NHỮNG CHẶNG ÐƯỜNG THẢM BẠI

CỦA CSVN

 

Ðại Dương

 

Năm nay Nhà nước Việt Nam không tổ chức kỷ niệm rình rang ngày thành lập đảng Cộng sản. Thay vào đó là phần ôn tập lịch sử đảng Cộng sản với hai nội dung: Thi viết về "Ðảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, đất nước phồn vinh tiến vào thế kỷ 21" do báo Nhân Dân và Tiền Phong tổ chức sẽ phát giải thưởng vào ngày 11-4-01; phổ biến tóm lược các Nghị quyết Ðại hội cũng như những bài viết của Hồ Chí Minh liên quan đến đoàn kết và vận động quần chúng.

 

Mục đích của chiến dịch nhằm kêu gọi sự đoàn kết đang rạn nứùt trầm trọng trong nội bộ đảng cũng như giữa đảng và dân chúng.

 

Duyệt lại các Nghị quyết Ðại hội từ ngày Cộng sản thống trị toàn bộ xứ sở trong khung cảnh hòa bình và so sánh với thành quả cụ thể hầu xác định rõ ràng những chặng đường mà đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền đã lôi dân tộc đi qua.

 

Ðại hội IV họp tại Hà Nội từ ngày 14 đến 20-12-1976 "khẳng định con đường cả nước thống nhất đi lên CNXH, đó là con đường phát triển vì đất nước phồn vinh, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân..vạch ra đường lối chung của cách mạng XHCN và phương hướng, nhiệm vụ xây dựng CNXH trên cả nước, chỉ rõ đường lối kinh tế đẩy mạnh công nghiệp hóa XHCN, xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật của CNXH đồng thời nhấn mạnh xây dựng Ðảng ngang tầm nhiệm vụ mới".

 

Tại Ðại hội này, danh xưng đảng Lao Ðộng Việt Nam từng dùng lừa bịp quốc dân và dư luận thế giới đã bị gạt bỏ để trở về đúng bản chất đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Hà Nội viết ra Nghị quyết này dựa vào hào quang chiến thắng quân sự bất chấp yếu tố khách quan. Do đó, đảng Cộng sản phải chuốc lấy thảm bại.

 

1- Về mục tiêu "đất nước phồn vinh, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân". Ðất nước lâm vào cảnh khốn cùng sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội IV như đánh giá của Nghị quyết Ðại hội V họp từ ngày 27 đến 31-3-1982 "Khủng hoảng kinh tế - xã hội xuất hiện". Chiến lợi phẩm tịch thu của Việt Nam Cộng Hòa đã phung phí vào mục tiêu xã hội chủ nghĩa hoang tưởng. Ðất nước chẳng những không-phồn-vinh mà lại con tang thương vì hận thù giai cấp do chế độ phát động và nuôi dưỡng. Người đối xử với người trên căn bản thù hận hơn là bằng tình nghĩa đồng bào. Ngô khoai thay cho cơm gạo; rau rá thay cho thịt cá mà đám thường dân phải chịu đựng dưới ánh sáng của Nghị quyết Ðại hội IV. Hơn triệu người, hàng ngàn năm ôm ấp lũy tre làng, đành liều chết đi tìm hạnh phúc bên ngoài thiên đường Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

 

2- Về mục tiêu "xây dựng chủ nghĩa xã hội..đẩy mạnh công nghiệp hóa XHCN, xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật của CNXH". Hà Nội đã rập khuôn mô hình hợp-tác-hóa của Liên Xô bằng cách cưỡng bách dân chúng gia nhập hợp-tác-xã; thành lập nhiều nông trường, xí nghiệp quốc doanh; coi kỹ nghệ nặng là then chốt. Sau 5 năm thực hiện, mô hình hợp-tác-hóa đã đổ vỡ buộc "Ban Bí thư Trung ương phải ra Chỉ thị 100CT/TU nhằm khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã". Theo đánh giá của Ðại hội V. Ðiều này minh chứng rõ ràng hoạt động của hợp-tác-xã không-hữu-hiệu. Các công trường, nông trường tập thể không làm ra đủ sản phẩm cung ứng cho xã hội. Hòn đá tảng của chủ nghĩa cộng sản không tạo nổi tiền đề để cho người ta có thể tin vào khẩu hiệu "làm tùy sức, hưởng tùy cầu". Ðược sự viện trợ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em về kỹ thuật, kinh nghiệm và cố vấn để đẩy mạnh công nghiệp hóa XHCN. Nhưng sản phẩm làm ra không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong xã hội. Nhà máy to lớn cồng kềnh, sử dụng nhiều công nhân nhưng năng suất quá thấp, chất lượng tồi tệ. Khi những nhà máy, tư liệu sản xuất tịch thu được của Việt Nam Cộng Hòa đã lão hóa cũng là lúc cơ sở vật chất-kỹ thuật xã hội chủ nghĩa rơi vào tình trạng trì trệ triền miên.

 

3- Về "xây dựng Ðảng ngang tầm nhiệm vụ mới". Ðại hội V đánh giá khả năng thực hiện Nghị quyết Ðại hội IV "công tác lãnh đạo của Ðảng và quản lý kinh tế, quản lý của Nhà nước phạm nhiều khuyết điểm". Lãnh đạo đảng Cộng sản đứng đầu là Tổng bí thư Lê Duẩn đã không hoàn tất nhiệm vụ đề ra. Ðiều đó có nghĩa là mặc dù gắng sức xây dựng suốt 5 năm, đảng vẫn không ngang tầm với nhiệm vụ mới.

 

Ðại hội V nhóm họp từ ngày 27 đến 31-3-1982 và Lê Duẩn lại được tái cử vào chức Tổng Bí thư mặc dù không thực hiện được các mục tiêu chủ yếu của Nghị quyết Ðại hội IV. Vì thế, Nghị quyết Ðại hội V vẫn mang nội dung "Xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN..tiếp tục thực hiện đường lối XHCN và đường lối xây dựng CNXH của Ðại hội IV".

 

Tập đoàn Hà Nội cứ nhắm mắt mà hô khẩu hiệu khiến cho "tình hình kinh tế, nhất là thị trường, giá cả tiếp tục diễn biến xấu, tiền lương thực tế liên tục bị giảm sút". Trích Ðại hội V.

 

Năm 1985, kinh tế và xã hội Việt Nam đi tới bờ vực thẳm là hậu quả tất yếu của vi khuẫn xã hội chủ nghĩa do Tập đoàn Hà Nội mang từ Mạc Tư Khoa về. Lãnh đạo lúng túng ngóng về Liên Xô. Lê Duẩn bị Lenin triệu hồi về địa phủ ngày 10-7-1986 nên Trường Chinh lên thay vào ngày 14-7-1986.

 

Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô, Mikhail Gorbachev nêu lên 2 biện pháp cải tổ: "tái cấu trúc" và "cởi mở" nhằm vực Liên Xô ra khỏi vũng lầy trì trệ. Viễn ảnh cạnh tranh thắng lợi với chủ nghĩa tư bản Phương Tây đã như giọt cam lồ nhỏ vào con bệnh ngất ngư gần chết Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Câu tâng bốc cán bộ hợp thời trang nhất là gán cho danh hiệu Gorbachev. Trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam có Trường Chinh và Nguyễn Văn Linh thượng đài cùng mang băng hiệu Gorbachev.

 

Trong bối cảnh đó, Ðại hội VI nhóm họp từ ngày 15 đến 18-12-1986 đã đánh giá kế hoạch ngũ niên 1981-1985 "chúng ta không thực hiện được mục tiêu đã đề ra là cơ bản ổn định được tình hình kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Sai lầm về tổng điều chỉnh giá, lương tiền cuối năm 1985 đã đưa nền kinh tế đất nước đến những khó khăn mới. Nền kinh tế-xã hội nước ta lâm vào khủng hoảng trầm trọng".

 

Nghị quyết Ðại hội VI ra đời "đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước..mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm..đặc biệt 3 chương trình kinh tế lớn là lương thực-thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu".

 

Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư. Hơi hám Gorbachev khiến Nguyễn Văn Linh tung ra biện pháp "cởi trói". Mục "Những việc cần làm ngay" ký tên NVL trên báo Nhân Dân nhằm cổ động cho đổi mới tư duy. Khi sự chỉ trích của dư luận ngày càng tăng và ít che đậy hơn đối với đường lối, nhân sự của đảng Cộng sản thì Hà Nội lập tức phong bế. Mục "Những việc cần làm ngay" cũng biến mất. Ðảng Cộng sản Việt Nam lại tự trói mình bằng chiếc thừng Marx-Lenin.

 

Hội nghị trung ương tháng 3-1989 đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội VI "những tiến bộ chưa đạt được đồng bộ và cơ bản, tình hình kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn gay gắt".

 

Tình hình Liên Xô diễn ra ngoài tầm kiểm soát của Gorbachev chẳng những nền kinh tế không được cải thiện mà nguy cơ sụp đổ mô hình xã hội chủ nghĩa ngày càng rõ.

 

Hà Nội giật mình và bắt đầu xa lánh Mạc Tư Khoa để hướng về Bắc Kinh tìm nơi nương tựa.

 

Ba Ðại hội gắn bó triệt để với Liên Xô đã dẫn đất nước trải qua hết cuộc khủng hoảng này tới cuộc khủng hoảng khác.

 

Hà Nội càng sửa càng sai. Bởi vì (1) Marx-Lenin là chủ nghĩa không tưởng. Chưa có quốc gia nào trên thế giới xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản. Hơn nửa thế kỷ xây dựng chủ nghĩa xã hội dân Nga mới tỉnh ngộ và dứt khoát từ bỏ. (2) Cán bộ cộng sản thiếu trình độ lãnh đạo toàn diện đất nước. Cái gọi là lãnh đạo của cộng sản chẳng qua chỉ là hình thức điều khiển bằng vũ lực. (3) Cộng sản chỉ tự đánh giá hoặc so sánh với các nước xã hội chủ nghiõa anh em mà chẳng dám so sánh với các quốc gia không-cộng-sản. Do đó, họ không thừa nhận sự thua kém hiễn nhiên giữa 2 hệ thống xã hội. (4) Ôm chân Mạc Tư Khoa cho đến khi thuyền chìm, bụng đầy nước mới chịu buông tay mà ngáp ngáp.

 

 Thời đại ôm chân Mạc Tư Khoa đã cáo chung, nhưng Tổ quốc và dân tộc Việt Nam đã phải gánh chịu nhiều hậu quả khốc liệt.