KHÔNG THÀNH CÔNG THÌ SAO?

 

Hà Nhân  

Chủ Nhật tới đây, 17 tháng 6 năm 2001, là kỷ niệm lần thứ 71 ngày 13 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Ðảng bị chính quyền Thực Dân Pháp hành quyết trên máy chém. Người Việt yêu nước đều coi ngày lễ này là có tính cách tượng trưng cho cuộc cách mạng nhằm đánh đổ chế độ thuộc địa của Pháp giành độc lập để xây dựng một chế độ dân chủ tự do, phồn thịnh.  

Cuộc cách mạng chống Pháp của các đảng phái quốc gia không-cộng-sản từ cuối thập niên 1920 nẩy nở và phát triển rất mạnh với những tổ chức hùng mạnh, tinh thần hy sinh cao cả như Ðại Việt, Duy Dân, Dân Chủ, VNQDÐ...  

Ngày 10 tháng 2 năm 1930, cuộc nổi dậy của VNQDÐ bùng lên như một ngọn lửa vĩ đại, sáng rực khắp một vùng rộng lớn thuộc trung châu và châu thổ sông Nhĩ Hà ở Bắc Kỳ. Tiếng vang của cuộc khởi nghĩa 10/2/1930 làm toàn cõi Ðông Dương sửng sốt. Thực Dân Pháp báo động vì mức độ ảnh hưởng lan rộng của VNQDÐ ngoài ước tính của họ mặc dầu công an Pháp đã bắt giam và bỏ tù hàng ngàn đảng viên của đảng này.  

Một số người gọi cuộc nổi dậy này là Khởi Nghĩa Yên Báy, vì trong các mục tiêu tấn công của quân cách mạng, Yên Báy có tính chất tiêu biểu nhất và cũng là nơi quân VNQDÐ thành công lớn nhất. Ngoài ra, Yên Báy cũng là nơi mà 13 liệt sĩ VNQDÐ trong đó có đảng trưởng Nguyễn Thái Học bị hành quyết.  

Ðối với quần chúng và nhất là các đảng viên VNQDÐ, ngày 17 tháng 6 được ghi nhớ sâu đậm hơn ngày 10 tháng 2. Mười Bẩy tháng Sáu được gọi là Ngày Tang Yên Báy, coi như ngày giỗ tất cả hàng ngàn liệt sĩ QDÐ đã bị xử chém, hoặc chết trong tù ngục từ Côn Sơn, Sơn La... đến Guyanne, Tahiti. Trong số đông đảo liệt sĩ này, 13 vị bị chém ở Yên Báy là một nhóm người anh hùng tiêu biểu nhất trong số các anh hùng đã chết vì đại nghĩa trong hàng ngũ QDÐ.  

Chỉ riêng thái độ bình thản, cương quyết và can đảm của 13 liệt sĩ Yên Báy cũng đủ làm cho trang sử Việt Nam về giai đoạn này không bao giờ mờ nhạt. Không có một tinh thần yêu nước và hi sinh cao độ thì không thể có những con người tươi cười hô lớn "Việt Nam Muôn Năm" trước khi đầu lìa khỏi xác, hoặc như liệt sĩ Phó Ðức Chính đòi nằm ngửa để xem lưỡi đao máy chém phóng xuống như thế nào.  

Một số không nhỏ đảng viên VNQDÐ trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập trước và sau ngày khởi nghĩa Yên Báy đã ghi thêm vào trang sử máu 1930 những nét hào hùng. Khi bị bắt, hay trước tòa án của Thực Dân Pháp, đa số đảng viên sa lưới giặc Pháp đều có chung thái độ dũng cảm, không chịu khuất phục, không hèn hạ. Những cử chỉ, lời nói hào hùng trước quyền lực của kẻ thù đã làm xúc động anh em, con cháu thế hệ sau ngưỡng mộ và lấy đó làm gương sáng phải noi theo trên con đường tranh đấu.  

Hào quang của Khởi Nghĩa Yên Báy đã che lấp cuộc nổi dậy ở Nghệ An của CSVN mà họ gọi là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Vì nhiều lẽ, Xô Viết Nghệ Tĩnh không được biết đến vào lúc ấy. Khởi động từ đêm 29/4/1930, cuộc biến động do nông dân nghèo khó đứng lên không có tính chất quân sự đối đầu bằng võ lực đối với Thực Dân Pháp như vụ Yên Báy.  

Một vài sử gia cho rằng CSVN gây ra vụ Xô Viết Nghệ An chỉ nhằm chứng tỏ với Quốc Tế Cộng Sản sự hiện diện và khả năng của đảng CSVN phôi thai lúc ấy hầu được Liên Xô công nhận và hậu thuẫn. Các bộ máy tuyên truyền của CSVN phóng đại vụ này khá nhiều. Căn cứ vào các tài liệu thời ấy, tuy vụ Xô Viết Nghệ An kéo dài đến tháng 8 cùng năm, nhưng không làm cho người Pháp lo sợ bằng vụ Yên Báy.  

Có người kể cả phe CSVN phê bình rằng cuộc khởi nghĩa Yên Báy là hành động liều lĩnh không mang lại thắng lợi đáng kể. Tuy nhiên, nhiều người khác cho rằng cuộc khởi nghĩa này là hành động không thể tránh né. Theo các nhân chứng và tác giả các sách báo nói về lịch sử VNQDÐ thì cuối năm 1929, đảng này đã bị chính quyền thuộc địa đàn áp tàn bạo, truy lùng ráo riết, một số không ít đảng viên bị bắt và bị tù đầy. Lực lượng của đảng bị tổn hại nghiêm trọng.  

Ðiều đáng suy nghĩ là dường như có bàn tay của phe Cộng Sản trong giới tín cẩn của Công An Pháp đưa tin tức khá chính xác để chính quyền thuộc địa lần hồi tiêu diệt lực lượng QDÐ. Theo các tác giả viết về VNQDÐ, trước khi Khởi Nghĩa Yên Báy bùng nổ, phe CSVN đã tung truyền đơn có ý cho Công An Pháp giải đoán về cuộc nổi dậy 10/2/1930.  

Nguyễn Thái Học và các vị lãnh đạo VNQDÐ đã quyết định đúng. Nếu không mạnh dạn hy sinh, quyết tâm chiến đấu trong khi biết rằng khó có thể thành tựu mục tiêu tối hậu là lật đổ chế độ thực dân, thì đảng sẽ vẫn tan rã mà không làm được việc gì ích quốc lợi dân. Quyết định tổng khởi nghĩa và những cái chết oai hùng của 13 liệt sĩ Yên Báy và hàng ngàn liệt sĩ khác đã chứng tỏ quan điểm nói trên là khôn ngoan, là một hành vi liều lĩnh có tính toán.  

Tuy không có thống kê nhưng nhiều người công nhận rằng các liệt sĩ VNQDÐ và cuộc khởi nghĩa đã gieo rắc lòng yêu nước cuồng nhiệt cho nhiều thế hệ thanh thiếu niên sau năm 1930. Ngọn lửa cách mạng và tinh thần Yên Báy đã là động cơ mạnh mẽ thúc đẩy hàng triệu thanh thiếu niên tham gia các phong trào cách mạng giành độc lập, kể cả những người gia nhập đảng Cộng Sản.  

Lời của liệt sĩ Nguyễn Thái Học còn lưu lại hậu thế mãi mãi: "Không Thành Công Thì Thành Nhân." Câu này có thể giải nghĩa theo hai cách. Một phái cho rằng chữ "nhân" trong câu này hàm ý "nhân quả." Theo đó cuộc khởi nghĩa dù không thành công thì cũng để lại một cái "nhân" tốt cho những người đi sau tiếp tục chiến đấu cho đại nghĩa. Một phái cho rằng "thành nhân" nghĩa là thành đạt nghĩa vụ, điều mong đợi của một con người, hay giản dị hơn là "thành người."  

Tiếc rằng liệt sĩ Nguyễn Thái Học không nói rõ hơn. Nhưng dù là nghĩa nào chăng nữa chúng ta cũng phải ghi nhận trên thực tế rằng tinh thần Yên Báy và 17 tháng Sáu đã để lại một tác động mạnh và un đúc hơn nữa truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam không những trong công cuộc đánh đuổi giặc Pháp mà còn là ngôi sao dẫn đường trong công cuộc chiến đấu chống CSVN suốt từ năm 1945 tới nay.  

CSVN thường phê bình rằng VNQDÐ chỉ có lòng yêu nước nhưng không có chủ thuyết hay đường lối xây dựng xã hội Việt Nam sau khi đánh đuổi xong giặc Pháp. Nhận định này có phần đúng nếu chỉ quan sát hoạt động bên ngoài của VNQDÐ hồi ấy.  

Lúc đầu các lãnh tụ VNQDÐ có ý làm cuộc cách mạng chống Pháp là ưu tiên, và tạm thời dựa vào những nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của chế độ do Tôn Dật Tiên phát động. Tuy nhiên chưa hề có lãnh tụ VNQDÐ nào chính thức tuyên bố lấy Chủ Nghĩa Tam Dân làm căn bản để xây dựng một chế độ mới ở Việt Nam.  

Trên thực tế, chủ trương của hầu hết các lãnh tụ hầu như đều có quan điểm hướng về một thứ chủ nghĩa xã hội mềm dẻo nhằm phục vụ quyền lợi của đa số dân chúng vốn nghèo nàn, lạc hậu. Chắc chắn là VNQDÐ không phải là một thế lực chính trị chủ trương tư bản chủ nghĩa triệt để, mà chỉ nhằm thiết lập một chế độ dân chủ tự do.  

Sau những năm từ 1950 trở đi, VNQDÐ chia thành nhiều hệ phái. Và trong suốt thời Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa, hầu hết các hệ phái VNQDÐ đứng về phía đối lập, chỉ cộng tác với chính quyền VNCH tùy từng trường hợp. 

Ngày nay hào quang Yên Báy vẫn còn đó. Mỗi lần một người bình thường khi nhắc đến VNQDÐ, Việt Quốc, hầu hết đều có lòng ưu ái, coi như đó là tổ chức chống Pháp, chống Cộng và yêu nước cuồng nhiệt, đứng đầu phe Chống CSVN. Nhưng không ai mà không xót xa khi nhắc đến một VNQDÐ ở hải ngoại chia rẽ trầm trọng tồi tệ hơn nhiều so với thời kỳ 1955-1975 ở trong nước mặc dù số đảng viên lưu vong ở nước ngoài không bằng một phần mười tổng số đảng viên còn sống ở Việt Nam.  

Mặc dầu chia rẽ là tình trạng chung của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại. Nhưng đáng lẽ với chỗ đứng trong lịch sử của VNQDÐ, với truyền thống hào hùng và sự hi sinh to lớn của các thế hệ QDÐ chống Pháp, chống Cộng, VNQDÐ phải là đoàn thể dẫn đầu các cuộc đấu tranh giải thể chế độ CSVN. Ðằng này thực tế cho thấy lớp đảng viên cũ đang già yếu dần, lớp trẻ bên ngoài chưa thấy đảng là ngôi sao trắng hấp dẫn.  

Ngọn lửa Yên Báy không thể tàn lụi dù kẻ địch bên ngoài và nội thù bên trong cố tình đánh phá bằng mọi cách như gây chia rẽ nội bộ mọi phe nhóm, hoặc lập ra một VNQDÐ quốc doanh ở trong nước.  

Những đảng viên chân chính nhất là lớp trẻ trong VNQDÐ được trông đợi sẽ là những người thành công trong việc làm sống lại một Việt Quốc đoàn kết, hết lòng vì nước và phát huy truyền thống Yên Báy hào hùng của VNQDÐ và giương cao ngọn cờ Sao Trắng vẻ vang.  

KHÔNG THÀNH CÔNG THÌ THÀNH NHÂN có ý nghĩa tích cực, không hề tiêu cực.