Nông Ðức Mạnh Ðắc Cử Tân

Tổng Bí Thư Ðảng Cộng Sản Hà Nội

Sau Những Cơn Sóng Gió Nội Bộ

 

 

* Nhân sự thay đổi nhưng đường lối sẽ vẫn như cũ.

                                    

Những ngày sóng gió

 

Từ trước Hội Nghị Ban Chấp hành Trung Ương thứ X II, câu hỏi ''Phiêu đi?  Phiêu ở?'' không ngớt đặt ra cho những người theo dõi tình hình chính trị Việt Nam.  Ðến khi Hội Nghị trù bị bế mạc để Ðại Hội Ðảng chánh thức khai mạc vào ngày 19/04/2001 thì chỉ còn lại câu ''Phiêu đi'' trở thành hiện thực.

 

Người ta nói Phiêu đi vì bị Trung ương phê phán là người lãnh đạo thiếu năng lực, mà lại còn bao che cho một nhóm quân nhân em út nhũng lạm, tham nhũng.  Không phải đợi đến các Hội nghị trung ương XI, X I I, Phiêu mới bị trực diện công kích, mà từ tháng 10/ 2000, Phiêu đã làm mục tiêu cho ba tiền nhiệm là Ðỗ Mười, Lê Ðức Anh, và Võ Văn Kiệt qui cho mọi trách nhiệm về thất bại lãnh đạo đất nước.  Trong lịch sử đảng Cộng sản ở Việt Nam chưa bao giờ một Tổng Bí Thư bị đồng chí công kích thậm tệ và thẳng vào mặt như vậy.

 

Ở Hội Nghị trung ương thứ XI, Phiêu đã động viên được sự yểm trợ của một phần quân đội và tưởng đâu ban Chấp Hành trung ương đã giữ lại quyết định của Chánh trị bộ lưu nhiệm Phiêu.  Nhưng Hội nghị trung ương thứ X I I đã quyết định khác hơn ý kiến của chính trị bộ.  Ðiều này đã làm cho nhiều người bị bất ngờ và tưởng đâu rằng đảng Cộng sản sinh hoạt nội bộ có dân chủ.  Ðây chỉ là sự gay cấn giữa hai xu hướng cởi mở và bảo thủ trong đảng mà thôi.  Bởi khi tranh luận hay tranh chấp, dù ở nội bộ, có mang ít nhiều tính cách dân chủ chỉ khi nào hiện tượng ấy xảy ra trên cơ sở nhằm phục vụ quyền lợi nhân dân.

 

Ngoài ra, Phiêu còn bị công kích mạnh hơn vì có xu hướng chuyên quyền, độc đoán, trong lúc ấy đảng Cộng sản theo truyền thống lãnh đạo tập thể.  Xu hướng chuyên quyền này hiện rõ qua việc Phiêu âm thầm phục hồi lại A- 10, cơ quan mật vụ song hành với các cơ quan an ninh chính thức khác mà không thông qua Quốc Hội.

 

Nông Ðức Mạnh đắc cử Tổng Bí Thư đảng.

 

Sau Hội nghị trung ương thứ X I I, tin Lê Khả Phiêu ra đi được xác nhận, Nông Ðức Mạnh thay thế.  Nhiều người đón mừng vì cho rằng Nông Ðức Mạnh đại diện cho phe đổi mới, cởi mở thắng thế!

 

Về con người, thật tình phải nói Mạnh có bản tánh ôn hòa, tư cách lễ độ hơn tất cả Tổng Bí Thư tiền nhiệm từ ngày thành lập đảng Cộng sản.  Ðàng sau bản tính ôn hòa ấy ẩn hiện một mẫu người nhút nhát.  Phải chăng vì mặc cảm nguồn gốc địa phương và tầm vóc khả năng ở chức vị lãnh đạo cao tột bực ấy?

 

Người lãnh đạo đất nước như Việt Nam ngày nay, nếu lương thiện, thật tình phải lấy làm lo sợ.  Về mặt kinh tế, Việt Nam đứng vào hàng những nước nghèo nhứt thế giới.  Xã hội băng hoại bởi nạn tham nhũng do đảng Cộng sản gây ra, nạn mãi dâm, ma túy ở tuổi vị thành niên, giáo dục, y tế tùy tiện...  Trong lúc ấy xảy ra những điểm nóng khó dập tắt như vụ đồng bào cao nguyên đứng lên đòi quyền sống vì đất đai bị người của đảng xua đến chiếm đoạt, các tôn giáo đòi quyền tự do tôn giáo.  Ðối ngoại, Việt Nam còn phải đương đầu với nhiều vấn đề gây góc có tính cách sanh tử như lãnh thổ đối với Tàu, vấn đề khu vực, quan hệ với tây phương và Hoa kỳ trước áp lực nhân quyền và kinh tế. . .

 

Nhưng Mạnh được chọn, có lẽ cũng ngoài ý muốn của Mạnh, vì hơn hết, Mạnh là người có được đức tính mà người khác ở trung ương không có, đó là ''một con người tròn vo''.  Cả bảo thủ lẫn đổi mới  đều dễ đồng ý và thỏa hiệp được.  Có người cho rằng Mạnh được chọn vì Mạnh là con rơi của Hồ Chí Minh mà lúc này đảng Cộng sản đang đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh như là kim chỉ nam để lãnh đạo đất nước.  Mong rằng lời đồn này không đúng để Tổng Bí Thư Nông Ðức Mạnh không thừa hưởng một cái gène nào của Hồ Chí Minh để vì thế mà đở thảm hại thêm nữa cho đất nước!

 

 

Ban lãnh đạo mới và những thử thách cũ. Hội Nghị trù bị hôm thượng tuần tháng tư đã chọn 150 ủy viên Ban Chấp Hành trung ương để Ðại Hội hôm 19/4 hợp thức hóa.

 

Ban Chấp Hành mới gồm nhiều người trẻ hơn (Nông Ðức Mạnh 61 tuổi) và đặc biệt là gồm nhiều ủy viên gốc Nam Kỳ hơn.  Chọn số Nam Kỳ đông hơn ở những nhiệm kỳ trước, phải chăng đảng đã thật tình quan tâm đến vai trò phát triển kinh tế của Miền Nam là quan trọng để từ đây sẽ làm bàn đạp mở ra Bắc ?  Về đường lối đặt ra nhiều tranh chấp trong Ban Lãnh đạo đảng, xu hướng cởi mở , đổi mới thì muốn mở rộng Việt Nam cho đầu tư nước ngoài và cho cả người trong nước, để sớm đưa Việt Nam thoát ra khỏi tình trạng tụt hậu lâu dài.  Xu hướng bảo thủ thì thấy bảo vệ đảng, tức bảo vệ quyền lực của mình là quan trọng nên chống lại mọi đề nghị đổi mới rộng rãi.  Xu hướng này còn tồn tại ở ngày nay vì đảng CS Hà nội có truyền thống rập khuôn theo mô hình lãnh đạo của Liên Xô cũ.  Tuy nhiên, vì để sống còn, Hà nội trong thời gian vừa qua đã phải chuyển hướng theo Trung Quốc cho mở rộng kinh tế ra tư nhân.  Sự chuyển hướng này bắt đầu từ năm 1986 vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ ở một số người chủ trương đổi mới thật sự dám kiên trì.  Tình trạng giằn co giữa theo ''Xã hội chủ nghĩa'' và ''thị trường'' là nguyên nhân đem lại cho Việt Nam mức phát triển 5%  -  7% ngày nay.

 

Mang nặng nổi ám ảnh mất quyền lực, xu hướng bảo thủ càng ngày càng lo sợ đổi mới thật sự sẽ khó tránh đưa Việt Nam đến trường hợp như Liên Xô và Ðông Âu hồi mùa thu 1989.  Họ còn viện dẫn Trung Quốc và vụ Thiên An Môn để tiếp tục biện minh cho lập trường của họ.  Ngoài ra,  họ còn qui trách cho đổi mới là mầm móng của tình trạng tiêu cực ở xã hội Việt Nam ngày nay.  Cụ thể là 1/3 của 5,8 tỷ đô la đã thất thoát vào năm 1999, vào túi của cán bộ đảng tham nhũng.  Phản ứng của phe bảo thủ liền sau đó là loại một số cán bộ khỏi những chức vụ lãnh đạo trong chánh quyền.  Họ còn đem những vụ xáo trộn như ở cao nguyên, tôn giáo, để hù dọa phe đổi mới là không khép sẽ mất đảng.

 

Vấn đề mà Ban Lãnh đạo mới sẽ phải đối phó, kể cả bảo thủ hoặc đổi mới, để đưa Việt Nam đi vào phát triển bằng những đầu tư từ nhiều phía, đó là tiêu diệt nạn tham nhũng.  Phe bảo thủ không thể tiếp tục khai thác nạn tham nhũng như là lý do để công kích phe cởi mở.  Thu hút đầu tư có khả năng phát triển Việt Nam, đảng và chánh quyền phải ban hành luật lệ rõ ràng, và thật sự tôn trọng luật lệ do mình ban hành.

 

Mức phát triển hiện tại của Việt Nam là gần từ 5% đến 7%, nhưng tiềm năng vế nhân và vật lực lại vô cùng lớn.  San bằng khoảng cách này là vai trò và khả năng của Bna Lãnh đạo mới.  Vẫn biết rằng Ban Lãnh đạo mới vừa ra đời phải do sự đãi lọc cực kỳ chặt chẽ của đảng Cộng sản  - nghĩa là đảng chọn cho đảng những người cộng sản để bảo vệ đảng, nên trong đảng không có những người có khả năng  - nhưng con người vẫn có thể lấy quyết định quan trọng là long trọng hóa giá trị con người bằng cách thay đổi, hay nếu cần, phá vỡ cái hệ thống cứng ngắt đã đào tạo ra con người rập khuôn để thực hiện mục đích tối thượng là phục vụ đất nước, đồng bào. 

 

Ðó là chuyển hóa chế độ cộng sản hiện tại tiến lên một thể chế dân chủ pháp trị một cách ôn hòa, không xáo trộn, theo mô hình Ðông Âu và Liên xô cũ, trong đó không có một đảng nào là đảng duy nhứt cầm quyền, mà vẫn còn những con người cũ của đảng tham gia chánh quyền với tư cách cá nhân có khả năng, và đảng Cộng sản vẫn tồn tại với những đảng khác.  Ðảng Cộng sản với Ban Lãnh đạo mới dám thay đổi chế độ theo đường lối hiến định là tạo cho chính mình một vai trò lịch sử để tồn tại lâu dài.

 

Ðây là cách duy nhứt có khả năng san bằng ngăn cách giữa mức phát triển  hiện tại với tiềm năng lớn của đất nước, mà cũng là cách chuyển hóa đất nước nhằm tránh cho đất nước một thảm họa bạo loạn có thể xảy ra do nạn độc tài kéo dài quá lâu.

 

Nguyễn Văn Trần

 (Paris,  20/04/2001)