THÊM MỘT ÁN 5 NĂM

 

Hà Nhân

 

Ðại Hội 9 của đảng CSVN đã kết thúc xong xuôi với những lễ lạt, liên hoan khắp nơi để mừng "đảng" bằng ngân sách do dân chúng đóng góp. Ðại hội đã tiến hành suông sẻ sau những tháng chuẩn bị sau cùng ồn ào với dự thảo Báo Cáo Chính Trị, các hội nghị góp ý kiến và những cuộc vận động trong hậu trường về mấy chiếc ghế thủ lãnh đảng.

 

Ðảng viên và dân chúng ở Việt Nam mấy tháng qua nhiều người vươn cổ trông chờ có một cái gì mới mẻ dễ chịu hơn sẽ được đại hội này ban phát. Nhưng các mong muốn này không thấy được đáp ứng một cách khả quan. Hy vọng của quần chúng vẫn còn mỏng lét, mỏng hơn tờ giấy in nghị quyết của đại hội 9. Mọi hứa hẹn của đảng và các lãnh tụ vẫn chỉ là những cơn gió thoảng qua.

 

Ðại hội 9 kỳ này có nhiều điểm đặc biệt. Trước hết, việc chuẩn bị trong thời kỳ tiền-đại-hội gặp nhiều trắc trở, trong hội nghị ban Chấp Hành Trung Ương 11 và 12 mất nhiều thì giờ dàn xếp vì những bất đồng quan trọng đặc biệt về nhân sự. Những tin không biết xuất xứ trước đây mấy tháng giờ đây diễn ra đúng như lời đồn đoán.

 

Quả thật ông Lê Khả Phiêu có vận động ráo riết để ngồi lại ghế tổng bí thư, và quả thật các ông Mười, Anh, Kiệt trong ban cố vấn có tìm cách hạ bệ ông Phiêu. Tệ hơn nữa là lần đầu tiên trong một dịp đại hội đảng có những cuộc vận động ngầm hoặc công khai, tuyên truyền rỉ tai, thơ rơi của cả hai phe nói xấu nhau.

 

Cũng là lần đầu tiên mà tin tức mật về nội dung các cuộc bàn cãi kín trong hội nghị trung ương bị tiết lộ ra ngoài ở mức mau lẹ và chính xác bất thường. Tình trạng này cho thấy ít nhất 3 điểm: Một là sự bất đồng trong nội bộ trung ương đảng đã vượt khỏi tầm giới hạn của kỷ luật đảng tại cấp trung ương. Hai là điều mà đảng CSVN xếp vào một trong 4 loại nguy cơ, "nguy cơ diễn biến hòa bình" đang diễn ra ngay trong ban Chấp Hành Trung Ương mà bằng chứng là các hãng thông tấn và báo chí quốc tế đã lấy được những tin tức chính xác như nói trên từ những thành viên trong hội nghị. Và ba là gần như chắc chắn rằng những tin tức mật lọt ra bên ngoài ở phạm vi chưa hề xẩy ra là của các phe phái kình chống nhau tung ra để hạ đối phương.

 

Tình trạng này có thể trở thành thông lệ, sẽ diễn ra trong những đại hội tới (nếu đảng CSVN còn sống sót thêm hơn 5 năm nữa). Nó càng dễ xẩy ra khi các lãnh tụ được bầu không ai được bộ máy tuyên truyền tô vẽ thành "siêu nhân" để tôn làm minh chúa. Thành thử giữa những lãnh tụ cá mè một lứa nhàng nhàng như nhau hiện cầm quyền trong trung ương đảng, không có bộ mặt nào vượt lên trên mọi người để có thể có uy tín hầu được trung ương đảng hoàn toàn nể phục và tuân lệnh.

 

Mầm mống những vụ ly khai trong tương lai nhờ đại hội 9 mà người ta thấy đã nhen nhúm rõ rệt. Có lẽ các lãnh tụ trung ương cũng cảm thấy như thế nên đã đề ra khẩu hiệu "đoàn kết" trong các mục tiêu của đại hội.

 

Nói về lãnh tụ đảng, việc ông Nông Ðức Mạnh được cử vào chỗ tổng bí thư thay thế ông Lê Khả Phiêu không làm nhiều người ngạc nhiên, theo nhận định của một số ký giả và các nhà nghiên cứu chuyên về Việt Nam. Tuy nhiên ông Mạnh vẫn là một khuôn mặt mới mẻ, không có gì kiệt xuất hay thành tích và tài năng vượt trội.

 

Trong những năm gần đây trong chức vụ chủ tịch quốc hội, ông Mạnh tỏ ra là người ôn hòa hơn so với các lãnh tụ khác. Vả lại quốc hội CSVN gồm hơn 80% là đảng viên các cấp. Quốc hội chỉ là một cái máy gật mặc dù gần đây thỉnh thoảng các đại biểu cũng được quyền chỉ trích các bộ (đến mức cao nhất là cấp bộ) về những việc không quá quan trọng và không thể giấu giếm. Do đó dù có ác đức, cực đoan, giáo điều hay độc đoán đến đâu, ông ta cũng không thể thi thố khi nắm gìữ một bộ phận vô hại của chế độ.

 

Vì vậy, cần phải chờ xem mới biết. Trong hiện tại người ta chỉ ức đoán được rằng ông Mạnh là con người mềm mỏng, không ở phe nào, không đụng chạm ai, nên có thể nắm vai trò "bị bông" làm tấm đệm giữa hai ba phe, và cũng có thể sẽ bị hai ba phe ấy thao túng.

 

Về quá trình hoạt động, Nông Ðức Mạnh xuất thân trong ngành lâm nghiệp. Ông ta có du học Liên Xô sau một năm học tiếng Nga (theo tiểu sử đăng trong báo Nhân Dân ngày 22/4/2001). Ai ở Việt Nam cũng biết tiếng Nga rất khó, học một năm chỉ thu đạt được một trình độ ngang với 3 tháng học tiếng Anh. Do đó có thể đoán rằng ông Mạnh cũng tốt nghiệp kiểu bằng cấp "hữu nghị" như hầu hết các chuyên viên du họcLiên Xô vào thời ông ta. Tuy nhiên dầu sao ông Mạnh cũng còn được coi là đã tốt nghiệp lớp 10 và có "du học," còn hơn đám cán bộ "trình độ chuyên môn: kỹ sư, trình độ văn hóa: lớp 2."

 

Vấn đề dư luận thắc mắc về đời tư của ông Mạnh liên quan đến việc có phải ông ta là con ngoại hôn của ông Hồ Chí Minh hay không, hiện chưa ai dám khẳng định. Trong câu chuyện này, người ta thấy rõ có những uẩn khúc đáng lưu ý.

 

Hôm Chủ Nhật 22/4/2001 sau khi được bầu làm tổng bí thư, ông Mạnh đã xác nhận rằng ông ta không phải là con ông Hồ.

 

Dư luận phát xuất từ Miền Bắc từ lâu đã đồn đãi về vụ này. Nhiều người tin là đúng vì ông Hồ vốn là người có thói lang chạ bừa bãi, mà ông Mạnh ra đời ở nơi và lúc ông Hồ có mặt năm 1940. Hiện ở nước ngoài chưa có chứng cớ đáng tin về liên hệ này, nhưng người đời thường nói "Không có lửa sao có khói?" Thông thường trong lịch sử, câu nói này đúng với thực tế.

 

Ðiều đáng quan tâm là cách ông Mạnh phủ nhận nghi vấn cho rằng ông là con hoang của ông Hồ.

 

Trước đây không lâu, khi một cựu đại sứ Úc hỏi ông Mạnh rằng có phải ông ta là con ngoại hôn của ông Hồ không thì ông Mạnh trả lời nước đôi rằng "Mọi người Việt Nam đều là con Bác Hồ." Người bình thường khi nghe trả lời như vậy phải hiểu rằng đó là câu xác nhận bán chính thức, đồng nghĩa với lối nói ỡm ờ nước đôi "Không biết!" Nghĩa là có thể đúng như thế.

 

Trong tuyên bố hôm Chủ Nhật, ông Mạnh nói ông có cha mẹ nhưng đã chết sớm khi ông còn rất nhỏ tuổi. Ông Mạnh còn xác định rằng vào dịp lễ Thanh Minh (tháng 3 âm lịch) vừa qua, ông ta có về làng Cường Lợi, tỉnh Bắc Cạn nguyên quán của ông và theo tục lệ đã sửa sang lại phần mộ của cha mẹ ông. Ông nhắc lại câu ông đã nói với cựu đại sứ Úc, "Mọi người Việt Nam đều là con cái Bác Hồ."

 

Rõ ràng là khi nhắc lại câu nói trên, ông Mạnh muốn tỏ ra là ông không hề xác nhận sự kiện ông là con ông Hồ, và câu nói ấy chỉ có giá trị tuyên truyền về lòng tôn kính ông Hồ mà thôi. Nhưng chính cách nói đó làm cho người ta nghi ngờ thêm. Biết đâu chẳng phải là trung ương đảng buộc ông phải phủ nhận liên hệ cha con với ông Hồ để tránh tiếng "chơi hoang" của lãnh tụ thần tượng quá cố của họ. Còn bằng chứng thì chế độ Hà Nội dư sức ngụy tạo như họ từng làm xưa nay.

 

Trên một phương diện khác, Ðại Hội 9 có một quyết định đáng lưu ý là qui định lại nhân số trong ban Chấp Hành Trung Ương từ 170 xuống còn 150, và bộ Chính Trị chỉ còn 15 thay vì 19 ủy viên như trước đây (trong thập niên 1950 chỉ có 13 ủy viên). Chắc hẳn các lãnh tụ CSVN có nhiều lý do để sửa đổi lại tổ chức đảng. Nhưng việc rút bớt nhân số cơ quan đầu não trung ương ít nhất cũng cho phép người ta suy đoán rằng khi CSVN thu dẹp nhân số, họ tin rằng các vấn đề rắc rối và khó khăn sẽ được quyết định dễ dàng mau lẹ hơn trong những tổ chức đảng ít thành viên hơn.

 

Ðại hội 9 cũng giải thể Ban Thường Vụ nhiều quyền hành của Bộ Chính Trị và thay thế bằng một Ban Bí Thư bộ Chính Trị có nhiệm vụ giới hạn.

 

Ðại hội 9 dĩ nhiên đã đề ra những mục tiêu hấp dẫn, nhất là lời ông Mạnh tỏ ý cố trừ nạn tham nhũng. Nhưng kinh nghiệm của 8 kỳ đại hội đã qua khiến người dân lo sợ tình hình sẽ còn xấu hơn.

 

Rút cuộc nếu Trời cho đảng CSVN sống thêm ít lâu, thì có thể nói rằng Ðại Hội 9 Ðảng CSVN là quyết định "biện pháp hành chánh" chụp lên đầu gần 80 triệu dân Việt Nam thêm một cái án tù 5 năm nữa.

 

 Hà Nhân