KHÍA CẠNH CHÍNH TRỊ

CỦA CỘNG ÐỒNG 

NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI (1)

 

 

Trước năm 1975, người Việt cư ngụ tại hải ngoại rất ít và rải rác ở vài quốc gia trên thế giới. Ðông nhất là cộng đồng người Việt tại Pháp đã có một tác động chính trị mạnh mẽ đến cuộc chiến Việt Nam. Chiều ngày 5-5-01, tại Ba Lê, Phó chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Nguyễn Thị Bình đã trao Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho 21 thành viên Hội người Việt Nam tại Pháp vì thành tích góp phần thực hiện chiến lược của đảng Cộng sản. Nguyên chủ tịch Hội, Lâm Bá Châu đại diện cho những người nhận huy chương cam kết tích cực hơn nữa. Theo báo Nhân Dân ngày 6-5.

 

Sau năm 1975, số người Việt sinh sống ở hải ngoại gia tăng gấp bội, xấp xỉ 3 triệu người ở 80 quốc gia khắp năm Châu. Phần lớn người Việt hải ngoại quần tụ ở Hoa Kỳ nhất là tại tiểu bang California. Người Việt hải ngoại đã hình thành nhiều cộng đồng thiểu số có ảnh hưởng đến sinh hoạt xã hội tạm dung đồng thời cũng chủ trương gây tác động chính trị lên chế độ cộng sản tại Việt Nam. Ðương nhiên, trung tâm chính trị của người Việt hải ngoại cũng tọa lạc trên xứ Cờ Hoa.

 

Tiềm năng kinh tế, kỹ thuật, chính trị của người Việt hải ngoại có tầm ảnh hưởng to lớn đến Tổ quốc, Dân tộc Việt Nam đã là mục tiêu của các thế lực chính trị.

 

Có 3 lực lượng chính muốn sử dụng sức mạnh của người Việt hải ngoại vào mục tiêu chính trị: (1) Ðảng phái và chính trị gia sở tại cần ve vãn lá phiếu quyết định của các sắc tộc thiểu số kể cả cộng đồng người Việt. (2) Ðảng phái quốc gia, tổ chức chính trị có tham vọng tập họp người Việt hải ngoại thành lực lượng đấu tranh cho nước Việt Nam Tự do Dân chủ Phú cường. (3) Ðảng Cộng sản ra sức khuất phục và khống chế người Việt hải ngoại thành lực lượng yểm trợ hữu hiệu cho đường lối chính sách của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Bộ Ngoại giao Hà Nội đã ra quyết định thành lập Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài nhằm "thực hiện nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược là vận động và tập họp gần 3 triệu bà con Việt kiều đang làm ăn và sinh sống tại các nước trên thế giới". Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ðạo, Giám đốc Ðại học Quốc gia Hà Nội làm Trưởng ban bao gồm 12 người thuộc thành phần trí thức, quản lý, nghệ sĩ, văn hóa. Trích báo Nhân Dân ngày 27-4-01.

 

Lực lượng (2) và (3) luôn luôn đối đầu quyết liệt với nhau bởi vì Quốc/Cộng là mâu thuẫn chủ yếu chi phối tất cả mọi hoạt động của cả hai phía.

 

Lực lượng (1) giao dịch với (2) và (3) tùy thuộc vào quyền lợi quốc gia theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, nó có nhiều tương đồng căn bản và lâu dài với lực lượng (2) hơn.

 

Tính chất đa dạng của cộng đồng người Việt hải ngoại cũng tạo thành tình trạng đa nguyên chính trị trong sinh hoạt.

 

Căn cước người Việt hải ngoại

 

Do hoàn cảnh lịch sử cay nghiệt, nhiều đợt di dân của người Việt Nam đã tỏa khắp thế giới trong tình trạng ồ ạt hoặc tuần tự theo lịch trình di dân. Vì thế, mỗi người lại tự gán cho mình một căn cước tùy sở thích và môi trường hoạt động.

 

Cuộc di tản diễn ra trong những ngày tàn của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã mang khoảng hơn 200 ngàn dân Việt lìa nơi chôn nhau cắt rốn, tỏa ra sinh sống khắp nơi trên thế giới. Phần lớn tập trung ở Hoa Kỳ. Lớp di dân miền Nam vĩ tuyến 17 gắn bó thiết thân với chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Họ có thể thuộc thành phần quân, chính hay thường dân di tản theo kế hoạch hoặc do cơn hỗn loạn của cuộc chiến đang tàn vào tháng 4 năm 1975.

 

Họ mang theo niềm hãnh diện, hào quang lẫn chất đắng cay của cuộc chiến Việt Nam. Quá khứ thân thương và xé lòng bởi lý tưởng ôm ấp còn dang dỡ, do cơn đau chiến bại, vì nỗi buồn xa xứ đột ngột đã khắc sâu những vết hằn trong tâm tư tình cảm của lớp người di tản.

 

Họ ra đi trước khi bước chân tàn bạo của quân thù dày xéo khắp quê hương xơ xác tiêu điều vì chiến tranh, trước khi kẻ chiến thắng trút căm tức lên một dân tộc quá khổ đau vì giặc giã. Hiểu biết về cộng sản đối với thành phần di tản thông qua hình ảnh cuộc chiến có giới tuyến ta/địch phân minh. Chiến đấu là giành thắng lợi và tranh sống giữa ta và địch. Chốn trận tiền, súng đạn nói thay cho chủ thuyết, khẩu hiệu. Hiểu biết của họ đối với cộng sản cũng đến từ sách vở kinh điển, tin tức và lời đồn. Hình ảnh cộng sản thể hiện qua lý thuyết và do suy diễn của từng cá nhân nhiều hơn thực tế sống động, tàn ác, ghê tởm.

 

Lớp người di tản đã may mắn thoát khỏi ngón đòn thù tàn nhẫn, tinh vi, lạnh lùng, triệt để của cộng sản giáng lên đầu đồng bào vô tội cả hai miền Nam-Bắc. Tuy nhiên, những người di tản cũng đã nhận được vô số lời lẽ thóa mạ tục tằn, hạ cấp, hằn học từ guồng máy tuyên truyền của chế độ Hà Nội như "lũ đĩ điếm.. bọn ôm chân đế quốc để kiếm bơ thừa sửa cặn..bè lũ phản bội tổ quốc..".

 

Xứ lạ, quê người, nỗi đau quá khứ, niềm nhớ quê hương đã khơi dậy tinh thần Việt tộc-một sắc dân có lịch sử di cư lẫn truyền thống xây dựng và bảo vệ đất nước-trong lớp người di tản.

 

Họ vùng lên như Phù Ðổng vươn vai để hội nhập vào quốc gia đa chủng và phát huy bản thể Việt Nam trong xã hội đa-văn-hóa.

 

Khởi đầu với đôi bàn tay trắng, giấu trọn nỗi đau niềm nhớ xuống tận đáy lòng, người di tản đã thể hiện óc cầu tiến, ý chí phấn đấu và khả năng thích ứng nhanh chóng, hữu hiệu với môi trường mới. Họ thoát khỏi tầng lớp nghèo khổ trong xã hội tạm dung một cách thần kỳ.

 

Họ đã mang vào xã hội tạm dung phong cách, lối sống Việt Nam. Họ qui tụ thành nhiều thị trấn mang dấu ấn văn hóa Việt Nam đồng thời tỏa rộng ra các vùng lân cận. Mùi phở, mùi chả giò thơm lừng trong không khí đã trở thành những món ăn quen thuộc trong cộng đồng đa chủng. Hội hè, lễ lộc, tập họp chính trị cũng đều phản ảnh phong cách vừa bảo thủ vừa cấp tiến đúng với truyền thống Việt tộc trước các mưu đồ đồng hóa: bảo vệ di sản tổ tiên đồng thời tiếp nhận nền văn minh của nhân loại bằng tinh thần chọn lọc.

 

Bù đầu với cuộc sống mới, nhưng, người di tản không bao giờ quên thảm cảnh vẫn diễn ra hàng giờ hàng phút nơi lũ tre xanh bên kia bờ đại dương. Vì thế, chính trị là một sinh hoạt tinh thần chủ yếu của người di tản. Ước mơ giải phóng Việt Nam khỏi ách cai trị của đảng Cộng sản đã sản sinh những phong trào đấu tranh sôi nổi trong nhiều thập niên và vẫn đang tiếp diễn. Hoạt động chính trị của người Việt di tản chú trọng hầu hết vào tình hình Việt Nam nên cũng là một khiếm khuyết cần xem xét. Ðó là thái độ khó bắt gặp ở các cộng đồng thiểu số tại các quốc gia tạm dung.

 

Hoạt động chính trị của người Việt di tản đã gặp nhiều khó khăn tưởng chừng khó vượt trong giai đoạn đầu ở cuối thập niên 1970. Miền Nam Việt Nam lọt vào tay Cộng sản chẳng phải trách nhiệm riêng của chính phủ Sài Gòn mà cũng là thất bại của Khối Tự Do, nhất là Hoa Kỳ. Chua xót thay, chính quyền và dân chúng ngoại quốc muốn quên trang sử đau buồn nên đổ tội lên đầu lớp người Việt di tản. Tinh thần đấu tranh kiên trì của người Việt hải ngoại đã làm xoay chuyển phần nào thái độ của chính phủ và dư luận sở tại đối với cuộc chiến Việt Nam.

 

Ðáp ứng tiếngï kêu cứu thảm thiết của thân nhân, của đồng bào cùng chung dòng máu thắm, người Việt di tản không tiếc công và của còn hạn chế đã lao vào các hoạt động cứu trợ cho bà con, cho thuyền nhân. Việt Nam thoát khỏi nạn đói như Bắc Triều Tiên nhờ phần lớn vào sự chia xẻ có tổ chức hoặc tự phát của người Việt hải ngoại. Từ những gói quà "của ít nhiều tình" ở thời điểm Hà Nội thi hành chính sách thù nghịch triệt để với người Việt hải ngoại đến những món tiền hào sảng đã đóng vai trò quan trọng và thiết thực trong việc tô son điểm phấn cho Việt Nam.

 

Di tản theo chương trình, kế hoạch hoặc tình cờ do đẩy đưa của chiến cuộc, người di tản cùng chung nỗi sợ như nhau đối với Cộng sản từ quá khứ lịch sử lẫn thực tế trong cuộc tương tranh Quốc/Cộng. Không chấp nhận sống dưới chế độ cộng sản là một chọn lựa dứt khoát.

 

Diễn tiến lịch sử xác định căn cước tị nạn chính trị không thể chối cải của lớp người di tản tháng 4 năm 1975.

 

Ðại Dương