NỖI LO CHO VIỆT NAM

 

Ðại Dương

 

Tổng thống Cộng Hòa Liên Bang Nga, ông Vladimir Putin đã viếng thăm chính thức Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam kể từ 28/2 đến 2/3/2001.

 

Tập đoàn lãnh đạo Hà Nội đã dành những nghi lễ đón tiếp trang trọng nhất cùng tấm lòng hân hoan. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phát biểu trong buổi hội đàm với Putin ngày 2/3 "cuộc viếng thăm là một mốc lịch sữ đánh dấu bước phát triển mới của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống Nga-Việt". Sự cung nghinh nồng nhiệt của tập đoàn lãnh đạo Hà Nội xuất phát từ 2 nguyên nhân chính (1) Liên Xô từng là chủ nhân ông của Cộng sản Việt Nam suốt trong nửa thế kỷ từ tư tưởng cho chí hành động. Và là quốc gia yểm trợ mọi mặt đối với sự khai sinh và thành công của đảng Cộng sản Việt Nam. (2) Hầu hết cán bộ lãnh đạo cao cấp của Hà Nội đều do Liên Xô đào tạo. Hiện tại, trên 2,000 du học sinh cấp đại học và trên đại học ở Nga.

 

Nhưng, dân chúng Việt Nam lại tỏ vẻ hờ hững như nhận xét của ký giả Patrick E. Tyler của tờ New York Times ngày 2/3/01 "đoàn xe chở ông Putin xuyên qua các đường phố không gây được sự chú ý và nồng nhiệt như từng xảy ra đối với Bill Clinton vào tháng 11 vừa qua".

 

Kinh nghiệm lịch sử thương đau của dân Việt đã bộc lộ qua thái độ lạnh nhạt. (1) Thảm họa chập chùng tại Việt Nam bắt đầu từ khi Hồ Chí Minh trao vận mệnh dân tộc vào tay Ðệ Tam Quốc Tế. Năm 1926, ông Hồ dạy cho đệ tử ở Quảng Châu (Trung Quốc) "Chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lenin và Ðệ tam Quốc tế là một đảng Cộng sản thế giới. Các đảng Cộng sản ở các nước như là chi bộ. Việc gì chưa có lệnh và kế hoạch của Ðệ tam Quốc tế thì các đảng không được làm". Trích Tuyển tập Hồ Chí Minh. (2) Tại Ðại hội III (1960), Hồ Chí Minh đã xác nhận vai trò lính xung kích cho Liên Xô. "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một thành viên trong đại gia đình Xã Hội Chủ Nghĩa đứng đầu là Liên Xô vĩ đại. Chúng ta có nhiệm vụ giữ vững vị trí tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở Ðông Nam Á và trên thế giới". Lời cam kết này đã khiến Hà Nội lao vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn gây thiệt hại đến 3 triệu người Việt Nam. Họ tràn qua Cao Miên trên đường tiến xuống Ðông Nam Á và thất bại vì gặp sự chống đối quyết liệt của Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN). Việt Nam lại mất thêm mấy chục ngàn sinh linh trong cuộc chiến Việt-Miên. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Liên Xô đã mang lại đói rách cùng cực cho nhân dân Việt Nam suốt mấy thập niên.

 

Chịu sự chỉ huy của cây gậy Mạc Tư Khoa, đảng Cộng sản đạt được vinh quang nhưng chết chóc, tàn phá, tụt hậu, nghèo đói, nợ nần thì nhân dân Việt Nam phải gánh hết. Vì thế, thái độ của Tập đoàn lãnh đạo Hà Nội và dân chúng tương phản rõ rệt trong việc đón tiếp Tổng thống Putin.

 

Chủ tịch Trần Ðức Lương và Tổng thống Vladimir Putin đã ký bản tuyên bố chung dài 4 trang với 17 điều tập trung vào các điểm chính: hợp tác khoa học kỹ thuật; tăng cường trang bị quốc phòng cho Việt Nam; chống Tây phương, đặc biệt nhấn mạnh đến hệ thống chống-hỏa-tiễn của Hoa Kỳ.

 

Quan trọng hơn hết là ngày 1/3 tại Phủ Chủ tịch, ông Lương và Putin đã ký tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước, hợp-thức-hóa quyết định của Ủy ban liên chính phủ trong phiên họp tháng 12/2000.

 

Tiếp theo, đại diện các cơ quan đã ký 5 hiệp định và văn kiện hợp tác: Nghị định thư về thăm dò và khai thác thềm lục địa Nam Việt Nam; Nghị định thư về kiểm tra pháp lý và hiệu lực của Hiệp định, Hiệp ước từng ký kết: Hiệp định hợp tác Ngân hàng; Bản ghi nhớ về khắc phục hậu quả thiên tai; Hiệp định về tiêu chuẩn hóa và đo lường.

 

Qua các văn kiện ký kết chính thức cùng lời phát biểu cũng đã bộc lộ mục tiêu của Putin trong chuyến Việt du. Chúa trùm Ðiện Cẩm Linh có đạt mục đích hay không? Và Việt Nam được gì trong vụ này?

 

Putin đã làm sống dậy vai trò lính xung kích của Tập đoàn lãnh đạo Cộng sản Việt Nam. Trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân, Putin nói "Việc phát triển mối quan hệ trên tất cả các mặt đối với Việt Nam được chúng tôi coi là một trong những hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga ở Châu Á". Mạc Tư Khoa đã để vuột khỏi tay tên đầy tớ trung thành nhất tại khu vực Ðông Nam Á sau năm 1990 do Liên Xô giải thể. Năm 1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt sang Nga nhằm nối lại mối quan hệ song phương. Putin đã dùng "đối tác chiến lược" hầu cột chặt Hà Nội vào chiến lược tiến xuống vùng Ðông Nam Á của Nga. Mạc Tư Khoa không hề che giấu ý đồ này và Tập đoàn Hà Nội rất hãnh diện. Trong chuyến công du Nga vào tháng 9/2000, Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn lộ cho người Nga tiến vào thị trường Ðông Nam Á. Phát ngôn viên Igor Ivantsov của công ty khí đốt thiên nhiên Gazprom tuyên bố sau khi ký hợp đồng với PetroVietnam "Hợp đồng này là một bước tiến quan trọng dẫn Gazprom làm ăn ở Ðông Nam Á". Rồi đây, Tập đoàn Hà Nội sẽ đua nhau làm hài lòng Mạc Tư Khoa trong vai trò xung kích như thời Liên Xô.

 

Nga sẽ tận lực khai thác tiềm năng thiên nhiên của thềm lục địa phía Nam đồng thời đẩy mạnh việc hợp tác chế biến dầu khí. "Công ty Liên doanh Vietsovpetro được quyền khai thác 100 dặm vuông (37.5 dặm vuông) ngoài khơi miền Nam". Tin Reuters ngày 1/3.

 

Putin chào hàng vũ khí và trang bị quân sự cho Việt Nam nhằm phát triển kỹ nghệ quân sự của Nga. Putin tuyên bố trong cuộc họp báo chung với Lương "Việt Nam không những chỉ cần bảo trì số vũ khí hiện hữu từng mua của Liên Xô và Nga mà còn cần đến vũ khí hiện đại. Việt Nam cần và đủ điều kiện để mua các loại vũ khí mới". Trích New York Times ngày 2/3.

 

Mang theo khẩu hiệu "ổn định và an ninh trong vùng", Putin đã kéo Việt Nam vào mưu đồ chống hệ thống chống-hỏa-tiễn của Hoa Kỳ. Thông cáo chung viết "Việt Nam ủng hộ các nỗ lực của LB Nga nhằm duy trì và củng cố Hiệp ước giữa Liên bang CHXHCN Xô-viết và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về hệ thống phòng thủ chống tên lửa ký ngày 26/5/1972, coi đó là cơ sở để tiếp tục cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược".

 

Tuy nhiên, Hoa Thịnh Ðốn quyết tâm đối với chương trình này qua Bản Tuyên bố của Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 2/3 "Tổng thống cam kết phát triển và thiết trí việc phòng thủ hữu hiệu nhằm chống lại mọi loại hỏa tiễn để bảo vệ lãnh thổ, các lực lượng ở hải ngoại cũng như bạn hữu và đồng minh". Theo New York Times ngày 2/3.

 

Một vấn đề tối quan trọng nhưng lại không nằm trong lịch trình công khai. Ðó là căn cứ hải quân chiến lược Cam Ranh. Có thể vấn đề đã được thảo luận trong vòng bí mật.

 

Năm 1976, Hà Nội đã nhượng hải cảng Cam Ranh cho Liên Xô để trả nợ khí cụ và viện trợ cho cuộc chiến Việt Nam. Phụ tá Chánh văn phòng Ðiện Cẩm Linh Sergei Prikhodko tháp tùng Putin cho biết "Chúng tôi đã ký Thỏa ước năm 1979 với hợp đồng đến năm 2004 được quyền sử dụng hải cảng Cam Ranh không phải trả tiền". Theo Reuters ngày 1/3.

 

Ngày 27/2, Phó Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Losyunov cho thông tấn xã Tass biết có thể lưu giữ căn cứ hải quân Cam Ranh nhưng Hà Nội muốn đòi tiền thêm "Chúng ta cố gắng tìm một giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được mặc dù nó đòi hỏi những cuộc đàm phán khó khăn và lâu dài".

 

Putin đã sử dụng đối tác chiến lược, việc cung cấp vũ khí (thứ mà Hà Nội cần nhất), và số nợ thời Liên Xô nhằm lưu lại Cam Ranh. Tờ China Daily ngày 1/3 trích dẫn lời Phó Thủ tướng Viktor Khristenko "vấn đề nợ nần đã hoàn toàn thanh thỏa". Nhờ Cam Ranh mà những khúc mắc về nợ đã không giải quyết được khi Khải sang Mạc Tư Khoa vào tháng 9/2000 đã xong.

 

Ðối với Nga, Cam Ranh là cửa ngõ để tiến vào vùng Châu Á. Chẳng những hạm đội mà cả đoàn tàu đánh cá cũng dùng Cam Ranh làm hải cảng mẹ.

 

Tập đoàn lãnh đạo Hà Nội phấn khởi về những thành quả gặt hái được qua chuyến viếng thăm của Tổng thống Nga Putin.

 

Ðối tác chiến lược, một lối chơi chữ của đồng minh chiến lược đã giúp cho Hà Nội "làm giá" với Tây phương và các quốc gia Ðông Nam Á. Tuy nhiên, Hà Nội cũng phải thòng thêm câu "không nhằm chống lại nước thứ ba" trong Tuyên bố chung Nga-Việt để thanh minh với Bắc Kinh.

 

Tập đoàn Cộng sản Việt Nam sẽ có điều kiện đe dọa các quốc gia trong vùng dựa vào kho vũ khí tối tân của Liên bang Nga.

 

Nhưng, dân tộc Việt Nam có thể phải gánh chịu những mất mác vô cùng to lớn.

 

1- Khi "đối tác chiến lược" Nga-Hoa tan vỡ thì Việt Nam sẽ rơi vào tai họa như chiến tranh Việt-Miên, biên giới phía Bắc năm 1979. Năm ngoái, Giang Trạch Dân đã đích thân đến Cao Miên và Ai Lao để xây dựng đồng minh.

 

2- Tài nguyên thiên nhiên có thể bị lãng phí trong cuộc chạy đua vũ trang với các quốc gia trong vùng. Dân chúng tha hồ trả nợ cho tham vọng sức mạnh quân sự của Tập đoàn lãnh đạo Cộng sản.

 

3- Hợp tác chặt chẽ với Nga trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật sẽ đẩy Việt Nam xa dần các trung tâm khoa học tiên tiến nhất thế giới. Viễn ảnh tụt hậu sẽ không bao giờ xóa bỏ được.

 

Bằng vào kinh nghiệm lịch sử, nhân dân Việt Nam rất âu lo về đối tác chiến lược Nga-Việt. "Mặc cho truyền thông quốc doanh xưng tụng Mạc Tư Khoa, đặc biệt về yểm trợ chiến tranh chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng phản ứng của dân chúng đối với Putin là im lặng". Trích Reuters ngày 1/3/2001.

 

 Ðại Dương