình thường. Nhưng ở đây, ông Hồ đích thân viết sách với những lời lẽ và nội dung tự tâng bốc ông một cách trơ trẽn rồi xuất bản dưới tên giả là Trần Dân Tiến thì dẫu là một người dân thường cũng không thể được tha thứ tội hèn nhát.

 

Tội lớn nhất của ông Hồ là quá lệ thuộc vào đảng Cộng Sản Trung Hoa từ ngữ vựng tiếng Việt đến cách tổ chức và điều hành đảng cũng như chính quyền và quân đội. Nhắm mắt bắt chước Trung Cộng từ âm nhạc đến quần áo, tuân theo ý muốn của họ Mao trong việc áp dụng nguyên con chiến dịch Phát Ðộng Quần Chúng (gồm Cải Cách Ruộng Ðất và Sửa Sai), giết hại hàng chục ngàn người vô tội. Ðể lại tai hại lâu dài là ông Hồ đã du nhập một nền văn hóa phi nhân bản, ý thức hệ ngoại lai, khuyến khích tham lam và thất tín, dối trá, cư xử tàn nhẫn và ngôn ngữ tối tăm mà thô tục, hủy hoại nhiều truyền thống tốt đẹp của xã hội Việt Nam.

 

Dù có cho rằng ông có công trong cuộc kháng chiến chống Pháp một phần nhỏ bé đi nữa, cũng không thể bào chữa tội của ông và thủ hạ trong việc gây cuộc chiến tranh quốc-cộng 1960-1975 tạo chia rẽ và hận thù sâu xa giữa những người cùng dòng máu của các vua Hùng, làm tổn hại người và của, lớn nhất trong lịch sử nước ta chỉ vì tham vọng của khối Cộng và chủ nghĩa cá nhân anh hùng của riêng ông, mà không có lợi ích gì cho tương lai dân tộc.

 

Bài thơ vịnh ông bình vôi quả thực phản ảnh thực chất của ông Hồ và cả nhóm lãnh đạo. Càng sống lâu càng càng cùn đi, lòng dạ càng bé lại. Nhất là thấy những người thất học mê tín đưa lên thờ cúng thì tưởng là mình linh thiêng lắm. 

 

HÀ NHÂN