NHỚ VỀ CAO NGUYÊN

 

Hà Nhân

 

Cuộc biến động ở Cao Nguyên Trung Việt kéo dài đã hơn hai tháng mà chưa có dấu hiệu lắng dịu. Chính quyền CSVN vẫn còn ỷ vào sức mạnh đàn áp bằng võ lực. Ðồng thời họ cũng nỗ lực trấn áp nỗi bất mãn của quần chúng bằng những công tác tuyên vận như đưa bộ đội tác chiến đến ăn ở chung với các gia đình người thiểu số tại các ấp thuộc 17 nơi trọng điểm như đã được báo chí cho biết hồi đầu tuần này.

 

Biện pháp này có một thời hữu hiệu khi dân trí còn thấp, người dân dễ có cảm tình với những bộ đội sống cạnh họ, ngày đêm giúp đỡ họ một cách thân tình. Có cảm tình với bộ đội, cán bộ thì dễ có cảm tình với chính quyền. Phương cách này không những thành công trong thời kháng chiến chống Pháp mà còn giúp cho các đoàn Công Dân Vụ của VNCH khi đi tiếp thu những vùng của Việt Minh trao lại khi họ tập kết ra Bắc sau hiệp định Genève 1954.

 

Nhiều đoàn CDV theo quân đội tiếp thu vùng Cà Mâu, Ðồng Tháp lúc đầu bị dân địa phương bất hợp tác, không cho vào nhà, không cho lấy nước, nhóm lửa. Nhưng sau một tháng, nhờ tích cực giúp đỡ dân chúng, săn sóc trẻ em, người già cả, mà dân chúng thay đổi thái độ, hết lòng thương mến anh em CDV. Khi đoàn rời làng di chuyển đến công tác ở nơi khác, dân chúng tiễn đưa khóc lóc xin đoàn ở lại thêm ít lâu. Tiếc rằng tinh thần công tác ấy về sau không còn được chính quyền VNCH khuyến khích và duy trì.

 

Tại vùng cao nguyên trong thập niên 1950, CSVN cũng gài cán bộ vào nhiều ấp Thượng bằng cách ấy. Nhưng họ không thể thành công như ý muốn vì người Thượng nhất là các sắc tộc Sedang, Strieng, Halang sớm thấy rõ những thủ đoạn dối trá phét lác của Cộng Sản. Cần ghi nhận rằng đa số người Thượng ở cao nguyên miền Trung đã thương ai hay ghét ai thì khó mà làm cho họ thay đổi ngược lại.

 

Câu chuyện thời sự hôm nay xin cống hiến một số kinh nghiệm vui buồn và hiểu biết cá nhân về đồng bào sắc tộc thiểu số vùng Kontum, Pleiku. Ðây chỉ là những nhận định riêng của một người không phải là chuyên viên hay nhà nghiên cứu về nhân chủng hay sắc tộc.

 

Nhịp độ phát triển của người Thượng không nhanh trong thời người Pháp còn ở Việt Nam. Nhưng sau năm 1954, số người Kinh lên cao nguyên làm ăn và gia đình quân nhân đến đồn trú gia tăng mạnh, nhịp độ phát triển của người Thượng mau lẹ thấy rõ. Những thói quen như tắm truồng, những tục lệ buộc người sản phụ sắp sinh nở phải ở một mình trong chòi xa làng ở mé suối, tự lo việc cắt rốn cho hài nhi hàng mấy tuần sau mới được về nhà, và các hủ tục khác đều mau chóng biến mất. Ðời sống của đồng bào Thượng nói chung phát triển khá tốt nhất là trước khi chiến tranh nổ lớn vào năm 1965.

 

Lớp trẻ được học hành nhiều hơn không như lớp người già thuộc vài sắc tộc không đếm được tới số hàng trăm. Một số người Kinh hay lừa bịp những đồng bào thiểu số già cả khi mua bán bằng cách lợi dụng nhược điểm này của đồng bào Thượng.

 

Nhà "Rông" là trụ sở làng, làm bằng gỗ và tre có mái dốc và cao là nơi hội họp, tế lễ. Một số làng mạc người Bahnar có lệ buộc nam thiếu niên từ 13 tuổi trở lên khi trời tối phải vào ngủ tập trung ở nhà Rông, mà một trong các mục đích là để tránh những vụ không chồng mà chửa trong làng. Khi nào "được vợ cưới" theo tục mẫu hệ, thì hết phải ngủ nhà Rông. Nhà Rông của người Bahnar to và đẹp nhất.

 

Khi một cô gái chưa chồng mang bầu, nếu chỉ ra tác giả của bào thai, vị tác giả ấy có thể bị phạt nặng nhẹ tùy theo gia sản. Ở một số vùng, khi người con trai trong gia đình chết, thì người em trai hay anh của người ấy phải nhận người chị dâu hay em dâu làm vợ nhỏ để nuôi nấng đùm bọc cho vợ và con người quá cố.

 

Trong các sắc tộc ở cao nguyên thì người Rhadé có nếp sống gần người Kinh hơn cả. Tỉ số người Rhadé có trình độ học vấn tiểu học khá cao. Ít phát triển hơn là vùng bắc Kontum.

 

Khi nước ta còn ở dưới chế độ thuộc địa Pháp, người Pháp cư xử nhẹ nhàng với người thiểu số, nên được dân thiểu số tin tưởng nhất là vì người Pháp thẳng thắn, ít dối trá, giữ lời hứa. Khi các trại Dân Sự Chiến Ðấu do các toán Lực Lượng Ðặc Biệt VNCH và Mỹ phụ trách, thanh niên chiến đấu sắc tộc thiểu số đến dự huấn luyện kể có hàng chục ngàn ở 3 tỉnh Darlac, Pleiku, Kontum. Họ cũng ưa thích người Mỹ hơn người Kinh.

 

Cuối thập niên 1950 khi QÐVNCH lên trấn đóng vùng Dak Tô, Dak Sút, Dak Pek, Toumorong ở phía bắc Kontum, người Thượng cho rằng người Kinh chỉ biết lái xe và bắn súng nhỏ. Ðể chứng minh ngược lại, các đơn vị thuộc Sư Ðoàn Khinh Chiến 12 và sau là Sư Ðoàn 22 Bộ Binh phải mang đại bác đến vùng bắc Kontum bắn biểu diễn. Dân làng chỉ mục tiêu nào trong số bia lớn cắm ở xa là pháo thủ bắn trúng một cách chính xác. Thực ra, mỗi mục tiêu đã có chất nổ gài sẵn, khi bấm nút điện bia nào thì bia ấy nổ tung. Một cách bịp dân ngộ nghĩnh.

 

Người Thượng vùng bắc Kontum còn cho rằng người Kinh không biết lái máy bay. Trong cuộc biểu diễn hỏa lực, một trực thăng H-34 của VNCH đến tham dự, chở dân Thượng bay lên trời năm ba phút. Người Thượng ở Daksut chịu công nhận người Kinh biết lái máy bay chuồn chuồn nhưng vẫn không tin người Kinh biết lái máy bay phun khói trắng bay nhanh, tức là phi cơ phản lực. Tất nhiên đến đây thì chính quyền và quân đội chịu thua.

 

Tuy vậy từ năm 1961, nhiều làng Thượng được trang bị điện thoại, máy truyền tin HT-1, TR-5, FM-1 và súng ống trong chương trình Ấp Chiến Lược. Số khí cụ quân sự này đã khiến chiến tranh đem lại ánh sáng văn minh cho làng mạc xa xôi thay vì chỉ có chém giết.

 

Về mặt nông nghiệp, đa số người Thượng quen làm rẫy, khi hết màu mỡ thì làm lúa chỗ khác, xoay vần một thời gian lại trở về rẫy cũ. Người Thượng kiêng không dùng phân bón. Nhiều nỗ lực như đưa người các bộ lạc kiêng dùng phân bón đi thăm các làng mạc người Kinh để thấy "ông thần" không cấm bón phân nên vẫn cúng tế bằng lúa có bón. Nhưng kết quả không khả quan lắm.

 

Người Thượng sắc tộc Sedang chiến đấu dũng cảm, nhiều nơi bị đánh với số địch đông gấp hai nhưng không chịu bỏ ấp. Có ấp chỉ gồm 95 dân và 5 cây súng mà vẫn không chịu dời ấp về ven lộ an ninh hơn. Khi Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, người họ rất kính trọng đích thân yêu cầu họ dời làng về Chi Khu Khâm Ðức, họ nói "Tổng Thống bảo nhảy vào lửa, chúng tôi sẵn sàng làm theo nhưng dời làng thì không." Ngô Tổng Thống bèn chịu thua.

 

Vấn đề chính là nâng cao đời sống của người Thượng ở Cao Nguyên Trung Việt không phải dễ dàng. Những người thiểu số có học hành rất khó chịu khi các hủ tục đáng lẽ bị bài trừ lại được viên chức người Kinh khuyến khích và duy trì. Một trong những hủ tục này là lễ rửa chân và đâm trâu.

 

Nhiều thanh niên sắc tộc này rất bực bội khi thấy các quan lớn kể cả vị nguyên thủ quốc gia dưới chế độ VNCH ngồi trên ghế cho các bô lão người Thượng thực hành nghi lễ rửa chân. Họ cũng phản đối việc duy trì lễ đâm trâu, mà ai thấy cũng ghê. Con trâu bị cột vào gốc cây hay cọc vững chắc. Một chức sắc dùng rựa bén chém đứt gân chân con trâu, trong khi một người khác dùng mác nhọn sắc đâm vào tim trâu nhiều lần mới trúng. Máu trâu chẩy như vòi nước và chết dần coi thật thê thảm.

 

Ngày nay, thay vì bài trừ trò chơi man rợ này, các cơ quan du lịch của chính quyền Cộng Sản địa phương ở cao nguyên vẫn tổ chức lễ đâm trâu cho du khách xem, mà mục đích chủ yếu là thu hút du khách tò mò và moi thêm tiền.

 

Chuyện đâm trâu đưa đến kết luận là cần có một chính sách rộng lớn đối với đồng bào sắc tộc thiểu số. Ðiều chủ yếu là phải giúp đỡ các sắc tộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội một cách thật thà, không mị dân. Người thiểu số phải được nâng đỡ để mở mang theo kịp người Kinh, nhưng không phải là đồng hóa với người Kinh.

 

Lịch sử nhân loại cho thấy không thể hoàn toàn đồng hóa một sắc dân nào có dân số dù nhỏ hay lớn. Chỉ có thể cưỡng bách một sắc dân hòa đồng nếp sống xã hội, văn hóa đến một mức nào đó, nhưng sắc dân ấy vẫn duy trì được bản sắc. Cưỡng bách đồng hóa chỉ gây ra hận thù, ác cảm sắc tộc.

 

Việt Nam, Nhật, Triều Tiên, Tây Tạng là những thí dụ về sức đề kháng chống lại chính sách đồng hóa của Trung Hoa. Những lộn xộn ở vùng Ba Nhĩ Cán là trường hợp tiêu biểu của các chính sách sai lầm về sắc tộc.

 

Nước nào cũng có nhu cầu toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất dân tộc. Vì thế không thể chấp nhận một bộ tộc ly khai khỏi cộng đồng quốc dân, nhưng cùng lúc cũng không thể tán thành chính sách đồng hóa các nhóm thiểu số do sắc tộc đa số chủ trương.

 

Nếu thấy được giúp đỡ phát triển đời sống và bản sắc, văn hóa, tập quán được tôn trọng, cải tiến, chắc chắn hầu hết các sắc tộc thiểu số không dại gì mà đòi ly khai hay tự trị.

 

 Hà Nhân