TẠI SAO HÀ NỘI BỖNG CHỐNG MỸ

 

NGÔ NHÂN DỤNG

 

Tại sao Cộng Sản Việt Nam bỗng dưng công khai bày tỏ thái độ thù nghịch đối với Mỹ? Tờ báo Nhân Dân, cơ quan chính thức của Đảng Cộng Sản làm bảng liệt kê các "tội lỗi" của chính phủ Mỹ, từ các cuộc bạo loạn ở Trung Đông tới việc rút khỏi Hiệp ước Kyoto về bảo vệ khí quyển trái đất, và sau hết là vụ phi cơ gián điệp Mỹ bị buộc hạ cánh ở Hải Nam, Trung Quốc. Báo Nhân Dân, đổ hết trách nhiệm cho chính phủ mới của Tổng thống George W. Bush.

 

Tại sao chính quyền Hà Nội lại đả kích đích danh Tổng thống Bush, và có ý so sánh ông với cựu Tổng thống Clinton? Đó là một hành động trái ngược hẳn các quy tắc sơ đẳng về ngoại giao. Không một quốc gia nào trên thế giới lại công khai chọn một đảng chính trị ở Mỹ làm bạn, coi đảng kia là thù. Vì ai cung biết rằng hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ lần lượt thay nhau cầm quyền, không nước nào lại dại dột theo một chính sách để lâu lâu có một chính phủ Mỹ là thù địch của mình! Vả lại hai đảng ở Mỹ cung không quan tâm đến sự ủng hộ của các nước ngoài, nếu các nước đó không gây đuợc ảnh hưởng nào trên lá phiếu khi dân Mỹ đi bầu; và chính sách ngoại giao của họ không tùy thuộc quyền lợi đảng phái.

 

Một lý do khiến cơ quan Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam lên tiếng chống Mỹ có thể vì muốn chứng tỏ họ đứng về phía Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng chiếc máy bay gián điệp Mỹ phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam. Hà Nội không phản ứng ngay mà chờ đợi suốt năm ngày sau khi biến cố xảy ra, vì họ mới thấy lời lẽ của báo chí Trung Quốc đang leo thang, ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn.

 

Nhưng lý do quan trọng hơn cả đã đuợc phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hà Nội tiết lộ, khi bà ta tố cáo "Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam". Đó là câu chuyện chính phủ Mỹ tỏ ý sẵn sàng nhận 24 người thiểu số Việt Nam đang xin tị nạn ở Cam Bốt.

 

Nhiều người Thượng phải chạy sang Cam Bốt sau khi có các cuộc biểu tình chống chính quyền cộng sản tại cao nguyên Trung phần. Họ không có cách nào khác ngoài cách bỏ đi khỏi nước, cung giống như hàng triệu người Việt Nam đã phải chạy đi kể từ năm 1975, điều này không cần ai giải thích. Trước đây, hàng chục quốc gia trên thế giới, từ Mỹ đến Pháp, Úc, Canada chính thức tuyên bố đón nhận người Việt tị nạn, nhưng chưa bao giờ thấy đảng Cộng Sản Việt Nam phản đối các nước đó về tội "can thiệp vào nội bộ Việt Nam"! Vậy tại sao bây giờ Hà Nội lại phản đối Mỹ?

 

Có thể bây giờ Đảng Cộng Sản muốn che đậy sự thật về tình trạng bạc đãi người thiểu số ở cao nguyên. Và họ không muốn các nạn nhân đó ra đóng vai nhân chứng, xuất hiện trên các diễn đàn quốc tế tố cáo những vi phạm nhân quyền của đảng Cộng Sản, đối với vấn đề sắc tộc và tôn giáo.

 

Nhưng sự thật về vi phạm nhân quyền thì từ trước đến nay đã có bao nhiêu nhân chứng sống, đông đảo hơn và năng động hơn, trong hàng triệu người Việt Nam tị nạn sống sót sau chuyến vượt biên. Họ đã tố cáo các tội ác của chế độ cộng sản ở khắp nơi, từ diễn đàn Liên Hiệp Quốc ở New York đến Quốc hội Liên hiệp Âu châu ở Strasbourg. Như vậy thì con số 24 đồng bào Thượng sắp đuợc di cư sang Mỹ đâu phải là một sự kiện mới mẻ và một lực lượng đáng lo ngại hơn?

 

Cho nên mối tức giận của Hà Nội không phải vì chính phủ Mỹ sẵn sàng đón nhận 24 đồng bào Thượng Việt Nam. Điều làm cho họ căm giận chính là thái độ của chính phủ Cam Bốt. Ai cung biết ông Thủ tướng Hun Sen là do đám quân cộng sản Việt Nam, do Lê Đức Anh chỉ huy và Lê Đức Thọ làm cố vấn, dựng lên. Đáng lẽ Hun Sen phải vâng lời Hà Nội, nay ông ta lại muốn có thái độ độc lập đối với Hà Nội. Đảng Cộng Sản Việt Nam muốn Cam Bốt trả 24 người này về cho Hà Nội, với tội danh "xuất cảnh, nhập cảnh bất hợp pháp". Phát ngôn viên Phan Thúy Thanh nói "Họ hoàn toàn không phải là những người tị nạn chính trị." Nếu ông Hun Sen đồng ý để cho 24 người Thượng đi Mỹ, tức là ông ta đồng ý các đồng bào Thượng này là tị nạn chính trị! Coi họ là tỵ nạn chính trị cung có nghia là công nhận ở Việt Nam hiện nay có đàn áp chính trị, dựa trên chủng tộc và tôn giáo, như các nạn nhân đang tố cáo. Đến ông Hun Sen mà cung công nhận đảng Cộng Sản Việt Nam đàn áp chính trị, thì còn ai bênh vực họ nữa?

 

Vì vậy, Hà Nội rất tức giận nếu Cam Bốt để 24 người Thượng tị nạn đi Mỹ. Mối lo của họ là ông Hun Sen càng ngày càng thân với Mỹ và Trung Quốc. Ông đã đi Bắc Kinh nhiều lần để kết thân, ông đã cho con trai sang học trường Võ Bị Westpoint ở Mỹ. Ở Cam Bốt hiện nay có cả đảng đối lập, và có cả những tờ báo độc lập, nước Cam Bốt còn dân chủ hơn cả Việt Nam. Luật lệ về đầu tư của Cam Bốt cung thu hút ngoại tệ dễ hơn Việt Nam.

 

Cộng Sản Việt Nam cần phải cho ông Hun Sen biết trước họ đang tức giận như thế nào. Họ phản đối chính phủ Mỹ mà không nói thẳng về chính phủ Cam Bốt là để giữ thể diện cho ông Hun Sen. Và họ cung không ngần ngại ngỏ lời đe dọa ông Hun Sen nữa. Bà Phan Thúy Thanh nói Cam Bốt nên tránh tạo ra "một tiền lệ cho người Việt Nam vượt biên trái phép sang Campuchia để định cư ở nước thứ ba." Câu này có ý đe dọa: Cộng Sản Việt Nam có thể tạo ra một làn sóng vuợt biên tị nạn sang Cam Bốt, giống như hồi xưa họ đã tổ chức vượt biển "bán chính thức", không những đuổi đuợc nhiều đám dân vốn ghét chế độ mà còn thâu vàng về cho cán bộ! Nay mai họ có thể xua đuổi đồng bào Thượng ở Cao nguyên cho chạy sang Cam Bốt tị nạn, tạo nên một gánh nặng kinh tế cho chính phủ Phnom Penh, chưa kể là họ còn đua cán bộ, gián điệp lẻn vào đám dân tị nạn đó để gây loạn sau này nữa! Trước đây Fidel Castro đã từng bắt bí chính phủ Mỹ bằng cách xua đuổi người Cuba chạy sang Mỹ tị nạn, khiến chính phủ Mỹ phải ký thỏa ước về tị nạn. Tấm gương Hồng Kông cung sẽ làm cho chính phủ Cam Bốt phải lo sợ một làn sóng tị nạn Việt Nam.

 

Luận điệu của báo Nhân Dân và của Bộ Ngoại giao Hà Nội bày tỏ một thái độ thù nghịch, đi nguợc với quyền lợi của dân Việt Nam. Vì trong lúc kinh tế nước ta đang bế tắc, kinh tế vùng Đông Nam Á và thế giới cung đang trì trệ, thì nước Mỹ với thị trường rộng lớn và tiền đầu tư dồi dào là cơ hội cho các giải pháp có thể đạt đuợc, ngõ hầu nâng cao sức sản xuất và mức sống của đồng bào chúng ta. Hiện nay 25 triệu người Việt Nam đang không có việc làm, hoặc làm việc dưới khả năng của họ, là 60% tổng số lao động. Các nhà kinh tế quốc tế tính rằng phải mất 25 năm nữa Việt Nam mới đuổi kịp Thái Lan hiện nay, mà Thái Lan cung không phải là nước đứng hàng cao. Trong bảng sắp hạng về khả năng cạnh tranh của 59 quốc gia, Việt Nam đứng hàng thứ 48 trong năm 1999, sang năm 2000 đã tụt xuống hàng thứ 53! Trong bảng sắp hạng về tính quang minh chính đại (transparency) thì Việt Nam đứng hàng 76 trong 90 nước, còn thua kém cả Zimbawe. Và ở Á châu thì Việt Nam đã chiếm chỗ của Indonesia trong bảng xếp hạng nước tham nhung nhất trong vùng!

 

Muốn thoát ra khỏi cảnh đó thì việc mậu dịch bình thường với Mỹ, gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới, là những cơ hội mà Trung Quốc đang tìm cách đạt đuợc. Nếu chính phủ Hà Nội chọn con đuờng gây hận thù với Mỹ thì họ cung không đuợc Bắc Kinh khen ngợi, vì Bắc Kinh bao giờ cung nghi đến quyền lợi quốc gia của họ trước. Hãy nhớ ông Lê Khả Phiêu từng đi Bắc Kinh đề nghị lập lại một tổ chức Cộng Sản Quốc tế và bị dứt khoát từ chối! Nếu không chọn đúng đuờng thì trong mươi năm nữa kinh tế Cam Bốt có thể còn tiến bộ hơn Việt Nam!

 

NGÔ NHÂN DỤNG