Ðồng Hành Chiến Lược

 

Chuyến viếng thăm hai ngày của Tổng Thống Nga Vladimir Putin đến Hà Nội có nhiều chuyện vui. Trước hết có hai anh Vladimir đã có mặt. Một anh bằng xương bằng thịt là ông quốc khách Vlamidir, còn một anh cũng là Vladimir nhưng làm bằng đá. Anh này có vẻ kiên trì hơn ông quốc khách, vì đã đứng lỳ tại công viên Hà Nội mấy chục năm nay. Ðó là bức tượng Vladimir Lenin, ông thủy tổ của chế độ Xô-viết. Liên Xô đã sụp đổ từ 10 năm nay, nhưng bức tượng vẫn gây nỗi cảm hoài cho mấy ông lãnh tụ Hà Nội còn luyến tiếc thời buổi vàng son của vô sản quốc tế, mặc dù nay các ông đã là đại hữu sản quốc gia. Còn dân chúng Việt Nam nghĩ sao?

 

Cứ nhìn cảnh tiếp đón ông Vladimir bằng xương bằng thịt thì đủ rõ. Mặc dù cán bộ đảng nhà nước đã huy động, nhưng trên đường đoàn xe Putin cũng chỉ lèo tèo vài người cầm cờ phất, tổng cộng không đến 100. Chả bù với cảnh tiếp đón Tổng Thống Clinton mấy tháng trước, có cả chục ngàn người tự động giữa đêm kéo nhau ra đường đón. Dân Việt Nam sống dưới chế độ cộng sản đã biết nhìn người qua kinh nghiệm sống. Họ biết ông Nga không có tiền, còn ông Mỹ có tiền. Nhưng các ông lãnh đạo đảng nhà nước Việt Nam, phần lớn đã được huấn luyện tại Nga từ thời còn mồ ma Xô-viết, đã trải thảm đỏ ra đón long trọng, báo chí đảng và nhà nước đăng nhiều bài ca tụng Putin, tán dương cuộc viếng thăm lần đầu tiên của một lãnh tụ Kremlin hạ cố đến thăm Việt Nam, dù đảng Cộng sản Việt Nam đã làm chủ được nửa nước từ 50 năm trước.

 

Chỉ có điều đáng tiếc Vladimir Putin không còn là người Cộng sản. Dưới thời Liên Xô, Putin là trùm gián điệp KGB ở Ðông Ðức, sau khi Liên Xô sụp đổ ông đi theo Boris Yeltsin, người đã tiếp tay Gorbachev giải thể đảng Cộng sản Liên Xô. Hiện nay Nga là nước Cộng Hòa đa đảng, đảng Cộng sản ngày nay là đảng mới đã lột xác, nó chấp nhận đa nguyên đa đảng để sinh hoạt dân chủ trong Quốc hội Nga do dân bầu. Putin là người có óc thực dụng, từ ngày được bầu làm Tổng Thống cách đây một năm, ông đã phấn đấu để chứng tỏ tài thực dụng đó. Chuyến đi thăm Nam Hàn và Việt Nam đã làm nổi bật ý nghĩa chuyện này. Nam Hàn xưa là kẻ đại thù của Liên Xô vì chống lại Bắc Hàn do Liên Xô dựng lên, nhưng Putin vẫn mặn mà với Tổng Thống Kim Ðại Trọng để ký những thỏa ước có lợi về kinh tế cho Nga. Còn Việt Nam Cộng sản từ xưa vẫn là người đồng chí trung thành nhất của Moscow, nhưng bây giờ Putin lại thích nói chuyện về làm ăn buôn bán, nợ nần sòng phẳng hơn là bàn thảo về ý thức hệ hay chính trị.

 

Hãy nhìn xem mối quan hệ ý thức hệ Việt-Xô như thế nào. Trong thời chiến chống Mỹ, Việt Nam Cộng sản là người đồng chí khắng khít được Liên Xô ưu ái vì đã làm tên lính tiền phong chống Mỹ của phong trào Cộng sản quốc tế. Dù vậy Việt Nam vẫn phải vay nợ của Liên Xô đến 11 tỷ đồng "rúp" để mua vũ khí và quân trang. Nhưng đến khi Liên Xô sụp đổ, đồng "rúp" không đổ vào Việt Nam nữa, mối quan hệ ý thức hệ trở nên đắng cay. Liên Xô may mắn đã vớ được món bở về các nguồn dầu khí Việt Nam ngay từ 1975 nên đã tồn tại đến nay để kiếm lời ăn chia 50/50 theo các thỏa hiệp ký kết. Nhưng đến khi Việt Nam đổi mới kinh tế, việc làm ăn của Hà Nội lại định hướng vào các nước tư bản giầu có, còn nước Nga hậu Liên Xô nghèo đói chỉ đứng vào hàng thứ yếu. Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nga vào khoảng 400 triệu Mỹ kim một năm, bằng một nửa so với quan hệ thương mại Việt-Mỹ hiện nay, đó chỉ mới là trong thời thương ước chưa được thi hành. Bởi vậy Putin đến Việt Nam không đưa ra chiêu bài "lý tưởng hay ý thức hệ" đã bạc mầu mà trương ra một bảng hiệu mới có vẻ hấp dẫn hơn với thời đại mới. Ðó là tình bạn "đồng hành chiến lược".

 

Cái "đồng hành chiến lược" này là cái gì vậy? Nó chỉ là bảng hiệu "mại dô, mại dô" của một anh bán rong, nhắm bán hai món hàng béo bở nhất là dầu lửa và vũ khí. Về dầu khí, liên doanh Nga-Việt có tên gợi cảm tình nghĩa Xô-viết là Vietsovpetro, nó múc đến 80% số dầu của Việt Nam và có lời rất lớn, đã thu về đủ vốn đầu tư. Ông "đồng hành" Nga đã đòi được mở rộng món bở này và ký thêm nhiều dự án dầu khí và năng lượng khác. Còn chuyện vũ khí, ông bạn "chiến lược" Putin nói "Việt Nam cần phải hiện đại hóa quân đội với kỹ thuật mới và hiện đại". Cố nhiên Nga sẵn sàng cung cấp... miễn là ông Hà Nội có tiền.

 

Thế nhưng căn bản nhất cho tình bạn chiến lược vẫn là Việt Nam phải trả nợ cũ. Ðồng rúp Xô-viết thời xưa giá trị rất yếu so với đô-la Mỹ, nhưng được các ông cộng sản Nga cưỡng giá cho nó lên thành tương đương với đô-la. Bởi vậy món nợ Việt Nam vay trị giá 11 tỷ "rúp" hóa thành 11 tỷ đô la. Nga thừa biết Việt Nam không có tiền trả món nợ khổng lồ như vậy, nên bằng lòng xóa nợ đến 85%. Bây giờ còn lại 1.5 tỷ đô-la trả dần bằng gạo và cà phê, mỗi năm khoảng 100 triệu đô la Mỹ. Thật ra đây là thủ đoạn cho tay này lấy lại tay khác. Vụ xóa nợ đó được bù lại bằng những cái lợi khác lớn hơn về mậu dịch và liên doanh.

 

Putin vốn là trùm KGB thời xưa nên ông vẫn có tay nghề cao trong "đồng hành chiến lược". Không những ông múc dầu bơm khí mà còn múc luôn cả tình cảm hàng trăm ngàn cán bộ Cộng sản Việt Nam trước đã từng được huấn luyện ở Liên Xô. Ông đến gặp họ tại Cung Văn hóa Việt-Xô, vang dậy tiếng hoan hô y như đón người bà con anh hùng cũ trở về. Chỉ có điều lạ, khi ông bước vào cái cung Việt-Xô thân thương này khác với vẻ lạnh nhạt thờ ơ của người dân ngoài đường, một đoàn cận vệ của ông đã bao chặt quanh ông. Có lẽ Putin đã biết nhiều "bí mật quốc gia" hơn mấy ông Cộng sản Việt Nam.

Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh