KHÍA CẠNH CHÍNH TRỊ

CỦA CỘNG ÐỒNG 

NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI (2)

 

Ðại Dương  

Nhằm chặn đứng thảm cảnh thuyền nhân nên chương trình "Ra đi có trật tự-ODP" thành hình do thỏa hiệp quốc tế giữa Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại, Tây Ðức, Pháp, Bỉ, Úc Ðại Lợi, Anh Cát Lợi..  

Thống kê của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết người đi theo diện bảo lãnh năm 1979 là 1,900 tăng lên 92,000 người vào năm 1986. Tính đến năm 1988, đã có 143,045 người rời Việt Nam theo chương trình ODP.  

Nhóm người rời khỏi Việt Nam nhờ sự bảo lãnh của thân nhân không được liệt kê vào thành phần tị nạn. Họ không được hưởng quyền lợi dành cho người tị nạn. Thân nhân đứng ra bảo lãnh phải gánh chịu mọi chi phí và trách nhiệm ổn định cho người mới đến. Vì thế, hầu hết tự xếp vào thành phần di dân chứ ít khi thừa nhận tư cách tị nạn.  

Quan niệm đó có phần không sát với thực tế lịch sử bởi vì (1) Thân nhân đứng tên bảo lãnh thuộc lớp di tản năm 1975; hoặc thành phần du học, làm việc ở ngoại quốc tự động cư trú bên ngoài Việt Nam sau biến cố 30-4-75; hoặc những người lập gia đình với ngoại nhân; hoặc thuộc nhóm vượt biên đã được định cư. Hầu hết, họ sinh sống ở nước ngoài vì lý do tị nạn chính trị nên muốn ruột thịt cũng thoát khỏi chế độ cộng sản. (2) Sự bảo lãnh dễ dàng, nhanh chóng, ồ ạt do ảnh hưởng từ chính sách tị nạn chính trị của Tây phương. Từ trước, tiêu chuẫn di dân rất gắt gao, thủ tục rườm rà khiến cho việc di dân ở trong tình trạng nhỏ giọt. (3) Trong thâm tâm, người di dân vốn không chấp nhận chế độ cộng sản vì bị phân biệt đối xử, vì bị tước đoạt phương tiện sinh sống, vì bị gò bó về tư tưởng..Ðối với đại đa số người Việt Nam, lìa bỏ quê hương vẫn là một ý tưởng xa lạ. (4) Một số người trong thành phần được bảo lãnh đã tham gia tích cực vào các hoạt động chống Cộng liên tục của người Việt hải ngoại.  

Các dữ kiện lịch sử đó đã xác nhận căn cước tị nạn chính trị tất yếu đối với nhóm di dân.  

Làn sóng thuyền nhân là một biện minh trạng sống động đối với khát vọng tự do của người Việt Nam. Khát vọng đó nối tiếp con đường xa lánh chế độ cộng sản của hai triệu người miền Bắc di cư ồ ạt vào miền Nam năm 1954. Khát vọng đó được diễn tả một cách mộc mạc và bình dân "cột đèn biết đi cũng phải vượt biên".  

Trở lực trùng trùng do Nhà nước cộng sản, khó khăn về tài chánh, thảm họa hải tặc, đe dọa của biển cả vẫn không làm sờn lòng người Việt vốn yêu chuộng tự do. Ða số thuyền nhân xuất phát từ miền Bắc đã đến trại tị nạn Hồng Kông. Thuyền nhân bên dưới vĩ tuyến 17 lại tới Mã Lai Á, Thái Lan, Nam Dương, Phi Luật Tân.  

Tính đến lúc các trại tị nạn chính là Hồng Kông và Mã Lai Á tuyên bố đóng cửa vào ngày 14-3-1989 thì tuần tự đã tiếp nhận 172, 904 thuyền nhân và 521, 510. Theo thống kê của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc.  

Khoảng trên 700,000 thuyền nhân may mắn đến bến bờ tự do, một số khác đã chết tức tưởi trong cuộc hành trình tìm tự do. Ước đoán của Hồng thập tự Quốc tế, tính đến cuối năm 1983 đã có khoảng 300,000 thuyền nhân vĩnh viễn đi vào lòng Biển Ðông.  

Làn sóng thuyền nhân tự nó đã chứng minh cho thế giới lý do tại sao dân chúng miền Nam vĩ tuyến 17 cương quyết chống lại cuộc xâm lăng do Hà Nội chủ xướng. Khẩu hiệu "giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp" trở thành trơ trẽn.  

Sau khi Cộng sản Việt Nam thống nhất đất nước bằng bạo lực, dân Việt lần lượt bỏ nước ra đi theo đường bộ và đường biển. Tai nạn nơi chốn rừng sâu ít gây xúc động trong dư luận thế giới vì số lượng người đi theo con đường này không lớn cũng như tai nạn xảy ra đều bị chôn vùi nơi hoang vắng. Nhưng, thảm cảnh trên Biển Ðông đã gây xúc động lòng người dù ngay cả với kẻ có con tim sắt đá nhất. Chỉ có Cộng sản Việt Nam là dững dưng trước thảm họa do hải tặc gây ra; sử dụng công an xã súng vào "lũ người quay lưng với Tổ quốc" kể cả trẻ em; lạnh lùng thu tiền từ các dịch vụ vượt biên chính thức, bán chính thức, chui.  

Nhiều quốc gia trên thế giới đã mở rộng vòng tay hào hiệp để đón nhận thuyền nhân từ các trại tị nạn ở Hồng Kông và Ðông Nam Á.  

Làn sóng thuyền nhân đã xóa bỏ huyền thoại xã hội chủ nghĩa, lột trần bộ mặt gian manh, tàn ác của Cộng sản.  

Bao nhiêu người từng tin tưởng hoặc mơ hồ về chủ nghĩa cộng sản đã tỉnh mộng không bởi tài liệu tuyên truyền mà do hành động liều lĩnh và dứt khoát của thuyền nhân đối với chế độ Hà Nội.  

Thuyền nhân là những lá phiếu bất-tín-nhiệm Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cụ thể nhất trước dư luận thế giới. Lương tri con người như bừng tỉnh sau những năm dài chìm đắm trong cuộc chiến tranh khốc liệt, tàn ác nhưng mơ hồ tại Ðông Dương.  

Tinh thần chống Cộng ngùn ngụt của lớp thuyền nhân đã thu hút nhiều tổ chức chính trị ở hải ngoại tìm đến các trại tị nạn để tuyển mộ thêm thành viên. Những thanh niên còn đầy ắp kinh nghiệm thương đau dưới chế độ cộng sản sẵn sàng tham gia các công tác quang phục quê hương, gào thét thay cho đồng bào bị bịt miệng nơi quê nhà.  

Khi đến các xứ tạm dung, lớp thuyền nhân cũng đã bổ sung dồi dào vào các lực lượng và phong trào chống Cộng. Những kinh nghiệm sống của họ đã làm cho bản cáo trạng tội ác chống nhân loại, chống dân tộc của chủ nghĩa cộng sản dày thêm bội phần.  

Từ sự chọn lựa quay lưng với chế độ xã hội chủ nghĩa; từ cuộc hành trình đầy bi thảm, gian nan; từ các sinh hoạt chống Cộng quyết liệt đã minh chứng tư cách tị nạn chính trị không thể chối cải của lớp thuyền nhân.  

Ðể trả một phần nợ chiến phí cho Liên Xô và Ðông Âu, chính phủ Hà Nội đã đưa sang Liên Xô và Ðông Âu khoảng 200 ngàn người trong chương trình Hợp tác lao động xã hội chủ nghĩa. Thực tế, đó là chương trình bán sức lao động với giá rẻ mạt. Danh từ "lao nô" cũng xuất hiện từ đó.  

Muốn tham gia chương trình này cũng phải trải qua mạng lưới gạn lọc gay gắt của chế độ về xuất thân giai cấp, về tinh thần phục vụ xã hội chủ nghĩa, hoặc nhờ tiền bạc làm môi giới.  

Hà Nội hả hê khi trả được chút nợ và giải quyết phần nào nạn thất nghiệp trầm trọng sau khi thực thi chính sách

hợp-tác-hóa toàn xã hội. Cán bộ mập lên nhờ dịch vụ tuyển người cho chương trình Hợp tác lao động xã hội chủ nghĩa. Nhân viên thuộc các Ðại sứ quán ở Liên Xô và Ðông Âu giàu to và hoạnh họe nhờ cấp thông hành chiếu khán cho lao nô và du học sinh.  

Thành phần lao nô chịu trăm đắng ngàn cay tại quê nhà cũng như ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em.  

Chế độ cộng sản sụp đổ ở Ðông Âu và Liên Xô là cơ hội thoát củi sổ lồng ngàn năm một thuở cho lao nô, du học sinh.  

Một số đã theo làn sóng người Ðông Âu vượt biên giới vào các quốc gia Tây Âu. Họ phải viện dẫn chứng cớ tị nạn chính trị mới được phép cư trú. Nhiều người đã bày tỏ sự tĩnh mộng qua những hoạt động chống Cộng quyết liệt.  

Cộng đồng người Việt ở Châu Âu đã gia tăng nhanh chóng về số lượng và đa dạng về phương thức chống Cộng nhờ lớp du học sinh và lao nô có nhiều kinh nghiệm thực tiễn với chủ nghĩa cộng sản. Họ đã bổ sung cho hoạt động chống Cộng của người Việt hải ngoại nhiều điều hữu ích nhờ kinh nghiệm bản thân và mối liên lạc gắn bó với thân nhân, bạn bè ở quốc nội.  

Một số người xuất ngoại theo chương trình Hợp tác lao động xã hội chủ nghĩa hoặc du học sinh thuộc thành phần ưu đãi hoặc có dây mơ rễ má với chế độ Hà Nội đã cương quyết chặt bỏ chiếc cầu dĩ vãng buồn thảm để hội nhập vào dòng sống tự do dân chủ tại các xứ tạm dung.  

Quá trình hội nhập của lớp người này với tinh thần yêu chuộng tự do dân chủ đã minh thị tư cách tị nạn chính trị không cần bào chữa.  

Thỏa thuận năm 1988 giữa Hoa Thịnh Ðốn và Hà Nội đã cho phép hàng trăm ngàn cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cùng thân nhân của họ rời Việt Nam để tái định cư tại Hoa Kỳ. Cộng sản đã trút đòn thù lên kẻ bại trận và gia đình của họ. Quân, chính Việt Nam Cộng Hòa bị lùa vào các trại tập trung rải rác từ Bắc chí Nam. Hành hạ, nhục mạ, tẩy não là chủ trương nhất quán của Hà Nội đối với những phần tử không-thể-khuất-phục được trên chiến trường.  

Áp dụng nhiều biện pháp suốt hơn thập niên mà Cộng sản vẫn không dập tắt được ý chí tự do của những kẻ bại trận. Nhiều cuộc nổi dậy, chống đối thường trực đã diễn ra trong các trại tập trung mặc cho các thủ đoạn đàn áp thô bạo. 

Gia đình của kẻ bại trận bị xếp vào hàng 13 trong 14 thứ bậc xã hội chủ nghĩa. Ðàn bà, con trẻ phải hứng chịu sự trả thù ti tiện của Nhà nước vì quá khứ của chồng, của cha. Mặc dù vậy, tiểu gia đình, đại gia đình vẫn đùm bọc che chở cho nhau trước chính sách thù địch của Nhà nước.  

Ðặt chân lên quốc gia trách nhiệm tái định cư chưa nóng chỗ, cựu tù nhân chính trị đã xông xáo vào các sinh hoạt đấu tranh. Họ đã mang vào môi trường sinh hoạt của người Việt hải ngoại nhiều nhân tố mới, nhiều sắc thái lạ cùng với một khối lượng nhân sự dồi dào. Chỗ nào có sinh hoạt chống Cộng, ở đâu có phong trào đấu tranh thì có bóng dáng của cựu tù nhân chính trị. Họ liên kết với các phong trào, tổ chức đấu tranh hiện hữu nhằm hợp lực để tiếp tục hoài bảo tự do dân chủ còn dang dỡ.  

Không ai có thể phủ nhận tư cách tị nạn chính trị của lớp người này.  

Cộng đồng người Việt hải ngoại còn có một thiểu số với căn cước mơ hồ nhưng trên mặt nổi vẫn mang bình phong tị nạn chính trị.  

Cuộc di tản năm 1975 đã có một số điệp viên cộng sản trà trộn. Làn sóng thuyền nhân cũng không thiếu cán bộ cộng sản đi theo do nhiệm vụ hoặc vì mất chỗ đứng trong guồng máy chính quyền. Một trong 5 thành phần tham gia chương trình Ra đi có trật tự là người của Hà Nội. Số người liên hệ mật thiết với Hà Nội trong Cộng đồng người Việt tại Liên Xô và Ðông Âu đã chiếm một tỉ lệ đáng kể. Chương trình Tái định cư cựu tù nhân chính trị cũng không thiếu bóng dáng cán bộ hoặc những kẻ thiên Cộng. 

Người Việt hải ngoại thuộc nhiều nguồn gốc khác nhau do quá khứ lịch sử, do nhận thức và kinh nghiệm chính trị. Nhưng, mẫu số chung mà hầu hết mọi người đồng thuận là thiết lập một nước Việt Nam Tự Do Dân Chủ Phú Cường.  

Ðộng cơ chủ yếu thúc đẩy người Việt hải ngoại rời bỏ quê cha đất tổ, lưu lạc khắp bốn phương trời là tị nạn cộng sản. Nguyên nhân đó chi phối mọi sinh hoạt của người Việt hải ngoại.  

Người Việt ly hương vào thời điểm nào, bằng bất cứ phương tiện gì cũng xuất phát từ sự chọn lựa sâu thẳm tâm hồn: Tự do, Tự do và Tự do.  

Ðại Dương