Phá Xóm, Phá Làng

Vi Anh

Tạp chí Văn Hoá, số phát hành tháng 5/2001, Mục Diễn Đàn Văn hóa có in bài nói chuyện của một trí thức Cộng sản đáng chú ý. Đó là Giáo sư Phan huy Lê thuộc một gia đình vọng tộc ở Miền Bắc. Một số di cư vào Nam, có người lên tới chức Thủ Tướng VNCH, Ô.Phan huy Quát. Gs Lê ở lại Miền Bắc hiện làm Giáo sư Đại học Quốc gia Hà nội, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Quốc tế và Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội Sử học của CSVN. Ông đến Mỹ để nói chuyện trong một cuộc hội thảo có mặt 28 nhà sử học của nhiều nước do viện Đại học Cali, Los Angeles tổ chức.

Nhưng thân thế gia đình khi xưa và chức vụ kiêm nhiệm trong ngành khoa giáo của Ông bây giờ không đáng chú ý bằng bài nói chuyện của Ông trước diễn đàn quốc tế. Ông trình bày khảo luận về lịch sử xã thôn Việt Nam từ lúc thành hình qua các thời kỳ Bắc thuộc, Độc lập, Pháp thuộc. Không có khám phá nào mới trong các thời kỳ ấy, so với thư tịch đã có, giảng văn đuợc dạy ở các đại học thời VNCH.

Đáng chú ý là 4 vấn đề liên quan đến xã thôn VN trong thời CS do Ông nêu ra. Người ta không dè một cán bộ CS trung cao, dù "chuyên nặng hơn hồng" đi nữa, như Gs Phan huy Lê, lại tuyên một bản án nặng nề đối với CS như vậy, trong vấn đề xã thôn, nền móng của xã hội và văn hóa VN.

Không biết Ô. Chủ nhiệm Tập san Văn hoá có dùng đuờng cơ bi da ba băng hay không khi in toàn văn bài "tham luận". Nếu tờ báo này đuợc Ban Văn hoá Tu tuởng Đảng CSVN đọc, cái ghế chánh và hai cái ghế phụ của Gs Phan huy Lê chắc chắn sẽ bị CS Hà nội cưa chân bằng cây cưa lá liễu thường dùng đối với dân trí thức. Vì rằng sau khi đọc 4 vấn đề Gs Lê nêu ra, nói theo kiểu bình dân, người ta có cảm nghi CS là bọn phá xóm, phá làng VN suốt nửa thế kỷ qua.

Vấn đề thứ nhứt là chính những " sáng tạo" của nông dân giết chết chính sách cải cách ruộng đất và tập thể hoá nông nghiệp của CS Hà nội. Gs Lê không xem các yếu tố ngoại lai như " Cải tổ" của Liên xô (Perestroika) hay "Cải cách" của Trung quốc là nguyên nhân chánh đua đến giải pháp khoán và sau đó giao trả ruộng đất cho nông dân trong làng xã. Theo Ông, chính nhân dân là động lực chánh yếu và gián tiếp dồn CS Hà nội vào thế chẳng đặng đừng, buộc phải làm việc đó hay là chết theo các nước CS khác vì khủng khoảng kinh tếvà xã hội.

Vì rằng trước đó, ngay trong thời cực thịnh, hợp tác hoá đã tiến lên cấp cao của những năm 60, một mặt, nhân dân đã tự động "khoán chui" _tức dấu diếm ruộng đất để tự làm và đóng sản lượng qui định cho Hợp tác xã. Mặt khác, làm ăn lấy lệ với hợp tác xã, khi vào lúc ra. Làm đuợc như thế là nhờ tinh thần phép vua thua lệ làng còn ăn sâu trong tim óc của những cán bộ CS địa phương. Và chính cách làm ăn ấy đã đánh bại chánh sách hớp tác hoá của Đảng và dẫn đến khung khoảng kinh tế và xã hội trầm trọng cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80. CS buộc phải hợp thức hoá "khoán chui" bằng Chỉ thị 100; từ đó, tên gọi "khoán 100". Và sau đó nghị quyết 10 giao trả đất lại cho dân sữ dụng, tên gọi "khoán 10". Nhân dân làm chủ lấy mảnh ruộng của mình trong vòng vài năm sau, nuớc VN trở thành nước xuất cảng gạo hạng nhì thế giới. Gs Phan huy Lê, một sử gia CS mà nhận định như thế, là trực tiếp tuyên án CS Hà nội. Chánh sách cải cách ruộng đất và tập thể hoá nông nghiệp của Đảng là thất bại trong kinh tế cung như chánh trị . Kế hoạch phá hủy tinh thần xã thôn tự trị lâu đời của xã hội VN vốn là khắc tinh của chế độ trung ương tập quyền vào Bộ Chánh trị và độc tài đảng trị, toàn trị của chủ thuyết CS, hoàn toàn thất bại.

Vấn đề thứ hai là sự thành hình kinh tế trang trại. Trừ một số ít trang trại đất do Nhà Nước cấp để trồng cây kỹ nghệ. Số nhiều hình thành do sự sang nhượng đất đai của những người nghèo, những người tự động dời về đô thị . Tư bản, tư hữu bắt đầu tập trung. Từ đó dẫn đến vấn đề thứ ba, hệ luận tất yếu là sự phân hoá xã hội; hố sâu nghèo giàu lớn rộng ngay trong lòng CS.

Vấn đề thứ tư là nhân dân trở về truyền thống dân tộc dược xây dựng chánh yếu trên gia đình và xã thôn. Lễ hội cỗ xưa tự động phục hồi. Xây dựng lại nhà thờ họ, lập gia phả. Tình đồng hương trở thành yếu tố quan trọng. Cụ thể như Cựu Tổng bí thư Lê khả Phiêu đặc biệt tin cẩn và cất nhắc người Thanh hoá.

Gần nửa thê kỷ, Đảng đã phát động không biết bao nhiêu lần cải cách ruộng đất, họp tác hoá nông nghiệp. Đấu tố, tù đày, giết chóc không biết bao nhiêu người ở nông thôn VN ( chiếm không dưới 80% tổng dân số). CS làm đủ cách để đánh bật gốc, bốc tận rễ tinh thần xã thôn tự trị. Nhưng vô ích. Nông dân có nhiều " sáng tạo" thực tiễn và sinh động để chống đối, cụ thể như khoán chui buộc CS Hà nội đi đến giải pháp trả ruộng đất lại cho dân hay là chết vì nghèo nàn, đói khổ. Truyền thống xã thôn không chết và sống mãi. Đình chùa miếu mạo đông nguời. Gia đình đuợc xem là căn bản kinh tế và xã hội. Khảo luận ấy khiến người đọc có cảm nghi CS là những người phá xóm, phá làng VN. Và là những người thất bại nên bó buộc phải Đổi Mới.