HỘI CỰU TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ:

THẾ VÀ LỰC

 

Ðại Dương

 

Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị đã hình thành và lớn mạnh bên ngoại lãnh thổ Việt Nam kể từ khi những chiến sĩ tự do thoát khỏi môi trường thù địch của Cộng sản.  

Họ đã bổ túc cho không khí đấu tranh của người Việt hải ngoại nhiều yếu tố tích cực. Trực tiếp bổ sung nhân vật lực cho tổ chức, đoàn thể đấu tranh tại hải ngoại, cựu tù nhân chính trị đã nhồi thêm tinh thần chống cộng vốn quyết liệt trong cộng đồng tị nạn Cộng sản tại hải ngoại.  

Môi trường đấu tranh nào cũng thấp thoáng những mái tóc điểm sương, nét mặt phong trần, ánh mắt rực lửa của cựu tù nhân chính trị khi nhắc đến tội ác tày trời của Cộng sản đối với đất nước dân tộc.  

Sự xuất hiện của Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị đã làm cho công cuộc đấu tranh vì tự do của dân tộc Việt Nam càng thêm đa dạng.  

Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị là một thực thể chính trị có ảnh hưởng đối với sinh hoạt đấu tranh tại các quốc gia tạm dung.  

Sát cánh với các tổ chức, đoàn thể trong mọi sinh hoạt đấu tranh như vận động hành lang; tố cáo tội ác của Cộng sản Việt Nam đối với đất nước dân tộc; đấu tranh cho các chiến sĩ tự do còn nằm trong ngục tù cộng sản; giúp đỡ chiến hữu còn kẹt nơi quê nhà; kết chặt thân tình và giúp đỡ lẫn nhau nơi xứ lạ quê người.  

Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị là nơi qui tụ những chiến sĩ từng xả thân cho tự do của miền Nam vĩ tuyến 17 suốt nhiều thập niên. Họ cũng đã gánh chịu những ngón đòn thù của lũ người không khuất phục họ được trên chiến trường. Họ là những người hiểu sâu sắc ý nghĩa của tự do, của ấm no, của hạnh phúc. Họ chứng kiến cộng sản khát máu nơi chiến địa, tàn bạo với kẻ bại trận và đồng bào. Hơn ai hết, cựu tù nhân chính trị có điều kiện lột trần bộ mặt dã man, tàn ác của cộng sản thường che đậy sau những tấm chiêu bài vì nước vì dân cùng các biện pháp điều-kiện-hóa thông tin.  

Thế của Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị tương đối lớn tuy nhiên ảnh hưởng chưa được bao nhiêu vì thiếu lực.  

Sinh sau đẻ muộn so với các tổ chức chính trị, đoàn thể đấu tranh tại hải ngoại nên sự phát triển của Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị cũng gặp nhiều khó khăn (1) Hào quang của các tổ chức đoàn thể đấu tranh kỳ cựu đã thu hút một số cựu tù nhân chính trị chân ướt chân ráo khi đến xứ người. (2) Phần lớn cựu tù nhân chính trị thiếu kinh nghiệm đấu tranh chính trị vì chỉ quen cầm súng hoặc đóng mộc. (3) Tuổi tác và hoàn cảnh lạ nước lạ cái cũng hạn chế sinh hoạt của cựu tù nhân chính trị. Chúng ta có quyền tin chắc rằng trước sau gì chế độ CSVN cũng sẽ sụp đổ. Nhưng khối người Việt ở nước ngoài phải là một sức mạnh áp đảo để thu ngắn kiếp sống độc hại của CSVN càng sớm càng tốt. Có như thế mới dành thêm thời gian tái thiết đất nước hầu mau chóng theo kịp và vượt xa các nước vùng Ðông Nam Á. (4) Thiếu điều kiện cập-nhật-hóa kiến thức thời đại. (5) Hầu hết cựu tù nhân chính trị đã qua khỏi lứa tuổi phiêu lưu mạo hiễm.  

Do đó, vạch ra những chương trình, kế hoạch to lớn rất khó hoàn tất. Thiết tưởng, Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị nên tập trung vào những kế hoạch cụ thể vừa tầm tay, hợp hoàn cảnh, đúng điều kiện của hội viên.  

Hầu hết quảng đời trai trẻ, đầy nhựa sống của cựu tù nhân chính trị gắn liền với trách nhiệm bảo vệ tự do cho quốc gia và đồng bào. Trò chơi nơi chốn phồn hoa, đô hội ít khi đến phiên người lính chiến. Ngày qua ngày phải đương đầu với kẻ thù hung bạo để tìm sinh lộ cho đồng bào.  

Thế mà khi nước mất, tội lỗi lại trút lên đầu những người lính dũng cảm nhất. Ðồng minh muốn tìm vật tế thần bèn phán: Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa hèn nhát. Dân chúng trong khoảnh khắc mất hết tự do, không còn ai bảo vệ cất tiếng oán than binh lính Việt Nam Cộng Hòa. Cộng sản đòi nợ máu xương trên thân xác của tù nhân chính trị.  

Ai sẽ đứng ra minh oan nếu không phải là cựu tù nhân chính trị. Những người từng chiến đấu oanh liệt nơi trận tiền, tạo cho dân chúng điều kiện sống tự do và an vui. Tự do không đến một cách tình cờ mà phải trả bằng xương máu, trí óc của các chiến sĩ tự do như dân vệ, cán bộ xã ấp, binh lính chính qui, viên chức hành chánh.  

Do đó, kể lại những trận đánh bằng vũ khí, bằng mưu kế và cùng nhau mổ xẻ hầu rút kinh nghiệm bổ sung cho kho tàng nghệ thuật chiến tranh của dân tộc là việc làm tối cần thiết.  

Những dữ kiện cụ thể cũng đánh tan ngộ nhận ác ý đối với tinh thần chiến đấu của quân dân miền Nam vĩ tuyến 17.  

Nước mất, nhà tan, rơi vào tay giặc, cựu tù nhân chính trị phải ngậm đắng nuốt cay nuôi chí phục thù. Công cuộc đấu tranh cho tự do tiếp tục diễn ra trong nhà tù giữa chiến sĩ tự do và bè lũ độc tài, man rợ. Tù nhân chính trị với tay không đã phải đương đầu thường trực với hệ thống áp bức của Cộng sản. Chết chóc, kìm kẹp, dọa nạt, áp chế do các bộ phận bạo lực chuyên nghiệp cũng không dập tắt ánh lửa tự do vẫn ngời sáng trong tâm hồn các chiến sĩ tự do.  

Mỗi cuộc đấu tranh là một thiệt hại về sinh mạng nhưng lại nung nấu thêm ý chí yêu chuộng tự do không gì lay chuyển của tù nhân chính trị sống dưới chế độ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.  

Kinh nghiệm đấu tranh đó cần được ghi lại để cùng nhau nghiên cứu. Sự kiện cụ thể sẽ chọc thủng gian dối, bịa đặt từng dựng lên để phục vụ cho những mưu đồ đen tối.  

Hy sinh nối tiếp hy sinh khiến cho Cộng sản Việt Nam phải thú nhận là không có cách nào cải tạo được tù nhân chính trị. Hoặc nói cách khác, Cộng sản Việt Nam không thể khuất phục được chiến sĩ tự do trên chiến trường cũng như trong ngục tù.  

Ða số cựu tù nhân chính trị không quen viết lách hoặc chưa đủ điều kiện dàn trải ý tưởng lên trên giấy trắng nên ngại ngùng để ký ức quên lãng với tháng ngày.  

Từ trước, chỉ có một số ít cựu tù nhân chính trị ghi lại hoạt động của chiến sĩ tự do theo thể hồi ký, truyện ngắn, tiểu thuyết. Hầu hết đều mang các khuyết tật chung: đánh bóng cá nhân, đổ tội cho kẻ khác, than van, kêu rêu.  

Kế hoạch ghi lại kinh nghiệm chiến trường, phương thức đương đầu với Cộng sản trong tù cần Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị phát động và duy trì nhằm xiễn dương tinh thần chiến đấu anh dũng, một lòng vì dân vì nước của quân nhân, công chức Việt Nam Cộng Hòa cũng như ý chí bất khuất của tù nhân chính trị dưới chế độ cộng sản.  

Ðể thực hiện, Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị nên thành lập Ủy ban Biên soạn cho 2 chủ đề riêng biệt gồm những người từng sinh hoạt trong giới văn chương nhằm thu thập tài liệu và dựng truyện.  

Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị phát động phong trào kêu gọi cựu tù nhân ghi lại những trận đụng độ với Cộng quân trên chiến trường, trong nhà tù càng nhiều chi tiết càng tốt và gởi về cho Ủy ban Biên soạn.  

Hệ thống nối mạng giúp cho thành viên trong Ủy ban, dù xa cách, cũng có thể thảo luận về nội dung và chi tiết của từng đề tài một cách dễ dàng. Tham khảo thêm với người cung cấp tài liệu cho đến khi đề tài hoàn tất.  

Một phần tư thế kỷ trôi qua, dư luận thế giới vẫn chưa có nhãn quan chính xác đối với vai trò của chiến sĩ tự do.  

Thực hiện được 2 điều nói trên, Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị sẽ góp phần quan trọng nhất trong việc phát huy chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

 Ðại Dương