MÃNH HỔ VÀ QUẦN HỒ  

 

Ðã lâu lắm, Hoa Kỳ không bị một vụ tai tiếng quốc tế nào. Nhưng tuần qua, xứ Cờ Hoa này bất ngờ bị hai cú đấm tuy không đau lắm nhưng để lại hai vết nhỏ trên khuôn mặt. Ðó là vụ Hoa Ky bị liên tiếp mời ra khỏi Ủy Hội Nhân Quyền LHQ và Hội Ðồng Kiểm Soát Ma Túy Quốc Tế trực thuộc LHQ sau hai cuộc bỏ phiếu kín diễn ra cùng ngày 4/5/2001 vừa qua. Trong hai vụ này, việc mất ghế đại diện tại Ủy Hội Nhân Quyền làm cho Mỹ nổi nóng nhiều hơn.  

Nếu lời tiết lộ của giới ngoại giao Mỹ là đúng, thì quả thực chính quyền Bush đã lơ là trước khả năng chống đối Mỹ của các nước kém thân thiện hay thù nghịch. Các nhân viên ngoại giao Mỹ tại LHQ tỏ ra quá chủ quan khi họ tin rằng Hoa Kỳ sẽ đương nhiên được tái cử vào chiếc ghế mà Hoa Kỳ đã ngồi trong Ủy Hội Nhân Quyền từ ngày thành lập năm 1947. Ðại Sứ Mỹ tại LHQ đang chờ người thay thế và phần hành liên hệ trong Bộ Ngoại Giao của cựu Ðại Tướng Powell đã không nỗ lực vận động các đại sứ khác tại LHQ để chắc chắn rằng Hoa Kỳ sẽ không mất hai ghế nói trên.  

Ðiều khôi hài là nước mới được bầu vào Ủy Hội Nhân Quyền LHQ lại là Sudan, một quốc gia Phi Châu da đen nổi tiếng xấu xa về các vi phạm nhân quyền. Ủy Hội này gồm 53 hội viên trong đó có nhiều chế độ có thành tích khinh thường quyền con người đáng kể như CSVN, Trung Cộng, Sierra Leone, Hồi Quốc, Cuba, Syria, Libya...  

Hội Ân Xá Quốc Tế tại Luân Ðôn, một tổ chức có uy tín và công bình vô tư, đã gọi việc Mỹ bị mời ra khỏi Uỷ Hội Nhân Quyền là một phần nỗ lực của các chế độ thường xuyên vi phạm nhân quyền để tránh bị chỉ trích.  

Vụ gạt Mỹ ra khỏi hai tổ chức LHQ có thể là dấu hiệu mở đầu của một liên minh tạm bợ gồm các chế độ áp bức, chuyên chính thường bị Mỹ đả kích và gây sức ép đòi cải thiện tình trạng kìm kẹp, ngược đãi và kỳ thị về tôn giáo, khuynh hướng chính trị, phái tính, và sắc tộc. Hiện nay số quốc gia sống dưới các chế độ vi phạm nhân quyền nhiều hơn hẳn số quốc gia có chế độ dân chủ. Bất cứ biểu quyết nào liên quan đến nhân quyền hoặc những vấn đề tương tự, làm chạm nọc các chính quyền chuyên chế sẽ có thể bị những chính quyền này dùng số đông đẩy lùi các cố gắng cải thiện tình trạng nhân quyền của các nước dân chủ tân tiến.  

Sự kiện nhóm các chế độ áp bức ở các nước chậm tiến cùng đoàn kết áp đảo được Hoa Kỳ tại diễn đàn nhân quyền có thể dẫn đến những vụ "mai phục" khác. Nếu Hoa Kỳ vẫn chủ quan không lưu ý đến các âm mưu chống Mỹ tại LHQ, nước này sẽ còn bị những cú đấm mạnh hơn.  

Từ ngày thành lập, Hoa Kỳ luôn tham gia và đóng góp tích cực vào việc tranh đấu cho nhân quyền. Nhưng trong những năm đầu từ 1947, Mỹ ít lớn tiếng can thiệp vào những chính sách và hành động vi phạm nhân quyền. Mãi tới gần cuối thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, chính phủ Mỹ và các chính phủ đồng minh mới sử dụng nhân quyền làm thứ vũ khí hữu hiệu chống lại các chế độ áp bức và đã thành công trong một số trường hợp.  

Các chế độ thường xuyên vi phạm nhân quyền thường nêu lý do mỗi nước có một số đặc tính kinh tế xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán, thang giá trị đạo đức và nhân sinh quan riêng phản ảnh nhu cầu chuyên biệt của từng nước, không thể rập khuôn những tiêu chẩn về nhân quyền trong xã hội Tây Phương.  

Nhưng người có lý trí không chấp nhận luận cứ cù nhầy này, một lập luận ngụy biện trơ trẽn thường được nghe thấy từ Hà Nội, Bắc Kinh. Ðành rằng tiêu chuẩn nhân quyền có thể khác nhau giữa các nước. Nhưng đối với các vấn đề căn bản của mọi con người thì ở đâu cũng giống nhau. Thí dụ không thể chấp nhận hành động buộc vợ phải tự thiêu theo chồng khi chồng mệnh một,nại cớ "văn hóa" hay "phong tục" để cấm nước khác can thiệp.  

Trong vụ này, Hoa Kỳ đã chịu trận lần đầu tiên trong cảnh "mãnh hổ nan địch quần hồ" (một con cọp mạnh khó có thể địch lại một bầy chồn cáo). Bầy chồn cáo này có cả Trung Cộng, một chế độ áp bức thường bị Mỹ đả kích nặng nề về nhân quyền. Nhóm các chế độ này chống Mỹ vì nhiều lý do.  

Xưa nay trong bang giao quốc tế, Hoa Kỳ thường chơi trò trịch thượng, lấy của đè người. Nhiều nước sống nhờ viện trợ Mỹ nhưng vẫn có ác cảm với chính quyền Hoa Thịnh Ðốn. Hầu hết có kinh nghiệm rằng "làm kẻ thù chống Hoa Kỳ dễ và có lợi hơn là làm bạn với nước này."  

Các nước chống Mỹ có một số lý lẽ về những hành vi sai trái của chính quyền Hoa Thịnh Ðốn. Gần đây từ cuối triều đại Clinton, Bạch Cung đã không chịu ký hiệp định cấm địa lôi, chống lại việc thành lập Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, không phê chuẩn công ước LHQ về quyền trẻ em. Nay chính quyền Bush lại đơn phuơng rút ra khỏi các hiệp ước Kyoto về chống tăng nhiệt độ trên địa cầu. Về quân sự, chính phủ Bush cho biết sẽ rút khỏi hiệp định về hệ thống phòng thủ chống phi đạn.  

Trong cuộc bỏ phiếu kín, có 20 nước đồng minh của Mỹ hứa bỏ phiếu cho Mỹ trong cuộc tuyển chọn vào Ủy Hội Nhân Quyền nhưng đã bội ước. Ðúng như đã có một chính khách nào đó đã phát biểu, "Chẳng có nước nào là bạn mãi mãi."  

Hoa Kỳ phản ứng gay gắt. Hạ Viện Mỹ biểu quyết với số phiếu 252/165 chấp thuận trả cho LHQ 582 triệu mỹ kim phần đóng góp mà Mỹ còn nợ tổ chức quốc tế này. Nhưng hạ viện giữ lại 244 triệu MK để gây áp lực với LHQ trong vụ loại Hoa Kỳ ra khỏi hai cơ quan LHQ nói trên.  

Hoa Kỳ làm tay anh chị trong tổ chức LHQ là điều dễ hiểu. Khi thành lập, không nước nào chịu đặt trụ sở LHQ ở nước mình. Hoa Kỳ ghé vai lãnh cái của nợ này, nuôi sống một diễn đàn để thù cũng như bạn to tiếng chửi bới. Ðầu thập niên 1990, Hoa Kỳ hỏi có nước nào nhận làm nơi đặt trụ sở LHQ hay không, việc phí tổn dời đổi Hoa Kỳ sẽ gánh chịu. Không nước nào dám nhận. Nhưng nhờ vậy mà Hoa Kỳ, với số tiền đóng góp lớn lao, thường có quyền lực áp đảo tại các tổ chức thuộc LHQ.  

Nhưng những năm gần đây, Hoa Kỳ bị lờn mặt, có lẽ vì tâm lý của nhà giầu sợ đứt tay chảy máu, không dám chịu thiệt hại nhỏ để giải quyết dứt khoát một mối nguy hại lâu dài. Ðiển hình là khi đang tiến đến thành công trong chiến dịch gìn giữ hòa bình ở Somalia năm 1992, chỉ vì một đơn vị Mỹ bị phục kích chết 18 binh sĩ, Hoa Thịnh Ðốn vội vã rút quân trước sự bất mãn của nhiều tướng lãnh Mỹ và đồng minh. 

Trong liên hệ với Trung Cộng, hành pháp và lập pháp Mỹ lúc đầu chỉ gia hạn quy chế tối huệ quốc cho Bắc Kinh từng năm để gây áp lực về nhân quyền. Nhưng vào giữa thập niên 1990, Tổng Thống Mỹ Clinton tuyên bố tách rời nhân quyền khỏi các vấn đề mậu dịch và hiến cho Bắc Kinh quy chế tối huệ quốc vĩnh viễn. Từ đó Bắc Kinh lại hung hăng, thẳng tay đàn áp tôn giáo và các phần tử đối lập ôn hòa.  

Với sức mạnh của mình về nhiều mặt chính trị, quân sự và kinh tế, đáng lẽ trong bang giao quốc tế Hoa Kỳ không nên rụt rè, ngán ngẩm trước những chế độ côn đồ quốc tế lì lợm. Hậu quả của thái độ vừa đánh vừa run mà Hoa Thịnh Ðốn thường tỏ ra sẽ gây nguy hại gấp trăm lần so với hành động cương quyết trong hiện tại với tổn thất dự tính được.  

Chính sách ngoại giao của chính phủ Bush hiện nay tỏ ra cứng rắn nhưng không thể tiên đoán chính phủ này chịu được chiến thuật quấy rối và chai lì của bọn "côn đồ quốc tế" được bao lâu và tới mức nào.  

Có thể thấy rõ khả năng và ý chí của chính phủ Bush trong liên hệ với CSVN. Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ vừa công bố phúc trình về những hành động đàn áp tôn giáo của CSVN và yêu cầu hành pháp Mỹ ngưng mọi sự trợ giúp cho chế độ này. Tin báo chí cho thấy việc phê chuẩn thỏa hiệp thương mại song phương Hà Nội ký với Mỹ có thể bị trục trặc vì những cáo giác đàn áp tôn giáo và nhân quyền như của ủy hội nói trên đây.  

Người ta đang theo dõi xem ông Bush có khả năng trị nổi các lãnh tụ CSVN ở Hà Nội đến mức nào, liệu có khá hơn ông Bill Clinton hay không? Ðây có thể là một hành động tiêu biểu cho chính sách ngoại giao của chính phủ Bush, không những làm cho nhóm các chế độ chống Mỹ lui bước mà còn làm cho các đồng minh của Mỹ phải tỏ ra nghi ngại. Vì trên thực tế, Hoa Kỳ vẫn có thể tiếp tục xung kích về nhân quyền mạnh hơn dù có ra khỏi Ủy Hội Nhân Quyền hay không.

 

Hà Nhân