NÓI CHUYỆN VỚI BẠN TRẺ  

                              

Dẫu cường nhược có lúc khác nhau,

Song hào kiệt đời nào cũng có.

(Nguyễn Trãi, Bình Ngô Ðại cáo, 1428)

Nói Về Kinh Nghiệm

Tôi vẫn tự nhận là một người trẻ, nhưng bị cho là già, vì cái tội đã sống gần 75 năm rồi. Là một người trẻ sống lâu, tôi cũng tự cho mình có nhiều kinh nghiệm hơn những bạn trẻ, trẻ hơn tôi. Tôi khoe có “kinh nghiệm”, nhưng không dám khoe mình giỏi, mà chỉ để xác nhận là đã học hỏi nhiều từ trường đời. Nhờ ở trường đời mới học hỏi được những gì mà không có cao học hay đại học nào dạy cả. Nhờ ở trường đời, mới có dịp gặp các vị tiền bối đàn anh đàn chị giầu kinh nghiệm để học hỏi, để tranh đấu, để đạt kỳ vọng, để dấn thân. 

“Kinh nghiệm” thường được dùng thay cho danh từ “thất bại”. Thật vậy, người sống lâu có cái quyền gọi “thất bại”“kinh nghiệm”. Vả lại, nếu tôi nói với các bạn về những “thất bại” của tôi thì các bạn đâu có muốn nghe. Phải không?

Vì vậy, tôi cũng phải lạm dụng một chút, nói với các bạn rằng nhờ đã sống lâu, tôi có nhiều kinh nghiệm và tôi muốn dựa vào những kinh nghiệm này để nói chuyện với các bạn.

Muốn tô son cho đẹp hơn nữa, tôi có thể gọi đó là “kiến thức” để tỏ với các bạn là tôi “biết nhiều”.

Các bạn thấy không, tôi có thể đổi "thất bại" thành "kinh nghiệm" rồi thành "kiến thức". Với “kiến thức” này tôi muốn nhắc nhở với các bạn về những khó khăn và hy sinh mà 5, 6 thế hệ dân tộc ta đã gặp phải từ hơn một thế kỷ nay, chỉ vì hai chữ “Tự Do”.

Các bạn đang sống ở nước dân chủ Tây phương, các bạn đang được sống tự do, rất khó cho các bạn hiểu nổi “mất tự do” là như thế nào.  

Ðã phải sống dưới sự đàn áp của thực dân đế quốc, đã phải sống dưới ách kềm kẹp tàn bạo của ý thức hệ ngoại lai xã hội chủ nghĩa, đã bị khủng bố cả về thể xác lẫn tinh thần, đã phải chứng kiến cảnh đồng bào bị hành hạ, bị đấu tố thì mới thấu hiểu nổi tại sao có những người, tay không một tấc sắt, dám đứng lên chống bạo lực.

Trước kia, có Phan Bội Châu, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, vân vân, đương đầu với thực dân Pháp; gần đây, có Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, vân vân, thách đố chế độ cộng sản. Và nhiều người khác nữa, vô danh cũng như hữu danh, hy sinh tính mạng, chỉ vì haiữ “Tự Do”.

Những vị này đã bỏ mình vì “Tự Do”, không phải tự do cho bản thân mình, mà vì tự do của đồng bào, của người khác.

Phần đông, họ là những người trẻ như các bạn vậy.

Họ đã “thất bại” trong hành động, nhưng “thất bại” của họ là những bó đuốc soi đường cho những người đi sau. Họ đã hy sinh bản thân cho nên “thất bại” của họ là tấm gương anh dũng. Không phải là “kinh nghiệm”.

Nói đến những khó khăn gặp phải từ hơn thế kỷ nay trong công cuộc tranh đấu cho tự do, là nói đến lịch sử của một dân tộc bất khuất. Dù tình thế khó khăn đến đâu, vẫn có người đứng lên đối đầu. 

Nói Về Thế Hệ Trẻ Hải Ngoại

 

Ở hải ngoại, có trên 2 triệu người Việt tị nạn cộng sản. Là một khối người kết thành bởi ý chí yêu chuộng tự do, đã bỏ quê hương, giao tính mạng cho biển cả, để mong được trôi giạt tới bờ tự do.

Vào năm 2000, khối người Việt hải ngoại này đã tạo được khoảng 300.000 nhân tài trẻ đủ các ngành: điện tử, y học, luật học, văn học, quản trị, vân vân.., đang đóng góp cho sự thịnh vượng chung của các nước nơi mình trú ngụ.

Và từ đám nhân tài này nhiều nhóm đã xuất hiện tranh đấu cho tự do của đồng bào trong nước. Phần đông họ đều “nhập gia tùy tục”, vận động dư luận quốc tế theo với tục lệ chính trị và xã hội của nơi mình trú ngụ. Nhờ thế mà công cuộc tranh đấu đã thu hút được sự hỗ trợ của giới lập pháp, hành pháp, nhân sĩ, và tổ chức tư của các nước dân chủ như Hoa Kỳ, Úc, Pháp, cho phong trào đòi tự do dân chủ cho Việt Nam, tố cáo cộng sản Hà Nội vi phạm nhân quyền.

Giới trẻ hải ngoại tổ chức hàng ngũ dưới những danh xưng khác nhau, nhưng mục tiêu thì đồng nhất: là Việt Nam phải có dân chủ và người dân phải được hưởng những tự do căn bản.

Khi có nhu cầu thì các đoàn thể trẻ đã thống nhất sinh hoạt, cùng một ý định, cùng một lập trường. Những lần đi bộ gây quỹ cứu lụt, hoặc giúp đồng bào ở trại Palawan, hay tổ chức Chợ Tết, hoặc chống sự hiện diện của hình Hồ Chí Minh và cờ cộng sản, vân vân.., đều được đồng bào các giới hưởng ứng tham gia nồng nhiệt. 

Ðến đây, thiết tưởng cũng tạm đủ để xác nhận sự có mặt của giới trẻ trong công cuộc tranh đấu cho tự do của dân tộc ta, một cuộc tranh đấu đã kéo dài nhiều thế hệ.

Nói Về Những Khó Khăn

Nỗ lực của các bạn trẻ cũng gặp nhiều khó khăn xuất phát từ cộng đồng hải ngoại. Các bạn bị chỉ trích, bị nghi ngờ, bị đố kỵ. Các bạn không hiểu tại sao bị thế hệ đi trước trách cứ. Ðã có bạn chán nản bỏ cuộc.  

Ở đây, tôi thử cố giải thích hiện tượng này với các bạn để trước là cùng nhìn vấn đề như là một phần khuyết điểm của bản chất con người và, thứ là một khi đã hiểu rồi thì có thể tránh những mâu thuẫn xích mích giữa thế hệ trẻ và già, nhằm tạo cơ hội dung hòa hợp tác lâu dài.

Trước hết, các bạn cần ghi nhận là thế hệ cha ông, chú bác đã phải trải qua một thời gian dài của đời họ. Họ đã tiếp nối sự nghiệp tranh đấu cho lý tưởng dân tộc mà cha ông họ đã khởi sự từ cuối thế kỷ 19. Họ đã gặp gian nan, đã chứng kiến cha mẹ, bạn bè, thân thuộc, đồng đội, đồng chí bị bắt bớ, bị tù đày, bị hành quyết. Họ đã phải đối đầu với bạo lực của thực dân Pháp, của quân phiệt Nhật, và sự tàn ác dã man của cộng sản.

Dù bạn nào có cha ông sống sót với những kinh nghiệm kinh hãi này, chắc bạn cũng chẳng được nghe cha ông kể lại, chỉ vì sự thật quá hãi hùng đến mức khó tin nổi con người lại có thể đối đãi với con người như vậy. 

Nói Về Phim “Saving Private Ryan”

Chắc các bạn còn nhớ hồi năm 1998, có phim “Saving Private Ryan”. Phim này diễn tả khá trung thực những cảnh chiến đấu khốc liệt của Thế Chiến 2 vào giai đoạn quân Ðồng Minh đổ bộ ở Normandie ngày 6.6.1944, chú trọng vào một tiểu đội được giao công tác đi tìm anh binh nhì Ryan với mục đích báo cho anh ấy biết lệnh tối cao cho phép anh được giải ngũ về với mẹ già, lý do vì anh là người duy nhứt sống sót trong số 4 anh em tòng ngũ.

Phim này đã làm chấn động dư luận Mỹ. Những người có cha sống sót Thế Chiến 2, đã giật mình khi thấy được trong phim “Saving Private Ryan”, những cảnh chiến sự mà chắc chắn là cha mình đã phải trải qua những ngày tháng khủng khiếp của chiến tranh, mà tại sao cha mình không hề đả động tới.

Chính nhờ phim này mà cả một thế hệ đã thức tỉnh và ra sức tìm hiểu sự hy sinh tột bực của cha ông mình. Họ thắc mắc tại sao cha ông mình không hề nhắc tới những chiến công hào hùng. Họ cũng nhận thấy rằng cái hào quang được chứng nhận bằng những anh dũng bội tinh không thể xóa bỏ nổi kinh nghiệm hãi hùng. Cha ông họ đã chứng kiến bạn đồng đội ngã gục mỗi ngày như thế cho đến ngày đình chiến. Cha ông họ chỉ là kẻ sống sót.

Ký giả nổi tiếng Tom Brokaw của NBC đã viết một bài tường trình mà ông thú nhận rằng nhờ phim “Saving Private Ryan” ông đã tìm hiểu và khám phá được một người cha anh dũng mà ông đã không biết trước kia.

Xin lỗi các bạn tôi phải dài dòng về một cuốn phim. Tôi nêu chuyện này để nói với các bạn về một thế hệ người Mỹ đã ngẫu nhiên có cơ hội hiểu biết thế hệ cha ông, hiểu được sự hy sinh to lớn của cha ông, để từ đó có một thái độ mới, thái độ cảm kính cha ông mình.

Chuyện này của người Mỹ cũng trùng hợp với chuyện của chúng ta. Mà chuyện của chúng ta thì dài hơn nhiều, khủng khiếp hơn nhiều, đau thương hơn nhiều, và còn đang tiếp diễn đầy tiếng khóc âm thầm ở quê hương ta.

Trở lại câu chuyện tôi muốn nói với các bạn. Rút tỉa từ chuyện của người Mỹ với phim “Saving Private Ryan”, tôi có thể đoan chắc với các bạn là những sự trách cứ, đố kỵ, chĩa vào các bạn không phát xuất từ những cha ông đồng hạng mà ông Tom Brokaw đã nhắc nhở cho cả nước Mỹ nghe, và cho cả thế giới chú ý.

Vì thế, các bạn không nên bận tâm hoặc chán nản bỏ cuộc vì làm như vậy là vô tình thua kẻ thù chung đang ngự trị ờ Hà Nội trong một thế cờ có thể do bọn họ bầy ra để chia rẽ hải ngoại. 

Ðến đây, nếu các bạn cảm thấy phần nào “dễ thở” đôi chút, thì coi như là tôi đã gợi chuyện một cách hợp lý.

Vậy, xin nói tiếp.

Nói Về Ðộng Lực

Thế hệ nhiều tuổi như tôi đã may mắn (hay không may mắn) là chứng nhân mắt thấy tai nghe cảnh đồng bào bị thực dân Pháp ức hiếp, rồi đau đớn hơn nữa là cảnh cả dân tộc ta bị hành hạ tàn nhẫn bởi một nhóm người áp đặt chủ thuyết ngoại lai “xã hội chủ nghĩa”, và đất nước ta bị họ buộc luôn với tĩnh từ này.

 

“Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa” là nghịch cảnh ngày đêm nhắc nhở sự có mặt của kẻ thù chung. Ðối với thế hệ cha ông các bạn, “chống cộng” bao hàm ý nghĩa cao cả diễn tả kỳ vọng và lý tưởng xây dựng tự do.

Còn các bạn, các bạn không thấy kẻ thù ở đâu. “Chống cộng” mà cha ông hô hào đối với các bạn chỉ là lời hô hào, không làm cho các bạn mất ăn mất ngủ. Nghe mãi, “chống cộng” trở thành xa vời đối với các bạn.

Không tạo nổi động lực để kích thích giới trẻ phần nào cũng là lỗi của thế hệ đi trước.

Nếu có được một biến cố như “Saving Private Ryan” thì hay quá. Ồ, nhưng biến cố Trần Trường chẳng đã huy động đồng bào hải ngoại là gì? Giới trẻ đã tích cực đóng góp. Ðã đứng lên đáp lời sông núi. Thế rồi phong trào tranh đấu chống bạo quyền Hà Nội đang lên thì bị chỉ trích tấn công để phải xẹp dần dần.

Một lần nữa, guồng máy phản gián của VC ở hải ngoại đã thành công phá rối chia rẽ cộng đồng. Nhưng VC vẫn không thể nào công khai dựng được lá cờ máu ở bất cứ đâu có đồng bào tị nan.

Xin lỗi các bạn. Tôi phải kể lể vòng vo Tam Quốc. Nhưng phải như thế để cho câu chuyện có đủ các yếu tố cần thiết, đủ mắm đủ muối.

Tôi rất vui mừng được có mặt ở nhiều sinh hoạt của các bạn, và do đó tôi đã hiểu biết và kính mến các bạn nhiều hơn. Tôi tin rằng từ hàng ngũ của các bạn sẽ có nhân tài cấp lãnh đạo xuất hiện trong tương lai. Nhưng con đường tới đó đòi hỏi phải kiên nhẫn đối phó với mọi thử thách.

Vai trò của các bạn trong tương lai đất nước cần được chuẩn bị cho ăn nhịp với trào lưu tiến bộ quốc tế. Mà trào lưu này gần như hoàn toàn là sách lược của 7, 8 nước tiến bộ đang kiểm soát vận mệnh kinh tế thế giới. Nhóm các nước này được gọi là G-7 (Anh, Mỹ, Pháp, Ðức, Ý, Nhật, Canada), có khi là G-8 nếu Nga được tham gia vì lý do Nga mạnh về vũ khí nguyên tử chứ không phải mạnh về kinh tế như G-7.

Nói Về “Diễn Biến Hòa Bình”

Chắc các bạn đều quen thuộc với đề tài “diễn biến hòa bình”, là chiến thuật của Mỹ đối với mấy nước cộng sản sót lại, đặc biệt đối với Trung Cộng và Việt Nam . Tổng thống Clinton gọi nó là “peaceful evolution” vào một dịp khi ông nêu vấn đề bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với VC. 

“Peaceful evolution” nằm trong chính sách của Mỹ phục vụ cho quyền lợi của Mỹ, là kế hoạch giúp tư bản xâm nhập vào Việt Nam một cách ôn hòa.

Hoa Kỳ áp dụng một chính sách nào đó là để đáp ứng nhu cầu chiến lược hoàn cầu của nước này. “Peaceful evolution” là một phần siêu chiến thuật theo với tình trạng hậu chiến tranh lạnh của Mỹ. 

TT Clinton không áp dụng kế hoạch này để làm lợi cho dã tâm xã hội chủ nghĩa chuyên chế của cộng sản Hà Nội.   

Ông Clinton cũng không có ý thỏa mãn một số chính khách Việt ở hải ngoại mong muốn Mỹ áp lực CSVN chia quyền với các nhóm không cộng sản.

Tất cả những phỏng đoán khác có ý đồ tư lợi, muốn tự cấp cho mình một vai trò trong cái “diễn biến hòa bình” này đều là ảo tưởng. 

Riêng cộng sản Hà Nội thì cho rằng “diễn biến hòa bình” là kế hoạch của đế quốc Mỹ muốn làm thịt họ. Có thể đúng. Chắc chắn phần nào là CSVN đang được vỗ béo để chờ ngày bị cắt tiết.

Khi có nhu cầu thay thế bọn cộng sản để tư bản Tây phương dễ hoành hành thì việc đó sẽ xảy ra, và xảy ra dưới nhiều dạng khác nhau. Phải tinh mắt thính tai mới nhận ra được.

Còn như nếu CSVN chắp tay chịu nhục xin “hợp tác”, nghĩa là chịu làm tay sai cho thế lực đô-la, sẵn sàng cung cấp lao công rẻ tiền và mở rộng thị trường tiêu thụ theo sự đòi hỏi của các xí nghiệp ngoại quốc thì giấy khai tử sẽ được giữ lại ít lâu nữa.

Nhưng việc cộng sản Hà Nội cúi đầu phục tòng thế lực tư bản sẽ mang lại hậu quả tai hại cho Việt Nam mà dân tộc ta sẽ phải gánh chịu.

Vì vậy, các bạn trẻ cũng nên chú trọng tới vấn đề này như là một vấn đề quan trọng cần phải đối phó như thế nào để vai trò của tư bản ngoại quốc ở Việt Nam sẽ phải đóng góp đúng mức và hữu ích cho đất nước.

Các bạn không thể về Việt Nam trong lúc này để thực hiện ý muốn, nhưng các bạn có thể vận động các giới lập pháp và hành pháp Mỹ nhờ họ hỗ trợ cho công cuộc tranh đấu của các bạn.

Chắc chắn các bạn sẽ có nhiều đồng minh. Xin nhắc lại là hồi tháng 9 năm 1999, đại hội WTO (Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới) ở Seattle, đã bị chống đối dữ dội. Sau đó ở Geneva đã có sự phản đối IMF và World Bank. Những người chống đối đã nhấn mạnh nguy biến sẽ xảy ra cho các nướcèo do kế hoạch “hoàn cầu hóa” (globalization).

Nói Về “Globalization”

Khi danh từ “globalization” được nêu ra lần đầu, nghe có vẻ xuôi tai với tất cả những hứa hẹn phát triển kinh tế của nó. Nhưng ngẫm nghĩ tìm hiểu thêm thì đâm ra lo lắng. Lo lắng vì nó có vẻ giống cái “colonialism” (chủ nghĩa thực dân) của thời trước.

Vào thế kỷ 18 và 19 các nước Âu Châu đều có hải quân hùng mạnh. Thỉnh thoảng giữa họ cũng có đụng độ. Nhưng họ có quyền lợi chung là thuộc địa ở Phi Châu, Trung Ðông, và Á Châu. Họ là những thế lực thực dân (colonial powers) đã thỏa hiệp và cấu kết với nhau để chia cắt thế giới.

Tại các nước bị trị như Việt Nam, Ấn Ðộ, Algeria, Arabia, vân vân, đã có những cuộc nổi dậy nhưng đều thất bại.

Tình thế đã thay đổi hẳn với Thế Chiến 2. Trong giai đoạn đầu, những nước thực dân đế quốc như Anh, Pháp, Bỉ, Hòa Lan, vân vân.., đã bị Ðức và Nhật đánh bại và bị chiếm đóng nhục nhã. Dù Ðức và Nhật thua trận nhưng chủ nghĩa thực dân không hồi sinh nổi.

Thế Chiến 2, vào giữa thế kỷ thứ 20 các thế lực thực dân đế quốc đã bị khai tử. Một loại thực dân đế quốc mới, cộng sản chuyên chế, thả câu nơi nước đục, đã chiếm được nửa thế giới, nhưng rồi cũng tự nó tan rã. 

“Globalization” cũng như “colonialism” có những điểm trùng hợp dễ sợ.

Cả hai đều do các cường quốc giàu có chủ trương. Cả hai đều coi các nước nghèo là đối tượng khai thác. Cả hai đều muốn lợi dụng nhân công rẻ để chế tạo sản phẩm tiêu thụ. Cả hai đều muốn có thị trường mới cho hàng hóa của họ. Cả hai đều khẳng định kiếm lời là chính, không thèm điếm xỉa tới tự do nhân quyền của người dân.

TT Clinton đã tuyên bố “No linkage between trade and human rights”, để nhấn mạnh rằng kiếm tiền là kiếm tiền chứ không dây dướng gì đến nhân quyền cả.

Chỉ có một điểm khác là trước kia, “colonialism” cai trị trực tiếp bằng sức mạnh của quân đội hoặc gián tiếp qua những vua quan bản xứ. Còn bây giờ, như ở Việt Nam, thì “globalization” sử dụng đô-la để thực hiện ý đồ.  

Ðiều khôi hài là chính cộng sản Hà Nội kêu cầu thỉnh mời tư bản Âu Mỹ vào Việt Nam tận dụng, nghĩa là bóc lột nhân công rẻ.

Karl Marx đã tố cáo chủ nghĩa tư bản là chủ trương chính sách “người bóc lột người”. Bây giờ con cháu của Marx ở Việt Nam lại kính mời tư bản tới “bóc lột nhân dân”.

Kết Luận Câu Chuyện Hôm Nay

Câu chuyện của tôi với các bạn hôm nay chỉ có tính chất gợi ý. Những gì tôi nêu ra đều có dụng ý lôi cuốn sự chú trọng của các bạn tới những khía cạnh ít được quan tâm tới.

Cộng đồng hải ngoại cũng như một nước, có những sinh hoạt từ cấp xã đến cấp quốc gia. Tranh chấp ồn ào náo động cũng như hoạt động âm thầm lặng lẽ phải được coi là lối sống thông thường của một xã hội dân chủ. Vui có, bực mình có.

Nếu ở cấp xã có sự tranh dành chức lý trưởng hay mõ làng, hoặc cảnh nhanh tay chụp miếng phao câu hay đầu cánh, hoặc tiếng la réo ca thán của chị mất gà, thì ở cấp tỉnh và thủ đô cũng có những vận động ảnh hưởng tới nghị trường và quốc hội.

Tôi mong rằng những đề tài như “Peaceful Evolution”, “Globalization”, hay cả “Saving Private Ryan” sẽ được các bạn chú ý tới vì đây mới là những gì sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến đất nước ta sau này, và cả tới đất nước mà các bạn đang trú ngụ.

Rất mong được học hỏi từ các bạn.  

Trần Ðức Thanh-Phong 

Trung Thu năm 2000  

tr.phong@ix.netcom.com