SAU CHÍN LẦN ÐẠI HỘI

 

Hà Nhân

 

Hôm nay 19/4/2001, Ðảng CSVN khai mạc Ðại Hội Ðại Biểu Toàn Quốc Lần Thứ 9. Ðại hội này diễn ra trong một tình thế hơi khác với những đại hội trước.

 

Trong mấy năm nay, tình hình tăng trưởng kinh tế và đầu tư xuống thấp, không còn ở mức lạc quan như mấy năm đầu thập niên 1990. Ngoài lý do khách quan từ bên ngoài do tình hình kinh tế tài chánh thế giới và vùng Á Châu, nguyên nhân chính của tình trạng trì trệ này là do bản thân chế độ CSVN kém khả năng quản lý kinh tế, nạn tham nhũng hoành hành, nền hành chánh pháp lý nói chung kể cả những qui định về kinh tế tài chánh rườm rà, lơ mơ, tạo ra nhiều trở ngại làm chùn bước tiến tới của các nhà đầu tư.

 

Ngoài ra, tình hình nội bộ đảng hiện đang gặp nhiều chuyện phe phái hục hặc nhau và là một trong những kỳ đại hội phân hóa nặng nề nhất xưa nay. Trong mấy năm gần đây những tin tức mật như diễn biến các phiên họp, những thay đổi chính sách và nhân sự dễ dàng lọt ra ngoài nhiều hơn trước do chính những thành viên trong Ban Chấp Hành Trung Ương, hoặc cả trong bộ Chính Trị, tiết lộ cho các ký giả ngoại quốc. Không như trước kia, mọi việc diễn ra kín như bưng cho đến khi được phép công bố. Ðó là dấu hiệu rõ rệt nhất về tình trạng suy thoái tinh thần trong hàng ngũ lãnh đạo tối cao.

 

Ðại hội 9 nguyên được dự trù khai diễn vào cuối tháng 3, nhưng rõ ràng là vì nhiều bất đồng nội bộ nên hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương kỳ thứ 12 không thể quyết định. Hội nghị 12 phải họp 2 kỳ mới có thể xác định ngày họp là 19/4/2001. Dường như bất đồng quan trọng hơn cả là về nhân sự lãnh đạo.

 

Từ năm ngoái, dư luận ở Hà Nội và trong giới báo chí nước ngoài đã được biết không chính thức việc Lê Khả Phiêu không còn uy tín sau những biểu hiện "tiêu cực" nhất là sau khi bị Ðỗ Mười, Võ Văn Kiệt chỉ trích kịch liệt nhất là vụ ông Phiêu lập nhóm tình báo riêng để do thám các lãnh tụ khác. Ngoài ra, các nhà đầu tư và những người hết lòng phục vụ cho chế độ CSVN như Ðại Sứ Hoa Kỳ Peterson cũng tỏ ý trực tiếp hay gián tiếp chê trách Lê Khả Phiêu là lạc hậu, kém cỏi.

 

Nay theo tin riêng của một số thông tấn xã và báo chí Tây Phương, gần như chắc chắn Lê Khả Phiêu sẽ mất chức và người có nhiều hy vọng nắm chức tổng bí thư nhiều nhất là Nông Ðức Mạnh. Nếu vài ngày nữa mà các tin tức này được công bố chính thức thì cũng chẳng có gì là đáng ngạc nhiên.

 

Lê Khả Phiêu không có tiếng tăm gì trước khi nắm chức vụ lãnh đạo trung ương. Không có gì đặc sắc về khả năng vào "đạo đức cách mạng" (theo kiểu Cộng Sản), Lê Khả Phiêu còn tỏ ra kém bản lĩnh mà nổi nhất là trong hai vụ. Ðó là cuộc thăm viếng nước Pháp mà Phiêu bị đối xử kém nồng nhiệt - coi như thất bại. Kế đó là cuộc tiếp xúc với Tổng Thống Mỹ Clinton. Trong cuộc tiếp xúc này, Lê Khả Phiêu đã đại ngôn khoe mẽ bằng bài học thuộc lòng "chiến thắng Mỹ xâm lược" gần như nói thẳng vào mặt Clinton những lời lẽ mà đúng ra trên cương vị tổng bí thư đảng cầm quyền chuyên chính của cả một nước không nên phát biểu.

 

Còn về Nông Ðức Mạnh, dầu ông ta có phải là con hoang của ông Hồ Chí Minh hay không, vẫn là một con người tương đối tròn trịa, không phải là nhân vật có thể gây thiệt hại cho bất cứ phe nào trong các phe nhen nhúm thành hình trong đảng CSVN từ lâu nhưng rõ rệt hơn trong hai thập niên gần đây. Vì vậy ông Mạnh là khuôn mặt chung chung dễ được cả hai phe tán đồng.

 

Cũng theo những nguồn tin trên, Trần Ðức Lương (chủ tịch nhà nước) và Phan Văn Khải (thủ tướng) có lẽ sẽ ở lại chức vụ đương nhiệm. Như vậy bộ ba cầm quyền tối cao ở Việt Nam sẽ là ba kỹ sư tốt nghiệp ở Liên Xô. Ngoại trừ nếu có những biệt lệ, bằng không thì người ta có thể tạm cho rằng cả ba nhân vật này có khuynh hướng nghiêng về mẫu mực chế độ Cộng Sản của Liên Xô cũ. Do đó dưới tay họ, chế độ CSVN có thể đẩy mạnh tốc độ cuộc cải cách thị trường nhanh hơn trước và thu hút nhiều nguồn đầu tư từ nước ngoài vốn còn do dự chưa muốn đặt gót chân vào Việt Nam.

 

Tuy nhiên, dù nhân vật nào được chọn vào ban Chấp Hành Trung Ương và được bầu vào Bộ Chính Trị cũng khó làm cho nhân dân Việt Nam được sống dưới một chế độ tốt đẹp hơn. Từ Ðại Hội 1 đến Ðại Hội 9, mục tiêu và đường lối của đảng CSVN vẫn không thay đổi về căn bản. Chỉ có các chính sách nhất thời là có thể uyển chuyển tùy theo tình hình cụ thể từng giai đoạn.

 

Ngày nay tuy chủ nghĩa Cộng Sản đã không còn ngự trị tại Liên Xô cũ và Ðông Âu, bị tất cả các nước này vứt bỏ vào sọt rác, nhưng CSVN vẫn còn bám chặt kinh điển Marx Lenin chỉ vì một lý do duy nhất. Ðó là để biện minh cho sự tồn tại của chế độ. Không xưng tụng chủ nghĩa Cộng Sản thì lấy cái gì làm nhãn hiệu cho đảng sống và thống trị. Vì thế mới có cái danh xưng kỳ quái "Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN."

 

Ðến nay ai cũng biết rằng về thực chất, Ðảng CSVN chỉ là một tổ chức cầm quyền bằng bạo lực, tuyên truyền lừa dối và mưu mô bịp bợm, khích động lòng yêu nước để buộc nhân dân phải ủng hộ và nghe lệnh đảng. Hơn 55 năm cầm quyền, các lãnh tụ đảng CSVN đã tự chứng tỏ họ là một nhóm người bất lực trong việc quản trị và điều hành nền kinh tế xã hội và văn hóa tuy có biệt tài đánh du kích.

 

Mối nguy hại cho đất nước Việt Nam là sự thống trị của Ðảng Cộng Sản. Một số người chủ trương ôn hòa cho rằng quả thật thế hệ lãnh tụ Cộng Sản già nua còn lại đều dốt nát, tham lam và thô bạo. Nhưng ngày nay sau 26 năm chiến tranh chấm dứt, thế hệ con cháu họ đã được học hành ở trong nước và ngoại quốc ắt thế nào cũng hiểu biết khá hơn và quan điểm sẽ cởi mở hơn, dẫn đến sự biến thể toàn bộ chế độ.

 

Nhưng một số người khác có quan điểm ngược lại. Họ cho rằng chính sách trụ cột về nhân sự của đảng CSVN lúc nào cũng kiên định không thay đổi dù các chính sách khác có thể được tu chính cho hợp với nhu cầu và tình hình. Chính sách nhân sự của CSVN xưa nay và mãi mãi sau này chừng nào CSVN còn tồn tại là chỉ dùng những cán bộ trung thành với quyền lợi của đảng, luôn luôn "hồng hơn chuyên."

 

Mà thường thì những kẻ trung thành đều là dốt nát và bất lương. Con cái cán bộ ở mọi cấp mà không bám víu chặt chẽ và trung thành hết mức với đảng cũng sẽ bị đẩy ra ngoài vòng quyền lực. Như vậy, lúc nào hàng ngũ lãnh tụ đảng các cấp cũng một lòng một dạ, cấu kết để bảo vệ quyền lợi riêng. Bởi thế mặc dù trong nội bộ của giới lãnh đạo trung ương có những chuyện bất đồng hục hặc, nhưng trước tình thế nguy nan chung của đảng, nhóm lãnh tụ này sẽ đoàn kết chặt chẽ để tồn tại. Ðó là quy luật mà những người tranh đấu chống CSVN nên lưu tâm hàng đầu.

 

Tuy phải đợi năm mười ngày nữa mới có thể biết rõ kết quả biểu kiến của Ðại Hội 9. Nhưng người Việt trong và ngoài nước không mấy hi vọng có thay đổi đáng kể. Một số nhân vật ngoại quốc trong giới đầu tư và ngoại giao có vẻ lạc quan chừng mực.

 

Ðại Sứ Mỹ Peterson khoe rằng trước khi khai mạc đại hội, cáclãnh tụ CSVN đã yêu cầu ông xem và cho ý kiến về các kế hoạch chính sách áp dụng trong 10 năm thay đổi kinh tế tài chánh, giáo dục, chính trị. Nhưng ông không biết những kế hoạch này phải mất bao lâu mới thực hiện được.

 

Kinh nghiệm 4 năm qua cho thấy ông Peterson thường tỏ ra ngây thơ, lạc quan về chế độ CSVN. Nếu ông chỉ giả đò ngây thơ tất ông biết rằng các lãnh tụ CSVN chỉ vờ vịt lấy lòng ông, tôn ông lên hàng sư phụ để tranh thủ sự ủng hộ của ông. Nay mai qua khỏi tròng phê chuẩn Hiệp Ðịnh Thương Mại Song Phương thì lúc ấy ông có xin làm đại sứ cho Hà Nội, họ cũng cóc cần ông nữa. Kể cả các cơ quan như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới cũng vậy, tin lời các lãnh tụ Hà Nội lúc họ cần vay tiền ắt có ngày mang họa.

 

 Sau 9 cái đại hội, không có hy vọng là chế độ Mafia Ðỏ Hà Nội sẽ khá hơn bao nhiêu.