THÁNG TƯ NHỨC NHỐI

 

 

Dịp kỷ niệm ngày 30 tháng 4 năm nay 2001 đã đi qua một cách không vui vẻ lắm ở Miền Bắc California. Nhắc đến 30 tháng 4 những người yêu nước không-cộng-sản ở nước ngoài hay trong nước đều thấy tê tái trong lòng. Ai cũng có chung những xúc cảm đau đớn, nuối tiếc đối với những gì đã mất như một đời sống tự do, giầu nghèo không quá cách biệt, tuy còn nhiều bất công nhưng là một nền dân chủ khá hơn nhiều chế độ thân Mỹ khác và chắc chắn hơn hẳn các chế độ Cộng Sản.

 

Những ai từng bị CSVN hành hạ, tra tấn, bức bách, hoặc có thân nhân chết dưới tay chế độ Cộng Sản thì còn thêm nỗi căm thù ray rứt không thể nguôi ngoai chừng nào CSVN còn nắm độc quyền thống trị.

 

Khắp nơi trên thế giới những chỗ có vài ngàn người Việt trở lên cư ngụ hầu hết đều có tổ chức lễ tưởng niệm ngày đau buồn này. Ở những nơi có ít người Việt thì việc tổ chức dễ thống nhất, người nói có người nghe. Nhưng ở những nơi có hàng trăm ngàn người Việt thì những dịp kỷ niệm như thế này đã trở thành cơ hội cho các phe phái kình địch thi đua hạ giá nhau, thậm chí chửi nhau bằng đủ thứ từ ngữ tiếng Việt có thể dùng để mạt sát, vu vạ. Ðối với nhiều người thuộc "đa số thầm lặng" thì Tháng Tư từ lâu đã thành tháng nhức nhối nhất trong lòng.

 

*

 

Xưa kia, khoảng từ năm 1945 về trước, xã hội Việt Nam còn mang một vẻ phong kiến. Tuy có nhiều tập quán đáng kính nhưng cũng còn nhiều tục lệ đáng chê trách. Ký ức của những người đã ở khoảng sáu bẩy tuổi vào thời kỳ này hẳn đều còn nhớ sinh hoạt ở xã thôn hồi ấy.

 

Tục lệ địa vị, xôi thịt ở làng xã là một thí dụ. Mỗi năm làng nào cũng có một ngày hội thường là ngày giỗ thần hoàng, có tế lễ, ăn uống sau đám tế. Trên nguyên tắc, nhân ngày này người ta có thể bàn "việc làng" và mọi người (thường chỉ là đàn ông) trong làng từ một tuổi nào đó (thường là 18) được tham dự ăn uống tại đình và có quyền phát biểu tùy phong tục trong làng. Ðó là lý do của câu nói "Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp."

 

Hầu hết làng xóm Miền Bắc (có thể cả ở Miền Trung, nhưng Miền Nam nhẹ nhàng hơn), chức tước đóng vai trò quan trọng không khác cán bộ đảng ủy xã trong xã hội Việt Nam ngày nay. Giầu nứt đố đổ vách mà không có chức vị trong chính quyền từ xã trở lên hoặc có bằng cấp, học vấn, đều không được ai kính trọng. Ðã không được danh giá gì trong làng xóm mà còn phải đi "phu" là một thứ nghĩa vụ lao động như những người dân nghèo nàn trong làng xóm.

 

Vì vậy xã hội phong kiến mới có lệ bán chức tước, như hương lý, phó lý, lý trưởng "mua" tức là những chức vị chỉ có trên danh nghĩa. Người mua được coi là có chức sắc nhưng không được tham gia cầm quyền, được hưởng quyền lợi miễn đi phu, ngày hội hè ở đình làng được ngồi ngang hàng các chức vị cầm quyền cùng phẩm trật.

 

Tuy mục đích của việc bán chức vị này nhằm thu tiền cho công quỹ xã thôn, nhưng cũng đồng thời thỏa mãn nhu cầu của những tay nhà giầu hám danh và muốn tránh phải làm việc phu phen nặng nhọc không danh giá gì. Ðây là một hiện tượng của xã hội phong kiến do tính ưa tị hiềm, ganh tị nhỏ nhen trong đời sống xã thôn. Tánh tị hiềm, tranh chấp lặt vặt đã tạo ra những vụ thù hằn, kết bè kéo cánh ti tiện ở xã thôn.

 

Một vụ án điển hình ở tỉnh Nam Ðịnh thời Pháp Thuộc xảy ra khi mâm trên mâm dưới tranh nhau miếng gan gà đưa đến hai án mạng. Trong đình làng, bệ cao trước bàn thờ là nơi trải chiếu trên cho các vị có chức tước cao nhất như tiên chỉ, lý trưởng. Chiếu thấp hơn là của các chức sắc hạng nhì như phó lý, trương tuần. Còn lại là nền đình dành cho bạch đinh (dân thường không chức vị).

 

Ðầu gà dành cho tiên chỉ. Lý trưởng, phó lý và các chức sắc khác tùy theo từng làng qui định, hưởng cánh, đùi và phao câu. Tại làng nói trên, không có qui định ai hưởng cái gan gà nên nảy sinh cãi cọ về việc mâm nào được ăn cái gan gà nhỏ xíu. Năm ấy hai nhân vật sẵn có hiềm thù từ trước, mượn chuyện gan gà mà chửi nhau xỏ xiên cay độc. Miếng gan nhỏ nhưng giá trị tuợng trưng rất lớn và là đề tài cho cuộc đấu khẩu và đấu lực mà nguyên nhân là vụ tranh chấp ở một lãnh vực khác.

 

Một trong hai ông (ông A) rút dao đâm ông kia (ông B) chết tươi. Con trai ông B (bị đâm) đang học ở Hà Nội nghe tin trở về trả thù cho cha, đâm ông A chết luôn và đi tù chung thân.

 

Tình trạng ở xã thôn phong kiến có thể được tiêu biểu bằng một câu "đi việc làng giữ họ, đi việc họ giữ anh em." Làng nào ít họ - khoảng hai hay ba họ, hiếm làng nào chỉ có một họ - thì còn đỡ khổ. Nếu có đến sáu bẩy họ thì quanh năm eo sèo vì nạn chia rẽ. Ðôi khi xích mích như thế có thể dẫn đến chỗ đánh nhau.

 

Một số không ít các làng chia làm hai phe tranh chấp kèn cựa nhau. Mỗi họ tùy lợi lộc hoặc tình cảm yêu ghét mà đứng vào một trong hai phe. Những họ nhỏ chừng dăm ba gia đình thường khi theo bên này khi theo bên kia.

 

Trong những vụ tranh chấp giữa hai họ, người cùng họ thường ủng hộ nhau bất kỳ phải trái. Nhưng vì lý do nặng tình huyết tộc, tranh chấp nội bộ một họ ít gay gắt hơn và không mấy khi trầm trọng như các vụ ngoài phạm vi họ.

 

Ấy là chưa nói đến những vụ kiện tụng gìữa các xã và cả xã đóng tiền hối lộ quan trên để xã mình được kiện. Hoặc có khi dẫn đến những cuộc giao chiến chết người bằng gậy gộc, giáo mác.

 

Tuy nhiên có một điểm chung là mỗi phe thường bới lông tìm vết, moi móc những xấu xa cá nhân, trong nhà hay trong họ đối phương mà thêm thắt để mạ lị, làm nhục phe địch. Mỗi lời nói đều có thể bị xuyên tạc, bẻ cong bóp méo để vu cáo, khiếu tố, kéo thêm bè cánh. Ðặc biệt là mục tiêu những vụ đụng độ này là do những lợi lộc nhỏ nhen, đôi khi không có lợi lộc gì mà chỉ chửi bới nhau vì cảnh "con gà tức nhau tiếng gáy," chửi cho bõ ghét. Lời lẽ qua lại thường quá đáng đến độ ngày càng nặng nề không còn thể nào ngồi lại với nhau.

 

Cùng lúc, các vấn đề lợi ích chung lại bị quên lãng. Nhiều công việc hữu ích cho cả làng bị bỏ rơi, các phe phái không ghé vai cùng gánh vác. Làng của người viết bài này khá nhỏ có dân số khoảng 300 người gồm hơn 50 xuất đinh nhưng giầu có với hơn120 mẫu công điền (mẫu ta: 3.600 m2) mà không xây dựng được công trình gì đáng kể, tối ngày cãi lẫy, thậm chí còn mưu hại nhau bằng những thủ đoạn bất chính.

 

Một nhà nghiên cứu Pháp cuối thế kỷ 19 đã phát biểu rằng "Trong mỗi người An Nam đều có một ông quan." Trên nhiều phương diện, nhận xét này không xa sự thực nhiều lắm. Chỉ cần quan sát một đám giỗ, đám hội làng ở ngoài đình là đủ thấy tình trạng hủ lậu nói trên diễn ra khá trầm trọng nhưng không mấy ai nghĩ đến việc cải cách.

 

Người Pháp lợi dụng thói hủ lậu xã thôn để duy trì và củng cố chế độ thuộc địa. Nhờ đó mà chính quyền Pháp ít tốn tiền trả lương, nhưng họ đã tạo được một tầng lớp tay sai đắc lực ở nông thôn với hệ thống quan lại cầm quyền nội an ở trên và hương chức xã thôn làm cơ sở trung thành đắc lực. Nhiều hương chức khi lên cầm quyền thì rất hèn hạ, nịnh bợ quan trên, mà rất ác độc, chà đạp lương dân dưới quyền.

 

Trong xã hội phong kiến, giai cấp địa chủ là lực lượng thực sự lãnh đạo nông dân. Dù ác độc hay nhân từ, giới địa chủ là nơi nương tựa của nông dân. Do đó, chủ trương của Cộng Sản là phải tiêu diệt toàn bộ địa chủ, không để địa chủ và nông dân cấu kết. Nhưng cũng chính giới này là đầu têu của những vụ bè phái hương đảng.

 

Tuy nhiên ở một mặt tích cực hơn, còn có giới nho sĩ ở hương thôn làm lực lượng đối trọng với những hủ tục và các hương chức ác ôn. Làng nào có nhiều khoa bảng thường ít những vụ tị hiềm thù oán và tranh chấp nhỏ nhen. Là giai cấp được trọng nể về lễ nghĩa thánh hiền, giới nho sĩ - miễn không phải là hủ nho - là thành phần lãnh đạo tinh thần ở nông thôn, giữ danh dự liêm sỉ cho làng xóm, đóng vai hòa giải và trọng tài cho các vụ đụng chạm. Nếu các địa chủ mà lại ở trong giới nho sĩ thì vai trò lãnh đạo tinh thần và tham vấn của họ càng hữu hiệu hơn.

 

Ở trong nước hiện nay đang ở dưới ách thống trị của nền chuyên chế Cộng Sản. Không thể chia bè kết phái kiểu phong kiến nhưng nạn bè phái vì tư lợi vẫn còn tồn tại. Tuy không bộc phát vì bị chế độ Cộng Sản áp chế nhưng nó vẫn diễn ra ngấm ngầm, tác hại cho đời sống của dân nghèo. Ngày 30/4/1975 là thời điểm mai một của một chế độ dân chủ đang phát triển, và khởi đầu một chế độ "phong kiến mới" trong đó hệ thống xã thôn tự trị do bọn "cường hào mới" nắm quyền sinh sát.

 

Giai cấp địa chủ và những thành phần được coi như lãnh đạo nông dân đã bị loại bỏ bằng giết chóc và tù đầy trong Cải Cách Ruộng Ðất để thay thế bằng các "quan cách mạng" "cường hào XHCN." Những hủ tục xã thôn kiểu mới lại tiếp tục diễn ra cho tới tận bây giờ.

 

Còn ở hải ngoại, nơi mà hầu hết người Việt di trú từng có oán thù hay khinh ghét chế độ CSVN, tuy không có nạn cường hào nhưng nạn háo danh vẫn được nhiều người theo đuổi. Những mối chia rẽ đáng trách vì những tị hiềm ganh ghét bè đảng hay ân oán cá nhân vẫn tồn tại và có phần mở rộng thấm sâu hơn xưa. Các truyền thống "hòa nhi bất đồng" của giới sĩ phu thời xưa chỉ tồn tại một cách khiêm nhường. 

Trong cuộc tranh đấu vì mục tiêu chung, khác nhau về đường lối gây nên chia rẽ là lẽ thường. Nhưng điều làm lương tâm những người yêu nước chống CSVN nhức nhối là khi đối diện với kẻ thù chung, nhiều người vẫn xử sự như thể có nhiều thứ VC, mỗi thứ là kẻ thù riêng của một nhóm người Việt tị nạn. Trong khi ấy, mỉa mai thay, cả hai phe CSVN và VNCH từ xưa đến nay đều cử cùng một khúc nhạc truy điệu tử sĩ (Ðêm khuya âm u ai khóc than trong gió đàn).

 

Không biết vong linh các tử sĩ VNCH và những người vượt biên tử nạn có chịu nghe chung với những bộ đội CSVN đã tử trận bài truy điệu nhạc này hay không. Và không biết các tử sĩ và nạn dân của VNCH có chia làm hai phe, mỗi phe đi dự một buổi lễ do một trong hai ba phe người trần gian tổ chức ở khác nơi khác giờ hay không.

 

Không biết các linh hồn những người đã khuất có chia làm hai phe, mỗi phe đi dự một lễ tưởng niệm họ khác nhau ở Miền Bắc California hay không? Mỗi linh hồn có khen nhang đèn của phe mình thơm và sáng hơn nhang đèn của phe kia hay không. Hoặc có chê những linh hồn thuộc phe kia là quá khích, là đón gió trở cờ, hoặc có chụp mũ cho các linh hồn theo phe kia là đã "tử trận cuội" để làm tay sai cho CSVN phá hoại âm cung hay không.

 

CSVN đang công khai tung ra mặt trận chống và ru ngủ cộng đồng người Việt hải ngoại. Mới đây CSVN đã ra chỉ thị lập ủy ban liên lạc Việt Kiều nhằm cùng mục đích. Không biết đến bao giờ các nhóm người Việt yêu nước đang tranh chấp mới ý thức được mối nguy "ngư ông" ngay bên cạnh hai con "trai cò" tiếp tục hại nhau không hề nhân nhượng trước kẻ thù chung.

 

Xin hãy cầu xin cho vận nước sớm đến hồi vinh quang, mau rũ sạch những tì vết nhơ nhuốc.

 

Hà Nhân