QUẤY NHIỄU TINH THẦN TRONG HÃNG SỞ

SẼ BỊ TRỪNG TRỊ BỞI LUẬT PHÁP

 

 Luật cải thiện xã hội vừa được biểu quyết mới đây. Qua đạo luật này sự quấy nhiễu tinh thần trong các hãng sở được coi như một khinh tội. Luật này tăng cường cho quyền lợi của nhân viên trong trường hợp bị sa thải vì kinh tế. Phe chốâng đối sẽ đưa sự việc ra trước Hội Ðồng Hiến Pháp. 

 Kể từ ngày 19.12.2001, sau cuộc biểu quyết thật long trọng, đạo luật về cải thiện xã hội đã coi sự quấy nhiễu tinh thần trong hãng sở như một khinh tội, không những sẽ bị phạt vạ một số tiền lên đến 100 000 quan (15 244E) lại có thể bị một năm tù. 

 Phương sách này xuất hiện cùng 12 phương sách khác, liên quan đến việc bảo vệ công nhân, trong đó có việc thay đổi cách thức sa thải vì kinh tế, giảm công việc bấp bênh, tăng giá trị những hiểu biết chuyên môn hay tăng cường sự độc lập của các bác sĩ của cơ quan. Khuynh hướng này không vừa ý phe đối lập. Họ đang dự tính sẽ đưa đạo luật này ra trước Hội Ðồng Hiến Pháp. 

 Từ lâu bị ếm nhẹm, bây giờ sự quấy nhiễu tinh thần mang một tầm quan trọng phản ánh thật sự một phong trào quần chúng: theo nghiên cứu từ năm 1998, 9% dân số tích sản (population active) của Pháp có thể là nạn nhân của những sự dọa dẫm, trò bắt nạt hay ngay cả việc không công nhận khả năng không có chứng minh, ngay ở nơi làm việc.   

 Lời nói đối chiếu với lời nói. 

 Những việc này đã có ảnh hưởng tai hại trên sức khỏe của nạn nhân. Các bác sĩ đã ghi nhận sự tăng gia bệnh ung thư và tai nạn về tĩnh mạch. 

 Ngày nay, nhiều vụ thưa kiện tăng gia. Nhưng thường là những nạn nhân cô đơn trước sự quấy nhiễu tinh thần, vì chỉ lấy lời nói đối chiếu với lời nói. Ðạo luật mới này, từ đây, sẽ cho phép người đại diện công nhân được quyền đứng về phe nạn nhân để tranh đấu và dự báo khinh tội này, mà đã được thẩm định như sau :

« Sự quấy nhiễu liên tục với mục đích và kết quả là làm giảm sút điều kiện làm việc, có thể đụng chạm tới quyền lợi và phẩm giá của nạn nhân, thay đổi sức khỏe thể chất hay tinh thần hoặc làm rối loạn tương lai nghề nghiệp. » 

 Nhưng ngoài việc cần phải làm giảm hiện tượng này ra, còn có lý do quan trọng hơn nữa, đó là sự sắp xếp  trật tự công việc trong xã hội 

 Trong biên khảo « Ðau khổ và công việc » của bác sĩ Marie Grenier-Pezé, thuộc bệnh viện Max-Fourestier tại Nanterre (Hauts de Seine), bà đã lập thống kê hàng năm với gần 400 trường hợp bị quấy nhiễu và bà đã ghi nhận : sự quấy nhiễu trước hết là những buông trôi của thế giới làm việc.  

 Vân Hải dịch bài của Jean Darriulat và Solange Gelbat, Aujourd’hui 20.12.2001 

 Dựa trên bài báo này, người dịch có lời bàn, từ đây người công nhân trong bất cứ hãng xưởng hay công tư sở nào cũng sẽ được bảo vệ, để đối phó với những cấp trên hay đồng nghiệp có hành vi quấy nhiễu tinh thần trong bất cứ mục đích nào. Ðạo luật mới này, theo Vân Hải, chẳng những chỉ có thể áp dụng ở các nước ngoại quốc, mà còn có thể áp dụng ngay cả ở Việt Nam, đối với các công nhân viên làm cho các hãng ngoại quốc. Những công nhân viên này có thể nhờ đại diện nhân viên ở nơi mình làm việc để bênh vực cho mình. Sẽ không còn tiếng kêu cô đơn hay cảnh đối chất bằng lời nói giữa hai cá nhân mà phe thủ thắng thường ở phía kẻ khéo lừa bịp hay mạnh cánh quen biết.  

 Nghĩ xa hơn chút nữa, Vân Hải thấy rằng đạo luật này cũng có thể đem áp dụng trong các hãng xưởng, công tư sở Việt Nam ở ngay trên đất nước Việt Nam. Khi người công nhân viên hiểu biết được tất cả quyền lợi của mình thì tinh thần hẳn sẽ an nhiên và tin tưởng ở sự chí công vô tư của luật pháp. Và nhờ thế, công việc hàng ngày để nuôi thân, nuôi gia đình, giúp đất nước, sẽ trở thành dễ chịu. Từ đó chắc chắn với tính luôn cần mẫn, người công nhân viên sẽ là những người đóng góp tích cực vào sự hưng thịnh của đất nước Việt Nam của cha ông chúng ta để lại.