NHỚ NGÀY ÐẤT NƯỚC CHIA ÐÔI

 

Hà Nhân  

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, trước đây đúng 46 năm, người Việt chống Cộng bàng hoàng đau xót khi nghe tin Hiệp Ðịnh Genève về Việt Nam đã được ký kết và đất nước Việt Nam bị chia đôi tại Vĩ Tuyến 17. Mặc dù trước đó hàng tuần lễ, người ta đã dự đoán rằng thế nào cũng có giải pháp chia cắt, nhưng khi hiệp định được ký kết và việc chia cắt được chính thức hóa, ai mà không ngậm ngùi.  

Nhân ngày này, thiết tưởng cũng nên ôn lại đôi điều để các thế hệ mới lớn hiểu rõ hơn về tình hình thực sự lúc ấy ra sao, và để các vị lớn tuổi hồi tưởng lại một biến cố quan trọng hạng nhất trong lịch sử Việt Nam.  

Trước khi Hiệp Ðịnh Genève ra đời, phía Việt Cộng đã đứng hẳn về phe Cộng Sản Quốc Tế sau khi Trung Cộng và Liên Xô chính thức công nhận chính quyền Hồ Chí Minh. Phạm vi kiểm soát của phe kháng chiến vào tháng 7 năm 1954 gồm phần lớn nông thôn hẻo lánh, các vùng rừng núi và đồng lầy hoang dã. Về quân sự, các chiến trường ở Bắc Việt trở nên ngày càng rất nặng nề hơn hẳn ở Miền Trung và nhất là ở Miền Nam. Phe kháng chiến ngày càng thắng thế.  

Từ khi cuộc kháng chiến ở Nam Bộ bùng nổ cuối tháng 9 năm 1945, hầu như 99% những phần tử có chút hiểu biết đều nức lòng tham gia công cuộc chống giặc Pháp. Khí thế chống Pháp của mọi thành phần chính trị, xã hội cao ngất trời. Tai hại thay cùng lúc ấy, phe VC tiếp tục các cuộc thanh trừng các đảng phái, tôn giáo mà họ cho rằng sẽ nguy hiểm cho đảng CSVN trong tương lai.  

Cũng cần ghi nhận rằng vào thời kỳ 1945-47, phần lớn các phần tử yêu nước không thuộc đảng phái nào ít có ý thức rõ rệt về mâu thuẫn quốc-cộng. Một thanh niên theo Việt Minh hay Việt Quốc thường là do cảm tình với bạn hữu, hoặc vì gia đình theo thì mình cũng theo. Chiến tranh càng kéo dài, sự chia rẽ giữa đôi bên kể cả người cùng gia đình chống nhau ngày càng sâu đậm. Ðến nay vẫn còn hàng vạn gia đình mà cha mẹ và con cái ở hai phe, đối nghịch nhau, cha con không nhận nhau, anh chị em coi nhau như kẻ thù.  

Trong khi dân chúng bị giặc Pháp giết chóc đốt phá cướp bóc, chính quyền VC tiếp tục thanh trừng phe đối lập. Lâu lâu người ta lại thấy có người bị bắt giữ vì Công An gán cho tội “Việt Gian” hoặc gìữa đồng lúa, một vài cái đầu chương phình xám xịt vì bị VC chôn sống dưới ruộng sâu bùn lên đến miệng.  

Tuy chiến dịch khủng bố các đảng phái chống Cộng tàn nhẫn như vậy, nhưng một số đông thanh niên yêu nước vẫn ở lại phục vụ kháng chiến, không muốn về thành theo Pháp vì danh dự và lòng ái quốc. Họ là những cán bộ nòng cốt của kháng chiến, là những người đóng góp nhiều công sức và sáng kiến cho công cuộc chống Pháp, và cũng là những cây trụ vững chắc trong phong trào văn hóa văn nghệ và các chiến thuật tuyên vận mà dư âm còn đến tận ngày nay ở trong nước cũng như ở hải ngoại. 

Năm 1948, Cựu Hoàng Bảo Ðại ký HIệp Ðịnh 8/3/1948 với Tổng Thống Pháp lập ra chính phủ và quân đội quốc gia. Chính phủ này èo uột và quân đội thì nhỏ bé yếu đuối, hoàn toàn bị Pháp chi phối. Chỉ từ năm 1950, vì số người yêu nước từ phía kháng chiến ào ạt trở về thành mới có thêm những cán bộ có tài đức gia nhập vào quân đội và chính phủ Bảo Ðại.  

Khoảng năm 1951 trở về sau, đảng CSVN ra công khai nắm độc quyền chính trị dưới danh xưng Ðảng Lao Ðộng VN, mở đầu cho một giai đoạn mới trong phe kháng chiến. Hầu hết các phần tử không-cộng-sản đều bị bạc đãi trừ những người hoàn toàn thần phục đảng và những cán bộ không thể thay thế ngay lập tức.  

Những người yêu nước không chịu nổi cảnh bị bạc đãi và có nguy cơ sẽ bị thanh trừng đương nhiên phải từ bỏ vùng kháng chiến trở về vùng Pháp kiểm soát và phục vụ chính quyền Bảo Ðại. Người ta có thể hy sinh tính mạng để bảo vệ tổ quốc nhưng không ai vì yêu nước mà chịu ngửa cổ cho đồng đội chém giết vì bị cố ý vu cáo tội Việt Gian. Thù hận chồng chất đến lúc ấy đã khó có cơ hòa giải.  

Sau năm 1950, nhất là sau những vụ đấu tố dã man và kinh hoàng được tiến hành ở các vùng thí điểm, con số thanh niên có học vấn thuộc giai cấp trung lưu từ bỏ kháng chiến trở về vùng Tề ào ạt. Những gia đình này về sau đã tham gia vào chính quyền và quân đội VNCH ở mọi cấp, làm thành những đốt xương sống của chế độ chống Cộng ở Miền Nam.  

Mấy năm trước khi có Hiệp Ðịnh Genève, quân đội quốc gia gồm các đơn vị cấp binh đoàn và giành được phần nào chủ quyền quân sự. Nhưng sức mạnh tinh thần của cả phe quốc gia tương đối yếu kém bên cạnh quân đội Pháp bị coi là thực dân cướp nước và trước kẻ địch Cộng Sản mạnh về tuyên truyền cũng như có ưu thế trên chiến trường. Trước mắt dân chúng chất phác, chính quyền Bảo Ðại chỉ là bù nhìn của Pháp.  

Trong thời gian dẫn đến hội nghị Genève, tình hình khắp nơi rất sôi động từ năm 1952, nhất là năm 1953 với những cố gắng cuối cùng của quân Pháp phản công địch ở Lạng Sơn, Ninh Bình, Tuy Hòa... Nhưng với lỗi lầm to lớn ở Ðiện Biên Phủ, người Pháp hoàn toàn tuyệt vọng. Cuộc rút lui khỏi các tỉnh phía nam Hà Nội (Nam Ðịnh, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam...) là hành động thu mình, co rút lại một cách tuyệt vọng.  

Ðiều mỉa mai nhất là trong cuộc rút lui quan trọng này bỏ một vùng rộng lớn đông dân cư, quân đội Pháp lại lập được thành tích quân sự được coi là hi hữu dù là “thành tích chém vè.” Trong quân sự, chỉ huy cuộc tấn công dễ hơn khi chỉ huy một cuộc rút lui. Tướng Vanuxem lúc ấy là đại tá tư lệnh phân khu Nam của Bắc Việt, chỉ huy cuộc rút lui rất lớp lang, đúng giờ đến từng phút, tổn thất dưới mức dự trù. Cuộc rút lui này cho thấy Pháp không còn hy vọng gì ở Bắc Việt.  

Hiệp Ðịnh Genève là kết quả tất yếu khi người Pháp không còn kham nổi gánh nặng chiến tranh ở Ðông Dương. Riêng phía người Việt quốc gia tuy mất nửa phần đất nước nhưng có những lợi điểm đáng kể nhờ hiệp định này.  

Việc chia đôi đất nước là một cơ hội cho phe quốc gia thoát khỏi sức áp chế của Pháp, thu hồi chủ quyền cho một Miền Nam thực sự độc lập, được hầu hết các quốc gia không-cộng-sản nhìn nhận. Từ đó người quốc gia không còn mặc cảm là bù nhìn của Pháp, có toàn quyền xây dựng thể chế dân chủ tự do mà họ vẫn mong đợi từ lâu.  

Tiêu biểu cho tinh thần độc lập và lý tưởng quốc gia dân tộc nói trên đây là hiện tượng về âm nhạc. Chỉ từ sau khi người quốc gia có riêng cho mình một nửa đất nước, các nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ mới mạnh dạn viết nên các tác phẩm ca ngợi người chiến sĩ VNCH, cổ võ công cuộc chống Cộng xây dựng đất nước bằng con tim của mình mà không phải do bộ Thông Tin đặt hàng.  

Miền Nam phồn thịnh hẳn lên nhất là những năm từ 1956 đến 1960. Ðáng lẽ với tài nguyên dồi dào về nông, lâm và ngư nghiệp, Miền Nam phải tiến bộ về mọi mặt nhiều hơn thế nữa, phải phát triển kinh tế sâu rộng hơn nữa, vượt xa các nước Ðông Nam Á. Nhưng phần vì CSVN gây cuộc chiến tranh phá hoại mà mục tiêu chủ yếu lúc sơ khởi là hủy diệt nền kinh tế nên sức phát triển ấy bị giới hạn.  

Nếu coi biến chuyển 20/7/1954 là một cơ hội tốt cho phe quốc gia thì các chính phủ liên tiếp cai trị Miền Nam đã không khai thác được thời cơ thuận lợi vào lúc ấy. Dĩ nhiên làm được những điều ấy hay không còn tùy thuộc vào chính sách yểm trợ của Hoa Kỳ và các cường quốc dân chủ. Nhưng chính quyền, quân đội và giới sĩ phu Miền Nam phải chịu trách nhiệm về những sơ khoáng trong cuộc đấu tranh với kẻ thù, bỏ lỡ cơ hội đẹp thứ nhì sau cơ hội tháng 8 năm 1945 để xây dựng một đất nước hòa bình giầu mạnh.  

Ðành rằng Hoa Kỳ chịu phần trách nhiệm, nhưng kẻ sĩ phu trong nước mới là người ”hữu trách” nhiều nhất. Không thể chối cãi một sự thực là nếu chúng ta, những người quốc gia yêu nước, tích cực hơn trong cuộc chiến tranh chống Cộng, nỗ lực xóa bỏ bất công, tham nhũng, bớt ăn chơi hưởng thụ, chắc chắn Hoa Kỳ phải đối xử với chúng ta cách khác, mà kết quả không thể tồi tệ như ngày 30/4/75.  

Ở Miền Bắc dưới tay đảng CSVN, dân chúng bị thắt lưng buộc bụng hết cỡ, teo cả dạ dầy để xây dựng một thứ chủ nghĩa xã hội không tưởng mà hậu quả tai hại của nó còn tồn tại khá mạnh đến tận ngày nay. CSVN cũng để mất một cơ hội tốt cho họ nếu quả thật họ định xây dựng đất nước tiến bộ dù là thứ tiến bộ kiểu Cộng Sản.  

Nhưng chỉ vì cuồng vọng phi lý, coi việc chiếm Miền Nam để thi hành nghĩa vụ quốc tế Cộng Sản đứng trên sinh mạng của hàng triệu người, mà họ đã gây ra cuộc chiến tranh đẫm máu trong hơn 15 năm trời. CSVN đã thành công nhờ kỹ thuật tuyên truyền và dám thẳng tay khủng bố. Họ đã làm cho dân chúng lầm tưởng rằng quân đội Mỹ cũng có mục tiêu xâm lăng và những hành động dã man như quân đội Pháp và chính quyền VNCH cũng chỉ là bù nhìn như chính quyền Bảo Ðại.  

Người quốc gia ở Miền Nam có chính nghĩa vì lẽ Hiệp Ðịnh Genève đã chia cho mỗi phe quốc cộng ở Việt Nam một phần đất riêng, ai muốn sống dưới chế độ CSVN thì ra Bắc, muốn theo phe quốc gia thì vào Nam. Quốc tế đã hiểu một cách thực tế như vậy tuy rằng Mỹ và chính quyền quốc gia Việt Nam không ký vào hiệp định này.  

Miền Nam không chấp nhận tổng tuyển cử vì phe CSVN đã không tôn trọng sự sắp xếp này, mạnh tay trấn áp các phần tử có thể chống đối khiến hàng vạn địa chủ, đối lập bị hành quyết hàng loạt. Không ai ngu dại đến độ chấp nhận tuyển cử với một chế độ kềm kẹp trấn áp cử tri như thế.  

Nhận định một cách trung dung, có thể nói biến cố 20/7/1954 đánh dấu một khúc rẽ quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Pháp trước đó có chính nghĩa, vì Pháp dùng chiến tranh xâm lược thực hiện mục tiêu thuộc địa và vì những người quốc gia yêu nước đã góp công lao và sinh mạng rất lớn lao vào cuộc tranh đấu võ trang này.  

Dưới chế độ VNCH, bản quốc ca là “Tiếng Gọi Thanh Niên,” một trong những lời Việt của bản hành khúc Tiếng Gọi Sinh Viên lời tiếng Pháp của Lưu Hữu Phước là một viên chức cao cấp trong hàng ngũ CSVN. Nhiều ca khúc thời kháng chiến ca ngợi cuộc chiến đấu hào hùng này vẫn được mọi người tự do hát kể cả trên truyền thanh và truyền hình ở Miền Nam. Riêng điều đó đủ chứng tỏ quan niệm yêu nước rộng rãi của Miền Nam mà Miền Bắc không có.  

Cuộc chiến do CSVN gây ra sau đó là phi nghĩa và gây ra những hậu quả cực kỳ tai hại cho đất nước, tạo sự chia rẽ trầm trọng trong lòng dân tộc. Nói tóm lại, sau Hiệp Ðịnh Genève 1954 nếu không có cuộc chiến tranh 1960-75, chắc chắn cả hai miền đã đạt được những tiến bộ kinh tế xã hội to lớn hơn rất nhiều so với hiện nay dù rằng Miền Bắc chỉ tiến bộ theo cách thức và mức độ của một nền kinh tế ở các nước Cộng Sản.  

Tuy nhiên có một quan điểm khác cho rằng dù không nói ra, các lãnh tụ CSVN e ngại nhất là nếu để Miền Nam yên ổn sau Hiệp Ðịnh Genève, chỉ trong vài ba chục năm, Miền Bắc sẽ phải chịu áp lực kinh tế to lớn từ Miền Nam và sẽ lép vế trước một Miền Nam thịnh vượng như ở Ðài Loan. Vì thế mà họ phải hạ thủ Miền Nam bằng mọi tài nguyên nhân lực và vật lực để tiêu diệt kẻ thù chính.  

Kẻ thù chính của CSVN không phải là Mỹ mà là phe quốc gia ở Miền Nam.  

Hà Nhân