PHÁO TẾT


 Hà Nhân

 Từ khoảng hai tháng nay, các cơ quan thông tin tuyên truyền của CSVN bắt đầu loan những tin tức liên quan đến việc đốt pháo. Pháo đã bị cấm, vậy thì tại sao ngành Công An vẫn còn phải ra sức chận bắt và ngăn ngừa pháo ở mức độ rộng rãi theo các báo ở Hà Nội và SàiGòn nêu lên.

Lấy một thí dụ như bài tường thuật về pháo lậu trên báo Lao Ðộng do các phóng viên báo này thực hiện hôm 14/12/2001. Bài phóng sự cho biết năm nay, pháo đủ loại được bầy bán công khai ở Việt Nam nhất là ở Sài Gòn, nơi mà bài báo nói là mua và chơi pháo “bạo lực” dễ như “mua rau.” Tuy công an ruồng bắt nhưng pháo vẫn tràn lan, được bán lẻ trong ngõ ngách các xóm dân cư. Bài báo cho rằng nghiêm trọng hơn nữa là nhiều phụ huynh chiều con em cho chúng mua pháo nhang để chơi nghịch.

Theo các phóng viên, hầu hết các loại pháo đều được buôn lậu từ Trung Hoa sang khắp nơi ở Việt Nam nhất là pháo lẻ bán ở những địa điểm giáp ranh giữa các quận huyện (Y như ngày xưa VC hay đi lại và lập căn cứ ở các vùng giáp ranh các tỉnh, quận...). Pháo cũng đưa lậu vào Miền Nam từ Cam Bốt. Ngoài ra bài báo cũng nhắc đến việc từng có làng sản xuất pháo ở các xã ven kênh B huyện Thốt Nốt, đồng thời tỏ ý lo ngại rằng nếu không kiểm soát chặt chẽ, pháo lậu của Trung Hoa dưới dạng đồ chơi sẽ tràn vào nhiều hơn nữa.

*

Pháo là một sản phẩm có từ đời kiếp nào ở Việt Nam thì không biết, nhưng những người Việt khoảng trên 60 tuổi hẳn còn nhớ những cái Tết hiền hòa trước năm 1945. Pháo thành thị nổ nhiều, còn ở nông thôn chỉ có những gia đình khá giả mới đốt pháo. Ðặc biệt là những nhà sang trọng thường mua và đốt pháo loại toàn hồng, nghĩa là con pháo làm toàn bằng giấy mầu hồng, không xen lẫn giấy báo hay giấy viết đã bỏ đi.

Cái hình ảnh một ngôi nhà gỗ khang trang, trước có hàng cây cảnh và non bộ, với vài cây đào nở hoa đỏ rực trong vườn đã là đẹp và thái hòa. Nếu lại có những mảnh xác pháo tả tơi như những cánh hoa đào rụng phủ trên sân gạch thì hình ảnh ấy còn đẹp hơn nữa.

Tiếng pháo là quan trọng nhất. Nó không du dương như một bản nhạc, nhưng tiếng nổ của nó lại lôi cuốn các thế hệ liên tiếp người Hoa và người Việt là ít nhất. Trong trường hợp này, tiếng pháo có tác động như nhưng loạt súng đại bác đón chào một vị quốc khách. Trong vài trường hợp không vui như khi người Hoa tiễn linh cữu thân nhân ra nghĩa trang, họ cũng đốt pháo. Lúc ấy, tiếng pháo nghe có vẻ oai dũng, đe dọa tà ma và mùi khói cũng góp sức tẩy uế không khí trong nhà có người chết.

Dù bất cứ lý luận cách nào, tiếng pháo, xác pháo và mùi pháo cũng ăn sâu vào tiềm thức lớp người lớn tuổi và hấp dẫn đối với các em nhỏ.

Tuy nhiên, pháo cũng có những hậu quả tai hại cho xã hội. Pháo thăng thiên, pháo chuột... có thể gây hỏa hoạn. Vì vậy, ngay trong thời Pháp Thuộc chính quyền thực dân cũng cấm pháo loại này như họ đã cấm phóng đăng, loại đèn có bấc (tim đèn) lớn có dù bằng giấy nhẹ, tự bay lên trời cao hàng trăm mét bằng khí nóng của đèn.

Trong những năm chiến tranh ít có đốt pháo vì tình hình an ninh quân sự. Nhưng sau Hiệp Ðịnh Genève 1954, Miền Nam sống trong tình trạng yên ổn được mấy năm, nên chính quyền cho đốt pháo xả giàn. Có lẽ Tết năm 1958 là năm Sài Gòn đốt nhiều pháo hơn cả. Bánh pháo dài treo vòng lên vòng xuống từ lầu 3 một căn nhà ở ngã ba Phan Thanh Giản và Nguyễn Thiện Thuật nổ cả tiếng đồng hồ đêm giao thừa.

Sang năm 1960, lệnh cấm pháo được áp dụng triệt để với lý do phòng ngừa tai nạn và để tiết kiệm ngoại tệ nhập cảng các sản phẩm làm thuốc pháo. Hàng trăm người bị Cảnh Sát bắt giam ngay sáng Mùng Một tại Trại Tế Bần Chánh Hưng vì tội đốt pháo.

Số pháo mà dân Xóm Mới đã sản xuất hợp pháp được chính phủ Ngô Ðình Diệm thu mua và đem cho các tỉnh cao nguyên. Mãi đến Tết Giáp Thìn 1964, tỉnh Kontum mới phân phát số pháo này cho dân đốt, tiếng pháo nổ rần rần suốt một tiếng đồng hồ khắp thành phố đất đỏ này.

Từ đó pháo không còn được thấy ở Miền Nam cho đến Tết Mậu Thân 1968. Năm ấy là năm đầu tiên từ 1960, dân chúng được phép đốt pháo nhưng chưa vui được một ngày thì VC nổ súng tổng công kích. Pháo lại bị cấm cho đến năm 1975 khi VC chiếm Miền Nam.

Sau năm 1975, chính quyền CSVN cho đốt pháo. Trong những năm 1980, có nhiều tai nạn và hỏa hoạn xẩy ra vì pháo được chế tạo bừa bãi. Khi trộn thuốc, khi nhồi pháo đều có thể bị nổ, thậm chí

nếu thuốc được pha chế với độ nhậy cao, một bánh pháo bị rơi xuống mặt đường cũng có thể tự nổ. Hàng chục người chết vì pháo mỗi năm.

Ðến năm 1994, chính quyền CSVN bắt chước Trung Cộng cũng cấm pháo. Lệnh cấm trong mấy năm sau đó khá nghiêm ngặt. Ðiều đáng được ghi vào lịch sử những chuyện khôi hài khó tin mà có thật là để cho dân chúng được nghe tiếng pháo trong mấy ngày Xuân, chính quyền Hà Nội cho phép sản xuất những băng ghi âm cassette thu tiếng pháo rồi bán cho dân. Ngày Tết dân có thể nghe đỡ tiếng pháo cà xịch cà đụi từ những chiếc loa phóng thanh.

Nhưng sản phẩm ấy không ăn khách. Một năm sau đó, Hà Nội tung ra bán loại đèn pin nhỏ gắn vào bong bóng bay để dân Hà Nội cùng lúc thả đèn lên thắp sáng bầu trời. Trò này cũng có cái vẻ đẹp của nó nếu hàng chục ngàn trái bóng đèn cùng bay lên không trung một lúc. Nhưng đồng tiền bỏ ra khiến lối chơi này có vẻ không hấp dẫn, thiếu thực tế, nên không được hoan nghênh lắm.

Trong mấy năm nay, pháo lại xuất hiện ngày càng nhiều. Pháo Trung Hoa, nhất là pháo Hương Cảng rất đắt khách. Loại pháo toàn hồng này làm bằng máy, từng con pháo rơi xuống hầu như để nổ ở cùng một độ cao, tiếng nổ rất giòn và đều đặn.

Cứ như tình hình kinh tế xã hội hiện nay, chế độ CSVN khó lòng cấm chỉ được việc buôn pháo và đốt pháo. Nhất là lúc này hàng lậu từ Hoa Lục tràn vào Việt Nam ào ạt, lớn và đắt như xe gắn máy còn khó ngăn chặn nổi huống hồ pháo. Nhưng trong một hành động cũng không kém khôi hài là văn phòng thủ tướng CSVN vừa phổ biến chỉ thị 6292 và nghị quyết 5 của hội đồng chính phủ, nhắc nhở các địa phương thi hành tích cực việc cấm pháo và muốn bắn pháo hoa, đốt pháo phải có sự chấp thuận của thủ tướng chính phủ.

Pháo là một món hàng mua vui ngày Tết, và gắn liền với văn hóa Việt Nam. Ðành rằng cho đốt pháo sẽ có thể gây ra những tác dụng bất lợi cho kinh tế (ngoại tệ nhập cảng thuốc pháo) và dễ gây tai nạn, hỏa hoạn. Nhưng nếu là một chính quyền có khả năng, biết dung hòa, cân nhắc, chọn lựa đúng thì việc đốt pháo có thể giải quyết được. Tết mà thiếu pháo là thiếu một phần lớn.

Một mặt định ra số lượng hạn định theo sổ gia đình (sổ hộ) theo tiêu chuẩn vừa phải, mặt khác phải kiểm soát chặt chẽ việc làm pháo, buôn bán và đốt pháo theo quy định.

Trên thực tế, việc làm pháo và chuyên chở pháo gây nhiều tai nạn hơn việc đốt pháo. Cho đến gần đây, các nhà làm pháo như ở Xóm Mới xưa kia, pháo làm hoàn toàn bằng tay với phương cách cực kỳ thô sơ nên càng an toàn thì càng chậm. Hầu như cung cách của cả hàng trăm năm nay không được cải tiến. Chính lãnh vực này là chỗ chính quyền phải can thiệp tích cực, như mở lớp huấn luyện an toàn bắt buộc cho thợ làm pháo, kiểm tra kỹ thuật đều đặn, nghiên cứu áp dụng máy móc hay dụng cụ thủ công giúp cho việc chế pháo an toàn và mau lẹ, bảo đảm hơn.

Nhưng khả năng của cán bộ lãnh đạo chính quyền CSVN có lẽ chưa đủ để tiên liệu và hoạch định kế hoạch, chính sách và biện pháp một cách sáng suốt và khôn ngoan. Vậy thì họ nên tiếp tục cấm pháo cho đến khi chế độ của họ bị giải thể là chắc ăn hơn cả cho xã hội được an toàn.

Hà Nhân