THẾ NÀO LÀ THIẾU LỊCH SỰ?

 

Hà Nhân  

Trong báo Lao Ðộng của chính quyền CSVN số 102 ngày 14/5/2001 có đăng một phóng sự ngắn nhan đề "Cố Ðô Những Ngày Ban Lệnh Cấm..." Người vô tâm có thể đọc qua phóng sự này coi như một chuyện vui. Người trung bình đến rất khó tính thì chắc đọc tới đâu phải chửi thề đến đó.  

Một cách ngắn gọn, câu chuyện đó là về một quyết định của Trung Tâm Bảo Tồn Di Tích Cố Ðô Huế buộc các du khách muốn vào thăm khu di tích cố đô không được ăn mặc hở hang. Danh từ mà cơ quan phụ trách quản trị trung tâm này dùng gọi những người này là "du khách thiếu lịch sự" và bài phóng sự gọi cách ăn mặc hở hang này là "ăn mặc khá mát mẻ."  

Biện pháp của trung tâm nói trên là yêu cầu du khách "thiếu lịch sự" phải thay quần áo khác kín đáo hơn. Tất nhiên không du khách nào đi thăm thắng cảnh, cổ tích mà mang theo quần áo phòng hờ nên nếu họ muốn vào thăm thì họ phải thuê mỗi người một bộ quần áo may sẵn để ở nơi bán vé tại cổng vào.  

Nhưng thế nào là ăn mặc không lịch sự? Bài báo cho biết:  

"Mấy năm nay, các ban, ngành có liên quan về văn hóa, di tích ở TT-Huế chỉ thiếu việc chưa hội thảo, chứ đã có không biết bao nhiêu cuộc họp để bàn về một câu hỏi: Thế nào là ăn mặc không lịch sự? Và mới đây đã có câu trả lời: Người ăn mặc không lịch sự - cũng có thể hiểu là người không lịch sự - theo cách nói của người phát ngôn Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế là người mặc quần cộc, áo ngắn tay, hở ngực, hở lưng, khoe mông, khoe bụng, đùi... ra trước bàn dân thiên hạ."  

Tuy nhiên không thấy nói rõ là khoe mỗi bộ phận bao nhiêu phần trăm hay đến ngấn nào thì bị coi là phạm qui định. Có điều là đa số những du khách "thiếu lịch sự" này đều là người Tây Phương và thuộc nữ giới. Tại quê hương họ và những xứ mà họ đã đến du lịch, không mấy khi họ gặp những qui định quái gở như vậy tại các di tích lịch sử không còn bị coi là nơi thâm nghiêm mà người đến thăm phải có bổn phận tỏ lòng cung kính một cách cưỡng bách, như khi đến thăm những thánh đường, đền miếu, chùa chiền có thờ cúng các bậc thiêng liêng.  

Hoặc như ở một vài nơi không tôn nghiêm nhưng có nhu cầu phải giữ bề ngoài trang trọng nên người đến dự được đòi hỏi tránh mặc loại quần áo làm chướng mắc những người khác. Ðó là các câu lạc bộ của những nhóm riêng biệt, nhà hàng sang trọng, văn phòng các nhân vật cầm đầu chính quyền... mà ai có mặt đều đã được yêu cầu vận lễ phục. Ngoài ra, khách đến thăm những nơi dành cho quảng đại quần chúng khác, việc ăn mặc đều được tự do.  

Phóng sự của báo Lao Ðộng cho biết ở mỗi di tích ngay tại nơi cửa vào có một tủ sắt đựng khoảng 30 bộ quần áo may sẵn loại rẻ tiền. Theo phóng viên báo Lao Ðộng Vinh-Công-Minh thì anh ta không thể tin vào mắt mình khi thấy hai cô gái ăn vận "mát mẻ" bị buộc phải thay sang bộ quần áo may sẵn "bằng lụa rộng thùng thình trông như các diễn viên Hàn Quốc," kiểu phụ nữ Việt Nam mặc trong nhà. Phần lớn những phụ nữ này thường chụp hình khi đi thăm. Nhưng với bộ quần áo rẻ tiền và rộng thùng thình như báo Lao Ðộng mô tả, chắc không cô nào dám chụp hình mình.  

Một trong các cô nói cô phải cầm sợi dây chuyền vì các nhân viên phụ trách bắt buộc cô phải đóng tiền đặt cho bộ quần áo thuê, mà tiền cô mang theo không đủ đóng. Tuy không nói rõ tiền thuê nhưng với số người "không lịch sự" đến thăm mỗi ngày mùa nóng, tiền thu được không thể là con số nhỏ bé.  

Tất nhiên du khách gặp cảnh này đều than phiền, hoặc chửi thề. Tiêu biểu là lời của một du khách cho rằng sự cấm đoán này là "một sự phiền phức không đáng có." Hoặc theo lời một người khác: "Ðã gọi là đi du lịch thì phải thoải mái, không gò bó và những sự làm phiền.."  

Bài báo thuật lại lời của một người nói: bảo vệ di tích là điều cần thiết. Nhưng bắt khách du lịch ăn mặc lịch sự hiểu theo nghĩa của nhà cầm quyền địa phương sẽ trở thành vô nghĩa bởi vì có nhiều chuyện còn chướng mắt hơn. Thí dụ như các cổ vật ở Bảo tàng cung đình như quần áo, hia, chuông, khánh... đã bị đánh số và chú giải một cách rất thô bạo. Hoặc như nữ du khách ngồi ngay cửa ra vào với một mớ ốc hút, sắn, khoai, cóc, ổi...  

Bài báo kết luận rằng "Liệu có sự nhầm lẫn nào không khi gọi những người mặc quần cộc, áo hở, nhưng lại hiểu biết rất tường tận về những di tích, về văn hóa của vùng đất mà mình đang có mặt là 'không lịch sự?' Thế những người đi tham quan mặc veston, giầy bóng nhưng trong đầu trống rỗng về lịch sử, đồng thời có nhiều thái độ rất vô văn hóa đối với văn hóa là lịch sự à?"  

Những chuyện quái gở tương tự ở Việt Nam không thiếu. Hầu như các sáng kiến, qui định mới đều nhắm vào mục tiêu kiếm tiền cho những khoản cần chi trả ở địa phương. Vụ "ăn mặc lịch sự" nói ở đây chắc hẳn cũng nhắm vào cùng một mục đích: kiếm tiền cho quỹ tỉnh, huyện vốn lúc nào cũng thâm thủng nặng.  

Nhân nói về di tích thì trong hơn 15 năm ở Miền Nam và 35 năm ở Miền Bắc, chính quyền CSVN đã không đếm xỉa gì đến việc bảo tồn các cổ vật, thắng tích. Nhiều chùa chiền đền miếu có lịch sử lâu đời không thể khai thác cho mục đích chính trị bị bỏ hoang phế, chịu thời gian và thiên nhiên tàn phá. Từ giữa thập niên 1980 khi du khách vào Việt Nam tăng cao, chính quyền CSVN ra sức sửa sang các di tích lịch sử lớn nhỏ vào mục đích kiếm tiền bằng kinh doanh ngành du lịch cho đảng và nhà nước.  

Khai thác du lịch là việc làm bình thường ở mọi nước. Nhưng trong tay chính quyền CSVN, các di tích lịch sử là nạn nhân của những đầu óc vụ lợi, thiển cận và ngu dốt. 

Nhiều di tích bị phá hủy vì không có biện pháp bảo vệ. Cấu trúc thiên nhiên bằng đá hình người mẹ bồng con có tên Nàng Tô Thị ở Lạng Sơn, một thắng cảnh nổi tiếng qua thơ  văn Việt Nam bị sập đổ trước đây vì một hầm khai thác đá dùng thuốc nổ lấy đá. Sức chấn động làm hình tượng Tô Thị bị sụp đổ tan tành. Một chủ tịch xã có học vấn trung bình cũng dư sức tiên liệu để có biện pháp phòng ngừa.  

Một hành động đần độn khác tuy không tàn phá các di tích nhưng làm mất vẻ đẹp cổ kính của những di tích ấy là việc tu sửa. Nhiều ngôi đền chùa, miếu phủ có từ lâu đời đã bị chính quyền địa phương tô xi măng, sơn phết lại như mới, tưởng rằng làm như vậy là làm đẹp di tích, sẽ thu hút người thăm viếng. Trong số này có cả Tháp Rùa trên Hồ Hoàn Kiếm và một số cung điện, kiến trúc trong Thành Nội ở Huế.  

Năm 1997, Tổ Chức Văn Hóa Giáo Dục LHQ (UNESCO) đã dọa bãi bỏ mấy triệu mỹ kim trợ cấp trùng tu cố đô, nếu chính quyền CSVN tiếp tục công việc sơn phết và làm mới những chỗ hư hỏng một cách ngu dốt mà không tham khảo các chuyên gia về cổ học kiến trúc. Mỗi di tích nhân tạo có giá trị cao và người đến thăm thích thú khi nó còn giữ y nguyên những đường nét, lớp bên ngoài sơn hay vôi vữa nguyên thủy. 

Trong vìệc bảo tồn, chỉ được tô đắp thêm vật liệu, kèo cột, gạch ngói, vôi vữa khi nó gây nguy hại, có thể làm cho di tích bị phá hủy nghiêm trọng. Tuy nhiên việc thay thế này phải được nghiên cứu và thực hiện với kỹ thuật chuyên môn trình độ cao để vẻ bề ngoài còn giữ được vẻ cổ kính xa xưa. Không gì chướng mắt cho bằng nước vôi của Tháp Rùa mịn màng trắng toát mới toanh dưới dàn đèn chiếu sáng, hay một cung điện, chùa chiền xây từ thế kỷ 11, 12, xà cột sơn đỏ rực mà ai cũng thấy rõ mới được quét lại trước đó vài tháng, vài năm.  

Thời Pháp Thuộc, khi muốn thay thế mỗi viên gạch hay ngói của những ngôi chùa đền, lăng tẩm đời xưa đều phải có sự chấp thuận và kiểm soát của Viện Bác Cổ Viễn Ðông.  

Ngoài ra còn phải kể đến tình trạng nhà cầm quyền địa phương không có ý thức bảo vệ các di tích lịch sử nho nhỏ như các đình chùa và các bức tượng có quy mô nhỏ nhưng giá trị cao về nghệ thuật hay vì lâu đời. Mấy năm gần đây, báo chí Hà Nội thường đăng những tin đình chùa cổ bị bỏ mặc dột nát, hư hỏng dần, hoặc các kiến trúc cổ loại này bị lấn chiếm để làm nhà ở. Báo chí cũng đăng nhiều bức tượng cổ có giá trị bị lấy cắp trước sự lơ là của chính quyền địa phương.  

Công việc bảo tồn cổ tích không quá khó khăn nhưng đòi hỏi người cầm quyền có học vấn, có ý thức, biết đánh giá tài sản tinh thần của ông cha và ít nhất là hiểu biết tổng quát về giá trị các di tích lịch sử của loài người.  

Nhiều viên chức CSVN không có học vấn tối thiểu mà lại nắm chức vụ lớn, làm sao có được ý thức cao cấp như về cổ học nhất là sách vở chủ nghĩa Marx-Lenin không dậy thế nào là một di tích lịch sử phải được bảo trì đúng cách.  

Dưới một chế độ độc tài ác đức, tham lam và ngu xuẩn, con người đã khổ mà sự vật vô tri giác còn khổ hơn.  

Hà Nhân