ÐỪNG ÐI NƯỚC MẶN MÀ HÀ ĂN CHÂN (1)

(01/09/01 )

 

Phúc trình năm 2001 của Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền Thế giới đã chi-tiết-hóa việc Hà Nội đàn áp các nhân vật phản kháng chính trị như quí ông Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu. Trong khi đó, ông Nguyễn Ðan Quế được gộp chung với các nhà phản kháng tôn giáo.

 

Nếu kể cả ông Trần Ðộ thì những nhân vật phản kháng chính trị thuộc phe cộng sản có 3 người so với 1 của phe không-cộng-sản.

 

Tháp tùng Tổng thống Bill Clinton trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2000, nữ dân biểu Loretta Sanchez đã tiếp xúc với quí ông Trần Ðộ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang.

 

Tin tức luân lưu trên internet lại thấy xuất hiện nhiều khuôn mặt cộng sản đang hô hào dân-chủ-hóa và nhân quyền.

 

Những cán bộ cộng sản ly khai hoặc bị khai trừ đang sống ở hải ngoại cũng lên gân cổ, kênh kiệu và muốn át giọng mọi người.

 

Một số người Việt hải ngoại nghĩ rằng tình hình phát triển thuận lợi vì càng ngày càng có nhiều người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.  Người Việt hải ngoại đang ở trong tình trạng "ông nói gà, bà nói vịt". Ðồng thời, chúng ta cũng chẳng dè xẻn khi đem mũ chụp lung tung.

 

Hai phe đang cật lực biện minh cho phương thức đấu tranh của mình.

 

Xin liệt kê những biện thuyết và phản biện để chúng ta cùng nhau suy nghiệm về phương thức đấu tranh. May ra, sẽ tìm được sự đồng thuận nếu chúng ta chịu mở toang cửa lòng, nói với nhau những lời chân thật và cư xử bằng thái độ thẳng thắn.

 

Biện thuyết 1: Dùng Cộng sản chống Cộng sản. Có sống trong chăn mới biết chăn có rận. Do đó, Cộng sản chống Cộng sản sẽ hữu hiệu hơn. Việt Nam cần có Gorbachev, Yeltsin.

 

Phản biện: Chúng ta cần phải biết rõ chống Cộng để xây cái gì. Chống Cộng Sản kiểu A để xây Cộng Sản kiểu B thì chẳng ích quốc lợi dân tí nào cả. Do đó, xem xét nội dung thay vì chạy theo khẩu hiệu chiêu bài chống Cộng là nguyên tắc bất biến.

 

Thí dụ 1: ông Trần Ðộ tố cáo chế độ cộng sản thiếu dân chủ nhưng lại chủ trương xây dựng nền "dân chủ xã hội chủ nghĩa". Ðể củng cố cho lập luận, ông Ðộ kêu gọi mọi người noi gương Hồ Chí Minh. Dưới sự cai trị của họ Hồ, Việt Nam lại chẳng có dân chủ, người Việt sống trong cảnh bần cùng, nghẹt thở. Dân Việt có muốn sống trở lại thời kỳ sắt máu đó hay không? Hiện nay, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đang triệt để áp dụng các phương pháp của họ Hồ. Ông Ðộ và những kẻ tung hô tính sao? Ông Ðộ chỉ muốn sửa (chỉnh đốn) Ðảng cho tốt để tiếp tục lãnh đạo. Qua 3 thế hệ cộng sản lãnh đạo từ Hồ Chí Minh cho tới Lê Khả Phiêu, đất nước vẫn tụt hậu triền miên. Lấy gì làm tin?

 

Thí dụ 2: ông Hà Sĩ Phu phê phán chủ nghĩa Marx nhưng "khẳng định" Hồ Chí Minh là nhà yêu nước vĩ đại, đảng Cộng sản có công giải phóng dân tộc. Sau khi Liên Xô sụp đổ, một số tài liệu đã minh chứng vai trò cán bộ Ðệ Tam Quốc Tế của Hồ Chí Minh. Trong di chúc, ông Hồ cũng thú nhận đã làm trọn nhiệm vụ do QT 3 giao phó. Kiểu "yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội" của ông Hồ đã bị hầu hết dân Việt phản đối. Ông Hà Sĩ Phu hô hào dân chủ đa nguyên nhưng dành phần đấu tranh chính trị cho đảng viên cộng sản. Người không-cộng-sản chỉ có quyền tham gia. Nào khác chi kiểu dân chủ xã hội chủ nghĩa?

 

Khi bức màn sắt còn buông xuống, quí ông Ðộ và Phu tin vào sự tốt đẹp của chủ nghĩa cộng sản, khả năng lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam đã thuộc vào loại cuồng tín rồi. Sau khi một số chế độ cộng sản ở Ðông Âu và Liên Xô sụp đổ mà quí ông còn giữ vững niềm tin thì quả thật là siêu cuồng.

 

Người ta đắp chăn có rận nhiều năm vẫn ngon giấc vì người/rận đã ở trong tình trạng cộng sinh nên không ý thức được sự khó chịu và tìm cách diệt rận. Khi kẻ khác đắp chăn có rận sẽ bị cắn đến phát khùng bèn nhất định đem chăn trụng nước sôi hoặc mua chăn mới.

 

Việt Nam không cần Gorbachev hoặc Yeltsin. Bởi vì (1) Gorbachev muốn làm cho Liên Xô hùng cường cả mọi phương diện thay vì chỉ mạnh về vũ lực. Nhưng, ông đã không kiểm soát được tiến trình cải tổ. Ðảng viên cộng sản oán Gorbachev vì làm sụp đổ (ngoài ý muốn) đế quốc Ðỏ. Dân không-cộng-sản ghét chủ trương củng cố quyền lực cho đảng cộng sản của ông Gorbachev. Vì thế, khi Gorbachev ra tranh cử tự do thì hai loại dân đều chê. (2) Yeltsin được sự ủng hộ của quảng đại quần chúng năm 1991 vì tuyên bố đặt đảng cộng sản ngoài vòng pháp luật. Cả 2 nhiệm kỳ tổng thống, ông Yeltsin luôn luôn nhắc nhở dân chúng về nguy cơ cộng sản. Tuy nhiên, lãnh tụ cộng sản không đủ khả năng để vực Cộng Hòa Liên Bang Nga thoát khỏi tình trạng trì trệ. (3) Quí ông Nguyễn Hộ, Trần Ðộ, Hà Sĩ Phu không ở vào địa vị lãnh đạo quyền lực như Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin. Chớ nên so sánh khập khểnh. Khi ông Ðộ ở cương vị Ủy viên Trung ương đảng, Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương đã không chịu đóng vai Yeltsin thì giờ đây chỉ là kiểu hô khẩu hiệu. Chúng ta không nên chết vì khẩu hiệu, chiêu bài.

 

Việt Nam đang cần Walesa hoặc Havel. Bởi vì (1) Việt Nam cũng là chư hầu của Nga Tàu giống như các quốc gia Ðông Âu. Hà Nội chỉ cóp nhặt nguyên văn đường lối, chủ trương, chính sách của Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh chứ không phải là kẻ xướng xuất. Mô hình đấu tranh của Ba Lan và Tiệp Khắc gần gũi với Việt Nam hơn. (2) Quí ông Lech Walesa và Vavlav Havel thuộc thành phần không-cộng-sản nên dễ dàng thu hút sự ủng hộ và niềm tin công khai hay bí mật của quảng đại quần chúng. Năm 1974, chàng công nhân Lech Walesa thành lập Công đoàn Ðoàn Kết Ba Lan để công khai chống lại sự lãnh đạo độc quyền của đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan (tức đảng Cộng Sản). Ông Walesa chỉ thương lượng đồng vai vế với Cộng Sản khi đủ lực lượng quần chúng, không hợp tác để cải thiện chính quyền. Vì thế, cho đến khi ngồi vào Hội nghị Bàn tròn năm 1989, Công đoàn Ðoàn Kết Ba Lan vẫn bị chính quyền Warsava đặt ra ngoài vòng pháp luật. Khi Công đoàn Ðoàn Kết Ba Lan đắc cử Hạ Viện, được mời giữ chức thủ tướng trong chế độ cộng sản đang hấp hối nhưng ông Walesa từ chối. Lật đổ chế độ cộng sản, loại đảng viên cộng sản ra khỏi vai trò lãnh đạo vẫn là chủ trương nhất quán của ông Walesa qua các cương lĩnh tranh cử tổng thống. Ông Havel không hợp tác với chính quyền Praha kể cả với chính phủ Cải cách Alesandr Ducek. Nhiều lần bị tù vì "chống chế độ" nhưng Havel vẫn không chịu bắt tay hoặc khuất phục cộng sản. (2) Các nhà đấu tranh cho dân chủ ở Ðông Âu không chờ giấy phép của Nhà nước mới thành lập Công Ðoàn hoặc xuất bản báo. Họ cứ sinh hoạt nghiệp đoàn công khai dù Nhà nước không-công-nhận. Họ in "báo chui" để dân đọc mặc cho công an lùng bắt. Việc làm sáng ngời chính nghĩa của họ đã thu hút được sự đồng tình ủng hộ của quần chúng và sự thán phục của nhân loại trong cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ. Phải xin Nhà nước tức là tự đặt vào vị trí bị kiểm soát hoặc các điều kiện hạn chế. (3) Quí ông Walesa và Havel không hề luyến tiếc quá khứ cộng sản khi bắt tay xây dựng chế độ dân chủ cùng nền kinh tế thị trường tự do bằng các biện pháp triệt để dù có mang lại chút ít đau đớn cho xã hội. Nhưng sau mấy năm, Ba Lan và Tiệp Khắc đã có nền tảng dân chủ vững chắc, nền kinh tế thị trường tự do; xã hội ổn định theo qui luật tự nhiên, kinh tế phát triển.

 

Khi kết tội Hồ Chí Minh và đồng bọn phản dân hại nước thì chúng ta không thể tán đồng những kẻ xưng tụng và tung hô Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam.

 

Khi nhận định sự bất lực triền miên của đảng viên cộng sản thì không thể tin vào đảng viên A làm hay hơn đảng viên B. Thế hệ Hồ Chí Minh, Trường Chinh Ðặng Xuân Khu, Phạm Văn Ðồng, Võ Nguyên Giáp.. theo Tây học, hiễu rõ chủ nghĩa tư bản nhưng vẫn đẩy Việt Nam vào gọng kìm Marx-Lenin. Thế hệ Lê Duẫn, Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười học theo Marx-Lenin bằng thực tế nên chỉ biết rập khuôn. Thế hệ Lê Khả Phiêu, Trần Ðức Lương, Phan Văn Khải được đào tạo trong hệ thống xã hội chủ nghĩa nên sự hiểu biết và tham vọng vẫn là chủ nghĩa xã hội biến tướng kiểu Trung Cộng. Không có căn bản nào để tin vào những trí thức xã hội chủ nghĩa. Ðiều này hoàn toàn hợp với luận lý lẫn kinh nghiệm thực tiễn.

 

Ðại Dương

 

ÐỪNG ÐI NƯỚC MẶN MÀ HÀ ĂN CHÂN (2)

(04/05/01 )

 

Kẻ nào không thuộc lịch sử sẽ gặp phải sai lầm tái diễn. Ý tưởng đó ai cũng biết, nhất là những người dính dáng đến hoạt động đấu tranh. Tiếc thay, chúng ta vô tình hay cố ý lãng quên khiến cho lịch sử có cơ lập lại.

 

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao cảnh thăng trầm. Nhưng, hào kiệt chẳng bao giờ thiếu. Từ khi Thực dân Pháp đặt chân lên xứ An Nam, bọn chúng đã phải đương đầu với biết bao nhiêu cuộc nổi dậy của người bản xứ thuộc nhiều tầng lớp khác nhau.

 

Tuy nhiên, công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc chỉ có tiếng vang trong khuôn viên nước Việt bởi hai lý do. (1) An Nam là một dãi đất xa xôi ít ai biết tới ngoại trừ mấy tay thực dân. Cuộc chiến chưa ở tầm mức quốc gia và quốc tế mà chỉ gói gọn giữa dân bản xứ và bọn thực dân. (2) Người Việt Nam thời ấy chưa đặt nặng công tác quốc tế vận. Nhiều lắm cũng chỉ quanh quẩn trong vùng Châu Á, đặc biệt là Trung Hoa và Nhật Bản. Cụ Phan Bội Châu vận động với Ðông Kinh (Nhật Bản) và Nam Kinh (Trung Hoa) trợ giúp Việt Nam đánh đuổi Thực dân Pháp. Nhưng, không chú trọng đến việc tuyên truyền cho hoạt động cách mạng đang diễn ra tại quốc nội. Hoặc thiếu sự phối hợp nhịp nhàng giữa quốc tế vận và hoạt động cụ thể ở Việt Nam. Cũng thế, trong cuộc Tây du, cụ Phan Chu Trinh vận động với chính phủ Pháp thực hiện cải cách dân chủ, đánh đổ quân chủ chuyên chế gây dân quyền. Cuộc vận động đó vẫn ít chú trọng đến phần quảng bá hoạt động ở trong nước. Cả hai chí sĩ yêu nước họ Phan đều không lấy quốc nội làm mặt trận chính trong công cuộc vận động tại ngoại quốc.

 

Cộng sản Việt Nam được sự yểm trợ và bảo bọc của Ðệ Tam Quốc Tế đã tung ra một cuộc vận động dư luận quốc tế rộng rãi.

 

Từ chỗ uy tín chưa có gì so với các đảng phái quốc gia, đảng Cộng sản Việt Nam đã được guồng máy tuyên truyền chuyên nghiệp của Quốc Tế 3 thổi phồng thành lực lượng kháng Pháp chính yếu tại Việt Nam.

 

Ðệ Tam Quốc Tế đã tập họp trí thức thiên tả tại Pháp để làm hạt nhân thành lập Hội Việt Kiều Yêu Nước. Vào lúc đó, thiên tả là thời trang của trí thức, nhất là tại nước Pháp. Họ chỉ biết cộng sản qua tài liệu do Quốc Tế 3 soạn thảo nhằm tuyên truyền cho lý tưởng cộng sản và hoạt động yêu nước của đảng viên cộng sản Việt Nam tại quốc nội.

 

Nhiều thành viên trong Hội Việt Kiều Yêu Nước đã vỡ mộng khi Cộng sản thống nhất xứ sở và tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hối hận cũng đã muộn rồi khi cộng sản có đủ nanh vuốt để xâu xé đất nước và dân tộc.

 

Chúng ta có thể tóm gọn tình hình hoạt động của người Việt trong giai đoạn lịch sử đó: Có rất nhiều đảng, tổ chức chính trị; giáo phái hoạt động chống Pháp bằng nhiều phương thức khác nhau. Ðảng phái quốc gia thiếu sách lược vận động dư luận hữu hiệu. Với sự bảo bọc và phương pháp tuyên truyền tinh vi của Ðệ Tam Quốc Tế, Cộng sản Việt Nam dần dần che khuất hoạt động của đảng phái quốc gia để nổi bật như đại diện cho lực lượng kháng Pháp. Hội Việt Kiều Yêu Nước tại Pháp đã thủ vai trò quan trọng trong công cuộc vận động dư luận quốc tế cũng như quốc nội công khai hoặc âm thầm thừa nhận vai trò lãnh đạo công cuộc kháng Pháp của đảng Cộng sản. Dư luận chỉ tỉnh mộng sau khi đảng Cộng sản thu giang sơn về một mối và hiện nguyên hình ác quỷ. Những đảng viên cộng sản từng hô hào độc lập dân tộc, tự do dân chủ, công bằng xã hội nay trở thành những nhà độc tài toàn trị.

 

Mô hình đó đang tái diễn trong sinh hoạt chính trị của người Việt Nam ở quốc nội cũng như hải ngoại hiện giờ.

 

Rất nhiều đảng phái tổ chức chính trị hoạt động chống Cộng liên tục kể từ khi đảng Cộng sản Việt Nam xuất hiện trong tiến trình lịch sử dân tộc. Họ chống Cộng bằng nhiều phương thức và phương tiện khác nhau. Kẻ chủ trương dùng vũ lực, người sử dụng phương thức bất-bạo-động. Lật đổ chế độ Cộng sản hiện hữu là mẫu số chung cho tất cả đảng phái chính trị, tổ chức quần chúng. Thiệt hại trong cuộc đấu tranh dai dẵng chẳng phải là ít lại càng trui rèn thêm ý chí sắt đá của toàn dân.

 

Tuy nhiên, mấy năm gần đây lại xuất hiện một vài đảng viên cộng sản cao cấp, cán bộ cách mạng đã về hưu hoặc bị đẩy ra ngoài guồng máy quyền lực bắt đầu hô hào tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền. Chiêu bài, khẩu hiệu của họ cũng rỗn rãng giống như những thứ mà Hồ Chí Minh và đồng bọn đã dùng. Ðược một số người Việt hải ngoại tung hô khiến cho tên tuổi những nhà "phản kháng" trở nên quen thuộc với dư luận.

 

Chúng ta chỉ chú trọng đến khẩu hiệu chiêu bài giương lên mà quên bẵng chủ trương nhất quán của họ: đảng Cộng sản tiếp tục lãnh đạo, đảng viên cộng sản và cán bộ cách mạng giữ vai trò tiền phong trong công cuộc đấu tranh (cũng giống như "khẳng định" của đảng Cộng sản về vai trò tiền phong của đảng cộng sản trong công cuộc giải phóng dân tộc).

 

Chiêu bài độc lập dân tộc, tự do dân chủ được Hồ Chí Minh và đồng bọn giương cao trước dư luận nhưng cương lĩnh chính trị của đảng Cộng sản vẫn là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lỗi do chúng ta thiếu tầm nhìn bao quát nên bị khẩu hiệu chiêu bài che lấp chủ trương thực sự của cộng sản. Bao nhiêu người biết được mưu đồ của cộng sản vào giữa thế kỷ 20? Hay ta chỉ biết khi lá bài đã lật ngửa báo hiệu tàn cuộc.

 

Hồ Chí Minh từng tuyên bố giải tán đảng Cộng sản hầu đánh lừa dư luận. Nhưng, nhất quyết không để mất vai trò lãnh đạo của đảng viên Cộng sản như Hồ, Chinh, Ðồng, Giáp.. Nắm quyền trong tay, họ có thể xoay chuyển lịch sử một cách dễ dàng.

 

Thành phần "phản kháng" xuất thân từ đảng Cộng sản đang hô hào bỏ con đường xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn giữ sự lãnh đạo lại cho đảng Cộng sản và vai trò tiền phong cho cán bộ cách mạng (tức cộng sản). Có gì bảo đảm rằng họ không noi gương Hồ Chí Minh, nhất là lúc nào thành phần "phản kháng" cũng không ngớt lời ca tụng và kêu gọi học hỏi theo gương họ Hồ?

 

Kinh nghiệm thương đau còn quá mới mẽ, sao lại nỡ quên?

 

 Ðại Dương