MÚA TAY TRONG BỊ

 

Hà Nhân

 

Ngạn ngữ “Múa Tay Trong Bị” của tiếng Việt có nghĩa là tình trạng lúng túng không biết phải làm gì, đối phó cách nào, giải quyết ra sao trước một hoàn cảnh khó khăn, tiến thoái lưỡng nan, đi cũng dở mà ở không xong. Hiện nay chế độ CSVN cũng đang múa tay trong bị trước tình hình thế giới và trong nước cũng như trong nội bộ đảng.  

Nói về khó khăn trở ngại thì khá nhiều, nên xin chỉ thâu hẹp vấn đề trong một phạm vi những biện pháp giải quyết khó khăn của chế độ CSVN.  

CSVN phải đối phó không thể tránh né trước áp lực của Mỹ và các nhà đầu tư nước ngoài đòi Hà Nội cải tổ nền hành chánh và pháp lý có nhiều luật lệ, qui định không ích lợi gì cho ai kể cả chính quyền của họ mà chỉ làm phiền hà công việc làm ăn của giới kinh doanh. Nền hành chánh ấy đã tiếp tay nuôi dưỡng nạn tham nhũng và quan liêu vốn được coi là “đỉnh cao trên thế giới.”  

Trong các kỳ họp trung ương đảng gần đây, các lãnh tụ CSVN đều nhắc nhở đến cải tổ hành chánh, một công việc thoạt nghe tưởng như tầm thường nhưng trên thực tế lại là vấn đề rắc rối gây nhiều trở ngại cho việc vận hành nền kinh tế và nhiều mặt hoạt động xã hội văn hóa cũng như chính trị. 

Muốn thực hiện việc cải tổ hành chánh không phải là dễ dàng, vì tác phong và lề lối hành chánh thường chịu ảnh hưởng của thói quen và định kiến. Trong một thể chế mà quan niệm “bất cứ cái gì có lợi cho Ðảng và Nhà Nước đều được coi là hợp pháp do đó sẽ được che chở” thì không cách gì thực hiện được một nền hành chánh có tín nhiệm, đáng tin cậy và hữu hiệu.  

Ngoài ra, một nền hành chánh như thế sẽ là chướng ngại lớn cho việc thực hiện tự do dân chủ và không thể phục vụ hữu hiệu cho phát triển kinh tế và thương mại. Trong một chính thể nào cũng vậy, luật lệ do chức năng lập pháp ban hành, dù chức năng ấy là do một lãnh tụ chuyên chế hay một nhóm lãnh tụ độc tài nắm giữ, hoặc do một quốc hội dân chủ phụ trách, vẫn phải có một nền hành chánh phân minh, có hiệu lực thì việc thi hành những luật lệ ấy mới đạt được mục tiêu dự liệu.  

Dưới chế độ CSVN, nền hành chánh đã nặng nề lại rườm rà, vô tổ chức, mạnh cơ quan nào làm theo ý của cơ quan ấy, hầu hết dựa trên lợi ích thiển cận, vị kỷ, ngu dốt, chỉ cốt làm lợi cho cá nhân, bè nhóm dưới danh nghĩa phục vụ đảng, bất chấp quyền lợi của nhân dân. Trong khi luật lệ của quốc hội chỗ thì hàm hồ, chỗ thì rắc rối, nền hành chánh lập quy hỗn độn như nói trên lại càng làm cho dân chúng nhất là các doanh gia điêu đứng.  

Trên thực tế, chính quyền CSVN không thể giấu giếm nổi những biểu hiện bất lực của họ. Luật lệ thay đổi xoành xoạch, nhất là luật đầu tư, kinh doanh, đất đai. Riêng việc tư nhân hóa khu vực quốc doanh, chỉ mới giải quyết được khoảng 500 trong số hơn 6.000 xí nghiệp nhà nước, trong khi các xí nghiệp quốc doanh mới tiếp tục mọc ra. Cuối tháng 6 năm 2001 ông Phan Văn Khải ký lệnh ngưng lập xí nghiệp quốc doanh, dư luận mới biết rằng một mặt miễn cưỡng giải tán những xí nghiệp quốc doanh cũ theo lời yêu cầu quốc tế, mặt khác Hà Nội vẫn lập thêm XNQD mới.  

Tương tự, Hà Nội tuyên bố từ hồi đầu năm sẽ bỏ qui định hai giá biểu về các dịch vụ chuyên chở phi cơ, xe lửa, điện nước, điện thoại đối với người ngoại quốc. Nhưng đến tuần này vẫn chưa có thông báo áp dụng.  

Tiêu biểu nhất về luật lệ và thủ tục hành chánh lung tung là trường hợp thi hành qui định buộc công dân đi xe hai bánh gắn máy phải đội mũ bảo hiểm.  

Mục tiêu bảo vệ sinh mạng cho công dân là chính đáng mà một chính quyền nào cũng phải theo đuổi. Nhưng ở Việt Nam, chính quyền CSVN đã thực hiện mục tiêu này bằng những luật lệ và qui định thiếu hòa hợp, bất nhất và nhất là không thực tế.  

Thử tưởng tượng cái dòng xe cộ hai bánh chen chúc với xe 3 và 4 bánh trên những con đường chính các thành thị, nhất là ở Hà Nội và Sài Gòn. Giả như chỉ 1/10 số người chạy xe gắn máy không đội mũ bảo vệ đầu thì lấy đâu ra đủ cảnh sát để bắt giữ và biên phạt. Rút cục chỉ có thể thi hành luật lệ này trên những đường phố tương đối vắng xe. Cuối cùng, chính quyền CSVN phải tu chính luật lệ, chỉ buộc đội mũ bảo hiểm khi di chuyển ngoài thành phố.  

Ngay trong trường hợp này, việc cưỡng hành luật mới cũng khó khăn. Không thể có đủ cảnh sát để chận bắt người vi phạm trên mọi đoạn đường liên tỉnh và quốc lộ. Nếu lập trạm thường trực thì người chạy xe chỉ đội mũ an toàn khi đi qua trạm. Và còn có thể xảy ra tình trạng gây thêm cơ hội cho nạn tham nhũng vốn đã bất trị trong ngành công an giao thông.  

Nói chung, dân chúng nhất là đám thanh niên, sẽ bày ra nhiều trò quỷ thuật qua mặt cảnh sát giao thông. Và cuối cùng, mũ bảo vệ an toàn sẽ chỉ còn là một kỷ niệm không vui. Xưa nay, đã có nhiều phong trào rầm rộ lúc đầu to như voi, và như cơn gió thoảng qua rồi tắt dần, khi kết thúc teo lại như con chuột.  

Ngoài ra, chế độ CSVN còn tỏ ra bất định. Ðến nay, luật đã ra hơn 3 tháng mà chính phủ ở Hà Nội chưa có quy định giá biểu phạt các vi phạm về mũ an toàn.  

Dầu sao thì mọi người cũng mong mỏi nhà cầm quyền CSVN có thể cưỡng hành hữu hiệu các loại luật lệ an toàn giao thông để giảm thiểu số thương vong cao trong nước. Nhưng đồng thời mọi người cũng không hy vọng mong mỏi ấy được thực hiện.  

Cái khó của thứ luật lệ như luật này là làm cho người ta khó chịu. Trời nóng bức, đội mũ tùm hụp nung nấu cái đầu, làm rối bù và ướt đẫm mái tóc các cô, thêm cái nạn vào sở, vào trường học hay tiệm ăn đông đúc, tìm chỗ để mũ mà không sợ mất cắp là một vấn đề không tầm thường chút nào.  

Có những lời kêu ca về tình trạng giao thông đông đúc nhiều hơn sức chứa của đường xá. Trong lúc ấy, số lượng xe mới nhập cảng vào Việt Nam tăng mạnh, nhất là xe gắn máy do Hoa Lục chế tạo bán với giá quá rẻ, chỉ hơn nửa giá xe Nhật. Ðáng lẽ chính quyền phải bằng mọi cách cấm cản nạn buôn lậu xe máy nhưng họ đã thất bại vì những trở ngại do hệ thống tập đoàn sứ quân. Tập đoàn sứ quân này ở các địa phương xưa nay vẫn coi thường lệnh trung ương, cứ nhập cảng những gì đem lại lợi lộc lớn nhất cho địa phương mình.  

Ðiều khôi hài là xe nhập lậu vẫn được đăng ký (đăng bộ) dễ dàng bất chấp xuất xứ. Ở Miền Nam trước năm 1975 tuy mang tiếng tham nhũng tràn lan nhưng hồi ấy không mấy ai đăng bộ nổi xe mua lậu như dưới chế độ tự nhận là ưu việt hiện nay.  

Theo báo Lao Ðộng ngày 4/7/2001, năm 2000 có 810.300 xe máy được đăng ký, tăng gấp đôi năm 1999; trong 5 tháng đầu năm nay đã có 759.628 xe đăng ký; tính trung bình mỗi tháng có thêm 14.000 xe. Số xe hiệu Trung Cộng kiểm tra được ở Cần Thơ khoảng 40.000 chiếc và ở Cà Mâu là 10.000 chiếc. Cũng theo báo này, trung bình mỗi ngày ở Việt Nam có 27 người chết, hầu hết do xe hai bánh gắn máy gây ra.  

Một số người còn nhận định rằng lẽ ra trước khi ra luật về mũ an toàn, chính quyền CSVN phải bỏ ra một ngân khoản nghiên cứu và sưu tầm để tìm một loại mũ thích hợp với thời tiết, nhỏ gọn và không bị đa số phụ nữ ta thán. Quan trọng hơn nữa là phải có giá bán rẻ hợp với túi tiền của dân chúng thay vì giá cắt cổ lên đến 50 mỹ kim như ghi nhận mấy tuần trước đây.  

Một cuộc nghiên cứu như vậy không phải là không thể thực hiện. Dù có tốn tiền thì đó cũng là việc cần làm nếu so với những hội hè lễ lạt chưa thật sự cần thiết thường tốn phí hàng triệu mỹ kim mỗi năm.  

Cuối cùng, luật lệ về mũ bảo vệ đã đem lại tiền lời hàng triệu mỹ kim cho các nhà buôn mũ và các nhà chế tạo mũ giả nhãn hiệu.  

Và mỉa mai thay, luật mũ bảo hiểm lại được coi là thành tích của Ðại Sứ Mỹ Peterson vì chính ông gợi ý cho các lãnh tụ CSVN về một đạo luật như thế.  

Hà Nhân