Thị trường New York xuống,

Thị trường Chương Dương vẫn lên

 

NGÔ NHÂN DỤNG

 

Ngày hôm qua Chỉ số Dow Jones đã suýt rơi vào chuồng gấu. Sau khi các nhà đầu tư bỏ chạy khỏi cổ phần các công ty kỹ thuật cao trong thị trường Nasdaq nay đến lượt cổ phần những công ty lớn, mạnh nhất gọi là "blue chip" trong chỉ số D.J. cung sa sút. Người Mỹ gọi một thị trường đang lên mạnh là "Bò mộng" (Bull) và khi sa sút thì mô tả bằng hình ảnh con "Gấu" (Bear Market). Gọi là "thị trường gấu" khi nào giá hạ mất 20% kể từ lúc cao nhất trước đó. Mức cao nhất gần đây của Dow Jones là 11,722.98 vào ngày 14 tháng Giêng, nếu mất 20% thì chỉ còn 9,378.38. May quá, lúc thị trường New York đóng cửa lúc 4 giờ chiều ngày hôm qua, D.J. vẫn còn ở mức 9,389.48, chỉ mất hơn mười điểm nữa là rớt xuống chuồng gấu! Tuy nhiên sau khi mở cửa lúc 9 giờ sáng có lúc D.J. đã xuống tới 9,106, coi như rớt xuống rồi lại đuợc vớt lên. Trong tháng này hai chỉ số Standard & Poor 500 và Nasdaq đã thành gấu cả rồi, chỉ còn Chỉ số Dow Jones cố giữ vững mà thôi. Ngày hôm nay nhiều người sẽ đánh cá liệu Dow Jones có thành gấu hay không!

 

Trong tháng này, khi thị trường New York xuống thì các nơi khác cũng xuống theo: Sidney, Tokyo, Hồng Kông, Frankfurt, London đều chung số phận. Quý vị thử đoán coi, trong lúc đó Trung tâm Giao dịch Chứng khoán, một thứ thị trường chứng khoán tí hon, baby, đặt tại Bến Chương Dương Sài Gòn tình hình ra sao? Chúng tôi xin báo tin mừng: Ai xuống thì xuống, chỉ số của Thị trường Chương Dương vẫn lên, lên hơn 160% trong vòng tám tháng qua, kể từ khi mở cửa hàng! New York rơi xuống chuồng gấu nhưng Sài Gòn vẫn khỏe như bò mộng, có thể gọi Trung tâm Chứng khoán Sài Gòn là "Thị trường Trâu" cho đuợm màu sắc địa phương! Nhưng tại sao Thị trường Chương Dương lại ngon lành như vậy? Có nhiều bí quyết.

 

Ở Mỹ, khi mua bán cổ phần thì người ta thường làm như thế nào? Trước đây cách nhanh nhất là gọi điện thoại. Bây giờ phần lớn các nhà đầu tư đều vào internet, mở ra là đọc đuợc tin tức về cổ phần từng công ty mình muốn coi. Trong mạng lưới có các bản kê khai tài chánh chi tiết của các công ty đó, lịch sử và dự đoán tuong lai của nó. Nhà môi giới hằng ngày làm công việc tính toán lời lỗ trong "hầu bao" của thân chủ (chúng tôi dùng hai chữ "hầu bao" tạm dịch từ portfolio trong thuật ngữ tiếng Anh, nó gồm tất cả các món đầu tư của mình.) Muốn mua hay bán một cổ phần với giá nào đó, quý vị chỉ cần gõ vào máy vi tính ở nhà mình (nhiều người đến sở lén ăn cắp giờ, dùng máy của sở) rồi "bấm click" một cái là xong, mặc cho nhà môi giới họ thi hành mệnh lệnh. Nếu mấy ngày trước quý vị đặt mua cổ phần của Procter & Gamble với giá 62 đô la, trong lúc giá nó còn nhấp nhỉnh trên 64 đô la, thì ngày hôm qua quý vị đã mua đuợc rồi. Vì bữa qua có lúc người ta bán P&G với giá chỉ có 61.75 đô la thôi, cuối cùng ngóc lên 62.75. Nếu nhà môi giới chưa kịp mua cho quý vị thì mở máy ra thấy cái lệnh của quý vị ghi là hãy "còn chờ đợi," yên tâm đi ngủ chờ ngày mai xem có thi hành đuợc hay không. Đó là cách làm ăn của thị trường chứng khoán khắp thế giới chứ không riêng gì ở Mỹ.

 

Bây giờ coi ở Thị trường baby Chương Dương người ta làm ăn ra sao.

 

Truớc hết là một tin mừng: công việc của nhân viên không vất vả mấy. Vì thị trường chỉ mở cửa ba ngày một tuần, công việc giao dịch mỗi ngày đó chỉ lâu có một tiếng đồng hồ mà thôi.

 

Nhưng cũng có một chuyện buồn, là ai muốn mua bán gì thì phải đến tận Bến Chương Dương chứ không đuợc dùng internet hay điện thoại. Trước khi nhân viên nhà nước làm việc, các nhà môi giới đầu tư phải xếp hàng lấy số, số thứ tự rút ra từ một cái nón - nón mới, cam đoan không phải mu tai bèo. Sau khi các thân chủ ngồi tán gẫu với nhau vài tiếng rồi, thị trường mở cửa. Ai lấy số trước thì lệnh đuợc thi hành trước. Đến giờ đóng cửa ai không mua bán đuợc thì tiu nghỉu ra về. Ngày hôm sau trở lại, xếp hàng, làm lại đúng những thủ tục y như ngày trước, vì thị trường không thi hành các lệnh mua, bán cu. Đó là cảnh tượng ở Trung tâm Chứng khoán Sài Gòn như lời báo The Economist mô tả.

 

Nhưng tại sao Thị trường Chương Dương lại tiếp tục lên từ Tháng Bảy năm ngoái đến giờ trong khi cả thế giới sa sút? Vì số cổ phần ghi tên trong baby market này rất ít, mặc dù đã tăng 250% rồi, từ 2 công ty quốc doanh nay lên đến 5 công ty, và một ít công trái. (Để so sánh: thị trường Nasdaq baby ở Mỹ có 4,700 cổ phần ghi danh.) Ngay từ khi bắt đầu, nhà nước tự ý định giá cổ phần thật thấp, cho nên giá cả không có cách nào xuống đuợc chỉ có tăng lên thôi. Ngoài ra còn có những giới hạn. Mỗi nhà môi giới chỉ đuợc mua mỗi lần nhiều nhất là 10,000 cổ phần, và không ai đuợc trả giá cao quá hay thấp quá 2% so với giá ngày hôm trước! Cứ như thế, chỉ số Chương Dương từ từ, nhẩn nha tăng lên trong bảy tám tháng qua!

 

Cái lối làm ăn này rất quen thuộc. Cảnh xếp hàng lấy số làm người ta nhớ đến những cửa hàng mậu dịch đời xưa. Bỏ ra hàng trăm triệu Mỹ kim trang bị máy móc và thuê các chuyên viên điện toán thượng thặng cho đi tham quan du học về để mở ra cái thị trường, nhưng chỉ mở cửa dưới 10 giờ một tuần, đúng là tác phong "tiêu tiền thập phương" cố hữu của các quan kinh tế hoạch định.

 

Cung cách làm ăn đó cung không khác gì siêu thị bách hóa Intimex ở Hà Nội, mở cửa cuối tháng Ba, chắc để chào mừng Đại hội Đảng. Tạp chí Kinh tế Viễn Đông mô tả ai mới bước vào siêu thị Intemex cung phải thấy những bảng cấm màu trắng, trong đó đặc biệt là "cấm viết" ở bên trong siêu thị! Người ta sợ nhà báo vào đó thi hành quyền tự do viết báo hay sao? Không, họ sợ các cửa hàng cạnh tranh sẽ vào chép giá cả rồi về hạ giá trong của mình. Người ngoài phải tự hỏi thiếu gì cách cạnh tranh với nhau mà lại phải dùng đến cách "cấm viết"? Cấm tất cả mọi người, kể cả khách hàng, dùng cây bút trong cửa hàng, thế rồi còn cấm thêm những gì nữa? Nhưng đó là thói quen nhà quan, không thể bỏ đuợc. Nhà quan, nhất là các quan công an thì quen ra lệnh cấm từ lâu không bỏ đuợc. Một chế độ công an thì ngay cả khi bán hàng cung theo cách công an, "đổi mới kinh tế" thật là khó vậy!

NGÔ NHÂN DỤNG