Tuổi Trẻ: 

LỰC LƯỢNG TRỪ BỊ

 

Thách thức chế độ CS tại VN, hiện tại có hai lực lượng. Lực lượng thứ nhứt là lực lượng quần chúng có tín ngưỡng bị áp bức tinh thần hay vật chất ( tín đồ các tôn giáo và đồng bào Thương) đã ra quân và đang tranh đấu. Lực lương thứ hai là lực lương tuổi trẻ sanh trong thời bình, không kẹt quá khứ, đang mất niềm tin nơi Ðảng, bất mãn Nhà nước, và là lực lượng trừ bị có thể sắp ra quân.

 

Tre tàn măng mọc là định luật của sự sống. Thế hệ lão làng của thời lập Ðảng CSVN hầu như đã qua đời tất cả.Những người điều hành cuộc xâm chiếm Miền Nam  không còn mấy ngày nữa cũng phải rời khỏi sân khấu chánh trị theo luật đào thải không thương tiếc của thời gian. Thế hệ CS trạc 50, 60, được đào tạo tại Liên sô cũ, vẫn còn trung với Ðảng, đã lên thay, và chưa hề thấy có kế hoạch đào tạo đội ngũ thừa kế và ý định chuyển giao quyền hành. Thế hệ trẻ đông đảo nhứt, gồm 40 triệu người, trên 50% dân số. Sanh ra trong hòa bình, sống không thù hận, ít bị tuyên truyền CS nhồi sọ, không kẹt quá khứ, không quá khích, nên có cái nhìn của thế hệ trẻ khác, nhân sinh quan khác với hai thế hệ kia vốn sống trong chiến tranh và trong vòng sách động của Ðảng. Khác biệt trở nên cách biệt trầm trọng khi  chủ nghĩa CS tỏ ra thất bại với sự sụp đổ tự hoại của Liên xô và Ðông Âu. Còn bên trong thì dân nghèo, nước mạt với  tập thể hóa sản xuất, chiến tranh biên giới, Ðảng biến chất, hủ hóa và chánh quyền tham nhũng, bất lực. Mức độ trầm trọng tăng gia gấp bội trong thời kỳ Ðổi Mới khi lớp trẻ được tiếp cận có mức độ được với tự do dân chủ, có thể so sánh rõ và suy nghĩ duy lý hơn.

 

Cho nên, dưới cặp mắt vốn đa nghi của Ðảng, lớp trẻ "trở thành những người cơ hội, tôn thờ tiền bạc, khoái lạc. Kẻ tìm nguồn vui trong rượu thịt; người tìm an ủi nơi thánh thần" ( lời của Ô. Nguyễn văn Linh, Cựu Tổng Bí thư Ðảng CSVN, rút ra từ bài viết của Robert Templer, Giáo sư ÐH Berkeley). Thật là hết ý. Thanh niên, lớp người từng được ca ngợi là cánh tay mặt của Ðảng, anh hùng sanh Bắc tử Nam, nay bị lớp đảng viên già liệt vào thành phần gây rối, nguy hiễm cho Ðảng. Như vậy thì làm gì có chuyện kế thừa hay chuyển giao quyền bính cho lớp trẻ!

 

Trong lúc đó, tuổi trẻ cũng không phải những tay vừa. Vốn trẻ nên lớp người này không kẹt quá khứ, không kẹt hận thù, dễ tiếp cận với các trào lưu mới. Theo công trình thăm dò của David Marr, có đến 80% thanh niên sống tại Sàigòn không biết gốc tích của những liệt sĩ, tên được lấy đặt cho đường phố. Thanh niên Miền Nam nếu không tự coi mình như thanh niên Tây Âu, Bắc Mỹ, ít nhứt cũng ngang hàng với những người đồng trang lứa ở các nước con Rồng kinh tế Á châu, về thời trang ăn mặc, âm nhạc cũng như kiến thức ngoại ngữ, chuyên môn, và nhứt là tin học.

 

Tuy nhiên về mặt chánh trị và xã hội thì lớp trẻ "bằng mặt nhưng hoàn toàn không bằng lòng" đối với Ðảng và Nhà Nước độc quyền toàn trị. Thành đoàn Thanh niên CS Hồ chí Minh, con số kết nạp giảm sút đáng sợ. Những năm 80, nhân số là 4 triệu 7; bây giờ còn dưới 2 triệu. Báo Tuổi Trẻ là tờ báo chỉ trích chánh quyền mạnh nhứt. "Tuổi trẻ bị bạc đãi bởi gia đình, trường học, và xã hội. Những nhu cầu căn bản của thanh niên như việc làm, học hành, giải trí, và sức khoẻ không được đáp ứng." Tình hình vận động và kết nạp thanh niên vào Ðảng không đem lại kết quả trong nhiều năm liền. Tờ báo Tuổi Trẻ của của Sàigòn cũ không được phép phổ biến trên Internet như các tờ báo của Ðảng khác.

 

Theo thăm dò của báo Nhân Dân của Ðảng, năm 1993, tuổi trẻ rất lơ là, thờ ơ với hai vấn đề mà Ðảng cho là quan yếu: an ninh xã hội và độc lập đất nước. Hai đề tài này kết quả đứng sau chót trong bản thăm dò gồm 12 mục. Việc làm, kinh tế, gia đình và nạn tham ô được thanh niên chú ý hàng đầu.

 

Trong lúc đó tình hình bất phục tùng dân sự ngày càng phát triễn. Cảnh sát công an gần như bất lực trước các cuộc đua xe gắn máy cuối tuần, trong các ngày lễ, tại các thành phố lớn. Nạn cá độ các trận túc cầu quốc tế và chung kết trong nước không tài nào ngăn cấm được. Các trò chơi bạo được ưa chuộng. Phim ảnh ngoại quốc giành mật thị trường phim quốc nội nặng mùi chánh trị một chiều đến mức buồn nôn.

 

Thanh niên nông thôn ngày càng tràn ra thành phố, tìm sinh lộ. Qui định tạm vắng, tạm trú, ngay đến công cụ chánh yếu kiểm soát nhân dân là tờ hộ khẩu cũng dần dần trở thành vô giá trị. Thanh niên trí thức không xem các cơ quan công quyền là bậc thềm cho sự nghiệp. Trái lại cơ quan nước ngoài đầu tư mới là chỗ để tiến thân.

 

Hố ngăn cách giữa lớp già tham quyền cố vị của Ðảng và lớp trẻ năng động, bén nhậy với cái mới nhưng bị gạt ra ngoài vòng quyền lực, đã đến mức không thể khỏa lấp được. Nó trở thành mâu thuẩn tương khắc chỉ chờ bùng nổ. Thanh niên đang lớn không thể mãi mặc cái áo do CS trồng vào hồi còn sơ sinh hay niên thiếu. Phải có thay đổi. Cải cách hay cách mạng?

 

Nhiều dấu chỉ cho thấy cải cách kinh tế không đủ. Cải cách văn hóa, chánh trị, gần 20 năm rồi, lớp CS lão làng, lão niên nhứt định không cho làm. Cũng không muốn chuẩn bị và chuẩn bị không được một đội ngũ kế thừa theo ý Ðảng hầu chuyển tiếp quyên hành trong êm thắm.

 

Trong lúc đó, xã hội VN bắt đầu chuyển mình rồi biến động theo nhịp và hướng cách mạng nhiều hơn. Cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo và tự do dân tộc phát triễn sâu rộng trong nước và được ngoài nước cổ võ, yễm trợ không ngừng nghỉ. Song song, quanh trên thế giới, xuất hiện một hình thái cách mạng mới, cách mạng không đổ máu. Cách mạng quần chúng bao vây nhà hay đảng độc tài, làm công quyền vở ra từng mảnh và quay lại với nhân dân. Gần đây và gần VN nhứt là cuộc cách mạng nhân dân lật đổ Suharto, Estrada. Thanh niên VN nhứt định không thể không suy nghĩ. Các tôn giáo đã ra quân, xung kích. Chừng nào lực lương trừ bị tiếp ứng? Chả lẽ trên 50% dân số là thanh niên, là rường cột của nước nhà, là lớp người Tổ quốc chờ mong lại mãi "ngậm mối căm hờn trong cũi sắt" của CSVN chỉ chiếm non 3% dân số hay sao? Không thể như vậy. Thanh niên là lớp người có kiến thức hiện đại nhứt nhờ dễ tiếp cận với cái mới của thế giới, nếu không muốn nói là lớp trí thức. Theo triết gia Thomas Hobbes của Anh (1558-1679) lớp trí thức là lớp người biện minh  và dấy men cho cách mạng. Thanh niên là lực lượng. Ðại học là lò cách mạng. Sinh viên đã đóng vai trò lớn trong các phong trào dân chủ ở Trung quốc lẫn Ðông Aâu, Nam dương, Phi luật tân. Có lẽ trong chiều hướng đó mà TT Clinton đòi cho được sữ dụng diễn đàn viện đại học Hà nội để gởi thông điệp tự do dân chủ cho cả nước VN. Không lý do gì, thanh niên VN, lực lượng trừ bị không ra quân.

VI ANH