SỬA ÐỔI HIẾN PHÁP

Hà Nhân

 

Chế độ CSVN gợi ý về việc sửa đổi hiến pháp ngay khi Ðại Hội 9 Ðảng CSVN còn tiếp diễn. Từ đó đến nay ít thấy các lãnh tụ hay giới chức cao cấp của đảng và của chính quyền lên tiếng tiếp theo. Nhưng báo chí bên ngoài có nhiều lời đồn đoán. Dư luận ấy cho rằng đảng CSVN muốn tỏ ra chấp nhận cải cách chính trị nhất là cải cách pháp lý và hành chánh để hứa hẹn tạo điều kiện thuận lợi cho việc bỏ vốn của ngoại quốc, xoa dịu những đòì hỏi của giới đầu tư nước ngoài và các tổ chức quốc tế cùng các nước cấp viện, kể cả các tổ chức nhân quyền quốc tế.  

Từ lâu nay, các cường quốc dân chủ và Hoa Kỳ vẫn sử dụng nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do báo chí... làm phương tiện bắt bí chế độ CSVN, mà mục đích chính có lẽ chỉ là để buộc Hà Nội phải nhượng bộ những đòi hỏi của họ về kinh tế thương mại. Mục đích phụ có thể là để làm yên lòng các tổ chức nhân quyền, nhân đạo, tôn giáo đang công kích chế độ CSVN dữ dội. Các tổ chức và phe nhóm chống đối CSVN nương vào những đòi hỏi này gây thêm áp lực đối với Hà Nội.  

Hà Nội đối phó với áp lực từ bên ngoài bằng chiến thuật thông thường của họ là lì lợm, ngoan cố trì hoãn với hy vọng sẽ thắng thế vì Tây Phương vốn kém kiên nhẫn. Nhưng không phải lúc nào Hà Nội cũng thắng thế bằng kiên nhẫn. Ngày nay, các nước Tây Phương đã nắm vững quy luật của CSVN nhiều hơn so với 30 năm trước đây. Vì thế Hà Nội phải suy nghĩ lại trước khi dùng những chiến thuật cũ trong tình hình không còn thuận lợi cho họ.  

Có thể là CSVN thực sự muốn sửa lại hiến pháp. Sửa hiến pháp là việc không khó khăn gì đối với chế độ của họ. Sau hiến pháp 1960, đã có nhiều lần Hà Nội sửa lại hiến pháp của họ mà lần gần đây nhất là năm 1992. Chỉ cần viết quấy quá một bản văn sao chép nguyên con các điều khoản mẫu mực sẵn có, rồi đem trưng cầu dân ý và đưa ra quốc hội “gật” một loạt “nhất trí” là trong vài tháng có ngay một văn bản nghe kêu như chuông mà thực sự bên trong rỗng tuếch. Miễn là đáp ứng nhu cầu tình hình giai đoạn.  

Vào thời còn thân thiện, còn dựa dẫm vào Liên Xô trước lúc ông thầy Cộng Sản này sụp đổ, hiến pháp 1980 của CSVN không tiếc lời ca tụng “đất nước và con người Liên Xô vĩ đại” và xưng tụng tình hữu nghị bền chặt với Liên Xô trong Lời Nói Ðầu dài dòng như một bài học chính trị sơ đẳng. Chức vụ Thủ Tướng được dùng khi còn thân thiện với Bắc Kinh được đổi theo Liên Xô là Chủ Tịch Hội Ðồng Bộ Trưởng. Sau khi Liên Xô tan rã, hiến pháp 1992 quay trở lại dùng từ ngữ “thủ tướng” như trước.  

Ðiều 4 HP 1992, cũng là điều 4 HP 1980 của CSVN, lấy nguyên ý của điều 6 Hiến Pháp Liên Xô (1977) được thu gọn. Nguyên văn như sau: “Ðảng Cộng Sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội...”  

Nhiều phong trào của người Việt tị nạn gần đây lên tiếng đòi bãi bỏ điều 4 hiến pháp 1992, chấm dứt việc dành cho Ðảng CSVN độc quyền thống trị đất nước. Những người này và các phe phái có cùng quan điểm cho rằng đòi như thế là tập trung nỗ lực vào điểm yếu nhất của CSVN về mặt pháp lý và danh nghĩa trong lúc lực lượng phe ta chưa đủ mạnh. Ðó chỉ là một bước sơ khởi để từ đó tiến lên những bước khác xa và mạnh hơn nhằm giải thể chế độ CSVN.  

Nhiều người khác cho rằng không thể chỉ đòi hỏi hủy bỏ một điều khoản, vì như thế là phải chịu hòa hợp hòa giải với CSVN hay sao. Theo phe này, phải tranh đấu để giải thể toàn bộ chế độ CSVN để triệt hạ toàn bộ cấu trúc tư tưởng, tổ chức đảng cũng như chính quyền và ngoại vi của chế độ ấy.  

Ở trong nước, mấy tháng qua có tin gửi ra nước ngoài cho biết các nhân vật Cộng Sản cao cấp và trí thức như ông Trần Ðộ, Trần Khuê và bà Nguyễn Thị Thanh Xuân cùng nhiều nhân vật chống đối nổi tiếng khác đã góp ý, đã gửi thư ngỏ cho các lãnh tụ tối cao CSVN đòi hỏi phải tức khắc hủy bỏ điều 4 hiến pháp 1992. Một tin từ Hà Nội nếu được xác nhận của tổ chức Phục Hưng Việt Nam cho biết nhiều truyền đơn đòi hỏi bãi bỏ điều 4 HP đã được tung ra ở Hà Nội và Sài Gòn.  

Hầu như tất cả những đề nghị này đều cho rằng điều 4 HP 1992 đã đặt đảng lên đầu nhân dân, giành độc quyền cai trị nhưng không chịu sự kiểm soát của nhân dân dưới bất cứ hình thức nào mặc dầu đảng CSVN vẫn cứ lải nhải nói “dân làm chủ.”  

Trên thực tế, ngay từ 1950, tuy Hiến Pháp 1946 và kế đó là Hiến Pháp 1960 không có điều nào như điều 4 nói trên mà đảng CSVN vẫn ngồi lên đầu lên cổ nhân dân, tác oai tác quái, mượn chủ nghĩa Cộng Sản làm chiêu bài vừa dụ dỗ vừa cưỡng ép quần chúng tôn thờ chủ nghĩa Cộng Sản như một tôn giáo và xưng tụng lãnh tụ đảng như Thượng Ðế. Nhưng khi quyền lực ấy được ghi vào văn bản đạo luật cao nhất của chế độ thì nó có tác dụng thúc đẩy những kẻ cầm quyền mạnh tay trấn áp quần chúng hơn, giống như một cửa tiệm có môn bài đại lý độc quyền thì mặc tình tăng giá.  Trong tình hình hiện nay, khó có thể mong đợi tập đoàn lãnh tụ đảng CSVN chịu sửa đổi hiến pháp đến mức thực sự bãi bỏ hoàn toàn độc quyền thống trị dù về hình thức có thể họ chịu rút lại điều 4. Họ còn nhiều phương cách duy trì quyền lực độc tôn bằng những mưu mẹo hiểm độc và trơ trẽn. Ít ra là trong thời gian mà những lãnh tụ trung ương của CSVN có nhúng tay vào các tội ác trong chiến tranh quốc-cộng trước năm 1975 và các hành vi độc địa sau năm 1975 còn sống, không có hy vọng Hà Nội chịu làm theo tiếng gọi của lương tâm. Họ dư biết là sai trái nhưng đã lên “voi” nên không muốn “xuống chó” nhục nhã, nên phải tìm cách gìữ quyền lực càng lâu càng tốt. Khi nhắm mắt xuôi tay, mọi hậu quả đã có con cháu họ gánh chịu.  

Họa chăng vì vận nước hết cơn bĩ cực mà có một thời cơ và một Gorbachev, một Yeltsin đứng lên làm thay đổi tình hình thì đất nước mới thoát hồi đại hạn. Liên Xô tan rã cũng bắt đầu bằng việc bãi bỏ độc quyền chính trị của đảng Cộng Sản. Nếu không, phải đợi khi thế hệ lãnh tụ trẻ trong số con cháu họ lớn lên không có nợ máu, không bị nhồi nhét căm thù giả tạo, bớt ngu dốt, có cơ hội mở mắt và ý thức được lẽ phải, mới có thể trông mong có sự thay đổi tự phát.  

Tuy nhiên, nếu các cuộc tranh đấu của quần chúng ở trong nước và ngoài nước tạm đủ mạnh, chúng ta có thể tiếp tay đáng kể cho những nỗ lực gây sức ép của cộng đồng các nước dân chủ đòi hỏi CSVN phải lùi một hay nhiều bước quan trọng. Nếu không từ bỏ độc quyền chính trị thì ít nhất họ cũng phải chấp nhận các điều kiện hợp lý dành cho nhân dân quyền chính trị căn bản. Từ đó đảng CSVN tan dần vào quá khứ, mai một từ tốn không tốn xương máu. Và đó là con đường duy nhất bảo đảm mạng sống cho tập thể đảng, không sợ tái diễn cảnh tượng xẩy ra ở Nam Dương năm 1967 khi một triệu rưỡi đảng viên Cộng Sản bị dân chúng tàn sát sau cuộc đảo chính hụt của Cộng Sản thân Bắc Kinh.  

Về phía người Việt ở hải ngoại, hiện chưa có lập trường chung về một kế hoạch tấn công phối hợp vào thành lũy của chế độ CSVN. Một chính sách chung như vậy phải dung hòa mọi chiến luợc, chiến thuật từ ôn hòa đến cực đoan. Nhiên hậu tùy thời cơ và tình hình mà áp dụng các chiến lược chiến thuật ấy nhắm vào những điểm yếu nhất của địch. Ðiều 4 hiến pháp của Hà Nội là một trong những điểm ấy.  

Dĩ nhiên, đường lối tranh đấu của người Việt chống CSVN phải dứt khoát, không dừng lại ở chỗ CSVN chịu sửa đổi hiến pháp. Nhưng không thể bỏ qua bất cứ cơ hội nào, không bỏ rơi bất cứ ai có lập trường chống chế độ CSVN với quan điểm càng gần gũi chúng ta càng tốt.  

 Trên chiến trường và chính trường, một tập thể tranh đấu phải dự trù mục tiêu tối thiểu nếu không đạt được tối đa. Không một tập thể khôn ngoan nào vì thiển cận mà bỏ lỡ mục tiêu tối thiểu để từ đó tiến lên dành mục tiêu toàn bộ.