NĂM MỚI, THÀNH VÀ BẠI



 Hà Nhân

 

 Cũng như ở mọi nơi mỗi đầu năm, chế độ CSVN lại nêu khẩu hiệu “Năm mới, quyết tâm mới và khí thế mới.” Tuy nhiên trong số những cái “mới” mà Hà Nội đang rao giảng, có thực sự mới hay không là điều còn phải xét lại.

Từ mấy năm đầu thập niên 1990 đến nay, chế độ CSVN đề ra nhiều khẩu hiệu kêu như chuông, nào là Công Nghiệp Hóa, Hiện Ðại Hóa đất nước, nào là Dân Giàu, Nước Mạnh, Xã Hội Công Bằng, Dân Chủ, Văn Minh, nào là nền văn hóa Ðậm Ðà Bản Sắc Dân Tộc...

Quả thật, chế độ CSVN có thói quen chung của các chế độ Cộng Sản khác, là luôn luôn chế ra những khẩu hiệu nghe rất hoa mỹ, ngắn gọn và bình dân như ca dao tục ngữ của dân gian. Nào là Ba Xây Ba Chống, Ba Ðảm Ðang-Ba Sẵn Sàng... Nào là Ưu Tiên Xây Dựng Công Nghiệp Nặng trong đó Ðiện Lực Ði Trước Một Bước (vào thời kỳ Kế Hoạch 5 năm lần thứ nhất 1960-64)...

Hơn 10 năm gần đây từ bỏ con đường kinh tế kế hoạch toàn diện kiểu Cộng Sản quay sang kinh tế thị trường, bộ phận lãnh đạo CSVN tiếp tục tung ra những đề tài tuyên truyền vận động quần chúng mới. Quyết tâm mới và khí thế mới nếu thực hiện được sẽ là điều đáng mừng cho tầng lớp nhân dân nghèo khổ nhất là ở nông thôn. Nhưng sợ rằng thực tế sẽ không diễn ra như lời hô hào của chế độ.

Xin lấy bài xã luận có vai trò khuôn mẫu trên tờ Nhân Dân số ra ngày 3/1/2002 làm thí dụ. Bài này tổng hợp những nhận định và ý hướng của chế độ CSVN trong năm mới 2002.

Về phần khoe khoang thì bài báo nói trên cho rằng dù gặp khó khăn vì kinh tế thế giới và thiên tai, Việt Nam vẫn đạt thành tích tăng trưởng 7%, xã hội khá ổn định, tiến triển văn hóa xã hội, quốc phòng và an ninh vững... Tuy nhiên bài báo cũng nhìn nhận còn yếu kém như tham nhũng, tệ nạn xã hội...

Như thường lệ mỗi khi bàn về đường lối chính sách, bài báo liệt kê những thách thức quan trọng như kinh tế thế giới suy giảm, ảnh hưởng xấu đến việc xuất cảng. Trong khi ấy “các thế lực thù địch” sẽ chống phá chế độ. Và cần khắc phục, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, phát huy “đại đoàn kết” dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN.

Bài báo Nhân Dân và những bài tương tự nhân dịp đầu năm dương lịch trên những tờ báo khác ở Việt Nam về hình thức vẫn chẳng khác gì những bài bình luận hô hào vận động hay những diễn từ, báo cáo chính trị, nghị quyết thường thấy dưới chế độ CSVN. Chắc hẳn cả người viết lẫn nhiều người đọc có nhận định khách quan đều hiểu rõ là tình hình không đơn giản như những lập luận chủ quan của bài bình luận.

Ðiều có thể tin được là mức tăng trưởng kinh tế năm 2001 ở Việt Nam đạt mức trên 6,5% theo nhận định của các định chế kinh tế tài chánh quốc tế. Bài báo phóng đại chút ít lên 7%. Nhưng tỷ lệ bách phân tăng trưởng không hoàn toàn phản ảnh chính xác mức phát triển kinh tế thực sự trong nước.

Dầu sao thì có tăng trưởng ở một mức như vậy cũng là điều tốt cho đồng bào ta trong nước, còn hơn những thập niên từ 1990 trở về trước khi chế độ CSVN ngự trị trên sự đói rách cùng cực của những người dân nghèo khổ. Bắt đầu sang năm 2002 sau khi hiệp định thương mại song phương với Mỹ có hiệu lực, chế độ CSVN có thể trông cậy vào thị trường Hoa Kỳ để kiếm được những món thu nhập lớn nhờ xuất cảng nông phẩm và hải sản.

Nhưng các sản phẩm kỹ nghệ nhẹ gồm hàng tiêu dùng các loại, đặc biệt về hàng điện tử của Hà Nội khó có thể cạnh tranh nổi với hàng của Trung Cộng về phẩm chất và giá cả. May ra, chỉ riêng hàng may mặc có thể vào thị trường Mỹ với số lượng cao hơn nhờ thuế suất của Mỹ giảm theo hiệp định thương mại.

Hàng tiêu dùng nhất là thực phẩm chế biến đặc biệt cho người tiêu thụ trong các cộng đồng người Việt lưu vong có thể bán chạy ở những nơi có đông đảo người Việt sinh sống. Nhưng loại hàng này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số hàng xuất cảng nói chung. Và nếu không có biện pháp cảnh giác rất có thể những món hàng lẩm cẩm đông lạnh như chả giò, khô mực, bánh ngọt, trái cây như tầm ruột, mít, nhãn... bị nhiễm độc hay nhiễm trùng sẽ rất dễ làm mất khách mua. Nguy cơ này rất có thể xẩy ra khi mà những món này được chế biến bằng tay và phơi ngoài trời đầy ruồi nhặng.

Về xuất cảng gạo, tuy chiếm khối lượng lớn nhưng theo những tường trình mới đây, thì giá cả thị trường biến động và nhu cầu của chế độ phải thu về nguồn ngoại tệ lớn nên thiệt thòi nặng nề vẫn đổ lên đầu nông dân khiến họ phải gánh chịu. Dầu thô xuất cảng với giá rẻ khó có thể bán cao hơn cho đến khi có nhà máy lọc tại Việt Nam, nhưng lời hay lỗ của dự án Dung Quất vẫn chưa thể biết rõ.

Về an ninh chính trị, CSVN luôn luôn đem bốn chữ “thế lực thù nghịch” ra hù dọa quần chúng. Nhưng trong thâm tâm, giới lãnh đạo CSVN tỏ ra rõ rệt là họ rất lo ngại nội loạn bùng ra từ bên trong Việt Nam nhất là bên trong nội bộ đảng của họ. Những đảng viên kỳ cựu nay phản tỉnh kịch liệt chỉ trích giới lãnh đạo và đòi thay đổi chế độ bằng những lời gay gắt mới góp mặt trong hàng ngũ đối lập như Lê Chí Quang, Nguyễn Văn Minh, Trần Khuê... đang làm cho trung ương đảng nếu chưa sợ hãi thì cũng mất ngủ.

Ngoài ra còn những vụ biểu tình dai dẳng ở Hà Nội của từng nhóm nông dân gần như từ Bắc Ninh, xa như từ Sa Ðéc, Cần Thơ là điềm báo trước năm 2002 khá vất vả cho Bộ Chính Trị. Trong tuần qua Công An Hà Nội không công khai đàn áp người biểu tình như thông lệ mà chỉ đánh lén. Theo nguồn tin chưa phối kiểm, Công An đã không ngăn cản nhân viên ngoại giao cao cấp của Mỹ và Hòa Lan tiếp xúc với nhân vật chống đối Nguyễn Ðan Quế và với người biểu tình.

Thái độ nhượng bộ ấy là điều tất yếu trước áp lực quốc tế, nhưng vạn nhất có những cuộc phản kháng lớn - cỡ Thiên An Môn - thì CSVN đã sẵn có mấy tiểu đoàn Công An võ trang được huấn luyện và trang bị hùng hậu để càn quét với mức độ tàn nhẫn không thua gì ở Bắc Kinh ngày 4/6/1986. Cùng lúc hô hào đoàn kết, đại đoàn kết, chế độ CSVN vẫn không có hành vi nào thực sự hòa giải, vẫn leo lẻo vu cáo bịa đặt nuôi dưỡng hận thù không chịu tỏ ra có thực tâm khoan hòa với các tôn giáo và tù nhân chính trị.

Một dấu hiệu cho thấy sang năm 2002, CSVN sẽ đẩy mạnh nỗ lực chống phá cộng đồng người Việt ở hải ngoại là vụ Năm Cam. Sau khi khua kèn dóng trống về vụ truy quét băng đảng lớn của Năm Cam mà CSVN nói có hoạt động mạnh ở 16 tỉnh, chính quyền CSVN tỏ rõ mưu định muốn liên kết băng đảng này với những hoạt động chống CSVN ở nước ngoài nhất là ở Hoa Kỳ.

Với tay nghề tinh vi và hiểm độc sẵn có, ngành phản tuyên truyền ở Hà Nội có khả năng ngụy tạo những chứng cớ để người ngoại quốc tin rằng các tổ chức đòi dân chủ, nhân quyền và chống chế độ CSVN ở hải ngoại là những nhóm khủng bố trong lúc dư luận thế giới đang gay gắt lên án mọi phong trào khủng bố.

Nhân tiện tưởng cũng nên lưu ý đến những nỗ lực tuyên truyền của Hà Nội nắm vào cộng đồng người Việt tị nạn. Trong năm 2002, Hà Nội có thể bỏ ra hàng triệu Mỹ Kim để mở rộng hoạt động văn hóa nhắm vào Việt Kiều. Có thể họ sẽ gửi thêm những đoàn văn nghệ, ca nhạc sĩ có tiếng sang trình diễn ở những nơi có đông người Việt. Riêng chương trình truyền hình VT4 của Hà Nội qua vệ tinh dành cho Việt Kiều ở Mỹ sẽ được tăng từ 4 giờ lên 8 giờ và chiếu lại trong 16 giờ còn lại mỗi ngày.

Riêng về mục tiêu đề ra trong việc trừ tham nhũng và tệ nạn xã hội, năm 2002 sẽ không có gì cho thấy tình hình sẽ khấm khá hơn. Nguyên nhân của tham nhũng là đạo đức xã hội suy đồi, là những mối cấu kết phe đảng không dễ từ bỏ, là thói “công thần” và “kiêu binh,” cộng với một hệ thống hành chánh vô tổ chức làm theo linh tính của du kích chiến và cuộc sống chạy đua theo giai cấp “tư sản đỏ” giàu xổi làm tăng thêm cách biệt giàu nghèo. Những nguyên nhân này phát xuất từ bản chất đảng CSVN và được chế độ của nó dung dưỡng làm nguồn sống. Do đó, còn chế độ CSVN thì còn tham nhũng và còn nhiều. Năm 2002 chẳng thể nào là năm “đẩy lui” tham nhũng như bài báo khẳng định.

Về tệ nạn xã hội cũng thế. Bắt nguồn từ đói rách, cách biệt giàu nghèo quá đáng, vô đạo đức xã hội, tham nhũng... nên mãi dâm lan tràn ở mức độ lớn nhất đến tận lớp tuổi 13, tồi tệ nhất vì phần lớn do Công An cơ sở bao che, và nguy hại nhất với bệnh liệt kháng, chưa hề có trong lịch sử Việt Nam. Cũng vì cùng lý do, nạn ma túy vẫn không suy giảm dù Hà Nội tuyên 51 án tử hình về tội ma túy trong năm 2001. Lãnh vực này cũng không biểu lộ dấu hiệu nào đáng lạc quan cho đồng bào trong nước.

Về kinh tế thương mại, dụng cụ thi hành các chính sách của nhà nước là nền hành chánh. Hệ thống hành chánh của CSVN có những lệch lạc, hủ lậu từ hơn 50 năm nay, rất cồng kềnh rườm rà mà nguyên nhân cũng tương tự như những nguyên nhân về tham nhũng. Nó còn được tiếp sức bằng nạn sứ quân và sự ngu dốt về kiến thức tổng quát.

Một trong những nhu cầu mà hiệp định thương mại với Mỹ đặt ra là một hệ thống hành chánh, pháp lý và luật lệ gọn nhẹ, minh bạch, hữu hiệu và ổn định. Với nhân sự trong guồng máy chính quyền hiện tại, chế độ CSVN đã thất bại trong việc giản chính, cải tổ hành chánh được đề ra ít nhất là 25 năm qua. Vậy thì họ cũng khó có thể làm gì khá hơn trong 25 năm tới nếu họ còn cầm quyền, huống hồ riêng cho năm 2002. Vì vậy chế độ CSVN sẽ không khai thác được tối đa những thuận lợi của hiệp định này, mà có khi còn bị mắc kẹt vì nó là đằng khác.

Một số người thấy ngày nay có nhiều đổi mới và tiến bộ ở Việt Nam đã vội vàng đánh giá cao. Nhận xét ấy không sai. Nhưng nghĩ xa hơn người ta sẽ thấy nếu 26 năm qua mà Việt Nam ở dưới sự lãnh đạo của một chế độ nào đó không phải là Cộng Sản - dù là một chế độ tham nhũng thối nát nhất chăng nữa - Việt Nam cũng đã tiến bộ và thay đổi nhiều lần tốt hơn, có thể là hàng chục lần tốt đẹp hơn, so với dưới chế độ CSVN hiện nay.

Nói chung về những lời hô hào đầu năm phát xuất từ Hà Nội, có một điều người ta thấy rõ, đó là sang năm mới 2002, đảng CSVN và chính quyền của nó sẽ vẫn chỉ có những quyết tâm cũ chưa hề thực hiện, được nhái lại bằng văn bản mới. Và khí thế thì cũng vẫn cái khí thế cũ ngày càng cũ hơn và càng đi xuống dù bộ Chính Trị đảng CSVN có cố vực nó dậy bằng mọi thứ lễ hội và liên hoan, hội thảo, hội nghị với kèn trống ồn ào.

Hà Nhân