NÓI DÓC CÓ BẰNG CẤP

 

Hà Nhân

 

Câu chuyện “khôi hài Ðỏ” sau đây do một cán bộ ngoại giao trung cấp của CSVN từng phục vụ nhiều năm tại ngoại quốc kể cả mấy năm tại LHQ kể lại. Xin phóng tác lại để cống hiến quý độc giả.

 

Câu chuyện nói rằng có một năm, cơ quan Văn Hóa Giáo Dục LHQ (UNESCO) tổ chức cuộc thi nói dóc dành cho các quốc gia hội viên và các tổ chức trực thuộc LHQ. Mỗi nước hay cơ quan tham dự chỉ được nói lên một sự kiện gì đó không có thật và biểu lộ tính chất khoác lác ở mức cao nhất. Ban giám khảo sẽ chấm điểm trên tiêu chuẩn chuyện nào ngắn nhất, dóc tổ nhất bằng cách coi bài nào được cử tọa vỗ tay nhiều nhất sẽ trúng giải.

 

Hoa Kỳ phát biểu trước, khoe khoang thành tích dân chủ tự do. Khi trình bầy tình trạng xã hội, không có kỳ thị chủng tộc, cử tọa cười vang phòng họp, vỗ tay lác đác và la ó đuổi viên đại biểu Hoa Kỳ xuống khỏi bục thuyết trình. Các đại biểu Pháp, Anh, Úc, Gia Nã Ðại và mấy nước Âu Châu cùng Nhật đều chịu chung số phận như đại biểu Mỹ.

 

Ðại biểu Cuba khoe khoang thành tích kinh tế dưới tài lãnh đạo anh minh của chủ tịch Fidel Castro, được cử tọa vỗ tay trong khoảng 10 giây đồng hồ. Ðại biểu Trung Quốc nêu lên những công trình xây dựng pháp chế XHCN tại Hoa Lục từ năm 1949, được cử tọa vỗ tay trong nửa phút. Ðại biểu Bắc Hàn vừa nói dứt câu “Nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên dưới quyền lãnh đạo sáng suốt của Chủ Tịch Kim Chính Nhất đã xóa bỏ nạn thiếu lương thực...” Chưa kịp nói dứt câu, cử tọa đã ào ào vỗ tay trong hơn một phút. Phái đoàn Bắc Hàn mỉm cười đắc ý, tin chắc phe mình sẽ đoạt giải vô địch nói dóc.

 

Nhưng giữa lúc ấy đại biểu của chính quyền CSVN bước lên bục. Viên đại biểu này với vẻ mặt khắc khổ, suốt cuộc họp không nở một nụ cười, lớn tiếng, vung tay dằn giọng đọc “Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Ðộc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc..” Tức thì toàn thể cử tọa hàng ngàn người đứng bật dậy vỗ tay vang dội kéo dài 10 phút chưa dứt mặc dù chủ tọa nhiều lần gõ búa yêu cầu mọi người giữ im lặng.

 

Kết quả, CSVN chiếm giải nhất, nước trúng giải nhì là Bắc Hàn, giải ba dành cho Trung Cộng, giải an ủi dành cho Cuba. Các nước khác bị loại. Hoa Kỳ đứng trong 10 nước được xếp hạng chót.

 

Trong 26 năm qua từ khi CSVN chiếm trọn Miền Nam, đã có nhiều chuyện khôi hài châm biếm chế độ, phải kể đến hàng ngàn hay hàng chục ngàn, được sáng tác và lưu truyền. Nơi trao đổi những chuyện này phổ biến nhất là các quán cà phê ở Hà Nội và Sài Gòn. Mục tiêu của hầu hết những mẩu chuyện dí dỏm này là nhằm vào tật nói dóc của cán bộ Cộng Sản từ cao đến thấp.

 

Tuy nhiên đôi khi với óc hài hước bẩm sinh, người ta còn có thể tìm thấy những mẩu tin hay những đoạn văn trong các bài bình luận chính trị trên báo chí và đài truyền thanh, truyền hình của nhà nước CSVN làm cho độc giả phải bật cười. Hoặc cười vui vẻ như khi bị con ruồi đậu lên sống mũi, hoặc vừa cười vừa chửi thề như khi lỡ dẫm phải một đống chất thải do một chú chó nhà ai phóng uế trên bãi cỏ nhà mình.

 

Thí dụ như bài tường thuật về Ðại Hội 9 Ðảng CSVN khai mạc hôm Thứ Tư 19/4/2001 tại Hà Nội đăng trên báo Lao Ðộng ngày 20/4/2001. Dưới tiêu đề “Thủ đô náo nức trong ngày khai mạc Ðại hội Ðảng” bài báo viết như sau: “Trong không khí náo nức chào mừng Ðại hội Ðảng, mỗi người dân, từ những em bé mới 4-5 tuổi đến người dân lao động, những trí thức trẻ đều đặt nhiều kỳ vọng vào đội ngũ lãnh đạo của Ðảng...”

 

Ðọc đoạn văn trên, có thể có người sởn tóc gáy vì các em bé Hà Nội mới bốn hay năm tuổi mà đã biết đặt nhiều kỳ vọng  vào đội ngũ lãnh đạo của đảng thì quả là phép lạ, là chuyện thần kỳ, như Phù Ðổng Thiên Vương tái thế. Nếu Việt Nam có những thần đồng chính trị như vậy thì chỉ trong “vài ba cái kế hoạch 5 năm nữa, Việt Nam sẽ tiến bộ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hơn cả Nhật và Pháp,” nói theo ý của cố Tổng Bí Thư Lê Duẫn khi ông này phát biểu trong một dịp hội họp cuối năm 1975.

 

Nhưng đọc kỹ bản tường thuật trên, người ta mới hiểu rõ câu chuyện. Té ra bài tường thuật được thực hiện tại Trường Mẫu Giáo Minh Hải, Hà Nội. Cô giáo Thu cho biết các em các cháu mẫu giáo hỏi cô trong mấy ngày qua rằng tại sao nhà nào cũng treo cờ và đường phố có nhiều cờ thế? Cô Thu giải thích đó là để chào mừng Ðại hội Ðảng. Buổi chiều về nhà, các cháu đều nằng nặc đòi bố mẹ mua cờ về treo. Một bé trai con của diễn viên cải lương Quách Xuân Cương còn bắt bố không được treo cờ cũ mà phải treo cờ mới. Một bé trai 4 tuổi giục mẹ treo cờ nhanh lên và còn đi dọc hành lang nhắc nhở các bác hàng xóm treo cờ. Sáng 19/4/2001 không ít các cô cậu tuổi mẫu giáo cầm theo những lá cờ nhỏ khi đi học.

 

À ra thế. Chắc hẳn nhiều độc giả ở Việt Nam đã lo lắng khi chưa đọc hết bài phóng sự. Nếu nhà nước đưa các em này ra làm điển hình thi đua học tập chính trị cho tuổi mẫu giáo thì phụ huynh các em có thể sẽ phát điên vì lo sợ một ngày gần đây con mình sẽ gọi mình bằng anh chị, sẵn sàng phê bình nghiêm khắc bố mẹ chúng về mọi vấn đề sinh hoạt gia đình và xã hội. Và luật bầu cử có thể sẽ cho hạ tuổi đi bầu xuống cỡ học sinh lớp 3.

 

Nhưng may mắn đây chỉ là chuyện nói dóc có giấy phép. Ngay từ năm1957 khi bắt đầu xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp ở Bắc Việt, báo Nhân Dân đã đăng tin một HTX ở Trung Quốc đạt năng suất 200 tấn một mẫu tây một năm, nghĩa là 20 kí lúa mỗi thước vuông. Theo tin này, lúa mọc và đậu hạt dầy đặc đến độ ném một cục gạch 5 kí lên cao hết sức mình, khi rơi xuống cục gạch không thể xuyên quá lớp lá lúa dầy để chạm đất. Nhưng 47 năm sau, Trung Quốc vẫn đói dài.  Gần 26 năm về trước khi các viên chức, sĩ quan, nhân sĩ VNCH bị tập trung vào các trại giam sau ngày 30/4/75, một số các vị này cũng đã chứng kiến thói bịa đặt của báo chí VC. Tại trại Hóc Môn, một hôm có phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng vào thăm, ngồi nói chuyện bâng quơ với các cựu sĩ quan VNCH. Ngày hôm sau đọc bài tường thuật của tên phóng viên này, anh em đều sửng sốt vì nó đã bịa đặt 99% về những gì anh em phát biểu.

 

Trong một đoạn, tên phóng viên này gán cho một cựu Thiếu Tá lời lẽ đại khái như sau: “Lúc chưa được giải phóng, sáng dậy có thằng bồi mang cà phê vào phòng cho tôi uống trước khi ra khỏi giường....” và những giọng điệu tương tự để vẽ ra hình ảnh người sĩ quan VNCH giống như những ông quan Tây thực dân hống hách ngày xưa. Lúc tên này trở vào thăm trại sau đó mấy ngày, y bị anh em xúm lại phản kháng, nhưng y tìm cách dông thẳng ra cổng trại.

 

Nói dóc có bài bản, có giấy phép đem lại cái lợi là lừa bịp được người dân ít học, và khi người ta vừa quên chuyện nói dóc cũ thì lại có ngay chuyện khoác lác hay láo lếu khác châm vào. Người dân lâu ngày cũng quên chuyện cũ và sẵn sàng bị lừa dối lần nữa.

 

Bản báo cáo chính trị đọc trước Ðại Hội 9, cũng chứa đựng những lời khoác lác cố hữu trong phần nhận định về các thành tích thực hiện theo nghị quyết của Ðại Hội 8. Mặt nào cũng tốt, nhưng ở phần nói về khuyết điểm thì những mặt này lại là xấu. Ðến phần đường hướng mới, những mặt này được dành cho các mục tiêu cũng mơ hồ như phần ưu khuyết điểm.

 

Nói tóm lại, nếu chỉ đọc bản Báo Cáo Chính Trị của ÐH9 thì người ta chỉ thấy nó là văn bản sặc mùi nói dóc, nhằm tác dụng tuyên truyền. Chỉ có điều khác là ngôn ngữ tuyên truyền trước kia trong chiến tranh khi dân trí còn thấp đã tạo được những tác động đáng kể. Nhưng ngày nay dân chúng không còn khờ dại như xưa, mà còn dùng lối làm phóng sự bịa đặt, đại ngôn, phóng lớn sự kiện thì không cần hỏi tại sao công an bộ đội ngày càng chán nản tiêu cực. Và dân chúng ngày càng xa rời với chính quyền.

 

Cổ nhân thường nói về “khẩu nghiệp”. Các lãnh tụ CSVN leo lên địa vị thống trị bằng cách nói dóc thế tất phải chịu hậu quả của cái khẩu nghiệp do họ gây ra.

 

 Vả lại kể cũng đáng thương hại cho các cán bộ tuyên vận của CSVN. Không khoe mẽ, nói dóc thì biết nói và viết cái gì bây giờ?