GIỔ TỔ hay QUỐC KHÁNH?

 

Nguyễn Văn Khâm

 

Tôi xin được viết vài hàng nầy kính dâng Nhị-Vị Tộc-Tổ, Quốc-Tổ Hùng Vương cùng tất cả Minh Quân Văn Thánh và những người đã đem tâm huyết mình góp phần vào kho tàng văn-hóa Việt để ngày nay chúng con có được niềm tự-hào Dân-Tộc, luôn hãnh diện chúng con là người có Tổ có Tông.

Tôi cũng mượn nơi đây để cám ơn Ban Giảng Huấn trường Hoa Tiên Rồng đã hướng dẫn khai tâm mở trí để tôi có dịp góp phần vào công cuộc làm rạng danh con Rồng cháu Tiên. Ðặc biệt tôi xin được cám ơn Nam Thiên - tác giả Bộ Kinh Việt - là người Anh, người Bạn, người Thầy đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong công cuộc tìm về Văn-Hóa Dân-Tộc, cùng tất cả quý bạn hữu xa gần những người đã ưu ái coi tôi như một người em người bạn đã đóng góp và giúp đỡ tôi trên con đường tìm về cội nguồn dân tộc.

Tất cả những điều tôi trình bày ở đây lòng tôi nghĩ sao trí tôi hiểu cỡ nào tôi xin trình bày cùng tất cả quý đồng hương. Tôi không phải là một nhà văn nên không biết trau chuốt câu văn, dùng từ chính xác, xin hãy đừng vì những vụng về của tôi mà bóp méo vo tròn ý tưởng của tôi.

Kính thưa Quý Ðồng Hương;

Hầu hết mọi quốc gia trên thế-giới đều có ngày mừng trọng đại cho quốc gia của mình đó là ngày Quốc Khánh, ý nghĩa của ngày Quốc Khánh chắc không cần phải bàn đến.

Gần đây, nhằm mục đích đối kháng với nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam một số Tổ Chức đấu tranh đã âm thầm hoặc công khai vận động đồng bào nhận ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 Âm Lịch làm ngày Quốc Khánh cho Quốc-Gia Việt-Nam để đối nghịch với ngày 2 tháng 9, là ngày Quốc Khánh của Việt Cộng.

Tuy nhiên chúng ta cần cân nhắc tính chất thật quan trọng của ngày Giỗ Tổ cũng như sự tồn vong của ngày trọng đại này mà Tổ-Tiên ta đã truyền đạt suốt mấy ngàn năm.

 

Ðất nước chúng ta suốt bao nhiêu thế-kỷ đã từng bị đô hộ bởi nhiều ngoại xâm, có thời kỳ kéo dài cả ngàn năm, hàng trăm năm. Biết bao Tổ-Chức, Anh-Hùng đã đứng lên giành Ðộc-Lập lấy lại Chủ-Quyền Quốc-Gia. Chẳng lẽ mỗi lần các ngài lấy lại Chủ Quyền giành lại Ðộc-Lập là mỗi lần các ngài lại đặt để một ngày Giỗ-Tổ và Quốc-Khánh hay sao?

Vì lẽ đó chúng tôi xin đưa ra một số những nhận xét và đóng góp trong tinh thần xây dựng về việc nên hay không nên đồng hóa ngày Ðại-Lễ Giỗ-Tổ và ngày Quốc-Khánh.

Quadòng lịch sử chúng ta thấy chúng ta khác với nhiều dân tộc khác trên thế giới. Trước kia Việt Nam không có ngày Quốc-Khánh nhưng có ngày Giỗ-Tổ. Ngày này đã được mừng kính rất trọng thể, mọi con dân trong nước đều tổ chức ngày kính nhớ linh thiêng và là ngày Hội của toàn Dân-Tộc. Ngày nay dù tha hương nhưng không nơi nào trên thế giới có người Việt cư ngụ mà chúng ta không tổ chức Ngày Giỗ-Tổ. Tinh thần đó có phải là tinh thần của Ngày Quốc-Khánh hay không?

Xét về nguồn gốc cũng như quá trình lập quốc của dân tộc, chúng ta đều công nhận từ khởi thủy dòng giống Lạc Việt bắt đầu từ Hồ Ðộng-Ðình - phía Nam sông Dương-Tử - và trải dài suốt mấy ngàn năm Tổ-Tiên Ông-Bà chúng ta đã phải di chuyển dần về phía Nam cho đến khi 18 Vị Thánh Vương đời Hùng dựng nước Việt Nam hiện nay. Sau đó Tiền-Nhân của chúng ta đã xây dựng Ðền Hùng và dùng ngày 10 tháng 3 Âm Lịch theo truyền thống văn hóa xa xưa làm ngày Giỗ-Tổ, và tuy được tổ chức tại Ðền Hùng nhưng trong tinh thần kính nhớ Tổ-Tiên của những ngàn năm trước cho đến nhị vị Tộc Tổ.

Từ mấy ngàn năm nay ngày 10 tháng 3 Âm Lịch đã là ngày Ðại Lễ của Dân-Tộc, ngày Giỗ-Tổ kính nhớ Tộc-Tổ, Quốc-Tổ. Không có tài liệu giải thích tại sao ngày 10 tháng 3 được chọn làm ngày lễ kính nhưng theo cách tính ngày tháng của dân ta thì tháng 3 là tháng THÌN và tính từ TÝ ngày 10 là ngày DẬU. Trong 12 địa chi chỉ có DẬU là thuộc loại chim, Chim là biểu hiện của Tiên, THÌN là biểu hiện của RỒNG, vậy ngày 10 tháng 3 là ngày TIÊN RỒNG ngày 10 tháng 3 đã được chọn để nhắc nhớ 2 linh biểu TIÊN RỒNG của dân tộc TIÊN RỒNG cũng đã được thăng hoa thành biểu trưng của hai vị TỘC TỔ.

Quaphần nhận xét trên chúng ta nên bình tâm suy xét tại sao Tổ Tiên đã không dùng hai chữ Quốc Khánh mà các ngài lại dùng hai chữ Giỗ-Tổ. Càng suy nghĩ chúng ta càng hãnh diện về Tổ Tiên chúng ta, về Tiền Nhân chúng ta, về dòng giống Tiên Rồng của chúng ta. Dự trù trong tương lai nếu con cháu các ngài có vướng họa xâm lăng, đất nước nếu lâm cảnh đô hộ nên các ngài đã vạch sẵn cho chúng ta bài học cứu nước bằng chuyện Phù Ðổng Thiên Vương.

Các ngài sợ rằng khi đất nước bị xâm lăng, ngoại bang sẽ bắt dân chúng nước bị chiếm tổ chức mừng ngày Quốc Khánh của quốc gia cai trị. Trước đây các dân tộc Ðông Dương buộc phải mừng Quốc Khánh 14 tháng 7 của Pháp. Vì thế các ngài không dùng hai chữ Quốc Khánh và ưu ái linh thiêng những ngày hội lớn nhất của Dân Tộc trong năm là ngày Giỗ-Tổ, nghĩa là trở về cội nguồn, về ngày lập Tộc.

Lại nữa dù hà khắc tới đâu, dù khó khăn cách mấy, ngoại bang khó có thể cấm đoán chúng ta giỗ Tổ giỗ Tiên. Và giả dụ nếu chúng có cấm đoán thì đó chính là động cơ thúc đẩy chúng ta vùng lên đấu tranh. Hơn nữa, hai danh từ Quốc Khánh đã bị lạm dụng quá nhiều trong quá khứ, bối cảnh lịch sử của chúng ta từ thời Ðệ I Cộng Hòa, ngày 26 tháng 10 đã được chọn làm ngày Quốc Khánh và rồi sau khi đảo chánh năm 1963 ngày 26 tháng 10 đã bị xóa và thay vào đó bằng ngày 1 tháng 11 để rồi có kẻ vui người buồn, đúng là <i>Quan nhất thời dân vạn đại. Nếu chúng ta bình tâm suy nghĩ lại, cân đo hơn thiệt, chúng ta sẽ thấy không nên đồng hóa ngày Giỗ-Tổ với ngày Quốc-Khánh. Hiện tại từ trong nước ra đến hải ngoại trong quần chúng có kẻ thuận người chống, thế thì tại sao ta lại cứ cố gắng để làm một công việc mà công việc đó vô tình làm phân rẽ hàng ngũ chúng ta? Hơn nữa việc ấn định ngày Quốc Khánh của chế độ chính trị dân chủ là công việc của toàn dân chứ không phải là ý định của một Tổ Chức, một Ðảng Phái.

Kính thưa quý Ðồng Hương, khi xét về biểu tượng TIÊN RỒNG chúng ta hãnh diện về Tổ Tiên chúng ta vì các ngài đã chọn cho chúng ta hai linh vật không có thật mà chỉ là hai biểu tượng nhưng khi nhắc đến chúng ta mường tượng ngay ra đẹp như TIÊN, hiền như Bà Tiên... Và cũng vậy, khi nhắc đến RỒNG chúng ta cũng cảm nghiệm được mạnh như RỒNG, oai như RỒNG mặc dù chúng ta chẳng bao giờ thấy RỒNG.

Khác với các giống dân khác như Nhật Bổn họ chọn mặt Trời, Pháp thì nhận con gà Trống... những biểu tượng đó có thật, không như Tiên Rồng của Dân Tộc ta. Lịch sử Việt Nam từ Ðinh Lê Lý Trần trải dài tới nhà Nguyễn, các triều đại đó có ngày lập Triều Ðại là ngày Chính-Trị và Giỗ-Tổ là ngày Linh-Thiêng, ngày kính nhớ Tổ-Tiên. Ngày lập triều đại thay đổi qua các triều Vua còn ngày Giỗ-Quốc-Tổ là ngày trường cửu của Dân-Tộc. Nếu hôm nay chỉ vì muốn đối kháng với ngày Quốc Khánh của Việt Cộng mà chúng ta đồng hóa ngày Giỗ-Tổ với ngày Quốc-Khánh và giả dụ việc này thành công trong một giai đoạn để rồi chúng ta coi ngày Giỗ-Tổ là ngày Quốc Khánh chẳng may trong tương lai nếu có việc gì bất trắc xảy ra cho Quốc Gia Việt Nam, ngày Giỗ-Tổ bị mất đi thì vô hình chung chúng ta đã đắc tội với Tổ-Tiên Ông Bà, chúng ta vĩnh viễn mất đi ngày linh thiêng trọng đại và trường cữu của Dân Tộc mà Tổ-Tiên đã khôn khéo truyền đạt cho chúng ta.

Khi đề nghị chọn ngày Giỗ-Tổ làm ngày Quốc-Khánh chứng tỏ người nào đó đã không để ý nghiên cứu sâu xa về Văn-Hóa Việt Nam, lịch sử chính trị Việt Nam và vô hình chung đi ngược lại trào lưu tiến hóa chính trị dân chủ của nhân loại. Chúng ta cũng phải công nhận thiện chí của họ nhưng thiện chí đó đã không được đặt đúng chỗ.

Những ý kiến thô thiển của chúng tôi ở trên chỉ nhằm mục đích bảo tồn tinh hoa văn hóa Việt Nam và xây dựng một nền chính trị dân chủ chứ không cố ý phê bình chỉ trích bất cứ cá nhân hay đoàn thể nào. Nếu vì vô tình có sự ngộ nhận xin quý vị rộng tình bỏ qua.

Úc nhân ngày Giỗ-Tổ năm 2001