Nhân Danh Ðảng Tham Nhũng

 

Cuộc họp của Trung ương đảng phải kéo dài thêm đã xác nhận việc chọn nhân sự lãnh đạo cho đảng quả đã trở thành phức tạp hơn dự liệu. Trước đây trong phiên họp thứ 11 đầu tháng Giêng, người ta đã thấy Trung ương đưa ra một tiêu chuẩn lựa chọn là trên 65 tuổi không ai được ra ứng cử vào Trung ương, cơ quan chỉ đạo quyền uy nhất nước. Nhưng xét ra tiêu chuẩn tuổi tác đó cũng chỉ nói cho vui mà thôi, bởi vì nó vẫn có thể du di. Một tháng rưỡi sau, Trung ương mới họp tiếp. Lần này tin chính thức duy nhất được đưa ra là những đoạn trong bài diễn văn khai mạc của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, chỉ thấy nói đến chuyện chọn người.

 

Phiêu nói Trung ương cần phải tuyển chọn những cán bộ có đủ tư cách về chính trị và đạo đức và nhấn mạnh: "Nhất thiết không giới thiệu vào cơ quan lãnh đạo cấp cao của đảng những người không có đủ tiêu chuẩn, nhất là thiếu bản lĩnh chính trị, có biểu hiện cơ hội, tham vọng, thiếu ý thức kỷ luật, mất đoàn kết, quan liêu tham nhũng, làm việc kém hiệu quả, thiếu trách nhiệm với dân". Phiêu đã đưa ra một loạt những tiêu chuẩn, có vẻ như để "nghênh chiến" với tiêu chuẩn tuổi dễ giận là con số 65 của phiên họp kỳ trước. Loạt tiêu chuẩn về chính trị và đạo đức nghe ra thì thật là hay nhưng xem ra lại thấy "mung lung thế nào". Bởi vì đó những tiêu chuẩn tùy nghi suy diễn, tự do chụp mũ chớ không có cái thước đo nào khách quan như cái thước đo tuổi tác.

 

Dù vậy, khi ông Tổng bí thư kể tội những kẻ xấu như trên và nói không được bầu những kẻ đó, người ta phải đặt câu hỏi: Những kẻ đó ở đâu vậy? Không lẽ đảng tìm người lãnh đạo trong đám người lang thang ở ngoài đường? Cố nhiên muốn ứng cử vào Trung ương, phải là đảng viên, nhưng không phải bất cứ ai trong hơn hai triệu đảng viên. Muốn được ứng cử, bắt buộc phải là đảng viên cấp cao và được tiến cử. Nếu vậy chính hàng ngũ cấp cao của đảng, kể cả những nhóm giới thiệu cũng có thể là những kẻ xấu. Năm 1999, khi kết thúc đợt đầu phong trào "phê và tự phê", đảng nói đã đạt được 98% đảng viên trong sạch và vững mạnh, chỉ có một thiểu số cấp dưới không lành mạnh. Nay theo lời ông Phiêu, té ra đảng đã báo cáo láo với nhân dân. Một khi đảng đã sợ có kẻ xấu được bầu vào vào Trung ương, hiển nhiên toàn thể cơ thể đảng đã suy thoái và ruỗng nát. Chỉ có nạn dột từ trên nóc dột xuống mới làm căn nhà điêu tàn như vậy.

 

Như một sự trùng hợp lạ lùng, trong lúc Trung ương đảng CSVN họp để chọn người lãnh đạo "có đức, có tài", Tổ hợp PERC, tham vấn về kinh doanh Á châu có trụ sở Hong Kong, chuyên đánh giá những hiểm họa về chính trị và kinh tế cho kinh doanh và đầu tư, đã công bố một bản nghiên cứu với kết luận Việt Nam là nước tham nhũng nhất ở Á châu. Nếu tính theo chỉ số 10 là "đệ nhất tham nhũng vô địch thiên hạ", Việt Nam đã lãnh ấn tiên phong với chỉ số 9.75. Indonesia đứng hàng thứ hai với chỉ số 9.50, thứ ba mới đến Ấn Ðộ, kế đó là Phi Luật Tân, Thái Lan...Trung Quốc là nước cộng sản có tham nhũng, nhưng còn thua Việt Nam đến 6 bậc. Vinh hạnh thay cho phe ta ở Hà Nội, hơn cả đàn anh.

 

Riêng về Việt Nam, bảng nghiên cứu có một lời khen tặng quý hóa nghe hồ hởi vô cùng. Việt Nam vị đệ nhất anh hùng tham nhũng Á châu, nhưng chế độ và cấu trúc chính trị chưa bị lâm nguy ngay vì tham nhũng. Còn Indonesia không được như vậy. Ở Indonesia chế độ Suharto tham nhũng đã bị sụp đổ, bởi vì Indonesia không phải cộng sản. Ở Việt Nam, chế độ độc tài toàn trị cộng sản có quân đội công an võ trang hùng hậu bảo vệ nên còn đứng vững được cho đến nay. Bằng chứng là trước ngày họp đại hội đảng, Hà Nội đã ra lệnh xiết chặt an ninh, cấm dân tập họp ngoài đường phố và chỉ thị cho Công an giải tán các vụ biểu tình ngồi lề đường tố cáo tham nhũng trước các trụ sở đảng nhà nước và nhà của lãnh đạo.

 

Còn Trung Quốc thì sao? Tất cả những nước cộng sản "đổi mới kinh tế" đều bị con vi trùng tham nhũng xâm nhập. Trung Quốc là cộng sản cũng không thoát nạn này. Nhưng tập đoàn Trung Quốc có trí tuệ, họ không hăng và ngu, nên đã biết sợ. Họ biết nếu còn để tham nhũng, trước sau cũng chết vì nạn này. Bởi thế Trung Quốc đã thẳng tay bài trừ tham nhũng, đem những tay tham nhũng bự cấp cao bắn bỏ. Ðồng thời họ chuyển rất nhiều quyền lực cho Quốc hội làm việc đó.

 

Ở Việt Nam, mặc dù Lê Khả Phiêu đã gián tiếp nhìn nhận trên tầng lớp cao - kể cả những kẻ lăm le nhẩy vào cơ quan đầu não của đảng - đều có những kẻ xấu, những kẻ tham quyền tham lợi, quan liêu tham nhũng, vô hiệu năng vô trách nhiệm, vậy mà người ta chưa thấy một quan chức cấp cao nào bị mất chức, chớ đừng nói bị bỏ tù hay xử bắn. Chỉ có những thành phần cấp dưới bị đem ra làm vật tế thần. Hồi tháng 5 năm 1998, 11 vị cách mạng lão thành đã ký "Huyết Tâm Thư" kể tội tham nhũng của Phạm Thế Duyệt khi còn làm Bí thư Thành ủy Hà Nội với những bằng chứng cụ thể. Nhưng Duyệt vẫn không hề hấn gì mà còn được thăng chức, nhẩy vào ban Thường vụ bộ Chính trị núp bóng Lê Khả Phiêu. Cuối năm 2000, "các cụ lão thành cách mạng trung ương và Hà Nội" đã công bố một thư ngỏ nhắc lại Huyết Tâm Thư trên và kể ra những việc làm tiếp tục sai trái của Duyệt, nhưng ông này vẫn mạnh và đánh trả bằng đủ mọi phương tiện của đảng ông ta có trong tay.

 

Việc lựa chọn nhân sự lãnh đạo đã trở thành vô cùng phức tạp vì tham nhũng đã lên đến bộ óc của đảng. Ở đây người ta nhân danh xã hội chủ nghĩa, nhân danh đảng để tham nhũng. Thật hết thuốc chữa.

 

Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh