Mở Khóa Ðịa Ngục

 

Trong lúc ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đang họp phiên then chốt để quyết định về nhân sự lãnh đạo, một cái gai đâm vào suờn chế độ đã làm mủ sưng tấy lên để thành một nhọt độc. Ngày thứ hai 12-3, gần 400 người Thượng định cư tại Mỹ đã biểu tình ở Washington để phản đối chính sách diệt dân tộc thiểu số của Hà Nội. Cũng ngày đó ở Việt Nam, theo tin của đài Á châu Tự do, 10,000 đồng bào Thượng đã biểu tình phản kháng tại Ban Mê Thuột.

 

Ðặc biệt theo những nguồn tin nhận được ở Mỹ qua đường liên lạc Internet, trong số những người biểu tình lần này có nhiều đồng bào người Kinh tham gia, nhất là những nhân vật của chế độ Việt Nam Cộng Hòa nay đã già nua, trong đó có một vị cựu tỉnh trưởng Ðác Lắc và phu nhân của một cố Viện trưởng Viện Ðại học Quốc gia Hành Chánh Saigon. Một nguồn tin khác cho biết Hoàng tử Bảo Long hiện ở Âu Châu cũng đã có một văn thư gửi về đồng bào Thượng ủng hộ cuộc tranh đấu của dân tộc Thượng.

 

Trước những tin này, hiện không rõ bộ Ngoại giao Hà Nội có tổ chức chuyến đi thăm Cao Nguyên cho ký giả ngoại quốc vào ngày thứ tư như đã hứa hay không. Trước mắt người ta đã thấy vấn đề người Thượng còn lâu mới giải quyết được. Ðồng bào Thượng ở Cao Nguyên rất chất phác và thành thật. Một trong nhũng giá trị văn hóa quan trọng nhất của họ là "tôn trọng chữ tín". Ðối với họ, đã hứa là phải thi hành. Nếu đã biết không thể thi hành được thì đừng có hứa. Còn trái lại khi đã hứa rồi lại nuốt lời hứa, họ sẽ bảo đó là nói láo và lừa gạt họ. Họ sẽ không bao giờ tin nữa.

 

Những người Cộng sản Việt Nam từ thời Hồ Chí Minh, theo đúng chính sách ông thày Lenin khi sáng lập Liên Xô, đã hứa hẹn rất nhiều với các dân tộc ít người ở miền Thượng du Bắc Việt và Tây nguyên Trung phần, nhất là cam kết cho họ được quyền sống tự trị trên vùng đất của họ. Năm 1955 Chủ tịch CSVN Hồ Chí Minh đã chính thức tuyên bố chính sách này trước một đại hội dân tộc thiểu số trên toàn quốc. Vào thời điểm đó những người Cộng sản cần tận dụng những tài nguyên nhân lực và vật lực của người dân tộc trong cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Sau năm 1975, khi Cộng sản đã chiếm được miền Nam, chính sách tự trị cho các dân tộc thiểu số hết giá trị. Trong cuộc cải tổ hành chính tháng 2-1976 ở miền Bắc, Khu Tự trị Tây Bắc và Việt Bắc bị âm thầm dẹp bỏ. Còn ở miền Nam, Phong trào Tây nguyên Tự trị cũng có chung số phận với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

 

Chế độ Cộng sản đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác trong chính sách đối với các dân tộc ít người. Sau cuộc biểu tình phản kháng ở Gia Lai và Ðác Lắc, hồi đầu tháng 2 Hà Nội đã phát động một chiến dịch "Thượng vận" mới, chi đến 75,000 Mỹ kim để chiêu dụ đồng bào Thượng, trong đó có việc in hình Hồ Chí Minh phân phát cho 4 tỉnh Cao nguyên Trung phần, bắt buộc các dân tộc ít người đem về treo trong nhà, cốt để khuyến dụ họ đừng chống lại nhà nước CSVN. Về việc này, qua một cuộc điện đàm với một chuyên gia khả kính đã nghiên cứu rất lâu năm về lịch sử và văn hóa các dân tộc Thượng, tôi được nghe một chuyện lạ.

 

Người dân Thượng dù theo bắt cứ tôn giáo nào cũng vẫn giữ gìn bảo trọng những phong tục tập quán cổ truyền của họ, trong đó có một điểm gọi là "Âm Dương Cách Biệt". Họ tin rằng người sống và người chết không thể ở chung trong một mái nhà. Vì thế việc mai táng người chết của họ đã làm theo một phong tục đặc biệt. Khi đưa người chết ra đồng chôn cất, tang lễ được cử hành rất trọng thể ở ngay nơi mả người chết theo đúng tập quán dân tộc. Tang lễ xong, họ chăng một sợi dây đỏ trên đường về nhà, họ nhẩy qua dây chăng đó và ùa nhau chạy về nhà cho thật lẹ. Họ sợ linh hồn người chết còn quyến luyến họ nên cũng theo họ về nhà luôn. Sợi dây đỏ chăng ngang đường chính là bùa ngăn cản, không cho con ma đi theo họ.

 

Mặt khác, đối với người chết họ còn giữ một thời gọi là "thời kỳ hứa", tùy theo hoàn cảnh có thể một năm hay dài đến ba năm. Trong thời gian đó họ cho người chết ăn uống bằng cách đào một cái hố ở cạnh mả người chết đổ thức ăn xuống, có khi họ làm thịt cả một con trâu rồi bỏ thịt xuống đó với đủ nước và rượu. Còn những vật dụng thường ngày của người chết như chum chậu, chén bát đều được đem ra tha ma đập bể, đặt bên cạnh mồ người chết để những người này có vật dùng khỏi trở về nhà lấy. Có khi cả một chiếc xe đạp cũng bị đập nát và gác lên mồ.

 

Nguyên nhân chính của tập tục này là họ sợ người chết cứ lẩn quẩn trong nhà, không sao siêu thoát. Vả lại khi có ma quỷ ở cùng nhà, làm sao làm ăn khá được? Bây giờ đến chuyện bức ảnh Hồ Chí Minh, họ bị bắt buộc phải đem vào nhà. Ðối với người dân Thượng, ông Hồ Chí Minh đã chết lâu rồi nhưng không được đem chôn, xác lại tẩm thuốc để người ta vào xem, nên họ tin rằng ông không được siêu thoát và đã hóa thành quỷ. Họ vốn úy kỵ ma quỷ ở chung trong nhà, nên bảo họ rước hình quỷ vào nhà làm sao họ chịu cho thấu?

 

Các ông Cộng sản Việt Nam mù tịt về văn hóa người Thượng nên đã phạm phải sai lầm tai hại. Tôi nghe chuyện này liên tưởng đến một cuốn phim tập của Mỹ loại kinh hoàng rợn tóc gáy có tên là "Hell Raiser"(Mở Khóa Ðịa Ngục). Một anh vớ được cái chìa khóa loay hoay thế nào mở ra một cái cửa. Ðó là cửa Ðịa nguc, mở ra thành biết bao chuyện rùng rợn toát mồ hôi lạnh. Chắc các ông Cộng sản Việt Nam cũng đã vớ được cái khóa đó rồi.

Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh