PHỤ NỮ VÙNG LÊN

 

Hà Nhân

 

Ngày 8 tháng 3 từ hơn 90 năm qua đã được chọn làm Ngày Phụ Nữ Quốc Tế để vinh danh vai trò của người đàn bà trong xã hội loài người.

 

Nhân dịp này xin có vài lời lạm bàn chia sẻ một số vấn đề về phụ nữ với quí độc giả.

 

Vấn đề quyền bình đẳng và các quyền lợi khác của người phụ nữ đã được đặt ra từ khá lâu trong lịch sử. Có lẽ từ khi loài người bắt đầu sống hợp đoàn thành từng gia đình và từng bộ lạc là đã có tình trạng áp bức, kỳ thị phụ nữ.

 

Bản chất nam giới là mạnh khỏe về thể xác, chủ động trong đời sống vợ chồng. Hầu hết giống đực các loài đều lãnh nhiệm vụ bảo vệ giống cái và ấu nhi tuy rằng con đầu đàn có khi là con cái. Sự phân biệt nam nữ, đi đến chỗ kỳ thị và áp bức là hậu quả dĩ nhiên trong đời sống hợp quần. Trong hàng trăm ngàn năm lịch sử của loài người, người phụ nữ chịu thiệt thòi nhiều trong thiên chức làm vợ và làm mẹ. Và những thiệt thòi này chỉ trở thành vấn đề tranh cãi khi loài người văn minh thêm trong khi phụ nữ ngày càng đóng vai trò tích cực hơn trong xã hội.

 

Ngay từ thời thượng cổ, phụ nữ không hẳn luôn luôn là phái yếu. Trái lại, chính cái yếu mềm của phụ nữ lại là vũ khí chinh phục nam giới, có khi chinh phục cả một triều đại và nắm quyền hành sinh sát một xã hội. Hiền hậu có Hai Bà Trưng, dữ dằn thì như Nữ Hoàng Võ Tắc Thiên, Cleopatre, Catherine, Từ Hy Thái Hậu... Vì thế nhiều người cho rằng vấn đề ai áp bức ai cần phải đặt lại trong một số trường hợp. Ở một mặt khác, vấn đề quyền lợi của phụ nữ cũng phải được xem xét thêm.

 

Phụ nữ Trung Ðông bị chèn ép nhất vì tôn giáo và tục lệ. Nhiều người có của lập a phòng nuôi hàng chục bà vợ, còn bình thường thì đàn ông được quyền lấy 4 vợ. Tại Á Châu, người phụ nữ bị coi như công dân hạng nhì. Ðến năm 1945 mà nhiều nhà giầu ở vùng xa xôi tại Hoa Lục vẫn nuôi hầu thiếp để hầu hạ việc nhà và làm nô lệ tình dục.

 

Ở Việt Nam tuy bị ảnh hưởng văn hóa và tục lệ của Hán Tộc, phụ nữ bị coi nhẹ. Nhưng có lẽ truyền thống hiền hòa của dân tộc đã sàng lọc những ảnh hưởng nói ở đây, khiến cho người đàn bà không bị đày đọa quá đáng như tại nhiều vùng của Trung Hoa.

 

Tại các nước Tây Phương, phụ nữ đã tranh đấu đòi nữ quyền rất sớm nhưng cho đến đầu thế kỷ 20, phụ nữ ở các nước này vẫn chưa dành được mục tiêu "nam nữ bình quyền." Ðiều khôi hài là đàn ông ở các xứ Tây Phương vốn có máu nịnh đầm di truyền nhưng vấn đề nữ quyền lại gặp không ít khó khăn. Ngay như nước Mỹ mà đến sau Thế Chiến I, phụ nữ ở đây mới được quyền bầu cử. Mãi đến năm 1920, Tu Chính Án thứ 19 của Hiến Pháp Mỹ mới xác nhận quyền này.

 

Trường hợp Hoa Kỳ có sắc thái khá độc đáo. Từ ngày di dân da trắng bắt đầu từ Âu Châu kéo nhau sang lục địa Bắc Mỹ định cư ở Virginia và Massachusetts vào thế kỷ thứ 17, đàn ông Mỹ đã tỏ ra là lớp đàn ông sợ vợ (và sợ đàn bà nói chung) thuộc hạng nhất nhì thế giới.

 

Người đàn bà Mỹ vào 150 năm đầu tiên tính từ ngày tầu Mayflower đổ hơn 100 người lên vùng đất mới, người đàn bà Mỹ đã chịu bao nhiêu vất vả gian khổ. Cộng với tình trạng trai thừa gái thiếu, ông nào có vợ được coi là trúng số, và người vợ là một bảo vật cao quý. Vì vậy đàn ông Mỹ có máu "thờ bà" cũng là điều dĩ nhiên.

 

Vào thập niên 1960, phong trào đòi tự do cá nhân ở Mỹ lên cao một cách bệnh hoạn giữa lúc xảy ra Chiến Tranh Việt Nam, cũng là lúc quyền phụ nữ được nêu lên mạnh mẽ, đặc biệt là quyền phá thai. Và dường như sau những đợt tranh đấu quá hăng hái này, một số khá nhiều phụ nữ Mỹ bớt dần nữ tính.

 

Hiện tượng này đem lại một hệ quả ít được chú trọng. Có lẽ con số binh sĩ Mỹ lấy vợ người Việt Nam nhiều hơn cả so với số binh sĩ Mỹ lấy vợ người châu Âu, Nhật hay Ðại Hàn vào lúc số binh sĩ Mỹ đến các nước này trong cùng chiều dài thời gian. Ðặc biệt là số phụ nữ Việt có học cao lấy chồng là những viên chức cao cấp trong chính phủ Mỹ (nhất là ngành ngoại giao) nhiều hơn hẳn.

 

Một số chồng Mỹ của các bà vợ Việt này cho biết người phụ nữ Việt thùy mị hơn, ít lấn át chồng, mau giỏi tiếng Anh và thu nhận kiến thức nhanh, có thể vì đa số phụ nữ này xuất thân ở các gia đình tử tế. Có người chồng Mỹ nhận định rằng "tuy nhiều bà người Việt khi sang đến Mỹ là học ngay các bà người Mỹ "vợ chúa chồng tôi" nhưng ít ra các bà ấy còn lo cho chồng con miếng ăn uống đàng hoàng, chu toàn việc nội trợ, cư xử có tình cảm hơn..."

 

Tại Việt Nam ở Miền Nam trước năm 1975 tuy đàn ông vẫn giữ ngôi vị "lãnh đạo" gia đình nhưng những cảnh hành hạ áp bức vợ không quá nhiều. Các bà thuộc giai cấp trung lưu trở lên có ít người phải đi làm kiếm tiền. Do đó tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động khá thấp. Tuy thế số phụ nữ tham gia kinh doanh, hoạt động chính trị và xã hội ngày càng nhiều.

 

Ngoài Bắc, sức lao động của phụ nữ bị khai thác tối đa với những khẩu hiệu hô hào vận động kêu như chuông : Ba Ðảm Ðang, Ba Sẵn Sàng... Phụ nữ phải làm nhiều việc đáng lẽ chỉ dành cho nam giới.

 

Vì nhu cầu tận dụng sức dân vào chiến tranh, hàng triệu phụ nữ bị sung vào các đội dân công khuân vác tiếp liệu quân sự, túc trực sửa cầu cống đường sá. Con số phụ nữ dân công tử thương vì bom đạn không được thống kê nhưng chắc chắn là phải ở mức nhiều chục ngàn.

 

Miệng lưỡi chế độ CSVN luôn khoe khoang bình đẳng, bình quyền, nhưng thực tế cho thấy số những vụ đánh đập, hành hung vợ, những trường hợp hai ba vợ còn nhan nhản ở thôn quê xa xôi nhất là ở Miền Bắc. Trước năm 1985, chế độ CSVN chỉ có một đạo luật gọi là Luật Hôn Nhân và Gia Ðình do ông Hồ ký, công bố ngày 30/12/1959 với vỏn vẹn 35 điều, ngắn gọn như một công điện quân sự.

 

Tuy nhiên chế độ CSVN vì mục tiêu khai thác sức lao động và sự ủng hộ chính trị của đông đảo phụ nữ trẻ, đã triệt để bênh vực và nâng đỡ phụ nữ. Phụ nữ được giữ những chức vụ quan trọng ngày càng nhiều. Nhưng đồng thời tỷ lệ ly hôn lên cao từ khi có luật nói trên vẫn chưa có dấu hiệu giảm sút.

 

Hiện nay số phụ nữ phải "tha phương xuất giá" vẫn lên cao trong đó các cô lấy chồng Ðài Loan là nhiều hơn hết dù biết tương lai ở xứ người rất bấp bênh. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam có xẩy ra chuyện "buôn bán vợ" như thế này. Ấy là chưa kể đến những vụ mua bán các em nhỏ dưới 16 tuổi để đưa sang Cam Bốt, Thái và cả Trung Hoa làm gái mãi dâm vẫn diễn tiến không ngăn chặn nổi.

 

Nói chuyện về nữ quyền thì rất dài dòng, năm bẩy trăm trang giấy mới tạm đủ. Tuy nhiên có một nhận định sau đây nhân ngày Phụ Nữ Quốc Tế.

 

Giới phụ nữ Việt Nam thường chỉ tôn thờ Bà Trưng, Bà Triệu... Cũng như khi nói đến lịch sử Việt Nam, hầu hết chỉ ca tụng Lê Lợi, Quang Trung, Trần Hưng Ðạo... về những chiến công vĩ đại của các vị này. Nhưng ít ai nói đến một vị vua anh minh, đánh giặc giỏi mà lại là vị vua thương dân nhiều nhất, và là người bênh vực nữ quyền tích cực nhất so với tất cả các vị vua từ cổ chí kim.

 

Ðó là vua Lê Thánh Tôn (1460-1497), vị vua thứ tư của nhà Hậu Lê. Trong thời gian trị vì, ông đã hoàn thành được nhiều công trình trọng đại thuộc hạng nhất nhì trong lịch sử Việt Nam. Chính ông đã ban hành Bộ Luật Hồng Ðức trong đó lần đầu tiên trên thế giới quyền lợi của người đàn bà có chồng được minh định vào lúc ngay ở Âu Châu phụ nữ cũng chưa có những quyền lợi như vậy.

 

Luật Hồng Ðức, gọi theo đế hiệu của ngài, bảo đảm quyền sở hữu tài sản hồi môn do người phụ nữ mang về nhà chồng và tài sản chung của hai vợ chồng sau khi một trong hai người qua đời. Cũng quan trọng tương tự là luật này bảo đảm quyền lợi của các con chung sau khi một trong hai vợ chồng ly hôn hoặc mệnh một. Ðây là một tiến bộ kỳ diệu tuy rằng về các mặt khác như phạm vi và mức độ hình phạt tội phạm của Luật Hồng Ðức còn quá nặng tay vì ảnh hưởng của luật của Trung Hoa.

 

Xin nhớ rằng ngoài ra, vua Lê Thánh Tôn còn có công lớn về tổ chức hành chánh, kinh tế, tài chánh, thương mại. Vua Lê Thánh Tôn còn thân chinh đánh thắng Chiêm Thành, chiếm vùng đất nay là Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng như dẹp yên xứ Lào.

 

 Tại sao phụ nữ Việt Nam không tuyên dương công trạng bảo vệ phụ nữ của vua Lê Thánh Tôn mỗi năm vào ngày Phụ Nữ Việt Nam cùng với những nghi lễ vinh danh Hai Bà Trưng. Và tại sao chúng ta không quảng bá sự nghiệp độc nhất vô nhị này cho phụ nữ khắp thế giới biết và tôn vinh ông vua tài ba vô song của Việt Nam?