Nông dân nghèo, càng nghèo hơn

Một người Việt tị nạn về nước đi thăm làng cũ, trở lại đây kể chuyện rằng anh trông thấy một nông dân đang làm việc dưới ruộng mà trên bờ ruộng dựng một chiếc xe gắn máy, chắc phải là xe của anh ta. Du khách hồi hương nói: "Nông dân bây giờ khá giả lắm."

Nếu đuợc như vậy thì đáng mừng. Những nhận xét kiểu này dựa trên một hình ảnh chạy qua mắt du khách, gây ấn tượng rất mạnh, nhưng có phản ảnh sự thật về toàn cảnh đời sống nông dân Việt Nam hay không?

Hãy coi các con số. Theo số thống kê chính thức của Ngân hàng Thế giới năm 2000 thì Lợi tức bình quân mỗi người ở Việt Nam là 350 đô la Mỹ một năm. Nhưng đó là tính bình quân, hơn bù kém. Nếu có nhiều người hưởng lợi tức cao hơn thì có những người khác lợi tức thấp hơn. Ở Việt Nam, những ai có lợi tức cao hơn?

Theo một công ty nghiên cứu cho các xí nghiệp quảng cáo và tiếp thị, Taylor Nelson Sofres Vietnam thì dân ở thành phố Hà Nội và vùng Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh), tổng cộng khoảng 10 triệu, có lợi tức cao hơn cả. Nhưng tại các thành phố này cũng có mấy tầng lớp khác nhau. Lớp người giàu nhất, từ 4% đến 5% dân hai thành phố, có Lợi tức Bình quân 1,758 Mỹ kim một tháng, tức hơn 21 ngàn đô la một năm. Tầng lớp thứ nhì, khoảng 11% dân số, kiếm đuợc 630 đô la một tháng (7,560 đô la một năm) ở Sài Gòn và 730 đô la một tháng (8,760 đô la một năm) ở Hà Nội. Các hãng quảng cáo đang nhắm vào lớp người có lợi tức cao này, coi như khoảng 1.5 triệu người Việt Nam thuộc loại khá giả. Nếu tính thêm các thành phố lớn và những người giàu có ở các tỉnh nữa thì chắc tầng lớp giàu có này phải lên gần ba triệu. Ngân sách quảng cáo của các xí nghiệp Việt Nam và ngoại quốc đã tăng 20% trong ba tháng đầu năm nay để thu hút những người tiêu thụ này.

Nhưng tất nhiên các hãng quảng cáo không nhắm bán quần áo lót sang trọng hay các loại xe hơi cho bà con nông dân hay thị dân nghèo khó. Trên tờ báo Sài Gòn Giải phóng ngày 2 tháng Bảy, nhan đề "Cảnh báo nghiêm khắc từ thị trường" trình bày các diễn biến kinh tế, xã hội trong sáu tháng đầu năm nay, thì "số liệu điều tra mới đây về thu nhập và chi tiêu của dân cư" cho thấy có 65.89% tổng số dân Việt Nam (50.3 triệu người) có lợi tức dưới mức bình quân 295 ngàn đồng Việt Nam một tháng (Tính ra chỉ có 255 đô la một năm, thấp xa so với con số của Ngân hàng Thế giới.)

Trong số hơn 50 triệu người thu nhập ít hơn 250 đô la một năm này có gần 47 triệu sống ở nông thôn, 3.6 triệu sống ở thành thị. Như vậy thì có bao nhiêu nông dân đủ khả năng mua sắm xe gắn máy, để dựng xe trên bờ ruộng khi đi cày cấy? Không những không có tiền mua xe gắn máy, đến tiền ăn học cho con, tiền khám bệnh, thuốc thang cung không có nữa. Theo báo cáo mới của Ngân hàng Phát triển Á châu thì trong mười năm qua nguời giàu ở Việt Nam bỏ xa người nghèo trong lãnh vực y tế và khả năng cho con đi học.

Cho nên cứ nhìn thấy một cái xe gắn máy trên bờ ruộng rồi kết luận "nông dân bây giờ khá lắm," là quá vội vã.

Không những nông dân Việt Nam nghèo, mà cái nghèo của họ còn nổi bật lên vì sự chênh lệch so với những người giàu ở nông thôn và ở thành thị. Các cuộc nổi dậy của nông dân ở Thái Bình, Thanh Hóa v.v. mấy năm truớc là do nỗi bất mãn của dân nghèo khi trông thấy các cán bộ ngay trong xã mình sắm xe gắn máy, có tủ lạnh, ti vi. Nếu họ biết ở thành phố có hàng trăm ngàn người thuộc giai cấp mới, thu nhập gấp trăm, gấp ngàn lần thì họ nghi sao?

Chính sách kinh tế của đảng Cộng Sản làm cho tình trạng chênh lệch ngày càng rộng hơn. Bài báo trên tờ Sài Gòn Giải phóng kể trên viết về tình trạng "thiểu phát" (ngược lại với lạm phát), "... năm nay thị trường trong nước ngày càng 'lạnh' đi; tháng Một (Giêng) và Hai chỉ số giá tiêu dùng tăng 0.7%, đến tháng Ba giảm 0.7%, tháng Tư và Năm tiếp tục giảm 0.7% ... nhóm hàng lương thực thực phẩm cứ tiếp tục giảm đều và tính chung sáu tháng giảm đến 5.7% ...

Còn tính chung so với 30 tháng gần đây, thì giá lương thực giảm tới 21.4%."

Nhà báo ở Sài Gòn cũng nhìn ra điều này: Khi giá lương thực, thực phẩm giảm, hơn 20% trong hai năm, thì ai bị thiệt thòi? Tất nhiên là bà con nông dân. Họ sản xuất lương thực, mà giá xuống thì họ thiệt. Bài báo kể trên nêu con số: "riêng việc lúa rớt giá làm người nông dân thiệt hại đến 15,000 tỷ đồng" Việt Nam. Trong khi giá lương thực giảm gần 6% trong 6 tháng mà chỉ số giá cả nói chung giảm dưới 1%, có nghĩa là giá các sản phẩm công nghiệp vẫn có nhiều thứ tăng lên. Như vậy thì bà con nông dân thu nhập ít đi mà khi mua hàng công nghiệp vẫn phải trả giá cao hơn, nghĩa là đã nghèo lại càng nghèo hơn, mức chênh lệch càng gay gắt. "Nông dân bị thiệt gấp đôi", như bài báo Sài Gòn Giải phóng của đảng Cộng Sản cung phải thú nhận. Và tác giả cũng phải đồng ý là "cơ chế, chính sách" của đảng Cộng Sản phải chịu trách nhiệm.

NGÔ NHÂN DỤNG